Menu Close

Con người, con chó và con chim

Con Người

Tin “Bạo hành osin như thời trung cổ?” trên trang web của báo Dân Trí. Xin tóm tắt như sau:

“Xối nước nóng vào chỗ kín, bắt dùng miệng dọn bỉm (tã), ép nhai cả bát ớt cay… Đó là nội dung tố cáo của bà Phạm Thị Phương (SN 1953, ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội) về việc bị chủ bạo hành. Qua người giới thiệu, bà Phương đến giúp việc cho gia đình bà M. (ở ngõ 95 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội). Do đã có tuổi, làm việc chậm chạp, bà Phương thường xuyên bị chủ chửi bới, không cho ăn, đánh đập bằng bất cứ vật gì tiện tay chủ. Thậm chí, có lần bà Phương còn bị bà M. bắt phải ăn… phân của cháu ngoại bà ta ở trong tã. Cách đây khoảng một tuần, bà M. bật bình nước nóng rồi ép bà Phương vào nhà tắm, lột sạch quần áo, xối vào ngang bụng bà Phương và vào bộ phận sinh dục. “Sau lần đó, tôi bị bỏng nặng, đi vệ sinh rất đau đớn, song không được bà chủ cho đi bệnh viện. Bà M. mua về một lọ thuốc rồi xịt vào chỗ bỏng của tôi, giam tôi ở trong nhà”
 
Đến sáng ngày 5 tháng 1, bà Phương được bà chủ gọi xe ôm, cho ra bến xe để về quê. “Bà ta đưa cho tôi 1 triệu đồng, dọa không được nói với người nhà là bị đánh đập, tra tấn, phải nói là bị ngã cầu thang và bỏng mỡ, không sẽ cho người về tận xã “xử” cả nhà tôi.” Đến chiều cùng ngày, phát hiện bà Phương có dấu hiệu không bình thường, gia đình bà Phương gặng hỏi mới hay chuyện, liền tức tốc đưa bà vào BV Vân Đình cấp cứu.

Gần đây bà M. dựng chuyện bị mất trộm 5 triệu đồng, đổ cho bà lấy cắp và tra khảo hằng ngày. Trước khi được rời thoát khỏi “địa ngục trần gian” này, bà Phương đã phải viết giấy nhận nợ số tiền trên và bị gia chủ tịch thu chứng minh thư. “Bà ta tuyên bố không trả tiền công giúp việc 4 tháng qua của tôi, thậm chí còn khám xét đồ đạc, trấn lột 1.9 triệu đồng tiền công tôi làm giúp việc cho một gia đình khác trước đó mà tôi dành dụm được.”

alt

Bà chủ M.

Bác sỹ Nguyễn Văn Phú (Trưởng khoa Ngoại BV Vân Đình) cho biết, bà Phương nhập viện với thương tích bỏng độ 2 và 3, diện tích bỏng 18%, tập trung ở vùng bụng dưới, mông, đùi, nguy hiểm nhất là bỏng ở bộ phận sinh dục, rất dễ để lại di chứng… BS Tuấn (khoa Ngoại) cho biết thêm, vùng miệng nạn nhân cũng bị bỏng (khá phù hợp với lời tố cáo của bà Phương là do bị ép nhai ớt và uống nước sôi – PV). Cũng theo BS Tuấn, 2 bàn chân bệnh nhân bị phù nặng, có dấu hiệu phù do thiếu dinh dưỡng.

Hết chuyện con người.

Con Chó

Tôi quen với một họa sĩ, anh ấy xem tôi như là cô em gái, riêng phần mình, tôi lấy làm vinh dự, xem ông như ông anh. Ngoài vẽ tranh ra, anh còn là một nhà văn khá tiếng tăm trước 75 của miền Nam, và sau này ở hải ngoại. Anh qua Mỹ khá lâu, vẫn theo nghiệp làm văn nghệ. Mỗi khi về Sài Gòn chơi, anh thường gọi cho cô em gái đi cà phê hay lai rai vài chai bia. Có lần anh kể tôi nghe một câu chuyện thú vị. “Cô có thấy điều này không nhé, tôi đố cô này, con chó ở Mỹ nó khác với con chó ở VN như thế nào?” Ông hóm hỉnh hỏi tôi.

alt

Những chú chó của chương trình “lost dogs home”

“Nó sạch sẽ hơn, được chăm sóc tốt hơn, được yêu quý hơn. Người ta còn cho nó có thứ bậc hơn cả đàn ông nữa, phải không anh?”

