Sáng sớm hôm sau tôi thuê xe ngựa để vào khu cố đô Bagan. Tỉnh Bagan (tên cũ là Pagan) có ba khu vực chính nằm trên trục lộ Bagan-Nyaungu, bắt đầu từ bến phà ở khu Nyaung U, con đường này chạy men theo sông Voi xuyên qua khu Bagan cổ (Old Bagan),
đây là khu vực chùa tháp chính có trên 2.000 cái, và chấm dứt ở khu Bagan Mới (New Bagan). Trục lộ này nhỏ, dài khoảng 15 cây số, hơi dốc, tráng nhựa nhưng nhiều ổ gà. Suốt đường cây xanh rợp bóng mát mẻ, nhiều nhất là cây tếch (teak), mùa này hoa tếch nở những chùm bông vàng phơn phớt như bông nhãn, lẫn trong màu đỏ của hoa phượng đỏ.
Xe đò Bagan
Phương tiện đi lại thông dụng nhất ở Bagan là xe ngựa, xe đạp (thuê ở khách sạn mỗi ngày một đô), xe đạp lôi cũng có nhưng ít vì đường dốc. Taxi cực kỳ hiếm, không thấy chạy long nhong ngoài đường kiếm khách như ở Yangon hay Mandalay. Đi xa và rẻ thì có xe ôm nhưng phải nhờ nhà trọ kêu họ mới tới, chứ không tụm năm tụm ba ở các góc đường như ở chỗ khác. Tôi để ý cứ có khách mới vào khách sạn là sẽ thấy hai ba anh xà ích gò cương chờ ngoài cửa. Họ giới thiệu tua đi khu chùa cổ, khách cứ tùy nghi trả giá nhưng thường không quá 15 đô một ngày, đi bao nhiêu người cũng vậy. Đa số xà ích đều nói được chút đỉnh tiếng Anh.
Ăn sáng uống cà phê
Tôi nhờ chở đi ăn sáng trước vì dù nhà khách bao ăn sáng nhưng chỉ có bánh mì và trứng chiên. Anh xà ích chạy đến một cái quán nhỏ bên đường, vô kêu giùm một tô mì không biết gọi là mì gì vì lỏng bỏng nước và hành ta rất nhiều, thêm một ly cà phê dở thậm tệ giá 600 kyats, chỉ mất mười phút là xong buổi sáng nhưng có cái gì nóng trong bụng vẫn hơn.
Ở Bagan rất khó đi lạc vì chỉ có trục lộ chính này và một con đường nhựa khác dẫn ra phi trường. Bến phà đến và đi Mandalay nằm ngay khu Nyaung U nên đa phần khách du lịch ở khu này. Nếu đi máy bay đến Bagan thì khu này nằm gần phi trường nhất. Nhờ du lịch nên khu Nyaung U có khá nhiều nhà trọ và khách sạn (nhưng cộng lại vẫn thua xa khu Phạm Ngũ Lão – Đề Thám ở Sài Gòn), quán ăn, tiệm Internet (đếm vừa đủ một bàn tay). Nói chung dân phượt ít tiền hay không muốn hoang phí thì nên ở khu này, kiếm nhà trọ từ năm đến 10 đô rất dễ. Nếu đi tàu thủy từ Mandalay thì khi cập bến Bagan, cứ thẳng một đường (vì chỉ có một con đường) từ bến phà mà tiến sẽ thấy nhà trọ xoàng xoàng nhưng sạch sẽ ở hai bên đường, đi bộ hay đi xe ngựa đều được, nếu đi xe ngựa từ bến phà để thong dong kiếm nhà trọ thì giá không quá hai đô Mỹ (2.000 kyats). Dân kha khá cũng có thể ở các khách sạn oai phong hơn, vườn tược rộng rãi, từ 20 đô trở lên.
