Menu Close

12 ngày ở Miến Điện – Kỳ 12

Sau khi từ Hoa Sơn trở về vào xế chiều, tôi tranh thủ  thời gian đạp xe vô các ngôi làng gần Nyaung U cho đến tối mịt. Hôm nay là ngày 14 âm lịch, trăng sáng vằng vặc trên bầu trời xanh lơ. Mấy ngày qua ăn uống linh tinh, toàn những chỗ dở hơi nên hôm nay quyết tâm kiếm một chỗ đàng hoàng tử tế. Tôi phải tự thưởng cho mình vì còn tiền trong khi chỉ còn hai ngày nữa, tôi sẽ bay về Yangon, ở lại một đêm ở đó để sáng hôm sau bay qua Bangkok chờ đổi chuyến về Sài Gòn.

pic

Từ Khanh

ĐỔI TÊN

Tôi tìm được một nhà hàng (thứ thiệt) bên ngoài khu Bagan Cổ để ăn tối, có tên  A Little Bit of Bagan. Nhà hàng nằm trên con đường nhỏ, gần ngã ba cắt ngang đường cái Bagan-Nyaung U và xịch hướng phía khu Nyaung U, ngay góc đường có tấm bảng chỉ hướng nên dễ tìm. Sau khi bước qua sân trước sẽ thấy một phòng Internet máy lạnh, nếu bạn muốn lướt tin hay gửi điện thư thì các cô phục vụ sẽ giúp bạn vượt tường lửa để vào Yahoo hay Google. Các bạn phượt không nên bỏ qua nhà hàng này vì giá cả không đến nỗi nào (tất nhiên nếu so với các quán ven đường thì nó mắc gấp ba lần). Một lon bia Myanmar giá một đô rưỡi, cơm gà hay mì Ý giá từ hai đô đến ba đô. Đặc biệt cà phê thứ thiệt, uống rất đã. Đặc biệt hơn nữa họ có nước mắm ớt ăn với cơm nóng rất xịn. Sau khi ăn sẽ được tặng đồ tráng miệng là mấy chục viên kẹo me đựng trong một hộp gỗ nhỏ hình cái tháp. Ngồi dưới các tàn cây lớn trong vườn, ngắm những chiếc đèn lồng vàng nhạt, ngó nghiêng qua lá là trăng trắng soi trời xanh, lai rai với bia quốc doanh, hồi tưởng những tháp cổ, mở điện thoại cầm tay nghe Diễm Xưa “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” và đừng nhớ ai cả, chỉ nhìn có bóng mình trên nền đất, tôi thấy rằng quả cái tuổi trai già của mình vẫn không đến nỗi nào.

pic

Nhà hàng “A Little Bit of Bagan

Sau khi về tới nhà khách đã gần nửa đêm. Có tiếng gõ cửa: anh bồi phòng trẻ khệ nệ bưng một mâm có đầy đủ bình thủy nước nóng, ấm trà và cái tách nhỏ. Tôi chưa kịp hỏi thì cậu ta mỉm cười: “Bà chủ dặn đem cho anh.” Từ ngày đem thân vào chốn giang hồ tôi ít khi gặp người tử tế cho nên rất cảm động, nhắn cậu ta cám ơn bà chủ. Không chừng bà ta phục kỹ năng “động khẩu” với ông Tây già của tôi chăng. Nếu quả vậy thì không uổng công phu tu luyện đấu võ mồm. Tôi cao hứng nói:

– Mầy uống vài lon với tao không?

Anh ta mỉm cười gật đầu. Tôi nói anh ta đem vài lon bia Mandalay ra ngồi ở bậc thềm, anh ta cẩn thận đốt thêm cái nhang muỗi. Tụi tôi vừa uống vừa tán phét. Anh bạn làm bồi phòng đã tốt nghiệp đại học Mandalay ngành nhân văn. Tôi không ngạc nhiên khi biết cậu cử nhân đi làm bồi phòng. Ngay trước nhà khách này, phía bên kia đường có một quán ăn bình dân. Trên vách quán có treo ba tấm ảnh chụp ba người con trai lãnh bằng tốt nghiệp, trong đó có tấm hình của anh bồi bàn ở trần, quấn xà rông. Anh này hãnh diện nói anh cũng tốt nghiệp đại học Mandalay, hai người kia là anh trai cũng đã xong đại học, một người làm gì đó cho nhà nước, còn một người chạy taxi.

