Tiểu đường là gì?
Tiểu đường là bệnh có quá nhiều đường (gọi là glucose) trong máu. Dần dà, nếu không kiềm chế được, tiểu đường có thể đưa tới những hậu quả trầm trọng khác, như bệnh tim mạch, đột quỵ và mù loà.
Tiểu đường không thể chữa lành, nhưng có thể kiềm chế được.
Thế nào là tiểu đường loại 2
(type 2 diabete)?
Có nhiều loại tiểu đường nhưng loại 2 là thông dụng nhất, và thường những người cân nặng quá mức dễ mắc hơn.
Sau khi ăn, thực phẩm biến thành glucose, được máu đưa vào các bộ phận trong cơ thể, vì thân thể cần có glucose để tạo thành năng lượng.
Khi bị tiểu đường, chúng ta gặp trở ngại trong việc biến glucose thành năng lượng. Thay vì được thân thể sử dụng, glucose tích tụ trong máu, trong khi đó thân thể ta lại thiếu năng lượng.
Thế nào là tiền tiểu đường
(pre-diabete)?
Đây là giai đoạn mức glucose trong máu cao hơn bình thường, có nguy cơ dẫn đến các vấn đề trầm trọng hơn, như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và đột quỵ.
Nguy cơ bị tiểu đường
Bạn có nguy cơ, nếu:
– Quá nặng cân
– Kém hoạt động (tập thể dục ít hơn 3 lần một tuần)
– Trên 45 tuổi
– Cao huyết áp hoặc cao cholesterol
– Là người Mỹ gốc Phi châu, Latino, thổ dân da đỏ, thổ dân Alaska, người Mỹ gốc Á châu hoặc các đảo Thái bình dương.
– Có cha mẹ, anh chị em bị tiểu đường
Các dấu hiệu bệnh tiểu đường
Nhiều người bệnh không biết mình bị tiểu đường. Sau đây là các dấu hiệu:
– Khát nước nhiều, đói bụng nhiều
– Mệt mỏi không nguyên cớ
– Đi tiểu nhiều lần hơn bình thường
– Sụt cân không nguyên cớ
– Có những chỗ sưng lâu lành
– Mắt nhìn sự vật không rõ
– Mất cảm giác hoặc thấy ngứa râm ran ở tay hoặc chân
Không phải ai bị tiểu đường cũng có những triệu chứng nói trên, nhưng nếu thấy có một số dấu hiệu hoặc nghĩ mình có nguy cơ mắc bệnh, nên xin thử máu cho biết.
Thực hành
Xin theo những bước sau đây để ngăn ngừa hoặc làm chậm phát triển tiểu đường loại 2:
1. Ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn:
– Kiểm soát được trọng lượng thân thể
– Hạ thấp áp huyết
– Hạ thấp mức cholesterol
– Ngăn hoặc làm chậm phát triển bệnh tiểu đường
Nên lựa những thức ăn ít mỡ, muối và cholesterol
2. Hoạt động
Tập thể dục không quá mạnh ít nhất 2 tiếng rưỡi mỗi tuần (như đi bộ nhanh, chạy xe đạp…)
3. Coi chừng cân nặng
Nghiên cứu cho thấy giảm trọng lượng thân thể 7% cũng có thể hạ thấp nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2.
4. Kiểm tra huyết áp và cholesterol
– Kể từ năm 18 tuổi, nên kiểm tra huyết áp ít nhất hai năm một lần. Trên 40 tuổi, cần kiểm tra thường xuyên hơn.
– Kiểm tra mức cholesterol ít nhất 5 năm một lần
Chi phí
Luật mới ACA (Affordable Care Act) trả chi phí cho các dịch vụ liên quan đến tiểu đường như:
– Thử nghiệm tìm tiểu đường cho người lớn có áp huyết cao.
– Tham vấn về ăn kiêng cho người lớn có nguy cơ mắc những bệnh kinh niên.
Tùy theo chương trình bảo hiểm, bạn cũng có thể được chi trả cho những dịch vụ nói trên.
Triệu Minh
(Theo healthfinder.gov)