Hôm thứ Bảy 7-5-2011 vừa qua, tại Hí viện Eisemann Center (thành phố Richardson, bắc Texas) diễn ra một sự kiện văn nghệ có thể nói là thú vị: hai suất diễn Truyện Kiều “The Tale of Kieu” của đoàn nhạc kịch “Worldwide Stage Inc.”
Đây có lẽ là lần đầu tiên tác phẩm của thi hào Nguyễn Du được các nghệ sĩ người Mỹ đưa lên sân khấu qua thể loại nhạc kịch “Broadway” còn khá lạ lẫm với nhiều khán giả người Việt.
Thanh Dũng
Điều dễ nhận thấy trước nhất, truyện Kiều tự nó là một áng thi ca bất hủ, được rất nhiều người Việt mến mộ. Chọn Kiều làm nền cho một kịch bản nhạc kịch nhắm đến khán giả người Việt, vì vậy, có thể là một khởi điểm không ít thuận lợi lẫn thử thách cho nhà biên kịch/đạo diễn Burton Wolf. Ông Wolf là một gương mặt kỳ cựu của làng sân khấu kịch nghệ Hoa Kỳ, trong quá khứ đã dựng các vở “Miss Saigon”, “West Side Story”, “Cabaret”… và cũng từng làm việc với nhiều tên tuổi khét tiếng như Audrey Hepburn hay Mickey Rooney… Khi quyết định dàn dựng Truyện Kiều, đến với một sân chơi mới, ông cũng giành thời giờ tìm hiểu sinh hoạt sân khấu người Việt hải ngoại, cách riêng khá quen thuộc với chương trình “Paris by Night” của Trung tâm Thuý Nga.
Đạo diễn Burton Wolf đang hướng dẫn một diễn viên
Kết quả trên sân khấu Hí viện Eisemann Center là một “The Tale of Kieu” vẫn cảm động nhưng không hề giống bất cứ màn kịch hay vở tuồng nào từng xuất hiện trước đây. “Truyện Kiều” của Burton Wolf có lời hát luân chuyển giữa hai ngôn ngữ Anh và Việt; có nhảy múa theo điệu hip-hop tân thời; có kỹ thuật phủ màu sân khấu tùy không khí câu chuyện hoặc tâm trạng nàng Kiều; có đạo cụ tối thiểu gồm vài cái ghế, dăm chiếc quạt giấy, cây đàn của Thuý Kiều; có sông Tiền Đường cuộn sóng qua một màn múa lụa…
Đạo diễn Burton Wolf trong buổi thi tuyển chọn diễn viên cho vở “The Tale of Kieu”
Phần âm nhạc cũng thật lạ tai. Một ngạc nhiên nho nhỏ là các phiên khúc chuyển đổi từ tiếng Anh sang tiếng Việt khá nhuyễn và ăn khớp với diễn xuất. Có lẽ cần ghi nhận về nhà soạn nhạc Scott Gehman, một người hoàn toàn xa lạ với âm nhạc Việt. Để chuẩn bị cả thẩy 25 bài hát cho “The Tale of Kieu”, giám đốc sản xuất Lawrence Wong nhờ người thu thập rồi chuyển cho Gehman một số bài hát Việt để tham khảo.
Buổi ban đầu Thuý Kiều – Kim Trọng
“The Tale of Kieu” từ lúc mở màn đến khi hạ màn chỉ không tới 2 giờ, với diễn biến và âm nhạc tiếp nối liên tục, đã hé mở phần nào nét tài hoa của nhà đạo diễn. Ông Burton Wolf gói gọn gần đủ các sự kiện chánh yếu trong 15 năm nàng Kiều lưu lạc. Tuy nhiên, công trình lớn nhất của ông có lẽ nằm khuất tầm sân khấu: là các việc chuẩn bị, huấn luyện, chỉnh sửa dàn nghệ sĩ tài tử người Việt, đa phần không có kinh nghiệm trên sân khấu, một số người thậm chí chưa từng nghe biết đến tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vài diễn viên chánh, trong dịp gặp gỡ Trẻ, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ cách cư xử nhà nghề, công phu, tỉ mỉ, và nhất là lòng kiên nhẫn của đạo diễn Wolf trong khi uốn nắn từng động tác, nét mặt, điệu múa… cho các diễn viên trong những buổi tập.
