Hai tuần nữa đến lễ Giáng Sinh. Hai chục ngày nữa đến festival hoa Đà Lạt. Một tháng nữa đến Tết ta… Ba lễ hội lớn nối đuôi nhau vào cuối năm khiến không khí thành phố Đà Lạt nóng hẳn, bất chấp cái lạnh bên ngoài đang ở mức 15 độ C. Nhà vườn thôi trồng rau, quay sang trồng hoa phục vụ festival khiến bắp cải, cải thảo, cà rốt, salad trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Khách sạn, xe cộ, quán ăn đồng loạt tăng giá. Người già, phụ nữ đan len, thêu tranh, bán hoa tươi, đồ lưu niệm. Nam giới khắc gỗ, cho thuê xe, chụp ảnh. Trẻ em bán dạo… Có vẻ như người Đà Lạt ai cũng nhân festival hoa hai năm tổ chức một lần ở thành phố mình để kiếm thêm tiền.

Từ Sài Gòn lên Đà Lạt, dọc quốc lộ 20 dài 300 cây số đâu cũng đất đỏ, trang trại chè, cà phê, bắp, chuối xanh tốt. Đặc biệt, ở thời điểm này, khi cà phê đang vào mùa thu hoạch, tất cả những khoảng trống ven đường đều thành sân phơi cà phê. Xe qua thị xã Bảo Lộc, huyện Di Linh – Lâm Đồng như đi duyệt binh giữa hai hàng cà phê tươi, cà phê khô san sát. Tại đấy người dân vẫn bình thản với công việc hàng ngày. Hỏi chuyện một phụ nữ đang tuốt cà phê thoăn thoắt. Chiếc gùi sau lưng chị chứa nhiều cà phê xanh hơn cà phê chín đỏ. Chị nói không có đất, chỉ đi hái thuê theo thời vụ với tiền công hai trăm ngàn đồng một ngày, cơm nước tự lo. Khi được hỏi về thú nhâm nhi cà phê buổi sáng, chồng chị, có vẻ là người dân tộc thiểu số, vẻ thật thà, nói chỉ biết hái cà phê, trồng cà phê, bán cà phê thôi, không biết uống cà phê. Đắng lắm!
Ở huyện Tân Phú – Đồng Nai, một thanh niên đang cần mẫn trang (cào cho bằng) cà phê trên sân nhà vui vẻ nói gọn “Được mùa. Được giá”. Theo anh, các huyện lân cận như Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Khánh cũng đều “như rứa”. Năm nay khi cà phê ra hoa trời nắng tốt, không có mưa trái vụ nên tỷ lệ đậu trái cao, một hecta có thể cho 2 tấn hạt. Với thời giá hiện nay, 40,000 đồng một ký cà phê nhân, trừ hết chi phí, trung bình có thể thu lợi nhuận từ 30 triệu đến 50 triệu đồng trên một hecta cà phê. Nếu giá phân bón, thuốc sâu, xăng dầu không tăng 40% so với năm trước, mức lãi không chỉ có bấy nhiêu. Nghe hỏi về thú nhâm nhi cà phê cây nhà lá vườn buổi sáng, anh “Tân Phú” trả lời vừa có vừa không- Có là có uống cà phê ngoài quán. Không là không uống cà phê hái và chế biến tại vườn nhà. Chẳng phải hà tiện hay tiếc của mà tại quá trình biến hột cà phê từ khi mới hái tới khi thành chất bột đen đắng, thơm thơm, sẵn sàng cho vào phin chế nước sôi là cả một chuỗi giai đoạn đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và máy móc hỗ trợ. Tay mơ không làm nổi. Đại khái cà phê tươi cho vào máy tách vỏ ngoài (không tách được lớp vỏ lụa bên trong), xong cho vào bể đậy bao tải lên trên, ủ ở nhiệt độ từ 35 độ đến 40 độ từ nửa ngày tới ngày rưỡi để lớp vỏ lụa lên men, hóa nhầy.
Sau đó rửa hết chất nhầy bám quanh hột cà phê rồi đem sấy hoặc phơi khô. Canh ẩm độ trong hạt không quá 13% là có thể thôi phơi sấy (không có dụng cụ đo thử, có thể xác định thời điểm ngừng phơi bằng cách cắn thử vài hột. Nếu…gẫy răng là được)…
Mới chỉ nghe bóc vỏ, phơi sấy đã thấy nhiêu khê, chưa nói tới tẩm ướp, rang xay. Hèn chi, hơn 90% người trồng cà phê có muốn cũng không thể uống cà phê do chính mình trồng.
Lo và sợ
Niềm vui được mùa được giá có lẽ chỉ dừng lại với người trực tiếp làm ra hạt cà phê. Còn với nhà chế biến xuất cảng cà phê, họ rất lo âu căng thẳng. Trên các phương tiện truyền thông, sự lo lắng đó được phơi bày qua vụ thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột, cà phê Đắc Lắc bị nước ngoài “xí lộn”. Cụ thể là thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột bị công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee đăng ký tại Quảng Châu – Quảng Đông (nhãn hiệu “Buon Ma Thuot & chữ Tàu” đăng ký năm 2010, nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee 1896 & logo”đăng ký năm 2011. Hiện công ty này đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm ở Trung Quốc. Tương tự hành vi “cầm nhầm” tên thủ phủ cà phê Việt Nam của Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee, công ty Itm Entreprise (Société Anonyme) của Pháp cũng đăng ký độc quyền nhãn hiệu Đăk Lăk dưới tên của mình. Chứng nhận do cơ quan sở hữu trí tuệ Pháp cấp từ năm 1997, được đăng ký bảo hộ ở 10 nước khác…. Khi vụ việc được công ty luật Bross & Partners, là công ty đang hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và đại diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, phát hiện và lên tiếng cảnh báo, người tiêu dùng trong nước phẫn nộ vì hành vi chơi xấu của nước ngoài.

