Menu Close

Để con đưa dì về dưới…

Má à, còn xa không vậy má?

– Má cũng hổng biết nữa.

– Má có đem theo địa chỉ hông má?

– Có chớ.

– Địa chỉ trúng hông má?

– Thì má giữ từ hồi đó tới giờ, sao hổng trúng?

– Có khi nào người ta đổi địa chỉ hông má?

– Hổng có đâu, như dưới quê mình, nhà mình hồi nào giờ in như vậy, có thay đổi gì đâu! Mà sao con hỏi nhiều quá làm má rối ruột nè!

alt

Út Nhiên cầm tờ giấy nhỏ xíu, vừa dòm vừa ngó lên từng căn phố đặng dò số nhà. Sao mà cái đất Sàigòn này nhà cửa sát rạt nhau, thiếu điều muốn đè lên nhau, số nhà “suyệt” trên “suyệt” dưới hai ba đợt thiệt khó tìm.

– Má à, má có tới lần nào chưa má?

– Chưa.

– Chưa rồi sao má biết mà tìm?

– Má biết!

Trả lời con, mà tim Út Nhiên đập thình thịch. Cô bước đi trong con hẻm nhỏ, mà mơ màng về mười mấy năm về trước…    
    
… Tiếng trống trường đổ từng tiếng, từng tiếng rồi liên hồi, làm đám học trò tiểu học quýnh quáng bỏ tập vở vào cặp táp rồi lấn nhau lẹ làng chạy ra khỏi lớp, làm như tiếng trống là vị cứu tinh tụi nó hổng bằng. Nhìn những đứa học trò nghèo khổ của mình, lòng cô giáo Út Nhiên dâng lên một niềm thương cảm: học trò nhỏ xíu của cô sau giờ học, phải lật đật về phụ cha mẹ, đứa ra lạch chặn tôm, bắt cá; đứa lo chặt mấy quầy dừa xiêm cho má bán nước giải khát ngoài chợ, đứa trông chừng em cho má đi bán chè đậu đỏ bánh lọt, hay đậu hũ nước đường tới khuya.

Cô giáo Út Nhiên là con út ông bà giáo Thạnh, hồi đó bà con chòm xóm kêu cô là cô Tám Út, nhưng từ khi cô tốt nghiệp sư phạm trên Sàigòn, chuyển về xã làm cô giáo, thì bà con kêu cô là cô giáo Út Nhiên cho đúng giấy tờ, và  có phần trọng vọng. Vì từ ngày có cô giáo Út Nhiên, mấy đứa nhỏ ham tới trường hơn, biết lo công chuyện nhà, hổng còn chàng ràng coi đá gà hay uýnh lộn nữa. Điều quan trọng là cô giáo thường tới lui thăm gia đình học trò, chỉ vẽ cho mấy đứa chậm hiểu, có hồi nấu giùm nồi cháo, lặt giùm miếng rau khi má học trò đau bất tử, riết bà con lối xóm réo cô như réo người thân trong nhà vậy.

Nhưng từ ngày Thầy Lục sự thay mặt ông Quận xuống Xã trao bằng khen cho cô giáo, thì cuộc đời của cô và cái xóm bước qua một ngã rẽ. Cô giáo bắt đầu vắng lớp, hỏi thì cô giáo nói lên Sàigòn dự mấy lớp tu nghiệp.

Một thời gian lối chừng sáu, bảy tháng, cô giáo không lên Sàigòn nữa. Cô có tâm sự chi đó mà khi đứng lớp mắt cô buồn thiu, cô giảng bài hổng muốn nổi. Đám học trò phá phách cô cũng hổng la. Rồi tới một bữa cô bịnh, không tới trường được, học trò tới nhà tìm cô, phụ huynh tới thăm cô, chúc cô mau mạnh. Mấy bữa sau, cô giáo đi dạy trở lại cũng là ngày học trò đem tin vui về cho cha mẹ: Cô giáo sắp làm đám cưới. Tin này đi nhanh còn hơn hỏa tiễn, bà con lối xóm tới chúc mừng nườm nượp.

Đâu chừng mấy bữa, lối xóm nghe dì Ba giúp việc kể: Thầy Lục sự xuống tới, gặp ông bà giáo Thạnh, thẩy nói thẩy thương cô giáo Út Nhiên, nhưng ngặt cái là thẩy đã có gia đình rồi, thẩy xin ông bà giáo Thạnh tha tội, cho phép thẩy thăm nom cô giáo.

Nghe nói suốt buổi cô giáo khóc mùi mẫn, ông bà giáo Thạnh ngồi nghe hổng nói tiếng nào.