Anh xà ích tính 12 đô đi suốt ngày, thăm hết chùa chiền chính kể cả coi mặt trời lặn. (Những chỗ tôi đã đi qua, người Miến Điện hay nói “mặt trời lặn”với vẻ tự hào, cứ như khi hoàng hôn buông thì mới sướng.) Khi ngồi bên cạnh xà ích rồi mới để ý con ngựa ốm quá, tôi ốm nhom mà khi bước lên nó phải dậm dậm cái chân sau như lấy thế gồng lên vậy, thiệt là ái ngại. Mà quả thật, ngựa mình cất vó rồi mới biết nó sắp về hưu, (hay đã qua tuổi hưu mà còn nấn ná chưa được cho về), mấy con chạy sau cứ qua mặt, anh xà ích luôn miệng giục với âm thanh như “miên mà miên mà”, mỗi lần như thế nó ráng lên vài bước nhưng rồi lại chậm hơn trước nữa. Xà ích liền đổi thế roi, thay vì quất nhẹ lên mông anh ta lại quày roi trở ngược xuống đánh vô chân sau con ngựa khốn nạn, mỗi lần thế nó lại giật vó lên chạy nhanh tung lên, nhưng rồi lại lóc cóc lóc cóc tà tà.
Xe ngựa Bagan
Dọc con đường vào khu Bagan Cổ, hàng quán lưa thưa, người đi thưa thớt. Hai bên đường có nhiều con đường làng nhỏ đầy đất bụi. Bagan đất cát, gần tới khu vực chùa chiền đất màu đỏ nhưng không đậm màu như Buôn Mê Thuột. Khí hậu nóng nên bụi nhiều, mỗi lần xe ngựa tách trục lộ chính hay một chiếc xe máy từ đường làng xông ra đường cái thì bụi bay mờ mịt, đuổi các chú sóc nhỏ bằng nắm tay chạy băng đường. Bầu không khí như ở một thời xa xưa nào đó, yên ả, vắng vẻ, người đi đường chậm rãi nhưng không lè phè, vó ngựa lóc cóc đều đều như tiếng mõ ban mai.
Anh xà ích rẽ phải (tính từ bến phà) vào một cụm chùa, ngay chỗ rẽ có bảng gỗ ghi tên ba chùa tháp lớn: Lawka-Chanthar, Tha-Gyar-Hit Phaya, Tha-Gyar-Pone Phaya.
Tôi vừa leo lên lưng chừng cái chùa tháp cổ đầu tiên, phóng tầm mắt vào không gian mênh mông bên dưới thì choáng ngợp đến chết lặng trước cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Ánh mai chưa thành nắng, những tia vàng còn ửng hồng phủ lên một rừng cây xanh ngắt đều đều kéo dài tới bờ sông Voi phẳng lặng, bên kia sông đỉnh núi ươm màu sáng nhẹ. Vươn trên các ngọn cây xanh là vô số đền đài vuông vức có tháp nhọn lấp lánh đâm lên trời xanh. Không biết cơ man nào là đền tháp rải dọc và trải ngang nhô trên rừng cây xanh ngăn ngắt, có chỗ tháp nằm từng chụm, có chỗ trải thưa. Tháp thấp, tháp cao vừa, tháp cao hơn, rồi nổi bật trên những tháp nhỏ và vừa ấy là vài ngôi tháp uy nghi bệ vệ, hệt như những tháp thấp màu đỏ gạch là nền để làm tôn thêm vẻ oai nghi sừng sững của các đền lớn, có cái màu gạch suy tư, có cái màu xám buồn bã, có cái màu vàng tươi kiêu hãnh, các đền tháp lớn vuông vức, có nhiều từng, ở mỗi góc đều có bốn tháp nhỏ bao vây cái tháp chính ở chính giữa. Các ngôi đền lớn như những “đại hộ pháp” lẫm liệt nhìn xuống các tháp con bên dưới long lanh trong bình minh tươi sáng.
Tháp cổ Bagan
Nhưng các tháp “đại hộ pháp”oai nghi mà không hề xa cách các tháp nhỏ hơn. Tất cả hòa vào nhau, cao thấp khác nhau mà hòa đồng và ngẫu nhiên như thiên nhiên, như núi nhìn sông, sông ngó núi.
Một khung cảnh như ở cõi nào không thực.
