Menu Close

12 ngày ở Miến Điện – Kỳ 10

Tôi ở một nhà khách tươm tất sạch sẽ thuộc khu Nyaung U, cách Bagan Cổ sáu cây số. Đây là nơi ở sang nhất của tôi kể từ khi đến Miến Điện. Nhà khách có hai tầng, tầng trệt có vài phòng trông ra một khu sân nhỏ, có ghế ngồi hóng mát.

Phòng rộng, nệm cứng, có cửa sổ, máy lạnh, nước nóng nước lạnh đầy đủ, lại có cả một cái quạt trần quay kèn kẹt, trong suốt bốn ngày ở đây không lúc nào bị cúp điện. Mùa mưa nên chỉ có vài phòng có khách du lịch. Sân sau nhà khách để vài chục chiếc xe đạp, cứ chọn một cái đạp đi không cần hỏi ai cả, khi nào trả thì đưa cho nhân viên 1.000 kyat. Thật là một tâm trạng thoải mái.

pic

Sông nước Bagan


Một buổi chiều tôi ra phòng tiếp tân ngồi đọc báo. Chủ nhà khách là một phụ nữ đứng tuổi, đeo kính trắng, khi không phải tiếp khách bà thường đọc sách, để mặc cho các nhân viên làm việc. Chỉ khi nào đổi tiền thì bà mới tiếp chuyện, nói năng nhã nhặn và lễ độ. Chợt một người đàn ông Tây phương từ phòng trong bước ra quầy tiếp tân. Ông ta mặc soóc, áo sơ mi hở cổ, tuy đã trọng tuổi nhưng dáng điệu nhanh nhẹn và hơi xấc xược. Ông ta hất hàm nói với một nhân viên nam:

– Tao đi tìm chỗ bơi đây.

Anh tiếp tân cười cười, chỉ đường cho ông già ra bờ sông. Người Miến Điện thường mỉm cười im lặng khi nói chuyện. Nhưng ông ta nói, cố tình cho tất cả mọi người trong phòng đều nghe:

– Sông ở đây dơ bẩn quá, làm sao tao bơi được.

Cái miệng ưa kiếm chuyện của tôi đã nhúc nhích ngứa ngáy. Hai nhân viên tiếp tân đứng gần ông cười cười, bà chủ khẽ ngước mắt liếc ông già Tây rồi lại tiếp tục cúi xuống đọc sách. Ông già nói tiếp, giọng lớn hơn, vừa nói vừa quét mắt khắp phòng:

– Tao đến từ Âu Châu, chỗ nào sông cũng sạch, không như ở đây.

Đột nhiên ông già nhìn tôi soi mói, rồi hất hàm:

– Ê you, mày đến từ xứ nào?

Lão không chờ tôi trả lời, hỏi tiếp luôn:

– Nước mày có sông không?

Tôi cười nhạt:

– Vậy cho tôi biết có nước nào không có sông đã!

Lão hơi khựng, tôi hỏi xách mé:

– Kế tiếp cho tôi biết sông nào ở Âu Châu của ông không có cứt chó và rác rưởi.

Bà chủ ngước nhìn, ra dấu bảo tôi đừng gây sự. Tôi càng hăng hái chửi tiếp:

– Nước tôi và nước này sông nào cũng có cứt cả, chẳng vì thế mà các nước Âu Châu của ông mới thi nhau đến tắm rửa cả trăm năm đấy.

Bà chủ nhà khách bật cười nhỏ. Lão đỏ mặt, sủa lại:

– Tụi tao đi khai hóa.

Tôi quạt:

– Khai mỏ chứ khai hóa cái gì.

Lão ngần ngừ muốn rút, tôi dứt điểm:

– Tốt nhất là ông không nên tắm sông ở đây, nếu không thì hãy cẩn thận kẻo thành con tôm toàn là đồ dơ ở trên đầu.

Lão gầm gừ bước ra cửa dông thẳng.

pic

Thời Mạt Pháp?


Tôi phải thú nhận là mình cũng sân si như lão già Âu Châu kia, nhưng vẫn có cái cảm giác đã đời. Thỉnh thoảng giang hồ, tôi vẫn gặp vài người phương Tây có não trạng khinh thường châu Á như lão già này. Ở Yangon, tôi gặp một phụ nữ, nghe giọng nói thì hình như là người Úc. Bà này cũng ở chung nhà khách, một buổi sáng đi đâu về bà ta quang quác kể lại việc mua bán bàn ghế gì đó cho nhân viên khách sạn nghe. Bà kể rằng sau khi đưa ra giá rồi, bà hỏi cô bán hàng có đồng ý không nhưng cô ta cứ im lặng, hỏi mấy lần cô ấy vẫn im lặng. Thế rồi bà hỏi nhân viên nhà khách:

– Trong văn hóa Miến Điện, im lặng nghĩa là sao? Ý nghĩa gì không mà kỳ vậy.

