Các rạp hát lớn nhỏ ở Mỹ mấy tuần nay trình chiếu “J.Edgar”, phim của hãng Warner Bros., do Clint Eastwood đạo diễn, với tài tử chánh Leonardo DiCaprio. Bộ phim là sản phẩm hư cấu dựa trên một nhân vật lịch sử có thật:
J. Edgar Hoover, giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang FBI lừng lẫy một thời. Cuộc đời và tâm lý của nhân vật độc đáo này được diễn tả quanh 3 mối quan hệ khá đặc biệt với bà mẹ Annie (Judi Dench); nữ thơ ký tín cẩn Helen Gandy (Naomi Watts); và người cộng sự / cánh tay mặt–phó giám đốc FBI Clyde Tolson (Armie Hammer).
Thanh Dũng
Bộ phim chú trọng một mảnh đời đã khiến tên tuổi J. Edgar Hoover trở nên nổi tiếng cũng như tai tiếng — những vụ rình mò, nghe lén phi pháp, và các bộ hồ sơ mật. “J. Edgar” mang ít nhiều tính “sử thi”, kéo dài khoảng nửa thế kỷ, mà vẫn gói gọn các sự kiện lớn quanh tổ chức FBI trong khoảng 2 giờ 20 phút. Cảnh trí, dàn dựng, phục trang… đều chính xác đến từng chi tiết. Phim có thể kén khán giả, không nhận được nhiều tán thưởng, nhưng vẫn là một tác phẩm điện ảnh hay, không phụ nỗ lực tìm hiểu những vấn nạn lớn của xã hội Hoa Kỳ trong thế kỷ qua, cách riêng trong lãnh vực an ninh. Những điều này có thể vẫn còn liên đới đến đời sống hiện tại.
Tài tử Leonardo DiCaprio sắm vai J. Edgar Hoover xuất thần. Nhận vai này chứng tỏ DeCaprio không… ngán thử thách, cũng là sở trường riêng. Ở tuổi 37, anh đã nhập vai rất thành công nhà tỉ phú lập dị Howard Hughes (phim “The Aviator”), và tay lừa đảo khét tiếng Frank Abagnale Jr. (phim “Catch Me If You Can”)… Có đồn đại DiCaprio chịu chấp nhận tiền hoa hồng chỉ bằng 1/10 yêu cầu bình thường để đóng vai chánh trong “J. Edgar”. DiCaprio được hoá trang tài tình dù trong tuổi 20 hay lúc cuối đời ngoài 70 tuổi. Anh diễn xuất rất đạt vai một tay… cớm bự, kẻ từng khiến bao người khiếp sợ. DiCaprio làm nhân vật trở nên sống động, đáng tin, rất thật, chi li đến từng nếp thịt chảy nhão trên mặt, hay nước bọt ứa ra bên khoé miệng lúc xế chiều đời người… Màn trình diễn thượng hạng của DiCaprio có thể đưa anh lọt vào danh sách đề cử giải nam tài tử hay nhất “Best Actor” giải Oscar năm sau.
Leonardo DiCaprio (trái) và đạo diễn Clint Eastwood (thứ 2 từ phải) tại phim trường.
Thành công của Leonardo DiCaprio không thể thiếu đạo diễn kỳ cựu Clint Eastwood. Cách làm việc nhẹ nhàng, kiệm lời của ông đã cho tài tử rộng đất thi triển sở trường. Với lợi thế từng là tài tử gạo cội trong nhiều thập niên, ông có thừa kinh nghiệm, đủ sức đơn giản sự việc, cũng như hiểu tâm lý tài tử. Từng đạo diễn hơn 30 phim, Clint Eastwood nổi tiếng giảm thiểu thời gian bấm máy, và ít… hành tài tử quay đi quay lại 1 cảnh đến… bất tận. Với những phân đoạn phim về những ngày cuối của J. Edgar, một lần nữa Clint Eastwood tỏ ra lành nghề trong việc điểm hoạ tuổi già, buổi hoàng hôn của đời người. Đề tài này được đề cập nhiều trong những phim Eastwood đạo diễn sau này như “Gran Torino”, “Million Dollar Baby”, “Unforgiven”… Sự già cỗi chắc chắn và khả tín của nhân vật J. Edgar qua Leonardo DiCaprio cho thấy một Clint Eastwood vẫn gừng càng già càng cay ở tuổi 81.
