Sự ra đi vừa mới đây của bà Ngô Đình Nhu, một nữ lưu kiệt xuất và nhân chứng quan trọng của miền Nam Việt Nam trước 1975, có lẽ còn khiến nhiều người xúc động. Bà như một ngôi sao băng vừa đi về cõi vô cùng,
song vẫn để lại vương vấn, như sợi ánh sáng kia còn chu du trong vũ trụ–một loại vũ trụ rất riêng tư, rất tha thiết của nhiều người Việt–mang tên Việt Nam Cộng Hoà. Bà Nhu là một người hùng “hero”, trong rất nhiều người hùng, từng góp phần gầy dựng, gìn giữ, và quảng bá một xã hội năng động, nhân bản, mà cho dù đã 36 năm trôi qua, còn là niềm lưu luyến và hãnh diện khôn nguôi của cộng đồng người Việt hải ngoại. Mời bạn cùng thăm lại vài gương mặt lớn.
Thanh Dũng
Đỗ Cao Trí
Ông là một vị tư lịnh vùng đảm lược của VNCH. Tướng Đỗ Cao Trí lúc sinh thời khét tiếng về tài điều binh trên chiến trường, cũng được mệnh danh là “Tướng quân ngoài vòng chính trị”. Ông đeo lon đại tá khi mới 26 tuổi đời, và là chỉ huy trưởng đầu tiên của binh chủng nhảy dù trong quân lực VNCH. Trong đời riêng, tướng Trí nổi tiếng là một người con chí hiếu đối với cha mẹ. Nhiều người thân cận từng kể lại thói quen của ông, khi gặp thức ăn gì ngon thường mang về biếu mẹ. Đi hành quân ở đâu xa xôi hiểm hóc thế nào, ông cũng nhớ viết thơ thăm bà. Con người hét ra lửa của trận điạ lại rất hóm hỉnh vui tánh trong gia đình.
Tướng Đỗ Cao Trí là cựu học trò trường trung học lừng danh Petrus Ký – Sàigòn. Ông xuất thân từ dòng họ Đỗ Cao danh giá vùng Biên Hoà, với nhiều người hiển đạt công danh trong xã hội miền Nam thời trước.
Tướng Đỗ Cao Trí trước bản đồ hành quân
Sau trận Mậu Thân 1968, khắp các chiến trường, nhiều lực lượng cộng sản suy yếu nặng, phải lẩn trốn trong các rừng già bên Cao Miên. Tướng Đỗ Cao Trí nhiều lần hành quân vượt biên chinh phạt, gây cho địch quân nhiều tổn thất nặng nề. Ở vùng 3 chiến thuật, binh sĩ của tướng Trí đã từng bao vây và suýt tóm gọn đầu não VC ở chiến khu D (bắc Tây Ninh) gọi là “cục R”.
Tướng Đỗ Cao Trí là hình ảnh người trai thời loạn, những anh hùng đã đổ máu xương mình trên mảnh đất quê hương. Không có một Đỗ Cao Trí, quân lực VNCH đã mất một cánh đại bàng uy dũng.
Nhã Ca
Bà sinh trưởng tại Huế, từng in vài chục tác phẩm, bao gồm “Nhã Ca mới”, “Đêm nghe tiếng đại bác”, “Đoàn nữ binh mùa thu”… Và nhất là hai tác phẩm được nhắc đến rất nhiều “Giải khăn sô cho Huế” viết sau cuộc đổ nát cố đô dạo Tết Mậu Thân 1968, và “Hồi ký một người mất ngày tháng: Đường Tự Do Sài Gòn”, cuốn tiểu thuyết viết sau cơn biến động 1975.
Hình bìa tác phẩm “Hiền Như Mực Tím”
Sau này viết văn nhiều, nhưng thời thiếu nữ, lúc mới vừa bước vào nghiệp văn chương, Nhã Ca có những vần thơ rất đẹp:
…Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây
Người đi chưa dạt dấu chân giày
Bàn tay nằm đó không ngày tháng
Tình ái xin về với cỏ may.
Và lá mùa xanh cũng đỏ dần
Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần.