“Cô nói đúng, nhưng chưa đủ! Cái khác biệt quan trọng nhất là ở chỗ này nè. Nó, con chó xứ Mỹ, khác với đồng loại của nó ở VN ở chỗ nó ý thức được cái “cẩu phẩm” của nó; còn con chó ở VN thì không.”

“Cẩu phẩm? Là cái khỉ (thật ra ý tôi muốn nói là “cái chó”, nhưng sợ bị ông cốc đầu) gì vậy? Anh giải thích thêm đi, em chưa hiểu hết ý của anh.”

“Con người có nhân phẩm, thì con chó cũng phải có cẩu phẩm cho nó công bằng chứ, phải không nào? Cô cứ nhìn những con chó ở Mỹ thì biết. Rất ít khi, hoặc chẳng khi nào, thấy chúng cụp đuôi, lấm la lấm lét khi gặp người ta. Nó không sợ hãi với con người. Vì sao vậy? Vì chẳng ai hành hung, đánh đập nó, thậm chí nó còn được pháp luật của con người bảo vệ. Nếu có dịp cô qua Mỹ chơi sẽ thấy điều này. Những con chó ở Mỹ chúng rất “vô tư”, chúng không sợ bỏ đói, không sợ bị đánh, không sợ bị bọn cẩu tặc bắt giết thịt. Chúng có phong thái rất đĩnh đạc. Tôi kể cô nghe chuyện này làm quà nghen.”

“Vâng, thưa anh.”

“Hồi đó có lần anh bị cướp. Anh ở nhà một mình, bọn nhỏ và chị cô đi vắng. Anh đang sửa soạn giá vẽ, sơn cọ… để làm việc thì bọn chúng xông vào nhà. Chúng là bọn thanh niên người gốc Mễ thì phải. Bất ngờ, vả lại thân cô, anh không đương cự nổi. Chúng đè anh xuống trói nghiến lại, rồi lục tung nhà để tìm của nả. Nhưng nhà anh sống giản dị, không có gì quý giá ngoài mớ tranh, tượng của anh, mà những thứ ấy thì chúng không quan tâm. Không lấy được gì, chúng bỏ đi, mặc anh nằm giữa nhà mà không chịu mở trói cho. Mãi cả tiếng sau mới có người nhà về giải thoát.

Sau vụ đó anh căm lắm. Nghĩ rằng mình phải tìm biện pháp để tự vệ và ngăn ngừa để không phải bị lần nữa. Nghĩ là làm. Anh quyết định đi tìm mua, hay xin, một con chó để giữ nhà. Ít ra là nó cũng có thể báo động khi có người lạ xâm nhập để mình có thời gian ứng phó. Giá chó ở Mỹ rất đắt. Có con cả hàng chục ngàn. Người ta còn lập cả gia phả, dòng giống đến mấy đời của chúng để theo dõi. Có khi đọc cái “lý lịch trích ngang” mà mình đâm ra kính trọng cái thân thế quý tộc của chúng, hahaha!” Ông cười sảng khoái. “Nhưng anh không nhắm vào những thứ chó quý, chó kiểng đó. Vừa đắt tiền vừa phiền toái. Thì có người bạn bày cho anh đến những nơi người ta giữ các con chó lạc chủ,  hình như được gọi là “lost dogs home” thì phải, để xin. Với những con thú lạc này thì chỉ phải chọn chú nào mình thích, làm đơn, rồi đóng một số tiền nhỏ, là được dắt chúng về. Anh nghe theo lời, bỏ cả tuần tìm đến vài nơi như vậy, và sau cùng chọn được một con đúng theo ý. Một con chó oai vệ, to khủng khiếp, đĩnh đạc và dũng mãnh nhất trong số những con chó đang nhốt trong những chuồng ở đó. Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chánh, anh được dắt nó ra cổng. Trước khi về, rủi thay, tay nhân viên thú y bất ngờ hỏi anh rằng, vì sao ông chọn chú chó này, anh tình ngay trả lời rằng vì nó là con chó có những phẩm cách để giữ nhà và bảo vệ tôi, và kể lại chuyện nhà bị cướp cho hắn nghe. Mẹ kiếp, tay này liền ngăn lại, không cho anh dắt chó về, hủy cuộc hồ sơ cho chó, vì lý do là chúng, quý vị chó, mèo này – là bọn “pets”, bọn thú cưng, mục đích của việc cho nó về với chủ mới là để chúng được cưng, được sống trăm năm hạnh phúc, được chăm sóc, được kính trọng, chứ không phải để chúng phục vụ con người, nhất là lại làm cái công việc giữ nhà, làm vệ sĩ  bodyguard – có khả năng nguy hại đến tính mạng và sức khỏe của chúng. Anh đành chịu thua, vừa bực mình vừa buồn cười, quý cẩu xứ cờ hoa, thiệt tình!”