Dù đã có nhang muỗi nhưng chúng tôi vừa uống vừa đập. Đêm yên tĩnh, lâu lâu nghe tiếng lóc cóc của xe ngựa ngoài đường vọng vào. Tôi hỏi anh ta một chi tiết về tên họ của người Miến Điện. Hôm ở Yangon, tôi hỏi tên một thanh niên làm việc trong nhà khách và nhờ anh ta viết ra giấy để khi sắp về lại thì gọi điện thoại để báo trước. Khi tôi hỏi chữ nào là tên gọi, chữ nào là họ thì anh ta cười nói: “Tụi tui đâu có họ”.

Nhờ cậu cử nhân bồi phòng giải thích tường tận, và đọc thêm một vài tài liệu, nhất là của tác giả Shway Yoe (đã nói ở chương trước), tôi mới biết rõ hơn người Miến Điện đặt tên họ rất tự do.

Thông thường sau khi ra đời khoảng hai tuần, đứa trẻ sẽ được đặt tên. Gia đình sẽ tìm một ông thầy bói, lựa ngày lành và giờ hoàng đạo, mời bà con và bạn bè đến dự lễ đặt tên. Hôm ấy đứa bé mới được gội đầu kể từ khi chào đời. Họ hàng quyến thuộc đem đồ ăn hay tiền bạc đến tặng. Người mẹ bồng con, xung quanh bà con hút thuốc lá vặt hay nhai trầu để suy nghĩ một cái tên cho đứa bé, ai nghĩ ra tên thì nói ra để người khác bình luận. Thường đó chỉ là hình thức vì cha mẹ đã chọn tên trước, bà con cũng chỉ nói vài cái tên do cha mẹ đã thông báo.

Tên của đứa bé tùy thuộc nó được sinh vào ngày nào trong tuần. Người Miến Điện rất coi trọng tám ngày trong tuần, thứ Tư được chia ra làm hai ngày. Họ vào chùa cũng tùy theo sinh vào ngày nào trong tuần để lựa hướng thích hợp mà cầu nguyện, vì mỗi ngày trong tuần tương ứng với một hướng. Khi đặt tên con, họ dựa vào ngày sinh trong tuần để chọn vì mỗi ngày tương ứng với một nhóm phụ âm đầu, chỉ có Chủ Nhật mới bắt đầu bằng nguyên âm. Thí dụ đứa con sinh nhằm thứ Hai, tên nó sẽ bắt đầu bằng một trong các mẫu tự đầu là K, Kh, G, Gh, Ng, như Ngwe Khaing, Gauk, Khin.

pic

Trẻ vào chùa, tùy theo sinh vào ngày nào trong tuần, sẽ được lựa hướng thích hợp để cầu nguyện

Sinh ngày thứ Ba thì sẽ có tên bắt đầu bằng các phụ âm S, H, Z, Zh, Nya, như San Nyun. Sinh nhằm thứ Bảy thì tên sẽ bắt đầu bằng các mẫu tự T, Ht, D, Dh, N, như Ne Htun, Du Wun.

Sinh ngày thứ Năm thì tên bắt đầu với P, Hp, B, Bh, M, như Po Mya, Bo Gale, Mi Meit.

Vào ngày thứ Tư thì tùy sinh giờ nào. Nếu sinh buổi sáng trước 12 giờ thì bắt đầu bằng mẫu tự L, W, như Waing Hla. Từ giữa trưa đến nửa đêm bé sẽ có tên bắt đầu bằng Y như Yôn, Yauk, Yo.