Tôi ngồi nghe lỏm, tính bỏ qua nhưng nghe cách nói của bà ta, tôi biết ngay bà này muốn chứng tỏ ta đây có kiến thức và nhạy cảm về văn hóa khi đến một nước khác. Các nhân viên khách sạn không trả lời. Họ cười cười ngó bâng quơ. Bà ta đảo mắt nhìn quanh và nghiệp chướng thay, ánh mắt bà lại dừng nơi tôi, ra dấu hỏi ý kiến. Tôi chọt miệng:

– Người ta im lặng tức muốn bảo bà cũng im đi. Khi đến thành La Mã thì làm theo người La Mã mà, có vậy mà bà không hiểu sao.

Tôi nói xong thấy mình thật khiếm nhã khi nói với một phụ nữ như vậy, dù là phụ nữ xấu và vô duyên. Tôi bỏ ra ngoài, tự dặn mình không nên sân si những chuyện bên đường. Tôi cũng tự phân tích thái độ ăn thua đủ của mình mỗi khi đụng độ những chuyện lẩm cẩm như vậy với người phương Tây. Không biết có phải do xuất phát từ tâm trạng mặc cảm của một con dân nước nhỏ mang nặng nỗi buồn nhược tiểukhông. Có lẽ là vậy, nhưng biết làm sao vì kiếp này, như một bài hát xưa có lời, nhưng có một điều tôi biết chắc, là lão già phương Tây do sự kiêu ngạo của mình nên không muốn biết những suy nghiệm của người Miến Điện. Một tác giả và nhà báo kỳ cựu người Anh, James George Scott, viết văn ký tên Shway Yoe, đã sống ở miền Bắc Việt Nam trong năm 1884 và có viết một cuốn sách tựa là France and Tongking (Nước Pháp và Bắc Kỳ). Nhưng phần lớn ông sống, dạy học, làm quan và làm báo ở Miến Điện từ năm 1875 cho đến năm 1910, từng phỏng vấn vị vua cuối cùng của Miến Điện là Thibaw (kế vị vua Mindon), nghiên cứu phong tục tập quán Miến Điện rất kỹ. Các tác phẩm của ông về Miến Điện khá nhiều, nổi tiếng nhất là Burma as It Was, as It Is, as It Will Be (1886), Burma a Hanbook of Practical Information (1906), và The Burma (1909), chưa kể năm bộ sách Gazetteeer of Upper Burma and the Shan States mà ông là tác giả chính. Trong cuốn The Burman, Scott viết: “Lời chúc tốt lành nhất mà một người Miến Điện muốn gửi tới một người Anh là, vào một kiếp nào đó trong tương lại, nhờ tạo nhiều nghiệp tốt, anh sẽ được đầu thai làm một Phật tử, và tốt hơn nữa, là một người Miến Điện”. 

pic

James George Scott


Người Miến Điện chấp nhận và kiên nhẫn với hiện tại vì tin rằng đó là nghiệp quả, cho nên sống lành bây giờ để tương lai tốt đẹp hơn. Họ mỉm cười với hiện tại, nụ cười yên lặng và bâng quơ. Đó là một khía cạnh trong nhân sinh quan Phật giáo, nhưng họ áp dụng thụ động quá nên không thấy mặt tích cực của thuyết nhân quả. Tương lai chỉ tốt đẹp hơn nếu tích cực cải đổi hiện tại, chứ không phải buông xuôi và chấp nhận. Không phải họ không hiểu như vậy, nhưng dường như họ chỉ tập trung đầu tưcho tương lai vào các hình thức tu tập nhiều hơn là ý nghĩa của sự tu tập. Điều này không khó hiểu vì hình thức bao giờ cũng dễ thực hiện hơn.

Người đàn ông Miến Điện nào, nếu không xuất gia, đều phải vào chùa sống một thời gian dài hay ngắn tùy tâm nguyện và hoàn cảnh. Vào chùa tutrở thành một điều kiện để thành nhân. Đó là một ứng dụng tốt vì ít nhất, mỗi người biết được thế nào là lành hay dữ, nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì đã cấy một mầm tốt để tùy duyên mà nẩy nở. Nhưng họ áp dụng điều này một cách quá máy móc nên gây nhiều hiện tượng xấu đối với hình ảnh tu sĩ Phật giáo. Tôi đã thấy các thanh niên cạo đầu, mặc áo nâu sòng, đi hàng năm hàng ba ở Mandalay xuống phố đêm, ngồi lựa mua những băng DVD bạo động, tìm phim Hollywood dành cho người lớn. Họ không phải tu sĩ xuất gia, họ là những thanh niên đến tuổi vào chùa làm tu sĩ một thời gian trước khi lập gia đình. Tuy nhiên cung cách của họ làm phai vẻ đẹp của màu áo tu sĩ. Tương tự, ở cố đô Luang Prabang của Lào cũng thường xuyên có các hình ảnh như vậy. Du khách ghé Luang Prabang luôn trầm trồ hình ảnh từng đoàn tu sĩ mặc áo vàng, từ rất sớm, đi thành đoàn trên phố, ôm bình bát khất thực, bên lề đường có người quỳ sẵn chờ cúng dường thức ăn. Quả là một hình ảnh đẹp (để ghi ảnh). Các tăng đi thành hàng khi trời còn tờ mờ sáng, một chút sương đêm còn sót lại. Nhưng nhìn kỹ hơn thì không thấy đẹp lắm. Khất thực là một phương tiện để tu, bước đi chậm rãi đoan nghiêm, mắt không nhìn hai bên, ngó xuống đất trước mặt, khi có người dâng thức ăn thì sẽ niệm kinh hồi hướng cho kẻ cúng dường. Mỗi bước chân đi là một hơi thở an lạc, không vui không buồn, tỉnh thức, mỗi bước chân là một hạnh phúc, không cần tới, mà tới đâu khi đích là an lạc, mà an lạc đã ở trong từng bước chân qua.