Một không gian thơm thơm mùi giấy cũ của các trang kinh lần giở ngược thời gian.
Tôi thấy mình đã từng đến đây ở một kiếp nào xa xôi.
Tôi tưởng tượng có một người thân bên cạnh, và khẽ đưa mắt để nhắn gửi: “Đừng nói gì cả, đừng lên tiếng, hãy yên lặng, cũng đừng nghĩ gì cả, cứ để cho không gian thấm vào mình, trời đất thấm vào mình, hay mình thấm vào trời đất. Như thế…”
Sau rừng xanh và rừng tháp, dòng sông sáng lên một màu sáng kỳ ảo tựa như cố hắt ánh sáng cho tới tận triền núi thẫm xa xa. Tôi tưởng như mình chết lặng đi trong giây phút, tưởng như có thể ngồi mãi nơi hành lang ở lưng chừng cái tháp tôi đang đứng (so với các ngôi tháp lớn kia còn thấp hơn nhiều). Nhưng cảnh tượng còn liêu trai hơn nữa khi tôi leo lên cái tháp lớn thứ hai gần đó. Ngọn tháp này to và cao hơn cái vừa rồi, có ba tầng, tầng ba chỉ gọn một người (ốm) ngồi, nhìn qua ngọn tháp mình vừa đứng hồi nãy thì cảnh sắc thật là ngoạn mục như cõi người này được nâng lên một cõi nào diễm lệ hơn. Ở đây, nhìn ra hướng sông, lúc này mặt trời đã lên cao hơn nhưng còn dịu, mặt nước lấp lánh tràn đầy sinh khí, ngược lại, rừng xanh và rừng tháp như lại ẩn một vẻ u uẩn trầm mặc. Đứng ở đây thấy rất rõ một ngọn tháp màu xám tro buồn bã (chùa Tha-Gyar-Pone Phaya.). Vẻ buồn xám của nó vừa nhuốn màu cô độc vừa ẩn niềm kiêu hãnh, cúi nhìn những tháp con màu gạch sẫm. Nhìn ở mọi góc độ, cả rừng tháp trồi lên rừng cây xanh đều siêu thoát, tưởng như mình đến gần hơn với cõi thiêng nào đó, tưởng như thế gian này không còn hiện hữu nữa, tưởng như các phiền não băn khoăn mất dấu tích, và nếu bạn chợt nhớ nghĩ về ai đó, thì người đó bỗng to lớn hiên ngang hơn, người đó như nằm hay ngồi thật vĩ đại ở khoảng không gian nằm giữa trời xanh trên cao và rừng cây ngọn tháp bên dưới. Trong khoảng không gian nằm ngang tầm mắt, giữa phía trên là trời cao và bên dưới là rừng cây, dường như không có chỗ cho phận người nhỏ mọn. Nếu bạn là tín đồ Ki-tô giáo, bạn sẽ thấy Chúa hiện ra thật vĩ đại trong khoảng không gian này, bạn có thể thấy đại thập tự gánh nặng khổ đau của con người tỏa sáng trên không. Nếu bạn là Phật tử, vô số Bồ Tát sẽ hiện hữu trong ánh hào quang giữa khoảng trời vừa ngang tầm mắt, vừa hùng tráng vừa thinh lặng mênh mông. Các hiền thánh như lướt đi trên đầu rừng xanh, chư tổ như đang ngồi suy tư trên rừng tháp. Trên đỉnh đồi Mandalay Phật đã đến, nhưng nhìn xuống bạn thấy thành phố nghĩa là trần ai lổm chổm người. Trên đầu những ngọn tháp Bagan, tháp là ta và ta hóa thành tháp. Không còn cái ta nữa. Tôi choáng váng khi nhớ đến các hình vẽ trên tường (mural) ở một ngôi chùa thế kỷ 11 trên đường đến đây. Trên đường đi tôi dặn anh xà ích chỉ ghé những chỗ nào ít người để ý. Anh đưa tôi vào một cái chùa không tên và quả thật không có ai cả, anh nói khách du lịch rất hiếm khi tới đây lắm. Ngôi chùa này