Menu Close

12 ngày ở Miến Điện – Kỳ 7

Một ngày bốn cố đô và chiếc cầu tóc cúng Phật.

Từ Khanh

Chỉ trong bán kính 30 cây số tính từ trung tâm Mandalay ở vùng Thượng Miến Điện, có đến bốn cố đô. Mandalay là cố đô thứ nhất, nhưng đang thành kinh đô mới của nhiều người Trung Quốc. Theo tổ chức phi chính phủ Global Witness ở Luân Đôn, có khoảng 40 phần trăm dân số Mandalay là người Hoa, phần lớn di cư từ Vân Nam và Tứ Xuyên qua Thượng Miến Điện nhưng kéo về Mandalay định cư vì dễ làm ăn. Chính sách đưa dân qua nước láng giềng của Bắc Kinh không mới, nó lại mạnh và suôn sẻ hơn nhờ chính quyền quân sự làm ngơ. Mandalay chưa có Phố Tàu nhưng phần lớn các cửa hiệu lớn bán đủ loại hàng hóa tạp-pí-lù đều của người Hoa. Các khách sạn lớn cũng của do người Hoa làm chủ, Không chỉ riêng Mandalay mà toàn Miến Điện tất cả xe gắn máy cũng đều của Trung Quốc, áo quần cũng Trung Quốc, chỉ có một số rất ít nhập từ Thái Lan. Tôi làm bể chấu cắm điện vào laptop, nhờ bác xe ôm hôm nọ (tôi giữ rịt bác suốt bốn ngày ở Mandalay) chở đi mua. Bác chở ra một phố bán đồ điện và điện tử mua một cái, rồi nói giọng bất mãn: “Tiệm nào lớn ở đây đều Chinese, Chinese everywhere.”

pic

Khu ăn uống tại Phố Tàu


Trong thập niên 1990, người ta ước tính dân số Mandalay tăng từ năm trăm ngàn lên gần một triệu nhờ người Hoa từ đại lục di cư sang. Một nhà báo nữ của Miến Điện vừa mới mất năm 2008 lúc bà được 92 tuổi, nói rằng người Trung Quốc không tốn một phát đạn mà lấy được Mandalay. Ai cũng biết người Hoa đi tới đâu thì nơi ấy việc buôn bán ở đó phát triển, nhưng đồng thời ảnh hưởng bản sắc văn hóa Miến Điện. Riêng ở Mandalay, nhiều lễ hội chính thức của con cháu Khổng Tử đã thành thông lệ, đã có khá nhiều chùa Tàu lớn. Một tác động khác là tệ nạn xã hội. Ở Mandalay không có hộp đêm, hoặc có mà tôi không biết, riêng ở Yangon có một số hộp đêm khoảng dưới 10 cái. Các hộp đêm thường bắt đầu từ 9 giờ tối, màn trình diễn chủ yếu là thời trang trên một sàn vuông, xung quanh có ghế ngồi, các cô bận trang phục kín đáo, có khi mặc quần jeans, đi lên đi xuống một cách tài tử. Tôi theo một chàng quản lý nhà khách đi một hộp đêm có tên là JJ, vé vào cửa ba đô Mỹ kèm một ly bia hơi (bia Dagon). Khách uống một ly có thể ngồi đến nửa đêm mà không ai hỏi han gì. Nhưng đặc biệt xung quanh tụm năm tụm ba rất nhiều cô gái, không hẳn con gái gốc Miến Điện vì nước da và khuôn mặt trắng, mũi tẹt, lùn và xấu. Phụ nữ Miến Điện thường dong dỏng, ốm, da bánh mật hoặc đen sậm, đôi mắt dài và buồn. Tôi hỏi chàng quản lý “các em này  là người gì”. Chàng Miến Điện quấn xà rông mặc sơ mi trắng, chân đi dép lẹt xẹt, vừa uống bia vừa trả lời:

pic

Hộp đêm của người Tàu tại Yangon


– Chín mươi chín phần trăm đĩ ở đây không phải là người Miến.

Tất cũng khó biết mức độ sự thật qua nhận xét khơi khơi này, nhưng nó phản ảnh một hiện tượng xã hội. Chính quyền không khuyến khích nhưng làm ngơ các hoạt động mại dâm, dù vậy, khách khứa vào hộp đêm lèo tèo, có ông quấn xà rông vào nằm ngửa trên ghế, nhai trầu bỏm bẻm, cảnh ăn chơi rất thô sơ chứ không ác liệt và sang trọng như ở Sài Gòn hay Hà Nội.

