Menu Close

12 ngày ở Miến Điện – Kỳ 11

Bà chủ nhà khách khuyên tôi nên đến núi Popa cách trung tâm Bagan khoảng 50 cây số về hướng đông-nam. Đây là ngọn núi lửa đã tắt từ 250,000 năm trước, thờ tất cả thần linh của Miến Điện, gồm 37 vị, từ hơn một ngàn năm nay. Popa, gốc từ tiếng Pali, có nghĩa là hoa, nên núi Popa còn gọi là Hoa Sơn. Do nằm đơn độc giữa trung tâm Miến Điện nên dân chúng tin Hoa Sơn là biểu tượng của núi Tu Di, trung tâm của vũ trụ và nhân loại.

pic

Núi Popa Miến Điện

Từ Khanh

Núi Popa cô độc thần Nat

Bà chủ tốt bụng hỏi tôi muốn đi taxi hay xe ôm. Taxi thì 20 đô, xe ôm chỉ mất 15 đô. Tôi chọn xe ôm. Bà lập tức ra đường kêu một bác xà ích đánh xe đưa tôi ra bờ sông đến nhà một anh xe ôm nào đó. Bác xà ích vui vẻ đánh xe ra bờ sông chỗ bến phà hôm tôi tới, con ngựa chạy men theo bờ sông đầy cát trắng tưởng như không vững nhưng rất thiện nghệ, bác quày tới quày lui chỗ mép sông để tìm anh xe ôm nào đó mà cả làng ai cũng biết. Bác chạy xe sát mép nước hỏi một người lái đò trên sông, rồi chạy đến một ngôi nhà lá theo lời người lái đò chỉ, người trong nhà lá chỉ qua một xóm khác, quành tới quanh lui một hồi mới tìm ra anh xe ôm đang ngồi đấu láo trong một quán cóc ven đường. Tôi xuống xe trả tiền nhưng bác xà ích khoát tay không lấy, đánh ngựa ra bờ sông kiếm khách.

pic

37 vị thần Nat

Anh xe ôm đen rám như trái bắp nướng, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ sáng, hẹn anh sớm mai 6 giờ lại đi Popa chứ bây giờ trễ quá. Anh vui vẻ chở tôi về lại nhà khách.

Sáng hôm sau, đúng giờ, tôi gọn gàng ba lô thót lên yên sau chiếc xe máy. Anh xe ôm mặc áo thun ba lỗ, đầu trần, phóng vù vù trên con đường nhỏ. Ra khỏi Nyaung U chừng một cây số, con đường rộng hơn, vạch ngăn cách là hàng cây giữa đường. Không có một chiếc xe nào trên đường quê, không khí thơm lừng mùi cây cỏ, mùi đất màu nâu hồng tải dưới những cụm cây thốt nốt cao ngất ngưởng lặng im trong sương sớm bình minh, những cánh đồng hướng dương vàng mộng lắt lay, vài căn nhà tre thưa thớt bên đường. Cảnh trí như ở một thời nào không thực.

Đường đi càng lúc càng dâng cao nhưng không gắt. Núi Popa cao trên 1,500 mét so với mặt nước biển, nhưng do nằm trên cao nguyên cao hơn 500 mét nên lên gần tới nơi, chiều cao ngọn núi đã bớt đi một phần ba. Tuy nhiên không phải là độ cao mà chính các huyền thoại liên quan đến Popa khiến nó trở thành một điểm hành hương của rất nhiều người Miến Điện.

