Lời tác giả: Burmar hay Myanmar (Miến Điện), Rangoon hay Yangon (Ngưỡng Quang), Irrawaddy hay Ayeyarwaddy (sông Voi), Pin Oo Lwin hay May Myo (Phố Mây), những địa danh cũ và mới của Miến Điện vẫn chưa được thống nhất cả bên trong và bên ngoài đất nước có hàng vạn chùa tháp, trên một trăm sắc dân, và đời sống còn khép kín cả về tâm tư cùng địa lý.
Tôi đến Miến Điện một ngày đầu thu, không có tham vọng đào xới những bí ẩn của một đất nước và dân tộc khép kín. Điều đó chỉ có thể thực hiện với thời gian vài mươi năm. Tôi chỉ ở Miến Điện 12 ngày, chỉ để thỏa một ước mơ là đặt chân lên Đồi Mandalay ở miền Thượng Miến Điện, nơi Phật Thích Ca đã một lần dừng chân. Nhưng ý định ban đầu được bội thu vì sự tùy hứng đẩy đưa tôi đi nhiều tỉnh khác….
Từ Khanh
Nụ cười Miến Điện
Mưa Ngưỡng Quang!
Cơn mưa từng cọng dài trút thêm sự phiền hà lên những hố hầm đường xá.
Trên vách tường của những chung cư đen xám, sợi mưa vãi xuống trinh tuyền.
Mưa càng lớn càng tuyệt vọng màu trinh trắng. Không thể xóa đi lớp rêu đen bám tường.
Màu đen của tường phố hiện rõ trong mưa. Tựa như một chiếc mùng trắng chụp lên các khối đen sần sùi khắc khổ.
Tôi đứng trong lề, chăm chăm từng sợi mưa Ngưỡng Quang.
Nhìn những người Miến đụt mưa nhai trầu, phun nước bã đỏ ngầu vào mưa trắng.
Có một lần tôi đụt mưa ở Cà Mau. Nhìn những đàn ông phì phèo thuốc lá nhả khói trắng vào mưa trắng.
Mưa ở đâu cũng buồn. Dù màu của mưa không giống nhau.
Mưa ở đâu cũng buồn, khi nơi đất lạ.
o O o
Tôi bắt được một bác tài taxi trẻ. Anh ta đồng ý chở một vòng thành phố giá bốn đô kể cả thời gian chờ đợi. Anh ta tên là Maung. Rất nhiều người Miến Điện tên Maung, chỉ có nghĩa là cậu hay thanh niên, đó là cách xưng hô chỉ phái nam còn trẻ chứ không phải danh từ riêng. Bạn cũng đừng nên hỏi tên kỹ quá vì nhiều người Miến không muốn người nước ngoài biết tên. Maung có hai bằng đại học, đã từng xuất ngoại qua Lào chơi. Anh không ăn trầu, nước da hơi trắng, đẹp trai kiểu cổ, ăn nói điềm đạm và kiến thức rộng. Maung giải thích lý lịch Yangon rất tường tận.
Chính quyền quân sự hiện nay bị nhiều nước tẩy chay nên cái tên Yangon cũng bị hệ lụy lây khi họ lấy lại tên cũ Yangon vào năm 1989. Yangon, nghĩa là “hết chiến tranh”, người Anh phiên âm thành Rangoon, vẫn chưa được nhiều nước và cơ quan truyền thông lớn như đài BBC dùng. Một số người dân Miến Điện vẫn gọi là Rangoon vì không công nhận tính chính thống của chính quyền quân sự.
Chùa Shwedagon
Yangon, từ thế kỷ thứ 6 có tên là Dagon, là một ngôi làng đánh cá nhỏ sống loanh quanh gần ngôi đại tự nổi tiếng Shwedagon. Năm 1755, vua Alaungpaya đổi tên thành Yangon. Người Anh chiếm Yangon trong cuộc Chiến Tranh Anh – Miến lần thứ Nhất (1824-26) và toàn bộ vùng Hạ Miến Điện (phía Nam) năm 1852 trong Chiến Tranh Anh – Miến lần thứ Hai, chiếm thêm vùng Thượng Miến Điện trong Chiến Tranh Anh – Miến lần thứ Ba năm 1885. Miến Điện nằm trong tay thực dân Anh cho đến năm 1948 mới dành được độc lập.
