Mái ấm gia đình không chấp nhận sự ích kỷ. Ở quê nhà hay bên đây cũng vậy.
Không thể nào ông chồng đi làm về, chỉ đóng vai “củ khoai trên ghế sô pha” (couch potato), mắt dán vào màn ảnh truyền hình, với chai bia bên cạnh, ngoài ra không thèm biết
đến điều gì trong nhà.
Cũng vậy, mái ấm gia đình không chấp nhận người vợ suốt ngày “nấu cháo điện thoại” hoặc xem phim bộ và miệt mài shopping, mà không lo chăm sóc con cái và bữa ăn hàng ngày cho mọi người.

Để xây dựng một mái ấm, các thành viên trong gia đình cần phải biết thông cảm và chia sẻ với nhau trong công việc cũng như niềm vui nỗi buồn hàng ngày. Chẳng hạn, người chồng có thể giúp vợ trong việc rửa chén bát, lau chùi bếp núc, cùng vợ đi chợ mua thực phẩm, cắt cỏ ở sân và trồng hoa trong vườn. Có một người chồng biết thông cảm và chia sẻ như thế, người vợ sẽ cảm thấy vô cùng an ủi và vui sướng. Ngược lại, người vợ ngoài việc lo bữa ăn mỗi ngày, còn có thể giúp chồng trong công việc: tìm tài liệu trên net, đánh máy các thư từ văn kiện, cùng chồng đi giao tiếp và giải quyết những khó khăn… Nếu chồng cần tham vấn điều gì, người vợ có thể giúp ý kiến hoặc tìm kiếm thông tin hỗ trợ. Trong khi đó, những đứa con trong gia đình tới một tuổi nào đó, lúc lên năm lên bảy chẳng hạn, có thể giúp bố xếp dọn đồ đạc trong nhà hoặc quét lau phòng làm việc. Các cháu cũng có thể giúp mẹ bày bàn ăn và dọn bàn sau khi gia đình dùng bữa xong. Còn cha mẹ tất nhiên hết lòng nuôi dạy con, giúp con trong việc học, tham gia các trò giải trí và cùng con dự các sinh hoạt ở nhà trường. Ngay cả ông bà đã lớn tuổi cũng có thể thỉnh thoảng trông các bé hộ cha mẹ chúng và kể chuyện cũng như chơi đùa với con trẻ.
Những sinh hoạt như thế chắc chắn sẽ tạo tiếng cười trong gia đình và thắt chặt tình thân của mọi thành viên dưới cùng một mái nhà.
Angelina Nguyễn