Cả xóm chờ hoài hổng thấy đám cưới cô giáo, nhưng tướng đi và cái bụng lúp lúp của cô giáo khiến có lời đàm tiếu vô ra. Đám học trò hỏi cô giáo: Cô ơi, cô sắp có em bé hả cô? Cô giáo giật mình nhìn xuống bụng, nước mắt tuôn lả chả…

Long Châu, ngày… tháng …năm…

Anh à,

Vậy là em đã có mang năm tháng rồi, từ bữa anh xuống gặp Ba Má là bữa cuối mình gặp nhau. Em chờ thơ anh mà hổng có. Anh có khoẻ không? Tháng trước, em có viết mấy chữ nhờ anh hiệu trưởng đi Sàigòn đưa tay cho anh, nhưng ảnh hổng gặp anh, em buồn quá, hổng biết có cách gì liên lạc được với anh nữa.

Long Châu, ngày… tháng …năm…

Anh à,

Em đã nhận được sữa và tiền anh gởi cho con. Em sanh con được hai tháng rồi. Con mình giống in hệt anh. Ba má em thương thằng nhỏ lắm. Má hỏi em muốn đặt tên nó là gì, em nói để hỏi ý anh, nhưng Má nói để Má đặt tên nó là thằng Phước. Còn Ba thì nói để lấy họ bên ngoại, khi nào anh xuống, anh muốn thay đổi, thì mình làm sau cũng được. Vậy con mình tên là Trần văn Phước nghe anh. Em gởi anh hình của con để anh coi.

Long Châu, ngày… tháng …năm…

Anh à,

Mấy tháng trước, thơ em gởi cho anh theo địa chỉ bưu điện ở Sàigòn mà anh viết trên thùng sữa, đã bị trả về. Kỳ này có anh hiệu trưởng đi dự khóa tốt nghiệp của người bà con trên Sàigòn, em nhờ ảnh cầm thơ này tới anh cho bảo đảm. Ngó tới ngó lui, thằng Phước đã được 10 tháng rồi, lò dò muốn đi rồi. Nó mạnh cùi cụi, làm như nó biết nó hổng có cha, nên lủi thủi ra vô chơi với ngoại, hổng có đòi bồng ẵm gì hết. Ông bà ngoại có nó cũng vui anh à. Em đã đi dạy trở lại. Bà con lối xóm thương hai mẹ con lắm. Sắp nhỏ học trò tới nhà nựng thằng Phước hoài, thằng nhỏ cười hắc hắc vậy đó. Nhìn con mà em ứa nước mắt, hổng biết bao giờ cha con mới được trùng phùng? Kỳ này, em gởi hình con lên cho anh coi, Má nói nó giống anh như hai giọt nước vậy. Anh ráng xuống ăn đầy năm con nghe anh.

Long Châu, ngày… tháng …năm…

Anh à,

Nhiều năm qua, em nghĩ anh đã quên mẹ con em rồi. Nhưng bữa nay, thơ anh tới, em đọc hoài mà không cầm được nước mắt. Em hiểu tấm lòng anh thương mẹ con em, nhưng vì hoàn cảnh mà cách chia nghĩa phu thê, tình phụ tử. Hồi mới sanh con, em buồn cho số phận hẩm hiu của mình, nhưng sáu năm qua, sáu năm vất vả nuôi con một mình, vui buồn với con, em đã bình tâm với trách nhiệm và bổn phận.

Trong thơ anh nói thằng Phước là đứa con trai mà anh mong đợi, nó là cháu đích tôn của gia đình bên nội, đợi khi con lớn, anh sẽ dắt con về ra mắt đại gia đình. Anh à, điều này sẽ giúp em sống tới ngày đó. Em sẽ ráng nuôi con nên người để không phụ lòng mong đợi của anh. Em xin anh xuống nhìn con, thăm con một lần, đặng sau này cha con gặp nhau hổng bỡ ngỡ.

Long Châu, ngày… tháng …năm…

Anh à,

Bữa nay có người trên Sàigòn xuống nói họ là người cùng lối xóm với anh, có cho em địa chỉ mới của anh, em viết mấy chữ gởi anh, nhờ họ cầm về trao tay cho anh, hễ nhận được anh viết cho em liền nghe anh.

Hồi thằng Phước được sáu tuổi, em nhận được thơ anh, em viết cho anh liền, nhưng thơ đi thì có thơ về thì không. Bặt tin anh tới giờ, thằng Phước đã 15 tuổi rồi. Hồi Sàigòn bị Việt Cộng chiếm, dưới quê mình vẫn thuộc vùng quốc gia, em lo hổng biết làm sao liên lạc được với anh, đặng đưa gia đình ở trển về lánh tạm dưới này. Nhưng mấy tuần sau thì Việt Cộng cũng chiếm luôn quận và xã mình. Em được chánh quyền mới cho đi dạy lại, nhưng căn nhà của ba má phải chia một nửa cho cán bộ ở ngoải vô ở. Ba má đã già lại thêm vụ này nên đổ bịnh. Em với thằng Phưóc có đưa Má lên Sàigòn nằm nhà thương mấy lần, nhưng vật đổi sao dời, lòng người hổng biết ra sao? Mẹ con em hổng dám ghé thăm anh.

