Menu Close

Khóc tử biệt

Hồi nhỏ, lúc còn ở Việt Nam, BTL tôi lâu lâu thấy có đoàn xe đám ma đi qua. Xen lẫn trong tiếng kèn ai oán của dàn nhạc bát âm là tiếng khóc bi thiết của một người nào đó. Tiếng khóc càng trở nên thảm thiết,

cường điệu âm thanh càng lúc càng gia tăng. Lúc đến nghĩa địa thì tiếng khóc trở nên tức tưởi, nghẹn ngào và trầm lắng. Cho đến khi quan tài sắp hạ huyệt thì tiếng khóc lại trổi dậy mãnh liệt, thống thiết hơn bao giờ hết, thiếu điều như muốn nhảy xuống huyệt đi theo người quá cố. Thế rồi sau khi nắm đất cuối cùng được ném lên nấm mồ, đám tang chấm dứt thì tiếng khóc im bặt ngay lập tức. Có lần chính BTL tôi thấy chủ nhân của tiếng khóc đó hồi nãy mếu máo giờ cười tươi như hoa, vừa đi vừa đếm tiền, xong nhét vào túi.

Sau này BTL tôi mới biết họ chính là những kẻ làm nghề khóc mướn. Thường thì ở các buổi đám ma, gia chủ chỉ mướn có một người duy nhất làm nghề này, nhà nào giàu có thì mướn thêm một vài người nữa thành một đội khóc mướn cho nó xôm trò. Nói chung cao lắm là mỗi cái đám tang chỉ có vài người giàn giụa nước mắt, chứ làm gì có cảnh hàng vạn người đổ xô đi khóc một người vừa nằm xuống!

Bạn hiền, thế mà mới đây cái cảnh này đã xảy ra trên đất nước khép kín Bắc Hàn, sau khi “lãnh tụ kính yêu” Kim Chính Nhật bị nhồi máu cơ tim, chết bất đắc kỳ tử. Các đoạn phim được đài truyền hình nhà nước phát đi quay cảnh người dân Bắc Hàn từ già đến trẻ đổ xô ra các quảng trường lớn để khóc như mưa. Có những thanh niên nét mặt chai lì tự nhiên khuôn mặt mếu máo, khóc bù lu bù loa như trẻ con bị mất quà! Thiết tưởng người thân trong gia đình của họ bị mất đi chưa chắc họ khóc lóc thê thảm đến như vậy!

Bạn hiền, cái cảnh khóc lóc quá trớn như vậy đã làm rất nhiều khán giả thắc mắc, có người cho là dân Bắc Hàn khéo đóng kịch nên qua Hollywood sống thì hay hơn; có kẻ thì cho là những người dân này bị họ Kim nhồi sọ kỹ quá đâm ra lú, họ xưa nay coi lãnh tụ của họ là ông trời, nay ông chết đồng nghĩa với trời sập, sắp tận thế đến nơi cho nên phải khóc một trận cho đã; có người lại nghĩ rằng những người dân này phải khóc nếu không bị kiểm điểm, tự phê.

Vì lý do gì đi nữa không cần biết nhưng rõ ràng cái kiểu khóc vật vã, tay đập xuống đất, bụm mồm bụm mặt, thỉnh thoảng rướn cổ lên mà rống làm BTL tôi nhớ lại cái cảnh những người đi khóc thuê trong các đám ma ở Việt Nam quá!

Còn một lý do nữa mà chúng ta quên nghĩ đến, rất có thể là những người dân của đất nước chết đói này không phải đang khóc, biết đâu họ đang vui mừng vì một tên độc tài vô lại vừa mới bị đột tử. Khóc cũng là cười vậy mà, bộ bạn hiền không nghe câu “cười ra nước mắt hay sao”?

Còn nếu họ thật sự ngu dốt đến nỗi phải tiếc thương một lãnh tụ bất tài biến quốc gia Triều Tiên thành một đất nước nghèo nhất thế giới thì là điều thật đáng buồn. Nếu họ muốn chứng minh lòng thành với “dear leader” của họ bằng cách ra chỗ công cộng để khóc rũ rượi trước ống kính của đài truyền hình thì nhiêu đó chưa đủ, phải khóc như ông Tố Hữu hồi Stalin bị chết năm 1953 thì mới đáng đồng tiền bát gạo. Để BTL tôi kết thúc lá thư gửi bạn hiền hôm nay bằng bài thơ bất hủ của thi sĩ cách mạng nổi tiếng này…

* Thơ Tố Hữu khóc Stalin:

Đời đời nhớ Ông

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Xit-ta-lin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Xít-ta-lin! Xít-ta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã… làm sao, mất rồi!
Ông Xít-ta-lin ơi, Ông Xít-ta-lin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi
Ngày xưa đói rách tơi bời
Có người mới có được nồi cơm no
Ngày xưa cùm kẹp dày vò
Có người mới có tự do tháng ngày
Ngày mai dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai
Ơn này nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác một vai ơn Người
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!
Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con
Ông dù đã khuất không còn
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường
Trên đường quê sáng tinh sương
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng
Ngàn tay trắng những băng tang
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời
(Tố Hữu, 5-1953)

Rocklege, FL
20/12/2011