Sinh vào thứ Sáu thì tên bắt đầu bằng Th hay H: Than, Thet She, Thin. Theo cách đặt tên này thì Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc từ năm 1961 đến 1971, ông U Thant người Miến Điện, chắc sinh vào ngày thứ Sáu (“U” đặt trước tên dành cho đàn ông lớn tuổi hay có chức tước trong xã hội).

pic

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc (1961- 1971) ông U Thant người Miến Điện, có lẽ sinh vào ngày thứ Sáu

Trong thực tế, người Miến Điện ít khi kêu tên trống không mà kèm trước tên gọi một chữ chỉ tuổi tác hay giới tính. Thí dụ “Maung” để chỉ phái nam và “Ma”  là nữ giới, như Maung Gauk là cậu Gauk (cậu sinh ngày thứ Hai), Ma Khin là cô hay bà Khin. Riêng “U” dành cho đàn ông lớn tuổi và được kính trọng (do người khác gọi hay do chính đương sự tự đặt trước tên gọi của mình), còn “Daw” để bày tỏ sự kính trọng với phụ nữ có tuổi, vì thế đôi khi đọc báo ta thấy tên của nữ lãnh tụ đối lập có thêm chữ “Daw” đằng trước: Daw Aung San Suu Kyi.

pic

Bà Aung San Suu Kyi được mọi người kính trọng, thêm chữ “Daw” đằng trước, trở thành “Daw Aung San Suu Kyi”.

Do đặt tên theo thứ, và việc đổi tên tùy tiện nên người Miến Điện không có họ. Một người cha có năm đứa con trai thì cả năm người có thể có tên gọi khác hẳn người cha. Cậu con có thể thêm chữ Maung (ông), hay Shwe (vàng) trước tên mình, thí dụ cậu được đặt tên là Lugale Ngè, khi đến tuổi biết dê gái (thường rất sớm) cậu sẽ tự gọi mình là Maung Lugale thêm chữ “Maung”đằng trước cho bảnh. Khi qua tuổi ba mươi cậu sẽ tự tiện gọi mình là “U Ngè” hay “Lugale”. Trong trường hợp cậu ghét tên cha mẹ đặt, hoặc muốn chính thức hóa tên mới thì cậu sẽ gửi thư đến người quen và bạn bè, báo tin: “Tên tôi nguyên là Maung Shwe Pyin, từ nay tôi không dùng tên này nữa, hãy gọi tôi là Maung Hkyaw.” Thế là xong thủ tục.

Tôi có hỏi anh bạn đang lai rai bia bọt khi muốn đổi tên thì giấy tờ cá nhân làm sao. Anh ta nói thì chỉ cần báo chính quyền và có cách làm thủ tục hành chính đơn giản. Thật là lạ. Đặc biệt phụ nữ ít khi đổi tên. Nhưng nam nữ gì, do tính ngày sinh theo thứ, nên tuần nào cũng có sinh nhật. Các trưởng giả hay bợm nhậu Việt Nam nên bắt chước phong tục này để có chính nghĩa ăn nhậu.
Tập quán đổi tên của người Miến Điện có thể dùng giải thích hiện tượng chính quyền hiện tại đổi tên nhiều địa danh. Từ năm 1989, tên tiếng Anh “Burma” được đổi thành “Myanmar”. Trừ Mỹ và Anh, các nước khác công nhận tên mới. Các địa danh nổi tiếng khác cũng được đổi, như Pagan thành Bagan, Rangoon thành Yangon, sông Irrawaddy thành Ayeyarwaddy (sông Voi), cao nguyên May Myo thành Pin Oo Lwin (Phố Mây). Đài BBC hồi cuối tháng Chín năm 2007 từng có một bài viết bình luận về việc đổi tên nước “Burma” thành “Myanmar”, cả trích dẫn phát biểu của nhà ngữ học Richard Coates thuộc đại học Western English. Ông này cho rằng chính quyền đổi tên vì muốn cắt đứt với quá khứ bị thuộc địa. Có lẽ đúng nhưng chưa chắc người Miến Điện đã quan trọng hóa việc đổi tên nước hay địa danh. Có một số người vẫn dùng tên cũ vì lý do chính trị, chứ không phải họ quan trọng hóa quan niệm “người quân tử đi chẳng đổi tên ngồi không đổi họ”. Thích tên gì thì dùng tên ấy. Đó là tinh thần của ngôn ngữ, vì ngôn ngữ là phương tiện qui ước miễn sao được số đông đồng ý, chứ không cần câu nệ “quân tử” hay “chính danh” gì đó.

TK