Menu Close

Mèo Mỡ

Hôm nay BTL tôi muốn nói chuyện năm hết, Tết đến. Nói cụ thể hơn là năm Cọp sắp qua và năm Mèo sắp đến. Trước thềm xuân Tân Mão, chúng ta hãy nói chuyện con mèo.

Bạn hiền, có một khác biệt rõ rệt trong tử vi của Ta và của Tàu là trong 12 con giáp của Việt Nam ta, con thứ tư là con mèo thì tử vi của Tàu là con thỏ. Tại sao có sự khác biệt vậy? BTL tôi đi tìm hiểu các tài liệu lịch sử thì mới biết là do 12 con thú này khi nhập vào Việt Nam, chữ Mão bị đọc trại ra thành chữ Mẹo, ám chỉ con mèo. Thú thật với bạn hiền, BTL tôi hoàn toàn không thỏa mãn với cái lối giải thích không có logic này. Chữ Mão nếu phát âm sai thì phải thành chữ Mẽo. Việt Nam chúng ta cũng hay gọi dân Mỹ là dân Mẽo. May quá các bậc tổ tiên của chúng ta không đọc lộn kiểu đó, chứ không thì bây giờ người Mỹ lại trở thành một trong mười hai con thú của sổ tử vi Việt Nam rồi.

BTL tôi không rành tiếng Hán Nôm, nhưng biết chắc chắn con mèo tiếng Hán là “miêu” chứ không phải là “mẹo”. Bạn hiền có nghe câu: “nữ thực như miêu” chưa? Nếu vậy thì phải đọc là: Tý, Sửu, Dần, Miêu, Thìn, Tỵ…  Đọc kiểu này nghe hơi chói tai, không có vần điệu chút nào hết!  À mà tại sao không là: Tý Sửu Dần Mèo Thìn Tỵ?  Cái này thì cũng không được vần cho lắm và hơn nữa nghe nửa Hán nửa Việt không giống ai hết!  Cũng có thể vì thế mà các bậc tiền bối của chúng biến chữ “mèo” thành “mẹo”, vừa hợp vần vừa không bị nửa nạc, nửa mỡ.

BTL tôi tò mò đi vào một trang mạng của Tàu, China History Forum (CHF), trong đó có người đặt câu hỏi tại sao trong 12 con giáp Việt Nam lại dùng con mèo thay vì con thỏ, “Why cat, not rabbit?”. Theo phân tích của một độc giả của diễn đàn thì lý do là bởi vì con mèo thích nghi ở khí hậu ấm áp như ở Việt Nam; nhiệt độ cơ thể của mèo là từ 38 đến 39 độ C, so sánh với nhiệt độ cơ thể của con người là 37.5 độ C và loài mèo có thể sống ở môi trường nóng đến 52 độ C. Trong khi đó, con thỏ được thuần hóa không thể sống trong môi trường trên 32 độ C.  Ý của nhà phân tích này là con thỏ thích hợp những vùng lạnh, xa đường xích đạo, còn con mèo thì hợp với vùng có khí hậu nhiệt đới.

Một lý do thứ hai nữa là con mèo gắn liền với các xã hội nông nghiệp trong khi đó con thỏ, nhất là thỏ rừng, là nguồn cung cấp thực phẩm cho xã hội săn bắn du mục. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, hình ảnh loài mèo luôn hiện diện so với loài thỏ. Nhà nông cần chứa thóc, gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác: chính những chỗ này là  ổ  cho loài chuột, chim chóc, các loài vật ăn hại… Nhà nông Việt Nam cầu xin loài chim đừng phá hại mùa màng qua những câu ca dao như:

Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò

Tuy nhiên, có một giải thích cho sự khác biệt giữa hai nền văn hóa:  loài mèo (ăn thịt/carnivore) chứ không phải loài thỏ (ăn rau cải/herbivore). Con mèo thường đuổi bắt và ăn thịt các loài chuột, chim chóc. Khác hẳn với loài thỏ lại bị đuổi bắt và bị làm thịt trong xã hội du mục. Còn nhiều thí dụ trong ca dao tục ngữ nói lên sự hữu ích và thân thiết của loài mèo trong xã hội truyền thống Việt Nam, rất khác biệt với một xã hội truyền thống du mục Trung Quốc.

Một độc giả khác đổ lỗi cho người Việt, khi phát âm chữ Mão đã tìm cách liên hệ đến một con thú nào có âm hưởng gần giống chữ này, và con mèo là con gần nhất. Độc giả này còn đưa ra dẫn chứng là đời nhà Tống, chữ Mão đọc giống chữ Miêu, và miêu là con mèo. Nói chung, theo quan niệm người Tàu thì tất cả lỗi ở ông bà tổ tiên xứ Văn Lang đã bất cẩn khi nhập cảng 12 con thú trong bộ tử vi của Tàu vào Việt Nam.