pic

Khất thực, một hình thức tu tập quan trọng


Hình ảnh của nhiều sư sãi ở Luang Prabang không còn như thế. Đã nhiều sáng sớm tôi thấy họ đi tung tăng, nhanh nhẹn, tôi phải vừa đi vừa chạy theo mới bắt kịp, có người sau khi bình bát đã đầy thực phẩm, còn xách tòn teng một hai cái bao ni-lông đựng đầy thức ăn, ngó nghiêng liếc dọc, mau mau về chùa. Một trong ý nghĩa cao đẹp của khất thực là tạo cơ hội cho người cúng dường làm việc thiện, cho người khất thực buông xả. Dường như ý nghĩa ấy chỉ còn lại hình thức. Mà không chỉ có khất thực, một số hiện tượng khác cho thấy Phật giáo đang dần trở thành một hình thức cúng kiến. Có một lần vào ngôi chùa lớn ở Vientiane (thủ đô Lào), tôi thấy ở một góc sân có nhiều tượng Phật đặt xung quanh một cây bồ đề. Phật tử đến cúng để xôi và trái cây dưới đất, đốt nhang, nhưng sợ không chắc ăn, còn trét xôi lên miệng tượng Phật, qua vài giờ, ruồi bay đậu tới tấp lên xôi khô, không còn gì là sự đoan nghiêm hay ý nghĩa của biểu tượng cúng dường. Đúng là hiện tượng của Mạt Pháp. Nhưng không nên hiểu Mạt Pháp là giáo pháp suy vi hay Pháp đã lên tới ngọn. Giáo pháp là chân lý nên không bao giờ suy đồi. Mạt Pháp chính là sự suy vi của con người do lười biếng và dễ dãi với chính mình. Thiên đường vẫn còn đó. Niết Bàn vẫn còn nguyên. Nhưng con người đã suy yếu nên không đến gần được. Mạt Pháp không ở riêng Lào hay Miến Điện mà ở khắp nơi. Việc in ấn sách hay video về Phật giáo bừa bãi cốt để lấy tiếng cũng là một hiện tượng Mạt Pháp. Một cuốn kinh nhật tụng, in trên giấy xấu với mục đích đơn sơ là để dễ phổ biến cho nhiều người đọc tụng: đó là chính pháp. Nhưng khi biến cuốn kinh nhật tụng hàng ngày thân thuộc ấy thành một cuốn sách in ấn đẹp đẽ, tốn nhiều tiền hơn, làm hoa mắt người xem, thì đó là biểu tượng của Mạt Pháp. Thà để số tiền in sách đẹp, bìa cứng ấy làm những chuyện lợi ích khác.

pic

“An bần lạc đạo?”


Người Miến Điện biết “an bần lạc đạo”, biết mỉm cười với hiện tại trắc trở, bao dung với những người không hiểu họ. Có một câu chuyện minh họa cho bản chất hoạt kê và hồn nhiên của người Miến Điện là, khi căn nhà của họ bị cháy tan, thì thay vì khóc lóc đau khổ, ngày hôm sau gia chủ và hàng xóm cùng kéo nhau đánh chén ngay trên đống tro tàn của căn nhà bị cháy. Căn nhà bị cháy là do nghiệp quả, không có gì phải đau khổ tiếc nuối. Tôi không chắc là trong thực tế khổ chủ nào bị cháy nhà cũng hành động như thế, nhưng các tiếp xúc với người Miến Điện cho thấy bản tính của họ đúng là đậm chất hài hước hồn nhiên. Từ người xà-ích cho đến bác xe ôm, một cậu nhỏ chạy bàn hay người bán tranh, tất cả đều cố làm vui lòng người đối diện. Họ không muốn làm phật lòng ai, tránh tranh chấp. Dù thế nhưng sao trên các gương mặt âm thầm ấy luôn lấp lánh nét buồn trong ánh mắt.   

Tuy không muốn nhận lời chúc của họ là sẽ thành một Phật tử Miến Điện vào kiếp sau, nhưng tôi phải thú nhận là đã học được rất nhiều bài học quý giá từ cách thế sống của một dân tộc dịu dàng và khiêm tốn.

pic

pic