Như đã nói, “cái túi” Yangon có đáy là khu thị tứ ổ chuột nằm sát sông Yangon, miệng túi phát triển về hướng Bắc với dinh thự, công viên, sở thú và đường sá thoáng đãng sạch sẽ. Phi trường Yangon, nhà của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, sứ quán Hoa Kỳ, hai cái hồ xinh xắn Kandawgyi và Inya đều nằm ở khu miệng túi.
Ngôi chùa nổi tiếng Shwedagon ngự trên Đồi Singuttara nằm giữa biên giới của đáy túi và miệng túi nhưng gần hướng đáy túi hơn. Tương truyền trên Đồi Singuttara có ba xá lợi của ba vị Phật ra đời trước Phật Thích Ca. Khi Thích Ca thành đạo ở Ấn Độ, có hai anh em nhà kia từ Miến Điện qua Ấn, được Phật cho tám sợi tóc đem về thờ, đi nửa đường thì bị cướp một nửa. Dù vậy khi về tới Yangon thì hai anh em vẫn được tiếp rước trọng thể. Người ta xây một ngọn tháp cao trên 100 mét trên đồi để tôn trí bốn sợi tóc Phật. Sau nhiều cuộc chiến tranh và động đất, triều vua nào cũng trùng tu ngọn tháp. Hiện nay đứng cách xa Đồi Singuttara 15 cây số vào ban đêm hay ngày vẫn có thể thấy ngọn tháp chính lấp lánh ánh sáng vàng. Một câu chuyện truyền tụng khác về ngọn đồi thiêng là quả chuông nặng 30 tấn. Năm 1608 một người Bồ Đào Nha đánh cắp quả chuông nhưng trên đường tẩu tán thì quả chuông rơi xuống sông Bago và mất tăm. Đến năm 1779 nhà vua cho đúc một quả chuông khác nhưng 40 năm sau lại bị lính Anh đánh cắp. Trên đường chở qua Calcutta (Ấn Độ), quả chuông thứ hai này rơi xuống biển nhưng may mắn tìm lại được. Hiện quả chuông vẫn còn đặt ở góc hướng Tây Bắc của chùa Shwedagon. Tất cả những câu chuyện như thế càng khiến ngôi chùa trên ngọn đồi càng thiêng liêng, người Miến Điện hãnh diện với ngôi chùa, du khách nào tới họ cũng giới thiệu.
Chùa Shwedagon trong đêm
Maung thả tôi xuống chân đồi chùa Shwedagon. Anh nói đóng năm đô rồi gửi giày ngoài cửa, anh sẽ chờ cho đến khi tôi xuống. Lúc tôi sắp hàng vào cửa thang máy theo hướng dẫn thì có một người đàn ông đeo thẻ bám theo, anh ta nói “tôi sẽ hướng dẫn anh tham quan ngôi chùa”. Tôi nói tôi đi chùa không cần hướng dẫn viên nhưng anh ta cứ kỳ kèo:
Nếu không có tôi giải thích làm sao anh biết.
– Thế ra khách nước ngoài phải có hướng dẫn viên?
– Đúng vậy.
– Nhưng tôi không cần, tôi đi chùa không muốn ai lẽo đẽo đi theo.
– Nhưng anh sẽ không biết gì cả.
Tôi bực mình gắt tôi muốn đi một mình. Đến khi đó anh ta mới chịu bỏ đi. Dịch vụ hướng dẫn viên này có vẻ như nửa tình nguyện, nửa bắt buộc. Tôi cho rằng đi chùa không nên có người theo sau lảm nhảm điều nọ điều kia, nó sẽ làm mai một bầu khí của một ngôi chùa.
