Hằng năm cứ vào khoảng thời gian này, khi nắng rực rỡ trên hàng cây hải đào cuối phố gợi nhớ tới màu hoa phượng của Sài Gòn, Nguyễn lại nhắc thầm trong trí tưởng một lời chia tay đã viết:
Như một lời chia tay
Tôi gởi lại
Một góc phố rực lá vàng
Quán cà phê mở cửa dưới giàn hoa giấy
Tiếng chim. lúc mình hôn nhau…
Ấy là vào một ngày đầu tháng 6 của năm 1995. A, mới đó mà đã mười sáu năm. Tạm dùng một hình ảnh sáo, cũ: mười sáu năm như nước chảy qua cầu. Ấy là chỉ nói mười sáu năm kể từ ngày bước chân ra đi, chứ còn nói kể từ ngày đất nước đổi chủ thì tới nay là đã ba mươi sáu năm. Ghê gớm thật. Thời gian như một vết chém trên cơ thể. Tới bây giờ còn vết máu đâu đó, trên những trang thơ và trong trí tưởng mù sương. Hỏi làm sao quên được.
Đêm nay, một đêm giữa tháng 7, trời đã khuya ngồi một mình bỗng dưng nhớ Sài Gòn, nhớ da diết. Có lẽ vì vừa nghe giọng ca Khánh Ly trong bài hát Đêm Nhớ Về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng. Đêm nhớ về Sài Gòn / Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa / Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / Ai sầu trong quán úa… Mà cũng có lẽ vừa đọc một bài Tạp Ghi của Huy Phương, trong có đoạn: Chúng ta đã bỏ Saigon ra đi, nhưng từng con đường, từng góc phố vẫn còn như hiển hiện trong tâm trí chúng ta. Từng tiếng chim, từng tiếng guốc, từng tiếng chân ngựa của chuyến xe thổ mộ buổi sớm mai, cả từng tiếng còi xe vội vã… Saigon vẫn như sống dậy mỗi ngày trong nỗi nhớ khôn cùng.
Vâng, có lẽ là vì thế, nhưng còn vì một điều nữa rất tâm tư rất ray rứt, ấy là trong đêm ở nhà Nguyễn Xuân Phước ở Irving, Dallas cùng với Hoàng Ngọc -Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, có trăng trên hàng cây ven hồ nước, có màu rượu đỏ sóng sánh trong ly, Hoàng Đình Bình tay ôm đàn, bật lên vài âm hư, nhắc tới những ngày ở Sài Gòn sau năm 1975. Đó là những ngày đói rách, vô vọng. Những ngày của vỉa hè, đường phố, quán cà phê và bạn bè một thuở. Nơi anh em thường dừng chân là quán cà phê Huy Tưởng. Một đêm, bị công an rượt đuổi, Hoàng Đình Bình và Hoàng Ngọc Tuấn chạy về đây. Nơi trú ẩn cuối cùng và là vương quốc của tình người. Tại đây, Hoàng Ngọc Tuấn viết Bài Hát Chào Hàng, được Huy Tưởng xem như quốc ca của quán. Và bây giờ là đêm trong ngôi nhà bên hồ ở Irving. Đêm. Giọng hát khản đặc và tiếng đàn Hoàng Ngọc-Tuấn rơi, như tiếng kêu đường, gợi bóng những troubadours, những người hát rong đường phố:
hỡi người qua lại
xin đừng e ngại
khi ghé lại quán này
xin mời đến ngồi
nếu bàn chân mỏi
xin mời đến ngồi
một góc đời nhỏ nhoi
ai cần khí trời
ai cần tiếng cười
xin vào chơi
người cần chi cần chi cần chi
cần bóng đêm hay cần tiếng chim
mời lại đây lại đây lại đây
… đây không bán phép lạ đây không biết đe dọa
đây không buôn mặt nạ
đây không phải là nhà
hãy đến hãy đi và hãy quên
Tranh : BẢO HUÂN
Hãy hình dung Hoàng Ngọc-Tuấn ôm đàn gào bên góc phố trước rạng đông của Sài Gòn thời đổi chủ. Một rạng đông có mặt trời mọc nhưng mặt trời bị cắt cổ (soleil, cou coupé -Apollinaire). Cũng trong đêm bên hồ trong nhà Nguyễn Xuân Phước, Hoàng Ngọc-Tuấn kể thời ấy – cái thời không phải của người- một số họa sĩ vẽ tranh trừu tượng, tưởng rằng sẽ thoát đôi mắt cú điên của mấy tên công an văn hóa. Thế nhưng không thoát được những câu tra vấn của chúng. Chúng hỏi tại sao mảng màu này lại đỏ, muốn nói gì? Cái này là hình mặt trăng hay mã tấu? Đôi mắt chim dữ kia tượng trưng cho cái gì, đang nhìn ai? Ôi, các họa sĩ làm sao trả lời được những câu hỏi như thế. Hoàng Ngọc-Tuấn sáng tác bài Cái Dường Như Là để nói lên cái nửa hình người nửa ác thú của đời sống này, và nỗi đau đớn bị vong thân:
không phải là sắc
không phải là màu
không phải là sáng
không phải là chiều
là cái dường như tìm khắp mọi tinh cầu
không phải là nét
không phải là đường
không phải là bóng không phải là hình
là cái dường như
nằm trong cuộc tử sinh
không phải là máu không phải là lệ
không phải là da không phải là thịt
không phải là xác không phải là hồn
là cái dường như đi đứng trong cõi đời…
Như vậy đó. Cái thời không phải của người. Không phải là tối không phải là ngày. Không phải là thú không phải là người. Nó là cái gì nửa người nửa thú. Vậy mà chúng ta vẫn phải sống trong nó. Như Hoàng Ngọc-Tuấn như Hoàng Đình Bình. Như anh như chị như em. Ở những năm đi tù Cộng Sản về, những năm đầu thập niên 1980, để sống cho đến tận cùng cái khổ và nỗi tuyệt vọng, Nguyễn và các bạn thường hay đến ở chỗ sân ga cũ xế bên bùng binh Sài Gòn để rít điếu thuốc lào và uống ly trà đắng của một cô bé từ Bắc vào. Trong cái không khí nửa âm nửa dương của buổi chiều dần tối, mới cảm thấy thấm thía thân phận của người dân dưới chế độ bạo quyền:
đời thổi bạt ta ra hè phố
mỗi gốc cây là một mái nhà
trong đáy chén ửng màu nâu sậm
ánh trăng tan. giọt máu đời ta…
Và cũng trong những đêm không phải là máu không phải là lệ không phải là xác không phải là hồn ấy, một đêm của “cái dường như là”, Nguyễn đã tìm đến các bạn trẻ như Phương, như Sinh, như Hải Đường để đọc thơ trong hơi rượu đắng. Và cả bọn đã khóc khi nghe Chiều Bên Sông Giăng.
Đêm. Trở lại đêm trong ngôi nhà ở Irving, nhớ về Sài Gòn cùng Hoàng Ngọc-Tuấn và Hoàng Đình Bình và Trương Vũ và các bạn, để thấy lại những mảnh đời tan tác, tụ rồi tan như mây trời kia. Tiếc chưa kịp nhắn các bạn một lời. Vậy nay xin mượn một ý thơ Đỗ Trung Quân để nói lên rằng: Mai kia mốt nọ có về Sài Gòn, trong một cuộc họp mặt nào đó ở quán Huy Tưởng chẳng hạn, xin nhặt giùm những bông khuynh diệp vàng, khô bên vỉa hè, đem đốt lên để mùi hương nhắc nhớ tới bè bạn bên trời này. Vậy nha?