Thứ Năm tuần rồi, sau 8 tháng giao tranh, cuối cùng phe cách mạng Libya đã triệt hạ nhà độc tài Muammar Gaddafi — người mà cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan từng gọi là “con chó điên của vùng Trung Cận Đông”
(mad dog of the Middle East). Bàn cờ chánh trị trong vùng chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi, với sự vắng mặt của con người từng cai trị Libya trong hơn 4 thập niên bằng bàn tay thép. Trẻ xin mời bạn cùng điểm lại vài nét chánh dẫn đến kết cục này, những tốn kém cho Hoa Kỳ và đồng minh, cũng như các hệ luỵ có thể thấy trước mắt.
Thanh Dũng
Hoa Kỳ và đồng minh bắt đầu can thiệp quân sự vào Libya từ 19-3-2011 sau một biểu quyết của Liên Hiệp Quốc (Security Council Resolution 1973). Ngay từ buổi đầu tiên của chiến dịch “Operation Unified Protector”, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng Hoa Kỳ không đủ sức và không nên mở một mặt trận thứ 3.
Vụ khủng bố 9/11 đưa đẩy đến các chiến cuộc Afghanistan và Iraq, khiến Ngũ Giác Đài tốn kém ít nhất 1.3 ngàn tỉ “trillion” Mỹ kim. Sang năm 2011, theo ước tính của Sở Tra Cứu Quốc Hội “Congressional Research Service”, mỗi tháng người Mỹ tốn kém cho Afghanistan $6.7 tỉ, trong khi đó Iraq ngốn $6.2 tỉ. Đây là những gánh nặng rất lớn giữa hoàn cảnh kinh tế ngặt nghèo. Ngân sách quốc phòng bị tiết giảm, Ngũ Giác Đài phải chuẩn bị kế hoạch cắt bỏ $78 tỉ tiêu xài trong nửa thập niên tới. Các giải pháp gồm cả trì hoãn những chương trình võ khí tối tân, thậm chí giảm thiểu công việc bảo trì máy móc, quân cụ…
Trong cuộc cách mạng Libya mới nhất, trên mặt chánh thức, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama giao quyền cầm đầu nỗ lực không vận cho các nước thành viên Âu Châu của NATO. Đây là một sự cộng tác quốc tế gồm liên minh 15 quốc gia Âu Châu đứng chung với người Mỹ, thêm cả 3 quốc gia Ả Rập lân bang, và Canada.
Các cuộc không tập và không vận được phóng đi từ 29 căn cứ không quân tại 6 nước Âu Châu khác nhau. Ở khúc dạo đầu, Hoa Kỳ, Canada, và đồng minh Âu Châu không tập bầu trời Libya, mục đích nhằm vô hiệu hoá các lực lượng của Gaddafi.
Nhưng chỉ trong vòng vài ngày, người Mỹ thình lình rút vào hậu trường, nhường sân khấu cho NATO. Nói chung Hoa Kỳ giữ các dính líu của mình “ngoài tầm radar”.
Các phi cơ tiếp liệu “tanker aircraft” của người Mỹ chuyên tiếp xăng dầu cho phản lực cơ đồng minh trong đa phần các phi vụ tác chiến trên bầu trời Libya. Âu Châu cũng có tàu chở dầu, nhưng không yểm trợ xuể một chiến dịch không tập toàn thời gian “24/7”, với khoảng 100 phi vụ tác chiến mỗi ngày.
Vì lý do này, một số nhà quan sát ghi nhận một điều khá hiển nhiên. Có nhiều lúc chỉ các quốc gia đồng minh mà không lực sử dụng nhiều phản lực cơ F-16—như Na Uy “Norway”, Đan Mạch “Denmark”, Bỉ “Belgium”…—được tung vào trận địa. Bởi vì người Mỹ ở vai trò yểm trợ đã có sẵn bom đạn, phụ tùng thay thế dễ dàng, nhanh chóng.
Về con số tài chánh đơn thuần, theo Ngũ Giác Đài, cuộc dính líu của người Mỹ tại Libya đưa đến sự kết liễu nền cai trị, và cả mạng sống, của nhà độc tài Muammar Gaddafi tốn kém khoảng $1.1 tỉ. Khởi sự hôm 20-4-2011 lúc Hoa Kỳ công bố khoản viện trợ đầu tiên trị giá $25 triệu cho phe phản kháng, bao gồm xe cứu thương, y cụ, thực phẩm, máy bộ đàm, v.v… Chuyến không vận đầu tiên đáp xuống thành phố Benghazi, thủ phủ tạm thời của phe cách mạng hôm 10-5-2011.
Để loại trừ Muammar Gaddafi, mở đường cho một Libya tự do ngày nay, từ khi chiến dịch không tập bắt đầu cuối Tháng Ba 2011, đã có khoảng 27,000 phi vụ tuần tra, gần 10,000 phi vụ không tập, và hằng ngàn cuộc tấn công khác sử dụng phi cơ không người lái, điều khiển từ xa “Predator drone strikes”.