Theo một quan niệm khác thì loài thỏ đóng một vai trò quan trọng trong truyện cổ dân gian của người Hán. Người Hán nhìn thấy mặt trăng có thỏ (nên gọi mặt trăng là Ngọc Thố) và cái gì liên hệ đến mặt trăng là có thể dùng thỏ hay thố như thỏ cung (nguyệt cung), thỏ hoa (minh nguyệt),v.v… Tuy nhiên, hình ảnh huyền thoại này của loài thỏ có thể chỉ là  nhập cảng từ nước ngoài  chứ không phải  xuất thổ  như một hiện tượng văn hoá đặc thù (của Trung Quốc cổ đại).  Còn đối với người Việt Nam thì trên cung hằng chả có con thỏ nào hết ráo, chỉ có chú Cuội, một tay nói phét kinh niên, và chị Hằng mà thôi.

Trong văn hóa Việt Nam, con mèo còn tượng trưng cho hình ảnh của người phụ nữ không được đàng hoàng cho lắm, chẳng hạn như những ả nhân tình của các ông đã có vợ được ví như là “mèo”. Tuy nhiên, đôi khi các ông cũng bị ví như là con mèo, như: “mèo nào mà chê mỡ”, trong câu này người phụ nữ lại bị ví thành cục mỡ.  Qua bên Mỹ này, nhiều chứng bịnh về tim và động mạch do mỡ gây ra, cho nên bây giờ mèo chê mỡ là chuyện thường.

Không biết hồi mấy chục thế kỷ về trước tiền nhân của chúng ta đã có chuyện mèo mỡ chưa vậy hà? Người xưa với người nay, cũng là người thì làm sao tránh khỏi? Biết đâu cái vụ đưa con mèo vô trong bảng tử vi 12 con giáp cũng dính dáng đến cái vụ mèo mỡ? 

Trở lại chuyện con thỏ hay con mèo, sao ai cũng nghĩ là nguyên thủy là con thỏ, rồi khi thâm nhập vào Việt Nam thành con mèo? Bộ cứ nước lớn thì cái gì cũng phải xuất phát từ đó hết hay sao?  Tại sao không có cái nhìn ngược lại, biết đâu tử vi xuất phát từ xứ Đại Cồ Việt và nguyên thủy là con mèo, rồi nhập qua Trung Quốc bị biến thành con thỏ cho phù hợp với văn hóa du mục? Cái gì chứ cái vụ nhái hàng là nghề của họ mà bạn hiền.

Đầu Xuân Tân Mão để BTL tôi kể bạn hiền nghe một chuyện vui, cũng liên quan đến chuyện mèo.

Câu chuyện xảy ra ngày xửa, ngày xưa ở một quán cóc đầu làng vùng nhà quê miền Bắc. Có gã nọ ngồi uống rượu và nhìn cô chủ quán đang ẵm con mèo, gã nói:

“Con mèo này biết nói tiếng người đấy!”

Cô chủ trợn mắt, quát:

“Nói điêu, uống mấy cốc mà say rồi?”

“Tôi chưa say, nếu tôi làm cho nó nói được thì cô tính sao?”

“Nó mà nói được thì hôm nay anh uống rượu khỏi giả tiền.”

“Được rồi, cô đưa nó cho tôi!”

Vừa nói gã vừa đỡ con mèo từ tay cô chủ, xong gã nhìn thẳng vào mắt nó và hỏi:

“Ê, mèo, mày giả nhời dùm tao câu này nhé!”

Con mèo dương 2 hòn mắt màu ve bi, nhìn gã cóc hiểu gì. Cô hàng nước cười hả hê, nhưng sau đó vội đỏ mặt khi gã đàn ông hỏi con mèo:

“Mày có biết cái hĩm của cô chủ tròn hay méo?”

Đến nước này thì cô hàng nổi đóa, định ném cái bát vào mặt gã đàn ông đang ăn nói tục tĩu, thì gã la lên:


Tranh: Bảo Huân

“Khoan! cô để nó nói”

Gã nói xong, lấy mấy ngón tay xoắn lỗ tai con mèo một cái thật mạnh. Con mèo đau quá, ré lên:

“MÉO, MÉO!!!”

Hết chuyện.  Chúc bạn hiền một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, vạn sự như ý!

pic

Bùi Thanh Liêm
Đầu Xuân Tân Mão