Hết chuyện con chó.

Con chim

Hằng là em họ của tôi. Mười bảy năm trước, cô quyết định tìm đường đi du học. Sau nhiều nỗ lực, cô được nhận vào một trường đại học ở Úc. Hằng chăm chỉ và thông minh, vừa làm vừa học, 3, 4 năm mới về thăm nhà lần đầu, rồi trở qua Úc học tiếp. Càng ngày cô càng trưởng thành, vững chãi, tự tin. Hai năm sau, học xong thì Hằng lấy chồng, là ông giáo sư người bản xứ của mình. Đám cưới tổ chức cả hai nơi, Sidney và Sài Gòn. Nhìn anh Peter cao ráo, đẹp trai, thông thái, lịch thiệp, dễ mến, dì dượng tôi rất vui và tự hào, mừng cho hạnh phúc của con gái. Rồi Hằng có con, một cô con gái xinh như thiên thần. Dì dượng tôi được mời qua Úc nửa năm, vừa thăm con, và chăm sóc cháu ngoại, vừa đi du lịch cho biết. Mọi chuyện đều tốt đẹp, chỉ có điều nhà của Hằng ở một nơi khá thanh vắng, lại xa khu có cộng đồng người Việt, hai vợ chồng trẻ lại không có nhiều thời gian để đưa bố mẹ đi đây đó. Sau những hào hứng ban đầu, dần dần dì dượng buồn, không biết phải làm gì cho hết ngày giờ. Tuy khá hòa thuận và thương con lẫn quý anh rể tây, nhưng khi sống chung nhà mới bắt đầu lộ ra những khác biệt về cách sống và văn hóa, lâu ngày càng có cảm giác phải bó buộc, dồn nén trong lòng. Nhưng đã hứa là sẽ ở lại đúng 6 tháng, dì dượng không thể đòi về sớm vì sợ làm con và rể buồn, vả lại việc đổi vé phức tạp, tự mình thì không thể làm được, do đó dì dượng chỉ mong sao cho thời gian qua mau để về.

alt

Trước sân nhà có một cây táo rất sai trái, đến mùa trái nhiều quá ăn không hết, rụng xuống đầy mặt đất. Dì tôi hết làm bánh táo đến làm rượu táo, vì bỏ thì tiếc, nhưng rồi cũng không dùng hết. Chim bay về ăn táo từng bầy, chúng sà xuống cây, huyên náo cả một vùng. Dượng tôi rất bực. Một hôm ông nhặt một bị vừa táo non vừa đá hòn, ông ra đứng dưới gốc ném lũ chim. Vừa lúc đó thì Peter đi làm về, anh thắng xe lại, nhảy xuống, vung tay nói một tràng với dượng, có vẻ bất bình lắm. Bị bất ngờ, tiếng Anh chưa đủ để hiểu, và cũng không ngờ rằng việc mình ném đá xua chim thì có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới cơ chứ? Dượng giận dỗi đi vào phòng nằm, tao mặc kệ chúng mày, không thèm ra ăn tối. Hằng về, lấy làm khó xử, nhưng rồi cô vào năn nỉ thuyết phục bố mẹ ra ăn và cố giải quyết mọi chuyện. Trên bàn ăn, vốn thẳng tính, Peter nói, có ai ném đá hay muốn giết bố mà bố lại ném đá giết chim? Dượng yêu cầu Hằng dịch nguyên văn câu nói. Peter cũng yêu cầu Hằng dịch để giải quyết mọi chuyện theo tinh thần bình đẳng và dân chủ. Hằng buộc lòng phải dịch. Dượng quá giận, “Sao anh ấy lại xem trọng mấy con chim hơn bố vợ? Chim mà được bình đẳng với con người ư? Anh ấy làm như bố là quân khủng bố, quân mọi rợ Taliban ném đá người ta không bằng. Ngày mai đổi vé, tôi không thể ở đây thêm một ngày nào nữa! Về!”

Hết chuyện con chim.

CAO THỊ UYÊN