Chúng ta đang ở những ngày lễ Tạ Ơn trên đất Mỹ. Và cùng với mọi người ở đây, chúng ta gởi lời cảm tạ đến Thần Đất Thần Người của xứ sở này. Thế đó, và
cùng với mọi người tôi nối vòng tay / cảm ơn thế giới đã cho tôi chỗ ở / khi nước mất. nhà tan. bạn bè ly tán. thập loại chúng sanh mờ đồng rừng…
Nguyễn trộm nghĩ, và cũng đã nói với các bạn trẻ cách đây mấy hôm khi Thận Nhiên từ Sài Gòn “về” lại Mỹ họp mặt với anh em – vâng, Nguyễn đã trộm nghĩ và nói lên trước các bạn: Thế giới hôm nay như một mái nhà…
Thế giới hôm nay như một mái nhà.
Thi sĩ ơi, mơ chi những điều không tưởng. Như một mái nhà sao được khi người Hồi giáo không chịu ở chung với người Thiên Chúa giáo, người Cộng Sản không dung người quốc gia. Anh và tôi cùng làm một nghề đấy chứ, và đi chung đường nữa, vậy mà chắc gì anh đã ưa tôi hay ngược lại. Vậy thưa thi sĩ, kẻ phiếm du giữa trần gian đầy cát bụi, anh há chẳng thấy biên thùy, rào cản dựng lên khắp nơi đó sao. Những cuộc xung đột về chủng tộc, màu da, tiếng nói, giếng dầu, bát cơm, ổ bánh vẫn diễn ra thường xuyên đấy chứ -trên giải Gaza, ở Iraq, Afghanistan, và rồi đây có thể ở Biển Đông. Rồi kìa, chỉ nội ngày một ngày hai thôi, rất có thể sẽ choảng nhau một trận tơi bời hoa lá, đá chạy cát bay ở Iran, chẳng hạn… Thành ra những lời của thi sĩ dễ khiến người ta cho rằng anh đang điên, hoặc nhẹ hơn, anh đang mơ giữa ban ngày.
Nhưng ai cấm được nhà thơ sống với những mộng tưởng của mình. Y chẳng làm hại ai cả, ngoài bản thân y. Và vợ con y, nếu y có vợ con. Những lời, có thể được xem là ngụ ngôn của thi sĩ, tuy vậy đôi khi cũng chứa đựng một chân lý nào đó, nếu ta lắng sâu vào bên trong, chiêm nghiệm những thực tế tồn tại đằng sau ngôn ngữ. Một thi sĩ từng viết: Này ngụp sâu xuống đáy tiềm thức / cùng thi sĩ tìm gặp giấc mộng ban sơ / và người sẽ thấy rạng ngời sự thật / đóa hoa xanh bé bỏng kia màu lửa rực (Thơ Gaston Bachelard – Thanh Tâm Tuyền dịch). Gần chúng ta hơn, thiền sư Nhất Hạnh cách đây ít lâu khi được một nhà báo hỏi nhân chuyến về thiền viện ở San Diego, rằng người có nghĩ về đất nước không, thiền sư trả lời: “Thì tôi đang ở Việt Nam đây thôi.” Vậy đó, với người hành giả đến từ phương Đông và với thi sĩ, ở đâu cũng là quê quán, nơi đâu cũng cùng chung một mái nhà. Chính trong tâm cảm đó, kẻ này dẫu chỉ là người làm thơ lãng đãng, cũng đang tập yêu (và đã yêu, dẫu còn mức độ) những gì mình đang sống, đang nhìn thấy chung quanh, trên xứ sở này. Một điều khiến trí óc bảng lảng của tôi lấy làm ngạc nhiên – và vui thích – khi trong ngôn ngữ hàng ngày thỉnh thoảng lẫn lộn Dallas với Đà Lạt, quận Cam – Sài Gòn, Garland -Vương Phủ, Oklahoma – Pleiku v.v… Những năm bào ảnh vừa qua, trước cơn lốc vòi rồng tornado biến nhiều vùng cư dân rộng lớn ở Oklahoma thành bãi thành gò, và sau cơn thảm họa 11.9, rồi tới bão Katrina, lòng cảm thấy đau xót biết bao (cam đoan không màu mè riêu cua gì cả), như ngày xưa từng cảm thương Huế miền Trung sau cơn lũ dữ và sau những xác người ở Bãi Dâu năm 1968. Tôi cũng tập yêu -và yêu thật sự như yêu em – khi nhìn những vòm hoa redbud như những cụm lửa trời, những giải bluebonnet tím xanh đêm Othello – Desdemona, con chim màu đỏ hót một mình dưới trời mưa thưa, chuyến xe buýt grey hound chạy xuyên đêm xuyên ngày qua những thành phố lạ. Những năm tháng ở đây, mới chừng mười mấy năm thôi, tôi cũng đã thấy mình bắt đầu mê hương vị cà phê ở một quán starbucks, chiếc bánh pizza, miếng beefsteak của miền đồng cỏ, những con crawfish tẩm cajun, ly kem Braum’s… Và tôi cũng đã đến với người, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, chủng tộc… Tôi yêu mọi người, cỏ cây muôn loài… Làm sao yêu hết cuộc đời (Ca từ của Sơn – bạn ra đi đã được mười năm rồi đó). Ôi, lòng tôi vậy mà vẫn còn giới hạn, bởi cách thế nào đi nữa, tôi cũng không thể nào yêu nổi mấy cha nội như Mao Trạch Đông, bin Laden, Saddam Hussein, Gaddafi… Quả tôi có yêu vẻ hùng vĩ của dòng Mississippi, nhưng vẫn thấy lòng mình gắn bó hơn và trôi về với sông Hương, sông Hồng, sông Cửu Long… Sao vậy cà? Cuối cùng, có lẽ, tôi vẫn là người Việt da vàng tóc đen, nhưng đã bắt đầu mở lòng ra với người và chim muông cây cỏ. Với tôi, thế giới bây giờ là một mái nhà.