pic

Đường lên chùa Taung Kala

Trước khi Phật giáo phát triển mạnh ở Miến Điện vào thế kỷ thứ 10 và 11, người bản địa thờ các vị thần linh tùy theo địa lý và hoàn cảnh dân cư. Điều này không lạ vì dân tộc nào cũng có một tín ngưỡng riêng trước khi các tôn giáo lớn ở nước khác du nhập vào. Nói một cách tương đối (vì Miến Điện có nhiều sắc dân và có dân tộc không thờ cúng thần linh như người Kachin), người Miến Điện tin tưởng thần linh và thờ cúng một thế giới vô hình nhưng gần gũi họ. Đất có thổ địa, nhà có thần gác cửa, núi có sơn thần, sông có hà bá, cổ thụ có thần cây, rừng, suối hay thác cũng đều có linh thần, làng có thần làng (Thành hoàng). Họ gọi “chư vị” này là nat. Có thể hiểu nat là thần linh gần gũi với con người nhất, nat có thể dữ hay hiền, họ có mặt khắp nơi, cư ngụ ở bất cứ nơi nào độc đáo và cô độc như một tảng đá lớn bơ vơ trong rừng rậm, hay trụ trên một cổ thụ chơ vơ giữa triền sông. Nat có thể do vua phong (thần), một người bị chết oan, một người có công vừa khuất. Mỗi vị nat đều có một huyền thoại, tựa như chuyện tích Ông Táo Việt Nam. Tín ngưỡng dân gian của người Miến Điện không lạ, nhưng tôi có cảm tưởng họ thờ cúng thần linh kỹ lưỡng, tín tâm mạnh, thể hiện qua nhiều lễ hội linh đình tổ chức quanh năm để kỷ niệm các vị nat. Những lễ hội nat, thường linh đình và kéo dài nhiều ngày, cho thấy phần nào nhân sinh quan của người Miến Điện. Hôm tôi sắp rời Mandalay, bác xe ôm tình nguyện chở đi xem một lễ hội đang diễn ra tại làng Taungbyone cách Mandalay khoảng 20 cây số về hướng bắc để tưởng niệm hai vị thần làng, theo truyền thuyết là hai anh em ruột, tên là Shwe Phyin Gyi và Shwe Phyin Nghe. Lễ hội này kéo dài trong tám ngày đêm liên tục, đặc biệt dành cho người đồng tính luyến ái nam. Đây là lễ hội đồng tính nam lớn nhất châu Á, nhiều nhà nghiên cứu Miến Điện còn cho rằng đây là lễ hội đồng tính nam đầu tiên của nhân loại. Dân Miến Điện khắp nước, và hội viên các câu lạc bộ đồng tính nam ở Thái Lan, tham dự lễ hội rất đông. Cửa hàng ăn uống, lều nhạc, nhảy múa diễn ra suốt ngày đêm, những người đồng tính nam mặc trang phục sặc sỡ, đánh phấn thoa son, họ nhảy nhót và cúng tiền hay thực phẩm cho những người lên đồng mà người ta tin là do hai vị nat nhập xác. Bác xe ôm nói người đồng tính thành tâm cúng dường để xin kiếp sau được làm người nam hoặc nữ chứ không nửa nọ nửa kia. Ở một đất nước mà nhiều người cho là lạc hậu và kém văn minh, lại có một lễ hội tầm quốc gia dành riêng cho người đồng tính, đủ thấy người Miến Điện khoáng đạt và hiểu biết về kiếp người hơn nhiều dân tộc tự cho mình có văn hiến.

pic

Lễ hội đồng tính nam ở Taungbyone

Núi Popa là điểm duy nhất ở Miến Điện thờ các linh thần, mỗi vị đều có lai lịch gay cấn và đầy màu sắc. Nổi bật nhất là câu chuyện hai chị em ruột nat. Vào triều đại Tagaung có một người thợ rèn rất giỏi. Ông có hai con một gái một trai. Do danh tiếng quá lừng lẫy của ông nên vua sợ, tìm cách kết giao với gia đình người thợ rèn, lập người chị làm chánh cung để tìm cách hãm hại gia đình người thợ rèn. Vua nhờ người chị cho vời cậu em vào triều để phong tước, nhưng khi người em vào thì vua ra lịnh cột cậu vào gốc cây sứ trong vườn thượng uyển để thiêu sống. Người chị nghe tiếng kêu cứu của em chạy ra thì lửa đã bốc cao. Bà nhảy vào lửa cứu em, cả hai chị em đều chết cháy. Khi binh lính thu dọn hài cốt thì lạ thay đầu của hai người còn nguyên. Họ trở thành thần nat cư ngụ ngay dưới gốc cây mà họ bị thiêu sống. Họ nguyền ai dựa vào gốc cây hay đứng trong bóng râm của cây sứ này đều phải chết. Nhà vua sợ hãi, ông ra lịnh bứng gốc cây ném xuống sông Voi. Thân cây trôi xuống tấp vào Bagan. Lúc ấy vua Thinligyaung đang trị vì ở đó. Tuy thân cây đã rời xa chỗ cũ nhưng lời nguyền của hai chị em vẫn còn hiệu lực, hễ ai đụng phải thân cây đều phải chết. Hồn hai chị em còn xuất hiện trong hoàng cung để khóc kể cho vua nghe nỗi oan ức của họ. Vua Thinligyaung sợ hãi, cho thiết lập một ngôi đền để thờ hai chị em, rồi ban chiếu chỉ tổ chức lễ hội cúng hai chị em nat hàng năm vào tháng Sáu thật trọng thể. Từ đó hai chị em mới không phá phách trả thù. Khi kinh đô Miến Điện dời về Amarapura (cách Mandalay 11 cây số) từ năm 1837 đến 1846, vua Tharrawaddi cho đúc hai cái đầu bằng vàng và làm lễ rước lên núi Popa thờ phụng. Sau khi quân Anh chiếm Miến Điện, hai cái đầu bằng vàng lại bị dời xuống Bagan, và sau đó đem đi đâu mất biệt.