nhỏ, đứng ở ngay cổng nhìn vào chỉ thấy một tường thành mái ngang màu gạch đỏ cũ kỹ, có lẽ ngày xưa trên mái tường bằng phẳng ấy là một cái tháp nhưng đã mất dấu tích, chính diện bức tường gạch này có năm cái cửa nhỏ vừa thân người, hai bên tường gạch này là hai bờ tường khác, thấp và long lở. Từ cổng tiến vào tường gạch đối diện, tức “chùa chính”, có một khoảng sân vuông rộng chừng 20 mét. Không thể nghĩ rằng bên trong bức tường ấy có thờ Phật vì nhìn bên ngoài giống như một tường thành thấp có đục năm cái lỗ. Anh xà ích ra dấu cứ chui vào cái cửa bên trái. Mà quả phải cúi đầu vì cửa thấp, bề ngang chỉ lớn hơn người bình thường chút xíu. Cái cửa, hay lỗ chui, hình chữ nhật, nhưng khi vào trong thì trần xây kiểu hình vòm, bên trong mùi ẩm mốc nồng nặc. Khi ánh đèn pin (tôi luôn bỏ trong túi) lóe lên, tôi thấy trên tường rêu còn mờ mờ các hình Phật giống như mình vẽ than đen lên tường rồi lấy phấn trắng chà lên trên bụi than một lớp mỏng. Tất cả hình (dáng) Phật không còn nguyên vẹn, có cái có đầu, có cái chỉ nhận ra hai bàn tay đang bắt ấn, có cái nét vẽ mờ và mong manh như sợi tóc, và không có hình nào có thân vì nét vẽ chắc đã mờ theo thời gian. Hình Phật khắp các bức tường đều có những nét mờ nhòe như vậy. Từ phòng này qua phòng khác đều phải cúi đầu vì khung cửa thấp, hình vòm theo kiến trúc cổ Bagan. Tôi chui qua chui lại các căn phòng nhỏ này nhiều lần, nếu không vì mùi ẩm thấp nồng nặc quá, và hơi khó thở, thì còn ở trong lâu hơn nữa.
Trong mùi rêu mốc và tối tăm, Phật không còn thân, chỉ còn vài ba nét hư ảo, giống như giữ những nét phác thảo ấy để đôi mắt trần nhận ra. Đứng trước (hay đứng trong) không gian u uất trầm mặc này, thân thể máu thịt bỗng vô nghĩa. Cho nên khi đứng trên tháp cao nhìn rừng xanh và rừng tháp, tôi liên tưởng sự không còn của hình Phật trong ngôi chùa lạ lùng kia. Tôi hình dung những người bạn thân thiết, tôi hình dung những người thân, tôi hình dung những người không quen biết nhưng bao năm miệt mài khổ nạn, tôi hình dung người em nhỏ thương yêu, tất cả đứng dưới trời xanh và trên đầu ngọn tháp, mỉm cười, an nhiên, độ lượng. Em độ lượng bởi vì em cao cả. Cảm giác này đến vì khi đứng trên tháp và nhìn rừng tháp, không gian trước mắt hóa thật gần, trời không quá cao để mình thấy tuyệt vọng không với tới, mình như đứng lưng chừng giữa hư không, không quá xa trời không quá xa đất.
Tôi thấy rằng mình không cần nói anh xà ích chạy tới mấy ngôi chùa to lớn kia nữa vì biết sẽ mất cái cảm xúc này khi vào sự thật. Sẽ có các hàng quán xúm xít quanh đó, những người bán vặt lẽo đẽo theo sau, những thùng đựng tiền để nham nhở ở những vị trí đáng lẽ nên trống. Và quả thật đã diễn ra như thế, trước ngôi chùa Anan to lớn, trong ngôi chùa xám buồn bã hiên ngang kia, khi cúi xuống lễ Phật, thì thùng tiền nằm ngay trước mắt và Phật ở đằng sau.