Cũng như ở Yangon, buổi tối Mandalay không có đèn đường. Đường sá sáng lên nhờ ánh neon từ một số cửa tiệm hắt ra, nhờ xe nước mía, nhờ đèn xe máy loang loáng trên đường. Đã thế điện cúp nhiều lần trong ngày và đêm, cúp rồi bật, chứ không cúp một mạch nhiều giờ liền. Mandalay, cố đô phong kiến cuối cùng, thành phố mới và lớn thứ hai của Miện Điện, dù sao vẫn là nơi không nên thiếu trên lộ trình đi Miến, bởi nó là một thành phố có cá tính, không vô văn hóa nửa Tàu nửa Tây như Singapore.

Cố đô thứ hai là Amarapura, nghĩa là “Bất Tử Thành”, cách trung tâm Mandalay khoảng 11 cây số về hướng Nam. Tuy gần nhưng khó nhớ đường hơn đi Phố Mây. Các bạn đi xe máy theo đường số 84 về hướng nam, tức đi ngược lại hướng Đồi Mandalay, hỏi đường đi tiếp chừng hai cây số nữa sẽ đến một cái mốc có thể gọi là cửa ngõ vào cố đô Amarapura. Cái “mốc” này là một cổng thành cũ chỉ còn mỗi bề khoảng 10 mét, cao ba tầng màu vàng, nhưng đã ố đen gần hết ở tầng trên. Có một tấm bảng ghi tên thành cũ nhưng bằng tiếng Miến Điện. Đây chính là vết tích phế đô Amarapura, từ cổng thành này vào trong chỉ toàn đường đất.
Các bạn phượt đi xe máy sẽ gặp trên các trục lộ chính vào ba cố đô sẽ có lính canh. Khi đi ngang qua họ bắt đóng 100 kyat. Tôi đã gặp hai cổng như vậy nhưng cổng nào cũng không mất tiền. Thì ra người Miến Điện lịch sự. Khi tôi chạy ngang họ ách lại, họ nói gì đó và tôi không hiểu cứ trả lời bằng tiếng Anh, thế là họ khoác tay cho đi. Hôm nay đi với bác xe ôm thì mỗi khi gặp cổng gác có thanh cây chắn ngang đường, bác móc túi trả 100 kyat.

Lý lịch Amarapura khá kỳ. Năm 1783, vua Bodawpaya (1781-1819) dời kinh đô từ Ava về đây vì sợ ma ám sau khi giết nhiều hoàng thân quốc thích để chiếm ngôi. Năm 1823, vua Bagyidaw lại dời hoàng thành về Ava, vua kế vị Bagyidaw là Tharrawaddy (1837-1846) lại dời hoàng thành về lại Amarapura vì Ava bị động đất nặng. Khi vua Mindon lên ngôi (1853-1878), ông vẫn đặt hoàng cung ở đây cho đến năm 1857 mới dời về Mandalay.

Như vậy trong bốn đời vua thì ba lần Amarapura là kinh đô, thăng trầm như một ông quan mất chức rồi phục chức rồi lại mất chức vĩnh viễn. Ngày nay, sau khi vượt qua khối tường gạch trước kia là cổng thành, ta sẽ không thấy bất kỳ một vết tích đền đài nào. Giống như đang rảo chơi một miền quê vắng vẻ nghèo xơ xác. Sở dĩ như vậy vì ngoài việc bị bỏ hoang và chiến tranh tàn phá, khi dời đô, các ông vua tháo giở cung điện và đem theo, khi thì đem theo đến Ava, khi thì đem theo về Mandalay. Gần nhất là vua Mindon, và sau ông là vua Thibaw, cho tháo toàn bộ dinh thự đem về Mandalay (tự viện Shwe Nan Daw dưới chân đồi Mandalay do vua Thibaw đem một phần vật liệu cung điện từ Amarapura về dựng lại và cúng cho chùa). Ngay cả hoàng thành cũng bị giở ra để đem vật liệu về xây hoàng thành mới. Không biết đây có phải là một cách sống của người Miến Điện chăng, không biết đó là tính “cần kiệm liêm chính” của người Miến Điện chăng, mà ngay cả vua khi dời đô cũng đem theo cung điện và hoàng thành để ráp lại nơi mới.

pic

Cổng thành của cố đô Amarapura


Hoàng thành Amarapura là một bán đảo nằm giữa hồ Kyauktawgyi và sông Voi, trên hồ có cây cầu gô U Bein dài nhất thế giới vắt qua. Ông xe ôm nói vua xây cầu này để ngăn chận hải quân Anh tiến vô kinh đô. Tôi hỏi một cây cầu gỗ làm sao mà ngăn chận hải quân Anh? Ông ta cười giả lả gật gù. Theo một tài liệu cũ, hoàng thành vuông vức, mỗi bề dài 2.2 cây số (2) (cũng bằng hoàng thành Mandalay), xung quanh có hào rộng khoảng 25 mét. Cung điện toàn bằng gỗ tếch di dời từ cố đô Ava tới. Như vậy thì hoàng thành Mandalay không phải xây cất bằng vật liệu từ cố đô Amarapura, mà bằng vật liệu của “ông nội” nó là cố đô Ava. Không thấy sách du lịch nào nói điều này.

