Mạn Đà La và Phố Mây
Thành phố Mandalay, cách Yangon trên 700 cây số về hướng bắc, có một con đường rợp mát và thẳng băng dọc theo hoàng thành, đường số 66.
Một đầu đường là khách sạn năm sao Sedona, đầu kia là Đồi Mandalay, chỉ cao 240 mét nhưng muốn leo tới đỉnh phải trèo 1,729 bậc thềm. Hai hàng cây trên đường 66 thẳng tắp trên hai lối đi bộ ven đường, dải phân cách ở giữa là hàng cây xanh, đứng đầu con đường thanh thản này có thể thấy thấp thoáng tháp vàng trên lưng chừng Đồi Mandalay.
Đường sá trong nội thành Mandalay thẳng góc, tên đường đánh theo số thứ tự nên dễ tìm. Phố xá không có gì lạ, nổi bật nhất là đồi Mandalay, các ngôi chùa và hoàng thành nằm ngay dưới chân đồi.
Đồi Mandalay
Một tài xế xe lôi trước khách sạn Sedona
Năm 1857, vua Mindon dời đô từ Amarapura từ hướng nam về Mandalay hiện nay, chọn đồi Mandalay như một điểm tựa phong thủy và tín ngưỡng để xây hoàng cung. Nhiều cuốn sách ghi rằng lý do vua dời đô vì được mặc khải và do một nhà tiên tri mách bảo. Nhưng tôi có nói chuyện với vài người khi đi thăm cố đô Amarapura chỉ cách Mandalay 11 cây số thì họ bảo không phải như vậy. Họ nói vì lúc đó quân Anh đã chiếm Hạ Miến Điện, nhà vua biết thế nào họ cũng chiếm vùng Thượng Miến Điện nên dời kinh thành vô sâu trong đất liền, vì hoàng thành Amarapura gần sông Voi quá, khó phòng thủ, mà hải quân Anh rất giỏi. Hoàng cung cũ được dời về Mandalay bằng voi (thật ra chỉ trên 10 cây số), và mất hai năm sau khi dời đô thì hoàng cung Mandalay mới xây xong.
Nếu tính về thời gian thì một hoàng thành chỉ xây trong vòng hai năm ắt không thể nào lớn hoặc bề thế như của Trung Hoa hay thậm chí hoàng thành Huế. Quả vậy, hoàng thành Mandalay cho ta cảm giác nhẹ nhàng và khoáng đạt, chứ không u trầm và kín đáo như thành nội Huế. Mỗi bề hoàng thành dài khoảng hai cây số, có tổng cộng 12 cổng (mỗi mặt thành có ba cổng), ở các cổng và bốn góc thành có tháp cao nhưng như để trang trí hơn là phòng thủ, gồm nhiều mái vuông chồng dần lên nhau. Đứng trên Đồi Mandalay nhìn xuống, hoàng thành Mandalay trông như một Mạn Đà La. Về mặt hình dạng, Mạn Đà La là một hình tròn bao quanh một đồ hình vuông vức, có bốn cửa xoay về bốn hướng, mỗi cửa có một vị Phật ngự trị chung quanh vị Phật chính ở trung tâm đồ hình. Tùy theo hạnh nguyện mỗi vị Phật có một màu sắc tương ứng. Trong Phật giáo Mật Tông, hành giả quán minh là một Mạn Đà La, hay có đủ sắc tướng của một vị Phật, nói thật đơn giản thì Mạn Đà La khi ấy vừa là phương tiện (để tu) vừa là cứu cánh (thành Phật). Ngoài hoàng thành là thành phố, chung quanh thành phố là bốn con sông bao bọc như vòng tròn bao quanh hình vuông bên trong. Thành phố Mandalay đúng là một Mạn Đà La.