Những câu chuyện dân gian xung quanh các vị thần linh khiến Popa có một sức hút mãnh liệt đối với người bản địa. Lúc anh xe ôm dừng xe trong một quán nhỏ dưới chân núi, tôi thấy cảnh người địa phương lên xuống núi tấp nập, hàng quán đông người qua lại, dưới đất nhiều con khỉ già khỉ nhỏ chạy nhảy nghênh ngang chung đụng với người. Cảnh nhộn nhịp khác hẳn con đường vắng vẻ vừa đi qua dù bầu trời vẫn vần vũ mây xám, mưa thu lất phất nhuốm một vẻ buồn rầu.

Tôi leo một mạch mất khoảng nửa giờ là lên tới đỉnh, nơi có chùa Taung Kala khá lớn. Sau này hỏi lại mới biết mình đã leo 777 bậc thềm mà không biết và không mệt vì khi leo không biết có nhiều bậc thềm như thế. Các bậc thềm lên núi thật dơ bẩn, phân khỉ tùm lum bị giẫm đạp đầy cả nền xi măng, mùi khỉ và mùi phân hôi hám, lại phải đi chân trần nên cảm giác càng rùng rợn. Trên bậc cấp và hai bên đường đi có rất nhiều khỉ nhảy nhót qua lại làm trò khỉ, chúng bắt chí cho nhau, hoặc một con nằm ngửa lim dim khoái trá để con kia gãi háng, nhiều con lom lom nhìn khách rất khó chịu. Những người đi lễ còn rải bắp cho khỉ ăn hoặc nhường lối nên chúng càng ngang nhiên ngồi hay nằm ngay giữa lối đi. Tôi chỉ muốn tát cho một con một cái nên thân nhưng sợ chúng đông quá, lỡ chúng nó có tinh thần bè lũ xúm lại “bề hội đồng” thì e các thần nat cũng không cứu nổi!

pic

Khỉ trên các bậc cấp lên chùa

Cũng may lên gần tới đỉnh thì khỉ bớt đi, lối đi cũng được quét dọn tươm tất hơn. Đứng trên đỉnh nhìn chung quanh thật không bỏ công leo núi. Hướng đông là các rặng núi bao quanh tiểu bang Shan, ba hướng kia cũng toàn núi, dưới xa ẩn hiện những chùm mimosa vàng rươm, những bụi cây xương rồng xanh mướt, hoa dại đủ sắc màu, những tháp chùa vàng óng nằm từng cụm hay rải rác, xa nữa là ngôi làng Popa rải rác mái nhà lợp tôn. Ngôi làng này là chứng nhân lịch sử của nhiều triều đại khi Pagan (tức Bagan bây giờ) còn là kinh đô từ năm 839 đến 1298 (459 năm), nơi trốn lánh của nhiều hoàng tử bị truy nã vì tranh giành ngôi báu, nơi các hoàng tử chiêu binh mãi mã để tấn công hoàng thành vì ngoài vị trí chiến thuật, họ tin rằng xuất quân từ núi Popa sẽ tất thắng như trường hợp vua Anaurhata, lên ngôi năm 1010 và đem Phật giáo nguyên thủy vào Miến Điện. Xung quanh núi có nhiều suối nhỏ, dòng suối lớn nhất là sông Pin chảy ra sông Voi.