Ngoài hai hàng cây me hai bên con đường đất nhỏ, các rẫy bắp, dấu vết hoàng kim trong hoàng thành rất khó nhận diện nếu không được hướng dẫn. Hào sâu và rộng bây giờ là một kênh nhỏ thả nhiều rau muống. Khi dời đô, vua Mindon đem theo dân chúng trong thành, vua dân cùng lên vùng “kinh tế mới” Mandalay. Những di dân đến Amarapura sau đó đã dần dà tạo thành một ngôi làng làm nghề dệt lụa thủ công. Bạn đến đây nếu thích sẽ được đưa đến ngôi làng nghề truyền thồng này, đi từ nhà này qua nhà kia xem các cô gái Miến chăm chỉ thoi tơ mà không ai phiền hà hay hỏi bạn là ai. Sau đó hãy chạy xe đến cầu gỗ U Bein toàn bằng gỗ tếch dài 1.2 cây số vắt ngang hồ Taungthaman. Cây cầu này là của hương hỏa của hoàng thành Amarapura, khi vua dời đô về Mandalay, số gỗ tếch còn dư không bị chụm củi hay các đầu nậu bán tháo mà được dùng để xây chiếc cầu này. “Lan can” là các cột gỗ cắm lưa thưa từ đáy hồ lên cao khỏi mặt cầu khoảng từ nửa thước đến một mét, không có một hành lang an toàn nào nhưng không ai rớt khỏi thành cầu nếu không say xỉn. Cầu chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ, trên cầu có hai căn chòi để nghỉ chân. Đi bộ hết cầu gặp một ngôi làng nhỏ cùng tên với cái hồ, có ngôi chùa Kyauktawgyi, và từ cây cầu gỗ nhìn qua các cây cổ thụ chỉ còn cành, sẽ thấy sông Voi miên man trượt. Buổi sáng trên cầu gỗ U Bein là một lịch trình không thể thiếu khi thăm Mandalay. Không khí dịu như nước hồ, người bên kia làng đi bộ qua cầu về phía Amarapura, học trò, thầy tu, người cùi chống nạng, phụ nữ đội hàng, tất cả đều âm thầm chậm rãi. Nếu muốn ngắm toàn hồ thì mướn một chiếc ghe nhỏ đủng đỉnh ra giữa hồ với trời mây non nước. Cách cầu không xa có tự viện Mahagandhayon rất nổi tiếng vì qui củ. Khi tôi đến gần tới giờ thọ trai, gần một ngàn tăng sinh sắp hàng và vào phòng ăn, không một tiếng động nhỏ, hoàn toàn yên lặng.

pic

Vọng Lâu


Cách Mandalay 21 cây số là cố đô Ava, còn gọi là Inwa. Cùng nằm phía tả ngạn của sông Voi như Amarapura, cố đô Ava có từ năm 1364, thay ngôi đổi chủ nhiều lần và ngày nay không còn vết tích gì. Công trình xây dựng có thể nhận dạng duy nhất là một Vọng Lâu (Watch Tower) bằng gạch, cao 30 mét xây năm 1822 để vua ngắm cảnh. Đứng trên Vọng Lâu chỉ còn thấy thấy sông Voi và những đám cỏ xanh mọc ngổn ngang trong nội thành.  Ngoài ra có một tự viện không thể không tới, Maha Aung Mye Bon Zan Monastery, hoàn toàn hoang vắng và hoang phế dù còn nguyên hình dạng, màu tường vàng sẫm đã ố đen buồn bã, trần và gạch bên trong mốc meo và bám rêu. Bên dưới tự viện là các cửa hình vòm nối tiếp nhau, tối tăm đầy bí ẩn, có lẽ trong mùa mưa đây là hang ổ của rắn rít. Tự viện hình chữ nhật, có ba tầng mái, tường bên ngoài trang trí hoa văn công phu, riêng tượng Phật được thờ trong một cái tháp riêng chứ không ở trong chính điện. Tự viện này có hồn dù không một bóng người, nó có cái vẻ sừng sững oai nghi của một khối đá cô đơn trong chiều vắng.

Chúng tôi băng qua cây cầu sắt Ava bắc ngang sông Voi để đến cố đô thứ tư là Sagaing. Sagaing nguyên tên là Jeyapura, nổi tiếng với thị trấn Mingun có đại hồng chung lớn nhất thế giới, Chuông Mingun, đúc xong năm 1810, nặng 90 tấn, cao hơn 3.6 mét, chu vi mép chuông gần 15 mét rưỡi.