Xem nhạc kịch “The Tale of Kieu”, có lẽ nhiều khán giả không khỏi cảm kích công phu của đoàn hát “Worldwide Stage Inc.” Không khỏi khâm phục nỗ lực bắc cầu qua các dị biệt văn hoá trong khi đeo đuổi một nghệ thuật gian nan của nhà sản xuất và đạo diễn. Không khỏi cảm động khi nghĩ đến những người phụ trách hoá trang, vũ đạo, và dàn diễn viên đều làm việc tự nguyện, vì chút đam mê văn nghệ, và cũng vì muốn góp tay giữ gìn nét văn hoá Việt trên xứ người. Có thể thấy rõ sự đón nhận tận tình của khán giả Dallas qua những tràng pháo tay sau mỗi cảnh, qua tiếng vỗ tay kéo dài và đều theo điệu nhạc vào cuối vở diễn, và qua cuộc trao đổi ngắn gọn nhưng thân mật, trực tiếp với các diễn viên tiếp theo đó…
Bà Hong T. Phan, nhà thiết kế trang phục cho “The Tale of Kieu”
Nhưng để đánh giá “The Tale of Kieu”, thật không dễ. Điều gian nan nhất có thể nằm ở hai phía song hành. Một mặt, thể loại nhạc kịch quá mới mẻ, quá lạ. Mặt khác, là nỗi ám ảnh lớn lao, gần như thành huyền thoại, của Truyện-Kiều-Nguyễn-Du.
Hẳn có khán giả đã thích những trang phục hiện đại, đa sắc màu. Nhiều người có thể tâm đắc với vài chỗ sáng tạo riêng của đạo diễn Burton Wolf, nhằm hấp dẫn khán giả thế kỷ 21. Cung cách Kiều và Kim Trọng trong “The Tale of Kieu” có thể gợi nhớ nỗi cuồng nhiệt của Romeo & Juliet. Nếu Kiều của Nguyễn Du sầu bi đẫm lệ sau cơn ghen của Hoạn Thư, thì Kiều của Burton Wolf đã thấp thoáng cái “positive thinking” của một lối sống Mỹ–sống với hiện tại, vui trong hiện tại, thậm chí “cảm ơn người” vì đã cho ta cơ hội sống.
Sân khấu mang tính cách điệu cao trong vở nhạc kịch “The Tale of Kieu”
Và với vài người khác, có thể ngôn ngữ trong “The Tale of Kieu” chưa đủ trau chuốt; chuyện đời Kiều quá giản lược, mất chi tiết, thiếu chiều sâu; hoặc khán giả Việt vốn quen thuộc với thoại kịch hơn nhạc kịch. Ngay cả lời hát kết hợp song ngữ Anh/Việt cũng có thể gặp phản ứng ngược. Đa phần giới trẻ lớn lên ở Mỹ không hề biết đến Truyện Kiều, liệu phần lời nhạc Anh ngữ có san lấp được nỗi hụt hẫng văn hoá? Trong khi đó, với nhiều khán giả có tuổi, khó tránh cảm giác miễn cưỡng khi thưởng thức “Truyện Kiều” một câu hát Anh ngữ xa lạ chen lẫn một câu hát Việt–với cung bậc ít nhiều gượng ép. Thậm chí với vài người thưởng ngoạn khó tánh, “The Tale of Kieu” trên sân khấu Hí viện Eisemann Center còn có phần hơi… tài tử, phảng phất không khí các buổi trình diễn kịch nghệ ở các trường đại học.
Nhạc sĩ Linh Phương (trái), người chuyển dịch lời nhạc sang Việt ngữ
Giờ đây, bức màn nhung buông rồi, và ánh đèn sân khấu cũng đã tắt từ lâu. Đâu đó người ta có thể bắt gặp tiếng thở dài xót xa trước cảnh khán giả thưa thớt trong một hí viện lộng lẫy, tân kỳ, mặc dù trong gần một tháng trời trước khi đến Dallas, đoàn nhạc kịch “Worldwide Stage Inc.” đã được giới truyền thông địa phương sốt sắng giúp quảng bá, giới thiệu đến cộng đồng Việt.
Cuối cùng, “The Tale of Kieu” có thể không bao giờ là Truyện Kiều của Nguyễn Du như trong ký ức nhiều khán giả Việt. Có chăng, là sự tương đồng lạ lùng giữa cuộc tranh đấu để sống còn và vươn lên của nàng Kiều năm xưa, với chút tài hoa, chút chắt chiu, chút… vẫy vùng của những người nghệ sĩ hôm nay, trong nỗ lực tiếp tục làm nghề, dù phải lội ngược dòng, hay bước chân vào những lãnh địa còn lạ lẫm. Điều quý báu còn lại, biết đâu, vẫn nằm ngay nơi một dòng thơ cũ:
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
TD