Trời sang thu. Tháng chín rồi. Tháng chín, với nhóm bạn thân ở đây, là tháng giỗ Phạm Chi Lan. Lan ra đi mới đó mà đã hai năm. Lan ra đi để lại những trang Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng và Nhóm Quạ Ô Thước.
Vừa qua, trong Hội Ngộ Văn Học Nghệ Thuật khi Hoàng Ngọc-Tuấn và Hoàng Đình Bình về hát ở thành phố Garland này (Nguyên Nhi gọi là Phố Ga), kỷ niệm và hình bóng Phạm Chi Lan lại hiện diện khiến Nguyễn nghĩ tới cuộc họp mặt cách đây dăm năm ở Phố Lầy.
Phố Lầy, anh em gọi đùa như thế, chứ thật ra tên gọi của địa điểm họp mặt các bạn Quạ hồi nẳm là Foley. Đây là một thành phố nhỏ của tiểu bang Albama, nơi cư ngụ của đôi trai tài gái sắc Hoàng Đình Bình – Khánh Vy. Lẽ tất nhiên, không phải tất cả các bạn quạ đều có mặt. Và không phải những người tới dự đều ở trong nhóm Quạ của Phạm Chi Lan, tức là nhóm Ô Thước -ngoại trừ Thận Nhiên, Tôn Thất Phương, Đinh Yên Thảo cùng đi trên “chuyến xe đò Hoàng lãng tử” hôm ấy. Nguyễn và bà Xã chẳng hạn, đâu có là quạ. Và Nguyên Nhi, Nhật Hoàng chắc cũng không. Chẳng qua là chuyện cùng thanh khí, và vì mến chủ nhân, nên tìm đến với nhau, dẫu phải đi xuyên qua hai tiểu bang. Cái “vạn lý tình” ấy cũng đáng kể lắm lắm, phải không các bạn? Cho nên, ngày 6 tháng 10, anh chị em ở Dallas đã lên đường tới Alabama. Khởi hành từ 8:30 sáng, mãi tới 10 giờ đêm mới tới nhà Bình và Vy. Xe vừa vòng vào driveway đã thấy lố nhố bóng người ở sân chờ đợi. Ngôi nhà nằm bên bờ hồ đèn đuốc sáng trưng. Kẻ này vừa xuống xe thì đã thấy Nguyễn Viện đợi sẵn. Nguyễn Viện, tác giả Thời Của Những Tiên Tri Giả, từ Việt Nam qua, đang vui chơi ở Pensicola, nghe có anh em tụ họp ở đây thì cùng với Hà, em rể, bay tới. Kế tiếp, Nguyễn được gặp họa sĩ Nguyễn Đại Giang, người lập ra trường phái “Lộn Ngược” Up-Side-Down, rất được giới thưởng ngoạn tranh Hoa Kỳ chú ý. Anh Giang vui vẻ, cởi mở, rõ là người đáng mến. Nguyễn cũng được gặp Hoàng Ngọc-Tuấn từ Úc qua. HN Tuấn dạy âm nhạc ở một Đại học của Sydney, cùng với Nguyễn Hưng Quốc chủ trương Tiền Vệ Online, và viết sách lý luận văn học. Ngoài ba vị trên mới lần đầu tương kiến, còn ngoài ra đều là quen biết cũ như Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Tư Phương, Nguyễn Ngọc Châu…
