Menu Close

Lời mẹ ru vẫn còn

Lời ru của mẹ, của bà… là những gì quý giá mà chúng ta đã có được. Nó là văn, là nhạc trong đời sống. Trong bài trước, chúng tôi có viết: “Chúng tôi lớn lên từ những lời ru ấy. Nó

nuôi dưỡng tình yêu cha mẹ, anh em, và tình yêu đất nước sau này. Và đôi khi tôi tự hỏi phải chăng lời mẹ ru con đã tắt trong những gia đình Việt Nam ở trong nước và ở hải ngoại này?”

 

 

web_magd_669.jpg
Tranh: Bảo Huân

 

Hôm nay, chúng tôi xin thưa rằng nó không tắt, thỉnh thoảng chúng ta còn nghe vang lên ở đâu đó. Vừa mới đây thôi, chúng tôi đọc thấy trên một trang web trong nước (VNExpress?) bài viết sau đây của một độc giả ký tên Đông Nghi:

“Cách đây một tuần, độ 9 giờ tối, tôi giật nảy mình như bị điện giật khi nghe một tiếng ru êm ái, thấm đẫm tình mẫu tử (nghe như tiếng mẹ tôi xưa) cất lên từ sau nhà mình: “À… ơi… Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/…”. Trời ơi, giữa chốn thế nhân ô trọc này, giữa những bà mẹ trẻ ru con như hét này, ở đâu ra một người đàn bà hát Kiều ru con? Mà giọng ấy trẻ, nhất định mẹ ru con, không phải bà ru cháu.

Từ đó, đêm nào tôi cũng được nghe hát Kiều ru con, mỗi ngày một đoạn, có khi tùy hứng, có khi đoạn này nối tiếp đoạn kia, khoảng mươi, mười lăm phút thì dừng… Đâm ra như nghiện, đêm nào cũng lóng tai chờ nghe tiếng ru. Trưa thứ bảy tuần rồi, tiếng ru êm ái đó lại cất lên. Tôi tò mò hết chịu nổi, lân la tìm đường qua làm quen.

Thì ra căn nhà sau nhà tôi đổi chủ mà tôi không biết. Người mới dọn đến là hai vợ chồng không quá trẻ. Chồng kinh doanh, vợ làm công ty nước ngoài, có chức vụ hẳn hoi. Bất ngờ là hai đứa con mà chị vẫn hát ru chúng ngủ đã lớn ầm, đứa con gái 9 tuổi, đứa con trai 6 tuổi. Chị kể, do con chị được nghe chị hát ru từ thuở mới lọt lòng nên đâm ra nghiện, không nghe giọng mẹ hát không ngủ được. Sau con lớn quá, chị lại biến giờ hát ru thành ra như giờ dạy thơ cho con. Chị chọn những bài thơ có vần có điệu hay, hát đi hát lại cho con nghe nhiều đêm, đến khi con thuộc chị lại chuyển qua bài khác, đoạn khác. Chị cũng chọn thêm những bài thơ mới từ báo, từ sách để hát ru con. Chị bảo với cách hát của mình, chị đã ru con từ Truyện Kiều đến Chinh phụ ngâm, thậm chí cả Đường thi và nhiều tác giả khác. Chị nói ngay cả bản phiên âm thơ chữ Hán, ru con nghe lại càng hay, càng nghiện. Và nhờ chục năm qua nghe mẹ hát ru này mà con chị thuộc rất nhiều thơ, toàn những bài thơ vào hàng tuyệt bút.

Con gái chị còn khoe với tôi: “Ba con cũng thích nghe mẹ con ru lắm. Bữa nào cũng nằm sắp hàng với tụi con nghe mẹ hát ru”. Chị cười xác nhận, nói anh chồng chị đã thành tật, đi đâu, bận mấy trước 9 giờ tối cũng ráng chạy kịp về nhà để nghe vợ… hát ru. Tôi nghĩ bụng đến tôi đây là hàng xóm, nghe mới chưa tròn tháng mà cũng đã nghiện, huống gì…

Lại nghĩ, mấy chị mẹ trẻ xóm tôi, giá mà cũng có được giọng hát ru này, kiểu hát ru này của cô, thì không chỉ ru được con, mà còn ru được cả chồng lẫn bà con hàng xóm!”

Như vậy, lời mẹ ru vẫn còn. Xin được tiếp tục trong một kỳ khác. 

Angelina Nguyễn