Như các ngôi chùa lớn khác ở Miến Điện (Thái, Lào và Cambodia cũng vậy), chùa có bốn cổng vào, trước mỗi cổng có hai con sư tử trắng rất lớn ngồi giữ, trên bậc cấp dẫn lên đồi có mái che hình bánh ú cùng các ngọn tháp màu vàng treo nhiều chuông nhỏ. Xung quanh tháp chính là sân rộng và nhiều ngọn tháp lớn nhỏ khác nhau. Có một khoảng sân rộng trước tháp để dân chúng ngồi cầu nguyện. Ở nhiều góc trong khuôn viên, hay trước tháp chính, đôi khi thấy đàn ông hay phụ nữ lần tràng hạt, lâm râm cầu nguyện, chỗ khác thì có người múc nước tắm Phật. Khung cảnh sáng rỡ và tráng lệ. Tôi thấy một quả hồng chung màu đen có viền đỏ treo trong lầu chuông nên nghĩ đó là quả chuông bị lính Anh đánh cắp. Thật ra đây là hồng chung do vua Tharrawaddy (1837-1846) tặng. Khi đến gần thì một người lính chận lại, ra dấu không được vào vì đang có một bộ trưởng nước láng giềng trong lầu chuông. Một phụ nữ lớn tuổi, mập mạp, đang cầm dùi đánh chuông và theo hướng dẫn của một ông quấn xà rông, bà ta vừa gật gù vừa dộng dộng liên tiếp dùi gỗ lên hồng chung. Tiếng chuông phát ra ẻo lả gượng gạo, đứng cách quả hồng chung vài thước nhưng âm thanh nghe như tiếng chuông của mấy người bán cà rem dạo. Bà ta lại đánh thêm một hồi rè rè nữa nghe rất chán. Trong cách đánh chuông (chung pháp) ở Việt Nam, người thỉnh chuông thường là một vị đã tu hành nhiều năm. Ngày trước chùa Linh Mụ ở Huế nổi tiếng với “Tiếng chuông Linh Mụ”, không chỉ vì quả đại hồng chung hay, mà còn nhờ các thầy thỉnh chuông đúng phép, tay dộng nhưng tâm quán. Nhiều người Huế lớn tuổi nói họ nghe thời chuông sáng chùa Linh Mụ (3 giờ rưỡi sáng) biết thầy nào đang thỉnh chuông.
Đại hồng chung do vua Tharrawaddy tặng
Ngôi tháp chùa Shwedagon to cao quá khiến người đứng trước tháp cảm thấy xa cách. Không có bầu khí thâm trầm và gần gũi như ở sân chùa Việt Nam. Tôi không tin có sự linh thiêng nếu đối tượng mà con người kính lễ xa cách với mình, mà nếu có thì sự linh thiêng đó cũng vô ích. Sự linh thiêng phải hài hòa với cõi lòng, hay như một chất xúc tác làm “động lòng” người đi tìm thiền vị. Một ngôi chùa thiêng không vì nó lớn hay nhỏ, mà bởi một mật ẩn gì đó xui người đến nhìn lại nội tâm mình, không hướng ra ngoài để lạy lục những tượng đền to lớn.
Ngôi đại tự hùng tráng trên Đồi Singuttara đẹp mà lạnh. Nó kiêu hãnh chuồi bàn chân sang trọng xuống khu đáy túi luộm thuộm, không có nét hài hòa nào cả giữa hai khu vực. Khác với sự sừng sững của Shwedagon, trong khu vực nghèo nàn sát sông Yangon, có hai kiến trúc tôn giáo khác gần gũi với cuộc sống hơn, một là ngôi chùa Botataung cuối đường Botataung Pagoda (nơi có nhà khách Ocean Pearl Inn), và thánh đường lớn nhất Miến Điện là Nhà thờ Đức Bà (St. Mary), có từ cuối thế kỷ 19.
Maung chở tôi đến chùa Botataung ở sát sông Yangon nơi có tôn trí tóc Phật và cho người ngoài vào xem. Người đến chùa nghèo nàn, trước cổng là một khu chợ bán trái cây cúng tấp nập. Tóc Phật được tôn trí trong một căn phòng sáng rực ánh sáng của vàng ròng, bên ngoài có cửa kính và một khe hở ngang tầm mắt để nhìn vào. Trong một ngôi tháp khác có răng của Phật.
