Menu Close

Gia đình một nhà thơ

Mái Ấm kỳ này, xin kể về  đời sống của gia đình một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm: Hữu Loan. Xin các bạn cùng đọc câu chuyện kể để suy gẫm về sự tàn ác của một chế độ,

đồng thời cảm phục đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam và nền nếp của một gia đình cổ xưa.

Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng Màu Tím Hoa Sim, từng bị nhà cầm quyền Cộng Sản đày đọa trong nhiều năm vì chống đối Đảng. Bài MTHS làm sau cái chết của bà vợ tác giả là Lê Đỗ Thị Ninh (Bà chết đuối năm 16 tuổi). Cái chết của người vợ trẻ khiến tác giả xúc động, đau đớn, và bài thơ MTHS có những câu nói lên nỗi xót thương sâu sắc của Hữu Loan: Chiếc bình hoa ngày cưới / thành bình hương / tàn lạnh vây quanh… Nhiều năm sau cái chết của bà Lê Đỗ Thị Ninh, Hữu Loan gặp người con gái thứ hai, một thôn nữ quê mùa, chất phác nhưng lại yêu văn thơ, mê Kiều. Cô gái hàng ngày lấp ló ngoài khung cửa nghe ông giảng Kiều, ngâm Kiều ấy chính là bà Phạm Thị Nhu, người trở thành bạn đời ông cho đến nay.

 

 

web_magd_664.jpg
Tranh: Bảo Huân

 

 

“Bà ấy ít nói, hay làm. Biết vợ khổ nhưng tôi cũng đâu có cách nào. Sống phải giữ lấy nhân cách, phải giữ được lòng tự trọng, tôi không bao giờ thỏa hiệp với cái ác xấu và cũng không bao giờ bán rẻ lương tâm. Nếu tôi làm điều đó, chắc gì bà ấy còn ở với tôi đến giờ cho dù có thể tôi đã làm ông này bà nọ, hay được hưởng vinh hoa phú quý”, nhà thơ nói, giọng vẫn vang vang, đôi mắt sáng như rọi chiếu vào những tăm tối để đẩy lùi bóng đêm thăm thẳm những khổ nhục mà gia đình ông đã trải qua. “Bà ấy tuy chỉ là một người chân quê, nhưng sự nhẫn nhục, đức hy sinh thì ít ai sánh bằng. Khổ thế mà bà vẫn nuôi được mười đứa con cho tôi với đủ nghề buôn thúng bán bưng. Ai hỏi tôi sao sinh nhiều con thế, tôi bảo: “Sinh nhiều để chúng nó về phe mình chứ!”, ông vừa nói vừa cười.

Được hỏi, tại sao ông viết về bà như thế này: Em gái quê si tình/ Chưa bao giờ được yêu đương trọn vẹn…? Hữu Loan trả lời: Vì lấy tôi là bà ấy khổ ngay. Vừa sinh con, vừa chăm chồng lại vừa chịu đựng những ngày chồng tù đày, oan khuất. Có ai khổ như bà ấy đâu? Đến khi tôi 90, bà ấy cũng gần 80 tuổi, con cái đã lấy chồng lấy vợ hết, mới bớt khổ thì còn sức đâu mà yêu đương nữa? Nói đến đây, ông lại cười, liếc mắt nhìn vợ. Nụ cười của ông không trọn vẹn cũng như tình yêu của bà chưa bao giờ được trọn vẹn. Vậy mà bà vẫn cùng ông mấy mươi năm cuộc đời, không chút oán thán.
“Các con của chúng tôi nếu không khổ quá, chắc cũng có đứa làm được thơ hay như ông ấy”, bà nói. Mười người con trai con gái của ông đều được học, nếu không đến trường thì ở nhà ông dạy. Tuy nhiên cũng vì quá nghèo, có thời gian một số người con phải ở nhà phụ cha mẹ, không có được môi trường giáo dục tốt như ông ngày xưa. Trong số những người con ấy, hiện có ba anh chị tương đối khá giả, sống ở Hà Nội, mỗi tháng vẫn gửi tiền về cho cha mẹ, các anh chị còn lại thì sống quanh đấy, cắt cử nhau mỗi tuần một gia đình ở cùng cha mẹ để lo cho cha già yếu không đi lại được. Người mẹ bị ngã gãy chân từ năm 2008, giờ đi lại được rồi nhưng không còn hoạt bát như trước. “Cách đây ba năm tôi vẫn còn bán bánh cuốn, bánh cuốn nhà tôi nổi tiếng vùng này, ai đến mà hỏi bánh cuốn nhà bà Tú Loan ai cũng biết. Loan là tên chồng tôi, tú là ông ấy đỗ tú tài, dân ở đây gọi ông ấy là ông Tú Loan. Có người đi hỏi con trai, đặt cho gia đình sui gia mười ký bánh cuốn để làm quen, sau này ông sui ấy sang tận làng Vân Hoàn tìm tôi để cảm ơn vì ăn bánh ngon quá, rồi đặt tiếp”. Bà lại quay sang nói chuyện các con, “Con dâu tôi bây giờ cũng thảo lắm, có gì ngon lại đem sang cho mẹ, nhưng mà nói thật vẫn không đảm đang như chúng tôi ngày xưa. Nhà cửa chúng nó có lúc tôi sang thăm, thấy bừa bộn lắm, phải xắn tay lên dọn. Nhắc mà chúng nó vẫn thế, có khi như thế mà khiến cho chồng nó mệt mỏi giảm sức lực lao động nên nhà cứ nghèo mãi, không khá lên được”. Bà suy luận tưởng đơn giản, nghe hài hước nhưng thực ra đúng là những gì bà đã trải qua, cùng chia sẻ với người chồng thơ với cuộc đời đầy những biến động bi kịch, khiến người ta nghĩ bà đã sống bằng mấy cuộc đời gộp lại, làm việc bằng mấy người gộp lại và sức chịu đựng cũng bằng mấy người gộp lại mới có thể cùng ông đi suốt cuộc đời.

Angelina Nguyễn
(theo Hồ Trần)