(từ trái sang phải) Leonardo DiCaprio (trong vai J. Edgar cuối đời), đạo diễn Clint Eastwood, và tác giả kịch bản Dustin Lance Black. ảnh Warner Bros.
“J. Edgar” dùng kỹ thuật lồng thời gian, đan xen phân cảnh phim giữa các cột mốc khác nhau trong cuộc đời J. Edgar. Đây là bộ phim về một người đàn ông tự tin, thành công, từng là một yếu nhân trong xã hội Hoa Kỳ suốt nửa thế kỷ. Ông làm giám đốc FBI hơn 47 năm (từ 1924 tới 1972), đến nỗi sau khi J. Edgar qua đời, Quốc Hội Hoa Kỳ thảo luật giới hạn nhiệm kỳ của những xếp FBI tương lai đến tối đa 10 năm.
Bộ phim rọi một góc nhìn vào cuộc đời con người thét ra lửa, lắm thù ít bạn, và thường gây ngộ nhận. Kẻ thù của ông từ giới danh tiếng lẫy lừng như gia đình Kennedy, đến các thế lực cộng sản “Bolsheviks” toan ngóc đầu dậy thời đầu thập niên 1920. Sang thập niên 1930, là các nhóm băng đảng tội phạm “gangster”. Cuối cùng đến phong trào dân quyền “Civil Rights Movement” thời 1960 với lãnh tụ Martin Luther King, mà J. Edgar xem như mối hoạ quốc gia.
Cặp bài trùng J.Edgar-Leonardo DiCaprio (phải) và Clyde Tolson-Armie Hammer, giám đốc và
phó giám đốc FBI trong nhiều thập kỷ.
Trong vai trò giám đốc FBI, J. Edgar thu thập những tin tức cấm kỵ như chuyện ngoại tình của các yếu nhân (Đệ Nhất Phu Nhân Eleanor Roosevelt., Tổng Thống John F. Kennedy, ngay cả nữ tài tử Marilyn Monroe). Không ai dám chống cự ông vì bị hăm doạ, vì trót dính vết chàm nào đó, vì… J. Edgar biết rõ mọi bí mật. Nhưng J. Edgar Hoover cùng lúc là người rất được dân Mỹ nể trọng.
Ông kiến thiết FBI trở nên hiện đại như ngày nay. Dưới quyền của ông, lần đầu tiên hằng triệu vân tay của mọi người sống trên nước Mỹ được gom về 1 chỗ ở Washington DC. Ông biến FBI thành tổ chức chống tội phạm nhà nghề. Khi J. Edgar Hoover về nắm FBI năm 1924, chỉ có khoảng 650 nhân viên, ngân sách khiêm tốn vài triệu Mỹ kim, và quan trọng nhất là chẳng có thực quyền.
Sau khi từ khước lời cầu hôn của J. Edgar, Helen Gandy (nữ tài tử Naomi Watts) trở thành thơ ký tín cẩn cho đến ngày cuối cùng của đời ông. Bà là người ra tay tiêu huỷ các bộ hồ sơ bí mật, khiến chúng mãi mãi chìm trong màn bí ẩn.
Ngày nay, FBI có hơn 35 ngàn nhân viên với ngân sách hằng năm khoảng 8 tỉ Mỹ kim. Họ có 56 trung tâm điều tra ở các thành phố chánh, hơn 400 cơ sở vệ tinh liên hệ khác, chưa kể khoảng 50 văn phòng ở ngoại quốc. J. Edgar Hoover biến FBI thành tổ chức chống tội phạm lớn nhất, hữu hiệu nhất, được nể nang nhất trên thế giới bằng cách đề cao phương pháp khoa học. Ông giúp kiến tạo phòng thí nghiệm “FBI Laboratory” nổi tiếng, cũng như nhiều lần tranh đấu với bên lập pháp, giành thêm ngân sách để phát triển FBI, trong khi vẫn giữ cho tổ chức này “phi chánh trị”, không chịu sự chi phối của các chánh khách. Để ghi nhớ công lao của ông, người ta đặt tên J. Edgar Hoover cho tổng hành dinh của FBI ngày nay ở Washington, D.C.