Đến gần trưa, tôi nói anh xà ích về khách sạn, không cần đi nữa. Anh tròn mắt, nói nhưng phải đi đến chiều mới đủ chứ. Tôi nói tôi cần ngủ, nhưng thật ra, ái ngại cho chú ngựa già mắt chảy ghèn lem nhem và chân cẳng đã hết thời tung vó.
Tôi còn tới khu tháp cổ hai lần nữa. Chiều cuối cùng đang đi bộ thì gặp ông xà ích chở hai đứa con nhỏ gò cương lại mời đi. Nhìn chú ngựa cao lớn khỏe mạnh, tôi nhờ chở tới khu tháp cổ. Đi ngang qua ngôi chùa Shwezigon nổi tiếng có tháp cao bằng vàng, tôi nhờ ghé vào một chút vì trời còn nắng gắt dù đã hơn 5 giờ. Ngôi chùa này do vua Anawratha (1044-1077) khởi công nhưng đến năm 1102 mới xong, tuy đã ngàn năm nhưng được trùng tu nên khang trang như mới. Lối vào là một hành lang dài trên trăm thước phía trên có tháp trắng theo hình vương miện chồng lên nhau. Bên ngoài có tường gạch bao quanh, bên trong tường thành là các khu nhà nối mái vây quanh tháp chính ở giữa.
Ngôi tháp chính bằng vàng ở giữa sân chùa hình chuông cao 31 mét, đáy hình vuông. Bốn hướng chính xung quanh tháp có bốn ngôi đền thờ nguy nga, riêng bên trong tháp vàng thờ nhiều xá lợi Phật gồm xương cổ, trán và răng của Phật.
Thật ra ngôi chùa này không có gì lạ, không nguy nga như đại tự Golden Palace ở Bangkok. Trước khi Phật giáo vào Miến Điện, dân chúng thờ các vị thần Nat, tương tự như thần làng, thổ địa hay nói chung là thần linh ở Việt Nam. Khi vua đem Phật giáo Nguyên Thủy vào Miến Điện, ông cấm dân chúng thờ các vị thần Nat. Nhưng dân vẫn lén lút thờ thần linh dưới lòng đất, và ngấm ngầm chống đối lịnh vua. Vì vậy vua cho xây chùa Shwezigon thật nguy nga, và cho cất một ngôi điện bên trong khuôn viên chùa để thờ thần Nat. Nhờ vậy Phật giáo không bị chống đối và dần dà trở thành tôn giáo chính. Ngày nay, phần lớn người Miến Điện theo đạo Phật nhưng họ vẫn thờ thần Nat trong nhiều chùa (cũng tương tự như mình thờ thổ địa trong chùa vậy).
Khi ba cha con ông xà ích chở tôi đến khu Bagan Cổ thì nắng đã dịu. Mặt trời đã chạm đỉnh núi bên kia dòng sông Voi. Những ngọn tháp cổ trong chiều vàng đượm một màu buồn bã kham nhẫn, không gian lặng phắc, các chim chiều về tổ bay lượn loanh quanh. Bóng tháp cổ trầm ngâm in trên nền trời tím sẫm. Chúng như những kẻ vô tình không màng những xô xát nơi đâu, không biết những náo nức hay ánh đèn màu rực rỡ thị thành. Tất cả các tiến bộ vật chất của thời nguyên tử hay công nghệ thông tin đều trở thành vô nghĩa khi đứng trước lớp lớp tháp cổ im lìm, chịu đựng, suy tư, trí huệ. Một ngàn năm đã trôi qua, nhưng những tầng tháp cổ vẫn nguyên vẹn thời gian của nguyên sơ.
Trời chưa tắt nắng, trăng rằm vừa lên khỏi ngọn cây. Màu xanh tái của bầu trời trùm xuống cả một không gian đìu hiu và suy tưởng. Rồi những ngọn tháp từ tốn chìm vào bóng tối. Xung quanh là màn đêm. Người xà ích và con ngựa trầm ngâm đứng chờ bên một đống gạch vỡ. Không nghe gì, chỉ lăng lẳng tiếng côn trùng.
Kỳ tới: Kiếp sau vẫn làm người Miến Điện