Menu Close

Ung thư nơi người trên 50 tuổi – Kỳ 1

Ở tuổi nào cũng có thể bị ung thư, nhưng nguy cơ càng cao hơn khi lớn tuổi. Ngày nay, với những tiến bộ của y khoa, con số người bị ung thư và tử vong vì ung thư đang hạ xuống và cơ may chữa lành bệnh cũng khả quan hơn trước.

pic

Ung thư là gì?


Có nhiều loại ung thư nhưng tất cả đều bắt đầu bằng trường hợp các tế bào trong một phần thân thể nào đó trở nên bất thường và tạo thêm nhiều hơn. Những tế bào thặng dư này làm thành một khối các mô gọi là growth hoặc tumor (cục u). Nếu cục u lớn dần, nó làm đau các tế bào và cơ quan kế cận. Tế bào ung thư cũng có thể tách ra và lan sang các bộ phận khác của thân thể.

Nếu khám phá sớm, thì sự điều trị có thể có hiệu lực. Điều trị sớm thường làm cục u co lại hoặc bị phá hủy, không lớn thêm, không lan truyền. Do đó, đi khám nghiệm theo định kỳ và biết các triệu chứng là điều cần thiết.

Các triệu chứng nên lưu ý


– Một chỗ sưng hoặc dày lên ở ngực hay bộ phận khác của thân thể

– Một nốt ruồi mới hoặc thay đổi nơi nốt ruồi đã có

– Một chỗ sưng không lành

– Khản giọng hoặc ho không dứt

– Thay đổi về thói quen tiểu tiện, đại tiện

– Khó chịu sau khi ăn

– Khó khăn khi nuốt thức ăn

– Lên cân hoặc mất cân không rõ lý do

– Chảy máu hoặc ra huyết bất thường

– Cảm thấy yếu ớt hoặc rất mệt mỏi.

Không phải khi có những triệu chứng này là mắc phải ung thư. Chúng có thể gây ra do các cục u hiền (benign tumors) không gây ra ung thư hoặc các vấn đề khác về sức khỏe. Nhưng nếu có những triệu chứng đó hoặc có những thay đổi, nên đến xin bác sĩ khám. Đừng đợi đến khi thấy đau, vì trong những giai đoạn đầu, ung thư thường không gây đau đớn.

Nên xét nghiệm những gì?

Điều quan trọng là xét nghiệm định kỳ trước khi xảy ra căn bệnh. Xét nghiệm ung thư khi chưa có triệu chứng được gọi là screening, gồm có khám sức khỏe, thử nghiệm hoặc soi chiếu các cơ quan nội tạng.

Dưới đây là các screening tests để tìm ra ung thư nếu bạn trên 50 tuổi:

1. Ung thư vú:

– Khám ngực (clinical breast exam) và nách xem có chỗ u hoặc các thay đổi có thể là dấu hiệu ung thư vú.

– Chụp quang tuyến ngực (mammogram) để thấy được những ung thư còn quá nhỏ, bệnh nhân và bác sĩ chưa cảm nhận được. Phụ nữ trên 50 nên làm mammogram mỗi năm hoặc mỗi hai năm.

2. Ung thư cổ tử cung (cervical cancer):

– Thử Pap (pap test, pap smear): Bác sĩ lấy một ít tế bào từ cổ tử cung và âm hộ, gửi đến phòng thí nghiệm để coi có bất thường hay không. Phụ nữ nên làm pap test mỗi ba năm, cho đến năm 65 tuổi.

Ung thư cổ tử cung gây ra bởi một loại virus gọi là human papilloma virus (HPV) có thể ở trong cơ thể nhiều năm. Đôi khi bác sĩ cũng yêu cầu thử nghiệm về HPV.

– Khám vùng chậu (pelvic exam): bác sĩ khám tử cung, âm hộ, buồng trứng, và trực tràng xem có thay đổi nào về hình dạng và kích thước hay không. Dụng cụ khám gọi là mỏ vịt (speculum).

Triệu Minh
Kỳ sau: Ung thư ruột, miệng và cổ họng, tuyến tiền liệt