Theo thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ, hiện có trên 800 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống của nước ta nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới nhưng mới chỉ có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho sản phẩm ở cấp độ quốc nội, nghĩa là nếu các doanh nghiệp ở ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam có nhu cầu “mượn tạm” vẫn mượn được như thường. Bằng chứng, nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, thuốc lá Vinataba trong quá khứ từng bị các doanh nhân Trung Quốc “mượn”. Ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho rằng trách nhiệm đăng ký thương hiệu trước tiên phải do doanh nghiệp tự thực hiện. Tuy nhiên, với cà phê Ban Mê Thuột nói riêng, các chỉ dẫn địa lý mặt hàng nông sản nói chung, thường là nhiều doanh nghiệp, hàng ngàn nông dân cùng sử dụng. Vì vậy, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam với tư cách là đại diện chung cho các doanh nghiệp và người sản xuất cà phê nên đứng ra liên kết các doanh nghiệp để đòi lại thương hiệu. Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Đăk Lăk đều thuộc tỉnh Đắc Lắc, vì vậy tỉnh Đắc Lắc nên đứng ra chủ trì việc kiện đòi lại những thương hiệu này.

Không khéo thua trên sân nhà
Những thông tin trên cho thấy ba “nhà”- nhà nông, nhà xuất khẩu, nhà nước Việt Nam còn quá lơ là trong việc bảo vệ thành quả mồ hôi nước mắt của mình. Người trồng cà phê chỉ biết trồng. Sản phẩm bán được giá là mừng. Còn đem đi đâu, chế biến thế nào, mang nhãn hiệu nào, không quan trọng. Người thu mua cũng chỉ lo gom cà phê giao cho mối. Mối là người Việt Nam, người Trung Quốc đều ưu tiên như nhau, nếu tiền trả bằng nhau. Với nhà chế biến xuất cảng cà phê, việc bị Trung Quốc và Pháp lấy “râu nọ cắm cằm kia” trước mắt chưa đáng lo. Vì Trung Quốc cấm cửa cà phê Ban Ma Thuột. Pháp và 10 nước khác cấm cửa cà phê Đăk Lăk, Việt Nam vẫn còn 60 “cửa” của 60 nước bạn hàng khác. Chuyện đáng lo hơn thế, là chuyện thiếu tiền mặt, để “mấy thằng Tầu” thừa dịp lộng hành mua tranh bán cướp. Chủ tịch Câu lạc bộ G20, ông Đỗ Nam Hải xác nhận, giá cà phê hiện cao nhất trong 15 năm qua, nhưng do thiếu vốn nên các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu mua xuất khẩu được 30- 35% kế hoạch niên vụ 2010- 2011. Ngược lại, các doanh nghiệp ngoại đã thu mua được hàng trăm ngàn tấn cà phê.
Tại Đắc Lắc, các kho ngoại quan có khoảng 260.000 tấn thì đều thuộc các công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các kho nội quan mà doanh nghiệp nước ngoài thuê cũng đang trữ khoảng 50.000- 100.000 tấn. Ông Đào Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Công Ty Hoa Đào, chuyên kinh doanh cà phê, có chi nhánh tại Đắc Lắc giải thích thêm, doanh nghiệp nước ngoài có thực lực về vốn, lại có ưu thế về đồng USD bởi tỉ giá của Việt Nam vừa nâng thêm trên 9% . Họ được vay ngoại tệ lãi suất 5% so với lãi suất 18-20% vay nội tệ mà các doanh nghiệp Việt Nam đang vay, nên “ngoại” chắc chắn sẽ bức tử “nội”.
Hiện tại, hoạt động thu hái, sơ chế cà phê đang diễn ra tấp nập ở Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ với nhiều thuận lợi về thời tiết, sản lượng.
Một chủ cơ sở thu mua cà phê nhẩm tính, xong mùa thu hái cà phê, không tính giới chủ trang trại, giới thu mua chế biến, chỉ tính dân tuốt cà phê, mót cà phê, sơ sơ mỗi người cũng vài chục triệu bỏ túi. Vì thế, họ sắm sửa chi tiêu rất mạnh.
Khi bài này đến tay bạn đọc, Ban Mê Thuột, thủ phủ cà phê Việt Nam, với sản lượng gần 200,000 tấn/năm, đang tất bật lo hoàn tất thủ tục kiện công ty Trung Quốc đòi lại thương hiệu. Thời gian theo kiện có thể mất từ hai tới ba năm. Chi phí, tạm dự tính là 30,000 đôla. Tốn thời gian, tốn tiền, tốn công sức, nói chung là tốn đủ thứ nhưng vẫn cứ phải kiện, coi như bỏ tiền đóng học phí mua lấy bài học đau thương về chuyện mất bò mới lo làm chuồng… trâu.

Xem ra, tiếng là được mùa nhưng cà phê Tây Nguyên nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung vẫn lo nhiều hơn vui. Quanh vấn đề Ban Mê Thuột bị cầm nhầm thương hiệu, nhiều tỉnh thành và các thương hiệu “trót lỡ” nổi tiếng khác bắt đầu chột dạ lo âu. Vì biết đâu bây giờ là cà phê Buôn Mê Thuột, ngày mai chả tới phiên nước mắm Phú Quốc, chè Thái Nguyên, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, vải thiều Lục Ngạn… Lúc đó biết làm sao!