– Má à, mình về đi má, con mệt và đói quá rồi!

Nghe tiếng con, Út Nhiên giật mình, cô ngơ ngác bước ra khỏi quá khứ, cái quá khứ xa hun hút, nhưng cô mơ hồ như đang bắt gặp. Cái xóm nhỏ đông người ra vô tới lui, gặp lúc mặt trời đứng bóng, nên bốc mùi mồ hôi thiệt khó chịu, Út Nhiên nhìn con, như cũng muốn buông xuôi:

– Ờ, thôi má con mình đi ăn hủ tiếu rồi tính tiếp nghe con.

– Con tính mình ăn xong rồi ra thẳng bến xe về đi má. Con không muốn tìm ba nữa. Ba hổng biết con là ai, từ hồi má sanh con, ba hổng nhìn con, vậy tại sao mình phải tìm ba hả má?

– Má nóng ruột con à, má sợ lỡ có chuyện gì, ba hổng gặp được con, con là cháu đích tôn của bên Nội, ba con trông con lắm con à.

– Má à, vậy sao ba hổng tìm con mà con phải tìm ba hả má ?

– Ba có điều khó nói con à, con lớn chút xíu con sẽ hiểu mà.

Út Nhiên ráng nhìn thêm một số nhà nữa, rồi lững thững theo thằng Phước ra đầu ngõ.

Bỗng thằng Phước nhìn trân một người đàn ông tầm thước, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt sâu ẩn sau đôi kính trắng, tóc muối tiêu, tay dắt thằng nhỏ cỡ sáu, bảy tuổi từ đầu ngõ đi vào,

Út Nhiên cũng khựng lại:

– Phải anh không anh?

Người đàn ông nhìn Út Nhiên, hơi nhíu mày, rồi nhìn qua Phước, mắt ông mở lớn:

– Ai, ai đây?

– Anh phải hôn? thằng Phước nè anh.

-Thằng Phước con mình nè anh, thằng cháu đích tôn bên Nội…

Người đàn ông nhìn Phước chăm chăm, trong khi Út Nhiên nhìn đứa bé không chớp mắt: cũng khuôn mặt chữ điền, cũng đôi mắt sâu, cũng là khuôn mặt của thằng Phước.

….

– Về đi, đừng đến đây nữa, phiền lắm, tôi sẽ liên lạc sau.

Út Nhiên xây xẩm, thằng Phước chỉ kịp nắm tay má trước khi Út Nhiên té nhào xuống đường. Mọi người bu tới giựt tóc mai, cạo gió, bấm đầu ngón tay, ngón chân. Lát sau Út Nhiên tỉnh lại, mặt tái xanh, chân tóc tươm mồ hôi, cô gượng đứng lên, nhưng trời đất xoay vòng vòng, nước mắt cô tuôn xối xả. Hổng ai biết chuyện gì đã xảy ra, người ta đồ chừng má thằng Phước bị trúng nắng. Người đàn ông đã bỏ đi.

Út Nhiên chợt nghe tiếng nói nhỏ bên tai:

– Dì tỉnh chưa? Mình vô nhà đi dì.

Một cô gái cố dìu Út Nhiên đi vào căn nhà có cửa sắt cao. Thằng Phước đứng lại. Cô gái kêu:

– Đi em, đi theo má.

– Mình tha lỗi cho tôi, để tôi nói con Hai nó đưa mình về, kẻo chút nữa bả về rồi om xòm trời đất, không hay.

– Thôi má à, mình về đi má, gia đình ba đang yên ổn. Con chỉ muốn sống với ông bà ngoại má à.

– Dì à, không biết thì thôi, bây giờ biết rồi thì mấy đứa con, em Phước hay thằng Lộc đều là con của ba, tụi con cũng như chị em ruột vậy. Em Phước là con trai lớn của gia đình, và là cháu đích tôn của dòng họ. Con sẽ tìm cách nói chuyện với nội và má con. Để con đưa dì và em về dưới nghe dì.

– Mình nghe lời con Hai, đưa thằng Phước về dưới, rồi tôi sẽ liên lạc sau.

Trời vẫn nắng chói chang dù đã xế bóng. Một hai người tò mò vẫn nhìn qua khe cửa sắt, hình như họ chờ có người đi ra để hỏi chuyện.

PDH