Cảnh đầu phim, người thám tử trẻ J. Edgar – Leonardo DiCaprio (giữa) bàng hoàng chứng kiến cảnh cộng sản nổ bom khủng bố. Khi trở thành giám đốc FBI, ông quyết đối đầu và dẹp tan bạo loạn này.
Bộ phim tiết lộ chân dung J. Edgar như nỗi ngán ngại lớn cho 8 đời tổng thống Hoa Kỳ, mà người cuối cùng là TT Richard Nixon. J. Edgar có những bộ hồ sơ riêng về các bí mật… thâm cung bí sử của các vị tổng thống nên không ai dám sa thải ông, giúp J. Edgar yên vị suốt 47 năm.
Ngày nay ở Biển Đông có thể một số khán giả cũng thấy ít nhiều điều tương tự. Những nhân vật chóp bu đảng cộng sản VN đều hoàn toàn bị Trung cộng khống chế và điều khiển–không khác lắm cái cách J. Edgar… ghìm cương 8 đời tổng thống. Những viên chức cao cấp nhất đảng cộng sản VN có lẽ cũng bị Trung cộng nắm thóp bao lâu nay, bắt đầu từ chính những bí mật của Hồ Chí Minh. Họ có muốn làm gì phật lòng đàn anh Trung cộng cũng khó mà tránh cảnh… há miệng mắc quai.
Tại buổi ra mắt phim “J.Edgar”, từ trái sang: tài tử Leonardo DiCaprio (vai chánh J. Edgar Hoover), tài tử Armie Hammer (vai trợ lý Clyde Tolson), và đạo diễn Clint Eastwood.
Buổi khởi đầu của J. Edgar và FBI có thể cũng khiến một số người Việt có đôi chút ngậm ngùi. Vị xếp FBI ở tuổi đôi mươi đã nghiền nát các phần tử cộng sản “Bolsheviks” từ trong trứng nước. Các tay khủng bố chuyên nổ bom, gài mìn nhiều nơi trên nước Mỹ với tham vọng tạo một cuộc “cách mạng vô sản” đều đã bị J. Edgar săn tận ổ, bắt gọn, hoặc trục xuất. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của J. Edgar được đạo diễn cho dẫn lại ngay từ đầu phim “Communism is not a political party — it is a disease” (cộng sản không phải là một đảng chánh trị–nó là một cơn bịnh). Phim cho thấy một phần nào không khí chánh trị sau Thế Chiến Nhất.
Ở những nơi nền dân chủ tự do bắt rễ sâu đậm như Hoa Kỳ, có những con người mạnh mẽ quyết đoán như J. Edgar, thì cộng sản bị nghiền nát dễ dàng. Đáng tiếc cho quê hương Việt Nam, đã bị nạn cộng sản hoành hành không dứt, để ngày nay cả xứ sở và 80 triệu dân phải sống dưới sự cai trị của đảng cộng sản.
Tài tử Leonardo DiCaprio (giữa) nhập vai J. Edgar Hoover tài tình: người xếp FBI thét ra lửa, khiến nhân viên dưới quyền nể sợ.
Bộ phim “J. Edgar” cũng có thể gây ít nhiều tranh cãi về cách soi rọi đời tư J. Edgar, hướng về chỗ ông có thể là một người đồng tính luyến ái. Ở đây, có 3 nhân vật đều dân độc thân, không hề lập gia đình, hoặc có con cái. J. Edgar có tình bạn đặc biệt với người phụ tá Clyde Tolson—họ chia sẻ từng bữa ăn, đi làm chung và ra về chung mỗi ngày. Khi J. Edgar Hoover mất, Clyde Tolson hưởng quyền thừa kế. Tuy vậy, J. Edgar thời trẻ cũng từng ngỏ lời cầu hôn Helen Gandy (Naomi Watts) nhưng bị từ khước, rồi bà trở thành thơ ký tín cẩn đến cuối đời ông.
Đó là những thực tế đã được kiểm chứng. Cách diễn giải và hư cấu của tác giả kịch bản Dustin Lance Black, một người thuộc thế giới đồng tính, sẽ khiến một số khán giả thích, hoặc không thích. Sự thật không ai biết được, vì có lẽ J. Edgar đã vĩnh viễn mang theo ông, giống như những bộ hồ sơ bí mật kia.
TD