pic

Một số Thần Nat độc đáo

Từ chân cho tới đỉnh đều có các ngôi đền nhỏ thờ Phật chung với các thần linh. Ba mươi bảy vị thần đều có trang phục khác nhau. Họ mặc áo trắng, vàng, đỏ, tím, nâu, đủ cả. Mỗi vị một hình tướng, người trông dữ tợn, kẻ hiền lành hay trầm ngâm. Nhưng ấn tượng chung của tôi khi nhìn vô một gian phòng có nhiều tượng nat là lạnh lẽo âm khí dù đèn điện thắp sáng. Giống như nhìn một thế giới âm binh và lơ lửng âm khí, đôi mắt của các bức tượng buồn phiền hoặc bất mãn, họ khiến tôi nhớ những hình nộm bằng tre có dán giấy màu mà người miền Trung đốt đi sau khi cúng. Người đi lễ sắp trái cây tràn lan xung quanh họ, họ bỏ tiền vào các thùng kiếng hoặc dán cả lên tượng, kể cả tượng Phật, rồi thì thụp lạy trong tiếng khấn phụ vang rõ của một người đàn ông canh đền. Lần đầu tiên tôi cảm thấy không êmkhi đến một nơi thờ phụng, nên ra hành lang đỉnh núi ngắm cảnh xong là chuồn êm xuống núi. Từ chân núi, trước khi đi bộ xuống làng để nhìn ngược lên, tôi mua một hòn đá nhỏ hai hòn, đó là một viên đá bên ngoài có nham thạch bao lại, cầm lên lắc lắc mới biết bên trong có một hòn nữa.

pic

Một số Thần Nat độc đáo

Từ con đường làng nhìn lên, núi Popa có hình dáng như một cái tháp bị cắt đầu,  triền núi dốc và cân đối như hai cạnh một tam giác, xung quanh triền núi đá nhiều hơn rêu và cây. Trên mặt bằng bị cắt ngang ấy là ngôi chùa Taung Kala. Tôi đứng thật xa để ngắm ngọn Linh Sơn của Miến Điện, vì có đọc đâu đó rằng muốn thấy hồn núi thì phải đứng xa nó, đi quanh nó trong nhiều thời khắc khác nhau. Từ xa, cả ngọn núi như một cái chuông từ trên trời úp xuống đất, dáng cô độc, nhưng là nỗi cô độc hiền lành chứ không hùng vĩ nghênh ngang hay chứa điều gì ẩn mật. Người Miến Điện ví nó như núi thiêng Tu Di cũng hơi quá. Ở Tây Tạng, núi Kailas, hay còn gọi là Linh Sơn hay Ngân Sơn, là một trong các đỉnh núi trong dãy Hi Mã Lạp Sơn mới thật sự là Tu Di Sơn, vì nó là khởi nguồn của bảy dòng sông lớn của châu Á, trong đó có sông Hằng, Hoàng Hà và sông Mê Kông. Có lẽ, nếu ví như núi Tu Di, nó chỉ đúng về mặt tâm linh, tức trung tâm của mạch sống tâm linh, nơi các linh thần ẩn cư. Tu Di là ngọn núi chỉ có trong siêu hình học Phật giáo, chứ không phải là ngọn núi thật thấy bằng mắt thường. Theo Kinh Hoa Nghiêm, núi Tu Di là trung tâm của tất cả các cõi, được kết thành bởi toàn vàng, bạc, châu báu và lưu ly, cao đến 505,000 dặm, chỉ có chư thiên cư ngụ, chứ con người không thể thấy mà cũng không thể đến đó được. Siêu hình học Phật giáo cho rằng cả núi Tu Di chứa trong một hạt cải, và hạt cải chứa trong núi Tu Di. Tín ngưỡng dân gian Miến Điện coi Hoa Sơn như Tu Di có lẽ vì đó là nơi họ thờ các vị thần nat, đấng quyền năng tối thượng của họ. Điểm khác biệt nữa, so với Kailas của Tây Tạng hay ý nghĩa Tu Di trong siêu hình học Phật giáo, Hoa Sơn là trú xứ của nhiều vị được phong thần sau khi chết bất đắc kỳ tử, có vị nat nguyên là công chúa bị vua trấn nước, có vị là vua hay hoàng tử, có vị là vua của voi trắng hay ngựa trắng. Và trong số 37 vị thần linh này có người rất hung dữ. Vì lẽ đó họ được thờ cúng để khỏi phá phách chứ không phải để che chở hộ vệ (không phá phách là đã mừng rồi). Tôi chợt nghĩ rằng tình cảnh đất nước Miến Điện ngày nay xuất phát (phần nào) từ nhân sinh quan của họ. Họ sợ hãi các vị thần hung dữ, không tìm cách triệt tiêu hay dời đi chỗ khác (kính trọng nhưng xa lánh) mà lại thờ cúng, tránh chọc giận thần để được để yên. Không biết có nên ví điều này như một thủ đoạn hối lộ không. Và không biết trong đời sống thường ngày, họ có áp dụng cách xử thế này khi gặp cường hào ác bá hay không.

pic

Một số Thần Nat độc đáo

TK