Hoàng thành Mandalay
Trong luận ký “Đời sống và Nhân Sinh Quan của người Miến Điện” viết xong vào năm 1909, Sir Jame George Scott mô tả hoàng thành của vua Mindon như sau:
“…Mỗi mặt thành dài một dặm tám, tường đắp cao hơn 11 mét rưỡi, bề dày gần một mét, dù khó bị phá vỡ nhưng không có súng phòng thủ đặt trên các pháo đài cách nhau khoảng 182 mét. Mặt thành hình răng cưa sâu nhưng không có lợi gì (cho việc phòng thủ) mà chỉ để trang trí. Có 12 cổng thành mỗi mặt nhưng mỗi bên chỉ có một cái cầu bắt qua hào, riêng cửa thành phía tây có hai cầu và một cái dành riêng cho tang lễ. Bên ngoài mỗi cổng thành có biển ghi tên và huy hiệu của cổng. Chung quanh và cách thành chừng 18 mét là hào sâu rộng khoảng 45 mét (có tài liệu ghi 68 mét, tôi nghĩ đúng hơn vì có đo thử bằng cách nhảy ước chừng, cũng có thể hào được mở rộng sau này NV), có thả sen là loài hoa Phật tử ưa chuộng. Đây đó trên hào thấp thoáng những chiếc thuyền của hoàng gia.”*
Tường hình răng cưa của Hoàng thành Mandalay
Mô tả của Scott không khác lắm dù đã hơn một thế kỷ qua. Hoàng thành của vua Mindon giống như để che các sinh hoạt của hoàng gia và triều đình hơn là để phòng thủ. Dù hào rộng, nước trong vắt và thoáng chứ không thả đầy rau muống như ở thành nội Huế, nhưng cũng chỉ để trang trí hay giải trí. (“Đây đó trên hào thấp thoáng những chiếc thuyền của hoàng gia”.) Vua Mindon không nghĩ đến chuyện tự vệ, rất có thể ông biết lối phòng thủ bằng hào sâu và tường dầy, với các súng “thần công” cổ lỗ sĩ bắn phát một không thể ngăn chận quân Anh lúc đó đã chiếm hết miền Hạ Miến Điện. Sớm muộn gì họ cũng chiếm luôn vùng Thượng và triều đình phong kiến với vũ khí thô sơ không cách nào ngăn chận nổi, vì vậy ông tập trung phát huy đạo Phật trong thời gian trị vì hơn là lo bảo vệ đất nước.
Tất nhiên những điều trên là võ đoán của tôi, không có căn cứ và chỉ dựa theo cảm nhận khi đạp xe đi quanh hoàng thành. Cổ thành nào cũng buồn, nhưng nỗi buồn váng vất nơi cổ thành Mandalay không u uất, không trầm mặc, không rêu phong màu gạch đỏ như nỗi buồn thấu xương ở thành nội Huế một chiều đông lất phất mưa. Nó như một cô gái xuân thì phơi phới không trang điểm chứ không phải một nàng kiêu kỳ kín đáo với vòng vàng xuyến ngọc và quá khứ phủ đầy người. Buồn nhưng nỗi buồn nơi bốn tường thành vuông vức bình thản, tựa như con người biết kiếp người rồi sẽ như thế, như sông trôi, mặc!
Tôi không đi vào bên trong hoàng thành vì theo vài tài liệu, và người địa phương, cho biết: “Bên trong không còn gì cả vì bị đồng minh thả bom làm cháy rụi cung điện trong Chiến Tranh Thế Giới lần 2”. Nhất là không có gì để xem vì “toàn là đồ giả”. Một người Mandalay nhấn mạnh: “Trong đó bây giờ là doanh trại quân đội, không có gì.”
Mandalay như vậy không phải là thành phố cổ như nhiều người nghĩ. Nó là cố đô của triều đình phong kiến cuối cùng của Miến Điện. Chỉ tồn tại không tới 30 năm, quá ngắn nên không có nhiều dấu vết vua chúa, trừ các công trình lớn để hoằng dương đạo Phật của vua Mindon.
Phố Mây
Cách nội thành Mandalay 70 cây số về hướng đông (tức về hướng Việt Nam), có cao nguyên Pyin Oo Lwin cao trên 1,000 mét. Tên cũ của Pyin Oo Lwin là May Myo, nghĩa là Phố May (“May” là tên của viên sĩ quan đầu tiên của thực dân Anh đồn trú tại Pyin Oo Lwin). Tôi gọi May Myo là Phố Mây. Tôi thuê một chiếc xe ôm chở lên cao nguyên Pyin Oo Lwin, tức Phố Mây, vào sáng sớm. Ông xe ôm đã trọng tuổi, nói tiếng Anh lưu loát, biết nhiều về lịch sử Miến Điện. Ông ngồi chơi hút thuốc vặt (chứ không nhai trầu) trước khách sạn, rủ tôi đi chơi. Ông nói không làm gì, nếu đồng ý thì đi về tổng cộng 140 cây số chỉ lấy 20 đô.
Các bạn giang hồ nếu lên Phố Mây nên chọn đi xe ôm, hoặc “đã” hơn là tự mình mướn gắn máy rồi xem bản đồ chạy. Thật ra đường đi dễ, không cần nghiên cứu bản đồ cũng đi được. Từ trung tâm Mandalay, tức từ cổng nam của hoàng thành (đường số 26), tìm đường số 73 chạy cho đến khi gặp đường số 35 thì rẽ trái, chạy hết đường 35 (khoảng hai cây số) sẽ thấy một tấm bảng chỉ hướng đi lên Phố Mây. Từ đây đã ra khỏi nội thành, chỉ có đường quốc lộ độc đạo nên không thể lạc được.