Đến nơi, các bạn một số lớn tụ nhau lại ở thềm nhà, nơi có đặt những cái bàn đá. Chuyện trò bắt đầu nổ. Mỗi người trên tay đều có ly bia hoặc ly vang đỏ. Hoàng Ngọc Tuấn nói về Quách Tấn và những bài thơ tục dịch từ chữ Hán của tác giả Mùa Cổ Điển. Nguyễn Viện kể những cuộc vui chơi ở cà phê vỉa hè Sài Gòn cùng với Thận Nhiên, Trịnh Cung, Lan Phương… Hấp dẫn nhất, và cũng đầy dưỡng chất trần gian nhất, là bên trong nhà chỗ cái bếp. Tại đây, Khánh Vy đang trổ tài yến tiệc với sự hỗ trợ của Bà Xã và Thư (bạn của một Quạ). Được thưởng thức nhiều nhất có lẽ là các món hến xúc bánh tráng, gỏi chân gà… Nguyên Nhi cầm lên một chai rượu đỏ, nói: “Hình như kỳ họp mặt trước cũng loại này. Đã bốn năm rồi mà độ rượu vẫn vậy, không tăng lên được chút nào?” Gớm, cứ ỡm ờ – sao không nói mẹ nó ra cho được việc, anh em biết tỏng là anh chàng muốn đòi rượu mạnh. Riêng Nguyễn thì rất bằng lòng với ly vang đỏ. Nhưng nâng ly lên mà không biết hướng về đâu, hướng về quê nhà thấy “em đi trong mưa cúi đầu nghiêng vai”, hướng về Laguna lớp lớp sóng trào cuốn theo cành hoa lavander tím thẫm, hướng về bờ Đông gió thổi rừng tà dương ố đỏ và bóng chim sơn ca run rẩy trong màu lá thu vàng. Hướng về…
Khuya Phố Lầy… Lại được nghe Hoàng Đình Bình hát “Bài Tình Tháng Giêng”. Tháng giêng rồi đó em / bài tình này đoạn cuối / tháng giêng rồi đó em/ những ngọn buồn gió thổi / anh làm mây trên đồi… Bây giờ không là Tháng Giêng, mà là Tháng Mười tây và Tháng Tám ta. Đêm Trung Thu. Một lần nữa, Nguyễn lại được nhìn trăng trên sông Mississippi khi chiều xuống xe qua cây cầu cao trước khi tới Hammond. Ôi, vầng trăng trên sông Mississippi / trăng soi qua đời anh đời em / để thấy rừng cẩm khê lau tím / để thấy Wallessa mùi hoa cam thơm trong đêm… Trăng, trên hồ Foley. Trăng, quanh ngôi nhà của Bình Vy. Và tiếng đàn thùng, giọng hát của Hoàng Ngọc-Tuấn. Nguyễn yêu biết bao bài Nhịp Ba, thơ Thanh Tâm Tuyền do Hoàng Ngọc-Tuấn soạn thành ca khúc. Nhịp ba nhịp ba nhịp ba / Sài Gòn Hà Nội Huế / Nhịp ba nhịp ba nhịp ba / Đạn bắn thủng ngực tôi / Không chết… Và cũng yêu biết bao những ca khúc phổ thơ Tuệ Sỹ. Người ở lại với bàn tay bạo chúa / Cọng lau gầy chĩu nặng bóng tà dương. Ngoài ra còn phải kể đến bài thơ của Tagore (quên tên) đầy mùi hương xoài và tiếng khánh tiếng chuông. Và rồi, hạnh phúc biết chừng nào khi được gặp lại Maria Rilke trong ca khúc của Hoàng Ngọc-Tuấn: Một người bỗng nhiên bỏ dở bữa cơm chiều, đứng lên đi về hướng đền thờ… Sao vậy cà, sao người bỏ sự êm ấm trần gian để đi tìm cái gì nơi xa kia, và rồi gặp được không… Tự nhiên, nghe hát, lòng Nguyễn bỗng trào lên bao đợt sóng thủy triều và muốn rơi nước mắt. Trong đêm ấy, Phạm Chi Lan ít nói, chỉ ngồi lặng cười xúc động.