Tôi từ giã Maung. Ngày tôi ra phi trường kết thúc chuyến đi, Maung cũng đưa tôi đi. Anh ta chạy ngang hồ Inya và chợt hỏi: “Anh biết bà Aung San Suu Kyi không?”, rồi nói tiếp: “Nhà bà kia kìa.” Chạy một khúc nữa anh ta buột miệng “Chính quyền này không tốt”, rồi như thấy mình lỡ lời với một người xa lạ, anh ta nín bặt cho đến khi thả tôi xuống phi trường Yangon. Trong các khuôn mặt tôi gặp ở Miến Điện, Maung có đôi mắt buồn như khóc, khi cười đôi mắt Maung vẫn buồn, tia nhìn trên khuôn mặt sáng sủa của Maung như một nỗi ám ảnh, nụ cười lặng lẽ của Maung như thu tóm mọi nụ cười thầm câm của người Miến Điện.
o O o
Nhà thờ Đức Bà Yangon
Nhà thờ Đức Bà nằm trong khu ổ chuột gần chỗ tôi ở. Tôi đi qua nhiều lần trong ngày và lúc nào cũng bị vẻ nín nhịn của màu gạch cũ giữ lại. Hai tháp chuông cao nhưng không lớn, màu gạch đỏ đã quá cũ nên bề ngoài cả ngôi thánh đường như phủ một màu tím nhạt. Tháp chuông bên trái nguyên màu trắng nhưng đã trầy trụa sơn để lộ màu gạch bên trong. Ngôi thánh đường màu tim tím như bị bỏ hoang (dù nghe nói hằng tuần đều có thánh lễ), lặng lẽ giữa khu vực nghèo nhất Yangon. Sự im lặng của hai tháp chuông, màu gạch tím chìm trong bầu trời xám xịt, hai cánh cổng mở toang ra nhìn những dãy chung cư nghèo nàn khiến ngôi thánh đường gần gũi với cuộc sống lam lũ xung quanh. Trong một xứ đạo Phật, giữa những đền tháp vàng óng ánh và tấp nập người, nhà thờ Đức Bà như biết thân phận và chỗ đứng khiêm tốn của mình, nó lặng lẽ (kỳ lạ thay rất giống sự âm thầm của người Miến Điện), cố thu mình lại thật nhỏ hơn để khỏi phật lòng ai đó. Và cũng kỳ thay tôi thấy mình gần gũi với ngôi nhà thờ. Trong mấy ngày ở Yangon, hôm nào đi qua tôi dừng lại ngắm nghía một chút, thương màu vôi tróc lở của tháp chuông giống như một sự chịu đựng lặng thinh nhưng bình yên giản dị. Như đôi mắt buồn của những khuôn mặt trên đường phố. Như sự ẩn nhẫn và lam lũ của làn da sạm nắng nhưng óng ánh một sinh khí tiềm tàng bên trong những cuộc đời đang đứng riêng bên lề thế giới.
Tôi cũng có cảm tưởng rằng phải ở loanh quanh khu nhà thờ Đức Bà, tức khu đáy túi thì mới thấy hết muôn vẻ của Yangon. Nó là một thành phố đa văn hóa. Đi trên một con đường thấy cả người Ấn bán xoài hay cà ri, người Tàu bán giò chéo quẩy, người Miến bán cơm.
Cuộc biểu tình phản đối chính quyền do bà Aung San Suu Kyi tổ chức, tháng 8 năm 1988 tại Yangon
Buổi tối hôm ấy tôi tìm một cái quán ven đường, cố múa tay để gọi một món ăn nhưng các cậu nhỏ chạy bàn đều không hiểu. Một người đàn ông quấn xà rông ngồi đối diện, mặt ông ta chằm chằm như như bị bồ bỏ. Đôi mày chau lại, ông ta nhìn tôi không chớp mắt. Tôi chắc ông ta không có khiếu thẩm mỹ.