Bây giờ là tháng Bảy, mùa Vu Lan. Nhớ năm nào cũng vào tiết này, Nguyễn viết: Tháng Bảy, Vu Lan, mình sẽ đi mua một lồng chim mở cửa thả chúng bay lên trời, rồi đi chùa Già Lam thăm cha mẹ, rót rượu lên cỏ cho những anh em bạn bè đã khuất…
Chuyện như trong mơ. Cứ cho là như thế. Và em, đêm nay có thể trời sẽ mưa, hứng giùm anh đôi giọt nước từ trời. Để anh mường tượng lại Tháng Bảy ở quê nhà. Tháng Bảy nước nhảy lên bờ… Tháng Bảy mưa sa mù mịt những cánh đồng… Đó là thời tiết ở quê xa vào khoảng thời gian này. Nó làm cho bầu không khí trở nên u trầm, buồn bã, khiến ta nghĩ đến những giọt nước mắt của vợ chồng Ngâu.
Trong tâm cảnh đó, xin cùng nhau đọc tiếp: “Đứng trên cao nhìn xuống, thấy thành phố trong mưa đèn nến lung linh, lửa đốt mã cháy bập bùng, trẻ con í ới gọi nhau đi cướp đồ cúng, trên trời dưới nước chim cá được phóng sinh, chuông chùa vang ngân, hoa hồng cài lên áo, những bàn tay chắp lại… mới thấy tháng Bảy thật độc đáo.
“Tháng Bảy! Tháng của mưa ngâu tê tái, tháng gieo vào hồn người những liên tưởng về cội nguồn, tháng đánh thức lòng từ bi, tháng bàng bạc tín ngưỡng dân gian giữa lòng phồn hoa đô hội. Đẹp biết bao một tháng Bảy giàu tính nhân văn như thế.”
Đoạn văn vừa trích dẫn trên là của Nguyệt Hạ tả những hoạt cảnh của tháng Bảy tại Sài Gòn. Cách đây mấy hôm, Nguyễn cũng được nhìn thấy qua không gian ảo một vài hình ảnh gợi không khí Rằm Tháng Bảy: Trong một con hẻm đâu đó ở Sài Gòn, một nhà bày vàng mã ra trước sân cạnh một bàn gồm bánh trái, hoa quả. Chung quanh lấp ló một đám trẻ quần xà lỏn, áo đủ màu đang rình chờ. Một tấm hình khác cho thấy ngọn lửa đỏ bốc cao trên thềm nhà gạch: ai đó đang hóa vàng cúng độ chúng sinh. Theo cảm nhận riêng của Nguyễn, chính ánh lửa này mới đem lại hơi ấm cho nhũng hồn xiêu lạc. Chỉ còn thiếu tiếng kinh siêu độ (bởi không nghe thấy). Lôi thôi bồng trẻ dắt già / Ai khôn thiêng đó lại mà nghe kinh… Và những hồn phiêu bạt trở về trong cảnh: Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt / Toát hơi may lạnh buốt xương khô.
Tranh: Bảo Huân
Không khí nửa âm nửa dương như vừa gợi ra dễ làm hồn người chùng xuống, tuy trong đó phảng phất hương từ của Nhà Phật. Thôi, xin trở về với đời sống thực của Sài Gòn thời XHCN:
“Nhìn tổng quát, hàng mã Sài Gòn là sự pha trộn của xã hội phong kiến và xã hội tư bản, nơi ngựa ngũ sắc, mũ cánh chuồn, khăn đóng, áo dài, võng lọng… nằm bình đẳng cùng đô la, thẻ tín dụng, điện thoại di động, nhà lầu, xe hơi… Người bán trông mặt bắt hình dong. Với khách lớn tuổi, họ tâng bốc “dưới đó cháu nó đỗ trạng, làm to, bà mua ngựa cho cháu cưỡi. Thêm hai đứa hầu che lọng cho oai”. Với khách trẻ họ lại dụ “đốt một xe Dream. Thêm cái mô bai phôn mới đúng điệu”. Cứ thế, bùi tai, mất cảnh giác, bà nào cô nào cũng bỏ tiền mua những thứ “Chả biết ai đặt ra từ bao giờ. Thấy thiên hạ mua đốt, thì mình mua theo”. Thực ra tục đốt mã này vốn là của người Tầu.
“Trong sách Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính, khi khảo về tục đốt mã cho rằng xưa người Tầu dùng đồ ngọc bạch cúng tế. Sau dùng tiền thay cho ngọc. Đến đời Đường, bắt đầu dùng tiền giấy. Đời Ngũ Đại, lại chế thêm áo giấy, mũ giấy để cúng quỷ thần. Trong sách Mộng Hoa Lục nói “ngày Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) mua đồ mã, áo mã cúng cấp, dùng cái giường vu lan làm bằng tre có ba chân rồi treo tiền và đồ mã cúng cấp lên giường đó mà đốt”.
Đứng ở sạp bán giấy tiền vàng bạc chợ Bến Thành, một bà nâng lên đặt xuống mãi bộ áo dài, quần ta, khăn xếp, cả đôi dép, chiếc quạt trước khi thuận mua với giá tám chục ngàn. Bà bảo “Rằm tháng Bảy, dưới kia người ta mở cửa cho nhận đồ trên này gửi xuống. Đây là mua thêm cho ông lão. Còn thì con dâu mua vàng, mua tiền đủ hết rồi”. (Trích theo Nguyệt Hạ)
Như thế đó, đốt vàng mã sẽ đem đến cho gia chủ sự yên tâm, rằng mình đã hết lòng, làm hết bổn phận đối với người đã khuất. Thế còn những hồn âm, thật sự họ có hưởng được gì không, nào ai biết. Có điều là tiết tháng Bảy mưa sa đầy trời, khí lạnh tràn về. “Cõi dương còn thế nữa là cõi âm”. Nguyễn Du đã viết một câu thơ cực kỳ nhân bản, nói lên lòng thương xót của người sống đối với người chết. Hơi lửa của những đống hóa vàng hy vọng sưởi ấm được lòng người ở cõi bên kia. Đó là nói về những người đã chết, còn những người đang chịu đói chịu lạnh sau cơn bão Nock-Ten, liệu có ai nghĩ đến họ không? Còn những người dân chài ở vùng biển miền Trung nữa, họ ra khơi trong sóng gió và cái lạnh từ ngàn trùng, lại còn lo gặp bọn giặc Trung Quốc nữa, có ai lo cho họ, bảo vệ họ. Than ôi, hỏi mà không lời đáp.