Menu Close

Ung thư nơi người trên 50 tuổi – Kỳ 2

3. Ung thư ruột (colorectal cancer):

– Thử phân (fecal occult blood test): mẫu phân được đặt vào một tấm bìa cứng và gửi về phòng thí nghiệm để tìm xem

trong phân có máu hay không, tức là dấu hiệu có thể bị ung thư. Từ 50 đến 80 tuổi nên thử nghiệm mỗi năm hay mỗi hai năm. Đa số các trường hợp ung thư ruột là ở những người trên 50.

–  Soi ruột (sigmoidoscopy): bác sĩ dùng một ống nhỏ mềm dẻo và có đèn để nhìn trong phần dưới ruột và trực tràng (rectum) xem những mụt hoặc khu vực bất thường. Nên soi ruột mỗi 5 năm.

Colonoscopy cũng giống như sigmoidoscopy, nhưng là soi toàn bộ ruột kết (ruột già). Cũng nên soi mỗi 5 năm hoặc 10 năm.

pic

4. Ung thư miệng và cổ họng

– Khám miệng (oral exam): bác sĩ khám môi, lưỡi, miệng và cuống họng xem có gì thay đổi bất thường, để tìm dấu hiệu ung thư.

5. Ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer)

– Khám trực tràng (digital rectal exam): Bác sĩ cho ngón tay trỏ vào trực tràng để rờ nắn tuyến tiền liệt qua thành của trực tràng. Nếu thấy có những chỗ cứng hoặc u lên, có thể đó là dấu hiệu ung thư. Đây là bệnh ung thư phổ biến nơi người Mỹ trên 65 tuổi.

– Thử PSA (Prostate Specific Antigen test): Đo số lượng PSA trong máu, nếu cao hơn trung bình, có thể là dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt.

6. Ung thư da

– Khám da (skin exam): Khám da định kỳ có thể tìm ra chứng ung thư da là hình thức ung thư rất thường xảy ra hiện nay tại Mỹ.

7. Kết quả screening test:

Dù kết quả thấy có những thay đổi bất thuờng sau khi làm screening test, chưa chắc là bạn đã bị ung thư, mà cần làm thêm các thử nghiệm khác, đặc biệt là biopsy: một miếng mô được lấy từ chỗ bất thường đó và nhìn qua kiếng hiển vi để tìm ra các tế bào ung thư.  

Chữa trị ung thư ra sao?

Tùy theo loại ung thư, có nhiều cách chữa trị khác nhau, gồm có: giải phẫu (surgery), xạ trị (radiation therapy), hóa trị (chemotherapy) và chữa trị sinh học (biological therapy). Loại sau cùng này có thứ giúp cơ thể tự phòng chống và tiêu diệt các tế bào ung thư, có thứ ngăn chặn bên trong hoặc chung quanh tế bào ung thư để chúng chết hoặc ngưng phát triển.

Ung thư ngừa được không?

2/3 các trường hợp ung thư liên hệ đến những gì chúng ta có thể kiểm soát được, những gì chúng ta ăn uống hoặc tiếp xúc. Do đó, có thể hạ thấp nguy cơ bị ung thư bằng:

– Đừng hút thuốc lá hoặc hít thở khói thuốc lá

– Tránh phỏng nắng: quá nhiều bức xạ cực tím từ mặt trời và các nguồn khác (như sunlamps, tanning booths) làm hại da và có thể gây ung thư

– Ăn uống lành mạnh: Bớt đồ ăn béo, ăn nhiều chất xơ, rau trái

– Giảm cân: Người mập phì dễ bị ung thư tuyến tiền liệt, tuỵ tạng, tử cung, ruột và buồng trứng, ung thư vú.

– Hoạt động thể dục: làm giảm nguy cơ ung thư vú và ruột.

– Uống rượu vừa phải: 2 drinks một ngày. Uống quá nhiều dễ bị ung thư miệng, cuống họng, khí quản và thanh quản.

– Tránh tiếp xúc với các hoá chất độc hại.

Triệu Minh