Sagaing là kinh đô của bảy đời vua vào thế kỷ 14, kéo dài 49 năm. Đến năm 1760, Sagaing lại là kinh đô nhưng yểu mệnh, thọ được bốn năm. Ngày nay, chỉ cần mất vài giờ là biết hết nội thành Sagaing, nhưng phải mất khoảng một giờ mới leo đến đỉnh Đồi Sagaing nằm phía hữu ngạn sông Voi, đối diện Ava và chếch phía thượng lưu khoảng 10 cây số là thành phố Mandalay. Trên đỉnh đồi có chùa Soon Pone Nya Shin rất lớn, đứng ở đây có thể thấy hàng trăm ngôi chùa và tự viện lớn nhỏ bao quanh đồi, sông Voi xuôi về nam, và hoa phượng đỏ thắm thiết trên sườn đồi. Bác xe ôm lúc thả tôi dưới chân đồi, dặn: “Cứ đi lên, khi nào đến chỗ đóng tiền thì xuống.” Lý do là du khách khi đến Mandalay sẽ đóng 10 đô để thăm tất cả các di tích, nhưng Sagaing không thuộc Mandalay nên phải đóng thêm một mớ tiền nữa. Bác nói Sagaing không đáng để đóng 10 đô, mắc. Tôi nghe lời leo vài trăm bậc cấp lên đỉnh, tính khi nào bị thu tiền thì trở xuống nhưng dọc dường không thấy quầy thu tiền nào cả, không biết lệ này đã bỏ chưa.

pic

Chùa Alaungdaw Kathapa


Thực ra leo lên Đồi Sagaing ngắm cảnh chỉ là cỡi ngựa xem hoa, vì ngọn đồi này và nội thành Sagaing thuộc Vùng Sagaing (Sagaing Division) rất nhỏ. Toàn bộ Vùng Sagaing có nhiều thắng tích Phật giáo. Những bạn nào có thời gian và muốn hành hương nên ở Vùng Sagaing vài ngày để đi thăm một ngôi chùa nổi tiếng nằm trong một hang đá sâu, chùa Alaungdaw Kathapa Pagoda. Kathapa tức Kassapa, là đại đệ tử Ca Diếp của Phật. Trong một buổi Pháp thoại, khi Phật đưa một cành hoa sen lên (Niêm Hoa), đại chúng ngơ ngác chưa hiểu, riêng chỉ có Ca Diếp mỉm cười (Vi Tiếu). Phật truyền tâm ấn cho Ca Diếp và ngài trở thành sơ tổ Thiền tông. Người Miến Điện nói rằng trong chùa Alaungdaw Kathapa có nhục thân của Tổ Ca Diếp, hằng năm có vài chục ngàn người hành hương từ khắp nơi kéo về, nhân đấy có một câu chuyện cảm động xảy ra vào năm 2007.

Nguyên con đường đến chùa tuy chỉ dài vài chục cây số nhưng rất hiểm trở, phải đi qua 16 con sông và lạch nước, đặc biệt trong mùa mưa từ tháng Năm cho đến tháng Chín thì không cách nào đi được, vào mùa khô cách duy nhất đến chùa là thuê voi. Một nhà sư tên là Sayadaw Waiponla, trong một lần hành hương, chứng kiến một phụ nữ mang thai chết trên đường đến bệnh viện. Ông nảy ra ý tưởng gây quỹ xây cầu bằng cách lập các nhà nghỉ nhỏ dọc đường vừa làm chỗ nghỉ chân trên đường hành hương, vừa có chỗ để người đi chiêm bái cúng dường gây quỹ. Một phụ nữ quá nghèo muốn cúng dường nhưng không có tiền nên xin thầy Sayadaw cho bà được cúng tóc. Phụ nữ Miến Điện rất quý búi tóc vì tóc là biểu tượng của phẩm hạnh và tư dung. Từ ý tưởng của người đàn bà nghèo khổ kia, nhiều phụ nữ khác đã cắt tóc để bán cho thương lái Trung Hoa. Một ký tóc giá từ 62,000 đến 250,000 kyat (62 đến 250 đô Mỹ vào năm 2007) tùy theo dài ngắn. Cho đến khi tôi viết những dòng này vào tháng Tám năm 2009, đã có trên 3,000 phụ nữ Miến Điện bán tóc để xây cầu đến chùa. Hiện nay đã có 13 chỗ quyên tóc khắp Vùng Sagaing, và thầy Sayadaw đã nhờ số tóc này xây được tám cây cầu trên đường hành hương đến chùa Đại Ca Diếp. Dù thầy Sayadaw, trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Myanmar Times vào giữa tháng 5.2009, nói ông sẽ chọn một trong số các cây cầu để đặt tên là Kim Phát Kiều (Cầu Tóc Vàng), nhưng người Miến Điện đều gọi những cây cầu này là “Cầu Tóc”, vì toàn là các cây nhỏ và nhờ tóc của tín nữ mà nên.

TK