(Thanh Xuân)
Chân dung Nhã Ca qua nét cọ Nguyễn Trung
Trong cơn tao loạn của lịch sử sau tháng Tư 1975, người dân miền Nam xao xác như đàn chim vỡ tổ, Nhã Ca còn khiến nhiều người ngưỡng mộ vì tấm lòng chung thuỷ của bà. Một tay bà nuôi cả bầy con trong khi người chồng, người cha còn bị giam cầm trong ngục tù kẻ thắng trận. Hơn một lần, bà cũng ra tay giúp đỡ bạn bè văn nghệ lao đao ở một Sài Gòn đổi chủ.
Nữ sĩ Nhã Ca là đại diện xứng đáng của nền văn chương nghệ thuật thời Việt Nam Cộng Hoà: nhân bản, có đôi chỗ nổi loạn, và thường bàng bạc nỗi ưu tư cho thân phận nước nhà. Nhìn Nhã Ca, đọc Nhã Ca, người ta có thể bắt gặp lại gương mặt hằng trăm, thậm chí hằng ngàn văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hoà, những người đã góp sức dựng nên một nền văn nghệ đặc sắc, giàu sáng tạo, và đậm chất Việt chỉ trong khoảng 20 năm ngắn ngủi, với nhiều tác phẩm đến nay đọc lại, nghe lại, xem lại vẫn khiến người ta bồi hồi thổn thức.
Nguyễn Xuân Vinh
Ông là con người văn võ song toàn. Từ tuổi 28 ông đã trở thành đại tá, sau đó làm Tham Mưu Trưởng Không Quân rồi Tư Lệnh Không Quân Việt Nam. Ông là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ khoa học hàng không và không gian của Đại học Colorado, là một trong những khoa học gia Việt đầu tiên làm việc cho NASA. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh viết ba cuốn sách khoa học và hơn 100 bài khảo cứu về cơ học không gian. Ông còn viết văn chương với bút hiệu Toàn Phong. Nổi tiếng như vậy, nhưng trong đời sống lại là một người tế nhị, khiêm nhường, thân thiện, rất được lòng nhiều người.
Đại Tá Tư Lịnh Không Quân Nguyễn Xuân Vinh (phải) yết kiến lãnh tụ Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch
Hiếm gặp một người như Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, thành công trên ba lãnh vực rất khác nhau là khoa học, văn hoá, và quân sự. Nói về ông mà phải nhắc về những học vị, khen tặng, những ghi nhận, thành tích thì e phải tốn thật nhiều giấy mực. Ông nổi tiếng có sức làm việc của nhiều người, bền bỉ, nghiêm cẩn, nhà nghề, và nhất là luôn giữ óc cầu tiến.
Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là hiện thân một người Việt vượt lên trên nghịch cảnh thời thế để thành công. Tên tuổi ông là sản phẩm của Việt Nam Cộng Hoà. Thành công của ông là xác nhận sự vượt trội của VNCH dù thời gian có qua đi. Không có một Nguyễn Xuân Vinh, người Việt quốc gia có thể mất một sứ giả tận tuỵ trên trường quốc tế về lãnh vực khoa học.
Trần Văn Bá
Ông là con trai của một vị dân biểu thời Việt Nam Cộng Hòa. Có bằng Cao học Kinh tế về Chính trị Kinh doanh, Trần Văn Bá còn là chủ tịch của Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris thời 1973 đến 1980. Vẻ bên ngoài xuềnh xoàng, thậm chí cư xử vụng về, nhưng nhiều người kể lại ông có sức lôi cuốn ngầm, cũng như được thương mến vì tận tình với bạn bè.
Nhiều người Việt tha hương vẫn chưa thể quên tấm gương người hùng Trần Văn Bá, hơn hai thập niên trước đã tìm đường trở về quang phục quê hương. Trong ảnh: một dịp sinh hoạt tưởng nhớ ông tại Pháp Quốc.
Thời sinh viên, ông góp tay tổ chức trại hè “Nối Vòng Tay Lớn 1972”, là một nỗ lực đưa các du học sinh về thăm quê nhà, tạo nhịp cầu thông cảm giữa các giới sinh viên quốc nội và hải ngoại, cùng khuyến khích các bạn trở về phục vụ xứ sở sau khi ra trường. Nhìn lại, nhiều người Việt trẻ tại Âu Châu năm 1975 như rắn mất đầu, vô Tổ Quốc, tuyệt đường về. Trong hoàn cảnh đó, ông Trần Văn Bá đã trở thành đầu tàu. Hơn thế nữa, trước cảnh quê hương lầm than, hằng triệu người lâm chốn lao tù hoặc bị đày đi các nơi rừng thiêng nước độc, Trần Văn Bá âm thầm gia nhập một tổ chức phục quốc.Theo đến cùng lý tưởng giải phóng quê hương, ông cùng một nhóm kháng chiến quân về lại Việt Nam. Cô thế và bị phản bội, ông bị bắt và đền nợ nước năm 1985.