Ra khỏi nội thành con đường nhựa hơi lổm chổm nhưng chỉ khoảng 10 cây số là đường trơn láng. Hai bên các hàng cây tếch và phượng vàng vươn cao che gần kín bầu trời. Con đường này hai chiều, phân cách nhau bởi một hàng cây rộng trên năm thước, chạy tốc độ thoải mái không giới hạn. Ruộng lúa sau hàng cây cao không rộng bằng miền Tây nhưng cảnh các cô Miến Điện đội nón lá, quấn xà rông đủ màu sắc lui cui cấy lúa thật yên bình.
Đồi Mandalay
Trước khi lên đèo, chúng tôi ghé vào một quán nhỏ để ăn sáng. Đây là quán duy nhất dọc đường, nhiều xe hàng chở người ngồi cả trên mui tấp vào nên không khí khá náo nhiệt. Chúng tôi vừa ăn sáng vừa nói chuyện. Bác xe ôm có cậu con trai đầu đã tốt nghiệp Học viện Quân sự ở Phố Mây, vừa mới được bổ nhiệm lên tiểu bang Shan. Tuy bác không nói nhưng tôi đoán cậu con của bác được gửi lên Đặc Khu Kokang nằm phía bắc của tiểu bang Shan, giáp biên giới Trung Quốc, nơi đang diễn ra nhiều cuộc giao tranh giữa quân đội chính quyền và lực lượng võ trang của các sắc dân thiểu số. Phần lớn sắc dân vùng giáp ranh Trung Quốc này gốc Hoa. Miến Điện có 135 sắc tộc thiểu số, chiếm 30 phần trăm dân số. Do nhiều nguyên nhân họ thường xuyên xung đột với chính quyền trung ương. Riêng tiểu bang Shan có 17 lực lượng vũ trang của người thiểu số, có khi đánh có khi hòa với chính quyền quân sự.
Vào thời điểm tôi đến Phố Mây thì giao tranh đang diễn ra ác liệt giữa lực lượng võ trang của sắc dân Kokang (Quân Đội Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện) và quân đội của chính quyền, không biết tổn thất hai bên thế nào nhưng gần 30,000 nạn nhân chiến tranh, phần lớn là người gốc Hoa, phải tràn qua tỉnh Vân Nam lánh nạn. Sự bất ổn ở khu vực biên giới khiến Trung Quốc còn lo ngại hơn chính quyền quân sự vì Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập đường ống dẫn dầu từ Vân Nam, băng qua Miến Điện, vươn ra tới Ấn Độ Dương. Đường ống dài 1,200 cây số này sẽ giúp tàu chở dầu Trung Quốc không lệ thuộc vào tình hình an ninh bất ổn ở Vịnh Malacca khi phải chở dầu từ Phi châu hay Trung Đông về nước.
Bác xe ôm hãnh diện vì lương tháng của cậu con khoảng 100 đô, có thể sống tự lập dù đang phải ở vùng chiến sự. Hai đứa nhỏ hơn cũng đang học đại học. Theo tiêu chuẩn Miến Điện bác thuộc gia đình đủ ăn đủ mặc, không chật vật quá. Bác nói cho con vào quân đội thì mới tiến thân được, “sau này nó lên tướng còn ngon nữa”. Bác lôi trong bóp ra tấm hình của cậu con sĩ quan quân đội, khoe: “Nó cao lớn đẹp trai, học giỏi nên mới được tuyển vào trường sĩ quan.”
Sau khi gầm rú băng qua hai cái đèo có mấy chiếc xe hơi cũ nằm ụ, ngắm nghía dòng Dotawaddy, một nhánh của sông Voi, uốn lượn yên bình dưới thung lũng xanh thẳm, chúng tôi đã lên tới cao nguyên Phố Mây, không khí mát lạnh như ở Di Linh, hai bên đường hoa dại đủ màu. Con đường vào Phố Mây như một làng quê thanh lịch, bác tài chạy ngang một cái miếu nhỏ ven đường và bóp còi tin tin. Bác giải thích đó là chào thần làng phò hộ để đi đường bình yên (khi đi về bác cũng chào kiểu bóp còi tin tin và cho xe chạy chậm lại).