Giữa khuya, Nguyễn bỏ bạn bè, bỏ tiếng hát tiếng đàn, mở cửa sau ra đứng nhìn hồ. Trăng sáng khắp nơi. Trăng in bóng xuống hồ nước rực rỡ. Những ngọn đuốc cháy sáng từ nhà xuống tới sát bờ nước. Chưa bao giờ Nguyễn nhìn thấy một cảnh lung linh, huyền ảo tới thế. Giữa lúc ấy, Vy cũng ra sân sau nhìn hồ, bảo sẽ đi tắt các ngọn đuốc. Nghe thế, Nguyễn bảo khoan đã, rồi chạy vào nói với anh em, “này hỡi các hiền giả, hãy nhìn qua các khung cửa kính xem những ngọn đuốc đang cháy, chúng ta hãy ra hồ chơi đi, kẻo lát nữa đây Khánh Vy tắt hết đuốc, uổng lắm…” Nghe thế, anh em ngừng đàn ngừng hát, nhìn ra phía hồ, rồi tất cả theo lời Nguyễn kéo nhau ra xem. Nguyễn Tiến Dũng thuật lại như sau trên website Cầu Khỉ: “Đẹp thật! Ánh đuốc soi chiếu trên dòng nước sau nhà. Hồ quá rộng làm mình liên tưởng đến dòng sông với những ngọn đèn hột vịt của Thận Nhiên. Trời lạnh, cả bọn co ro đi ra cầu thủy tạ của Bình. Yên bình quá! Vy vào nhà mang ra vài cái áo khoác để ai có lạnh thì mặc vào. Đứng tán róc một chút thì có tiếng chèo khua dưới nước. Thì ra Bình đang chèo thuyền. Có ai đó đòi xuống thuyền. Thuyền trôi đi. Hạnh phúc quá! Xa xa là những ngôi nhà ngả bóng xuống nước vì trăng tròn và sáng. Đêm Trung Thu! Cứ nhắc đến nó để tưởng mình chỉ bằng tuổi con mình.” Và rồi những ngọn đuốc dần tắt. Chỉ còn ánh trăng mênh mông trên hồ nước.
Họp mặt cùng các bạn Quạ tại nhà Hoàng Đình B ình ở Phố Lầy tháng 10 năm 2006 khi Phạm Chi Lan còn ở với anh em. Trong hình, ngoài Lan (X) còn có một số họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà thơ từ xa đến: Nguyễn Đại Giang, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Viện, Thận Nhiên, Đinh Trường Chinh…
Chừng đó, thiết tưởng cũng đủ đóng lại những trang viết về Phố Lầy. Tất nhiên, còn vô số những cuộc vui tiếp diễn. Điểm tâm, có cà phê, hủ tíu Nam Vang ngon tuyệt vời của Vy nấu. Rồi tắm biển, đi dạo phố, trở về nghỉ ngơi, để tới chiều xem triển lãm tranh của Nguyễn Đại Giang, Đinh Trường Chinh. Thích nhất là những bức chân dung anh Giang vẽ Bùi Giáng, Hoàng Ngọc-Tuấn. Chinh cũng có một cái chân dung vẽ Tuấn thật đẹp. Buổi tối văn nghệ, hát xướng, đọc thơ, với những trò chơi thông minh, vui nhộn, nghịch ngợm của Hoàng Đình Bình. Xin hãy nghe: Ở Phố Lầy có cái này / trông xa như công múa, trông gần giống cái chày đâm tiêu. Cam đoan đây là bản quyền của Đinh Yên Thảo, Nguyễn tôi không dám dự phần. Chỉ nhắc thêm một sự kiện: Nguyễn Tư Phương mắc cỡ gần chết khi bắt thăm được một con chó bông và Bình đem buộc vào đùi Phương, bấm nút và rồi… con chó run rẩy, kêu lên những tiếng kêu rên rỉ.
Vậy đó, nhưng dẫu thế nào sáng chủ nhật cũng đến. Giờ chia tay. Mùi hương của Phố Lầy còn đọng trên người. Mùi của rượu bằng hữu, nhạc và thơ, mùi của những đĩa cơm cháy nhân tôm thịt xối mỡ hành do Vy làm đãi bạn bè đêm qua, mùi của tô mì và cà phê sáng. Trên tất cả, mùi hương của Phố Lầy trở nên quyến rũ bội phần là nhờ có văn nghệ và tình bạn. Lúc chia tay trở về Dallas, anh em đứng chung quanh xe và hát: Lên xe tiễn anh đi, chưa bao giờ mừng thế…