Thủ lãnh sinh viên Trần Văn Bá là biểu tượng đẹp của tuổi trẻ Việt Nam, cho thái độ dấn thân, dám vác lên vai cơn mộng đội đá vá trời. Trước tương lai rạng rỡ ở trời Âu, ông vẫn không quên món nợ với non sông xứ sở. Không có một Trần Văn Bá, ta mất một bầu máu nóng, mất đi một lựa chọn phản kháng quyết liệt trước cái ác vừa ập xuống quê hương. Đến nay, nhiều người vẫn coi tấm gương Trần Văn Bá như một ngọn đuốc soi đường cho các thanh niên đang nuôi chí hành động cho quê hương.
Dương Nguyệt Ánh
Xuất thân trong một gia đình người Bắc di cư 1954. Đến năm 1975, lại đến lượt cô nữ sinh lớp 9 trường Lê Quý Đôn rời VN trong đợt di tản tơi bời. Trong nhiều năm qua, bà là một trong những chuyên gia chất nổ hàng đầu của Hoa Kỳ. Bà từng đứng đầu toàn bộ chương trình nghiên cứu và chế tạo chất nổ của Hải Quân, cũng từng đại diện Hoa Kỳ tại NATO (Tiểu Ban Chất Nổ).
Bà Dương Nguyệt Ánh có công giúp chế tạo bom Áp Nhiệt (thermobaric) sử dụng trên chiến trường Afghanistan. Hiện nay bà đang làm việc tại Bộ Nội An trong vai trò một công chức cao cấp, có nhiệm vụ gìn giữ sự ổn định “stability” cho guồng máy quốc gia. Đến nay, trong cương vị một chuyên gia kỹ thuật, bà đã liên tục đóng góp hơn 20 năm cho nền quốc phòng Hoa Kỳ. Cộng đồng người Việt hải ngoại còn biết đến bà như một người dẫn dắt chương trình văn nghệ duyên dáng, hấp dẫn khán giả.
Bà Dương Nguyệt Ánh, Giám Đốc về Khoa Học Kỹ Thuật của Nha Biên Phòng và An Ninh Thủy Lộ “Director of Science and Technology of Naval Surface Warfare Center”
Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh không chỉ là một thí dụ cho sự thành công của người phụ nữ VN, hoặc của người VN nói chung ở hải ngoại. Bà là hiện thân của một thế hệ măng non vô tội bị cuốn phăng theo ghềnh thác lịch sử. Song phong ba bão táp đã không thể giết chết những cánh hoa tơi tả đó. Chúng lại hồi sinh mạnh mẽ nơi đất lạ quê người. Nay dù đã là một yếu nhân trong xã hội mới, có cuộc sống phong lưu hiển đạt, được người bản xứ nhìn nhận và thán phục, nhưng bà vẫn dấn thân hoạt động trong cộng đồng Việt. Nơi Dương Nguyệt Ánh, người ta bắt gặp tài thao lược quyết đoán của Đỗ Cao Trí, nét tài hoa của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, nỗi quyến rũ của Nhã Ca, và chọn lựa dứt khoát của Trần Văn Bá. Không có một Dương Nguyệt Ánh, có lẽ ta thiếu một gạch nối, một nhịp cầu đến thế hệ người Việt trẻ, những người còn quá bé hoặc thậm chí chưa chào đời khi VNCH kết liễu.
Trên đây là năm người hùng ở các lãnh vực dị biệt, là chứng nhân của các giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng đều nặng lòng với xứ sở. Có thể nói họ đều là sản phẩm của Việt Nam Cộng Hoà. Nhà nước VNCH đã thôi tồn tại 36 năm rồi, song dư âm của nó còn ngự trong tim nhiều người. Cách nào đó, cái không khí VNCH chừng như vẫn còn phảng phất nơi những con người này, từ những nghị lực, hy sinh, hay nỗi đam mê cho dù rất riêng tư của họ.
TD