Con đường dẫn vào thành phố êm đềm và kín đáo. Hoa phượng vàng và hoa cây tếch vàng nhạt đan vào nhau, chớm một màu sáng phất phơ trên bầu trời cao nguyên nhiều mây xám. Xe chạy ngang Học Viện Quân Sự, theo lời bác xe ôm, là đại học lừng danh và đầy đủ tiện nghi nhất Miến Điện. Chắc không ai nghi ngờ gì điều này. Trước cổng chính Học Viện có tượng đồng ba ông vua đứng trên bệ đỏ, một ông dựng giáo chỉ tay, một ông đang tuốt kiếm, một ông khoanh tay trước ngực đắc ý ngắm nhìn chiến công. Hình ảnh ba ông vua bốc lên một không khí chiến tranh. Cánh cổng lớn mở vào bên trong một con đường nhựa phẳng phiu chạy sâu vào rặng núi, bên hông cổng lớn có hai hàng chữ bằng tiếng Miến và tiếng Anh chạm nổi trên nền tường đỏ rực: The Triumphant Elite of The Future. Những sĩ quan quân đội của Miến Điện được (nhà nước) huấn luyện và chọn là giai cấp ưu tú của đất nước. Trong Miến Điện hôm nay, dường như chỉ có hai giai cấp là quân nhân và dân thường. Nhưng không như giai cấp tiền phong có tiếng nhiều hơn có miếng, sĩ quan quân đội Miến Điện thực sự được chính quyền quân sự đãi ngộ, ít ra thì tôi cũng thấy điều đó ở mặt nổi khi rong chơi trên đường. Ở phi trường, ngoài phố Yangon, tôi thấy một số sĩ quan quân đội trẻ, áo quần thẳng nếp, giầy bốt-đờ-sô ruồi đậu trượt chân, đi cạnh những thiếu nữ Miến Điện rất xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, đầu ngẩng cao, nện gót giầy cao gót trên nền, họ có vẻ hãnh diện, những người chung quanh liếc mắt nhìn họ, vẻ e dè. Tôi hỏi bác xe ôm:
– Thế con trai bác có bạn gái chưa, chừng nào bác có cháu nội?
Bác nói nó mới ra trường nên chưa, nhưng “thiếu gì”. Phố Mây được chọn làm nơi đặt trường đào tạo sĩ quan, hình như chính quyền cũng chọn thị trấn này để xây cất nhà cửa khang trang và giữ gìn thiên nhiên cẩn thận. Nhiều ngôi biệt thự lớn, khách sạn đẹp, có cả sân golf. Khung cảnh cao nguyên yên bình nhưng càng lên cao dường như có một vẻ bất thường nào đó vì thỉnh thoảng, trong khi các xe hàng cà khổ chở người trên mui đang lệt bệt trên đường, kể cả chiếc gắn máy của chúng tôi, thì đột nhiên tấp hết vào lề để nhường cho một đoàn xe hơi láng bóng vượt qua. Bác xe ôm nói đó là xe quân sự. Những chiếc xe này cửa kính phản quang, chạy rất nhanh, đứng bên lề nhìn họ xẹt ngang thấy xe mình và xe hàng khúm núm bên lề phải như đang cúi đầu nhìn sự “tiến bộ” vượt qua, và bất giác ngậm ngùi.
Chúng tôi ngừng trên dốc của một khu chợ, ở đây có không khí của một cái chợ cao nguyên đông người nhưng không ồn ào, đủ các loại trái cây miền núi, xe ngựa nhiều nhất. Phố Mây đúng là nơi nghỉ mát lý tưởng trong mùa hè, phải ở lại ít nhất hai ngày mới đi hết các thắng cảnh, vườn Bách Thảo, nhiều thác cao, chùa trong thạch động. Bác xe ôm nói ở đây có một tiệm cà phê rất ngon, nhưng giá khá mắc, bác nói tôi nghiền quá thì bác chở nhưng không nên đi vì của một người Mỹ gốc Tiệp Khắc làm chủ. Tôi nói bác không thích người Mỹ à? Bác gật gù. Tôi nói thế sao khi ăn sáng bác ước có tiền cho thằng con thứ qua Mỹ du học. Bác không trả lời, chỉ gật gù. Tôi cà khịa gật gù là sao, là chịu hay không chịu Mỹ. Bác nói thì cha mẹ đều muốn cho con thành tài, học ở một nước phát triển thì vẫn tốt hơn. Tôi trêu thế là phò Mỹ nhé. Bác nói thật ra đó là chuyện chính quyền, chứ trong tiệm sách “vẫn có sách của ông Obama đấy”.
Trên đường về tôi nói còn mấy ngôi chùa ở Mandalay muốn đi luôn. Bác xe ôm nói vậy để tôi chở anh đi đường tắt hay lắm. Quả thật, thay vì chạy theo lối cũ, bác qua một cái cầu ngắn rồi rẽ phải cặp theo một con đê dẫn thủy nhập điền. Vì có núi và đồng ruộng nên con đường làng giống như các con đường ruộng khác ở miền Trung, có các cụm làng lợp tranh vách tre, xe bò đi lại chậm rãi, phụ nữ tụ tập thản nhiên tắm dưới rạch, con nít chân đất rượt đuổi nhau. Khung cảnh miền quê yên ả trong khói lam chiều, khó nghĩ đây là vùng đất nghèo và cô đơn nhất thế giới.
* Shway Yoe (Jame George Scott) (1963) The Burman: His Life and Notions. New York: W.W. Norton, tr. 477-78