Người Mỹ, tính chung, đã đóng góp hơn 70 chiến đấu cơ yểm trợ NATO và đồng minh tác chiến. Ngoài ra, hải quân Hoa Kỳ cũng đưa sang nhiều tàu ngầm, hàng không mẫu hạm, khu trục hạm… Có lúc đến 21 chiến hạm Mỹ đậu ngoài khơi Libya trong cùng một lúc. Mấy tháng sau này, mỗi ngày các chuyên viên Mỹ vẫn làm việc yểm trợ các cuộc hành quân, bao gồm kiểm tra đạn dược, quân nhu / quân cụ, thậm chí điều hành cả nỗ lực viện trợ nhân đạo cho phe phản kháng Libya.
Về phần đồng minh Âu Châu, phát ngôn viên NATO từng tuyên bố chỉ riêng chi phí vận hành những tổng hành dinh và lương cho các ban tham mưu hành quân tốn kém trên $1.1 triệu / tháng. Một cách chánh thức, riêng Anh Quốc “UK” thừa nhận con số tốn kém từ $400 triệu đến nửa tỉ Mỹ kim.
Một điều cần nhắc là nhiều tốn kém của Hoa Kỳ mấy tháng qua sẽ được trả nợ sau này, hoặc bởi đồng minh Âu Châu, hoặc bởi chánh quyền mới tại Libya—tất cả từ xăng dầu đến đạn dược, phụ tùng thay thế, và nhiều loại yểm trợ khác cho các bên tham chiến—mà theo ước tính có thể lên đến hằng trăm triệu Mỹ kim. Một nước Libya mới, với chánh phủ cấp tiến thân Tây Phương và Hoa Kỳ, cũng có thể đem tới cho các công ty quốc phòng như Lockheed Martin Corp. những hợp đồng béo bở sau này.
Một chiến binh phe nổi dậy trưng lá cờ nước Libya mới trong lúc đứng trên những xác thiết giáp trung thành với Gaddafi bị Hoa Kỳ và đồng minh NATO triệt hạ.
Khi “cơn gió bụi” lắng xuống, các công tư lớn của người Mỹ cũng sẽ trở lại làm ăn, trong hoàn cảnh hoàn toàn khác trước. Tin vui từ Libya là Hội Đồng Chuyển Tiếp Quốc Gia “National Transitional Council” hay NTC đã tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tự do trong vòng vài tháng tới. Nhiều công ty hãng xưởng Hoa Kỳ, trải qua một phen hú vía, hỗn loạn vì cuộc cách mạng, có thể dần dần khôi phục công việc thương mại, đầu tư như trước kia.
Trước nay đã có nhiều hãng Mỹ từng làm ăn thành công ở Libya trong một thời gian dài. Chẳng hạn như “Valmont”, một hãng sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặt tại Nebraska. “Valmont” đã bắt đầu các dự án thủy lợi tại Libya tận… đầu thập niên 1970. Một hãng lừng danh khác là Halliburton Co. (tổng hành dinh tại Houston-Texas) chuyên cung cấp năng lượng, cũng như các dịch vụ xây dựng, kỹ sư, v.v…
Thế sự ngày càng có vẻ ổn định giúp giới chủ mạnh tay khôi phục sản xuất, đặc biệt trong kỹ nghệ dầu hoả. Hãng xăng dầu “Waha Oil Co.” dự trù tái xuất cảng dầu thô vào cuối năm nay. Hãng này là một liên minh hợp tác Libya – Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có nhiều hãng năng lượng Hoa Kỳ với đầu mối đầu tư, làm ăn lớn ở Libya như Occidental Petroleum Corp. (Los Angeles, CA), hay ConocoPhillips, Marathon Oil Corp (đều trú đóng ở Houston, TX).
Việc Libya mở cửa xuất cảng dầu cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường, và cả nền kinh tế thế giới. Năm 2009, Libya sản xuất 1.8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tức khoảng 2.9% thị trường dầu thô thế giới. Trước khi các cuộc phản kháng nổ ra, 85% lượng dầu hoả Libya xuất cảng sang Âu Châu. Nay nếu trở lại nhịp độ bơm 1.8 triệu thùng dầu thô / ngày, hoặc thậm chí hơn chút ít, Libya có thể giúp Âu Châu bình ổn giá cả xăng dầu. Tuy nhiên, đây là một giả định lý tưởng. Nhiều cơ sở xăng dầu của xứ này có thể mất nhiều thời gian để sửa chữa, tái thiết, mới hoạt động trở lại.
Đại Sứ Hoa Kỳ tại LHQ Susan Rice điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện về các chiến phí liên quan đến Libya. ảnh Rod Lamkey Jr./The Washington Times
Cũng có không ít người biện luận rằng ích lợi của việc trừ khử Muammar Gaddafi không thể bù đắp những thiệt hại và rủi ro quá lớn. Số thương vong cho các bên và cả thường dân Libya vô tội, chưa ai biết rõ, nhưng nhiều phần chắc lên đến hằng chục ngàn.
Còn phải kể nguy cơ tiềm ẩn những võ khí tối tân thất thoát vào tay các phần tử đáng ngờ, thậm chí cả khủng bố. Kho đạn dược của Gaddafi có trên 20,000 hỏa tiễn đất-đối-không gọn nhẹ “portable surface-to-air missile”, và đến nay một số lớn đã không cánh mà bay mất biệt.
Nhìn kỹ lại, trong nỗ lực đem lại một Libya tự do, Hoa Kỳ đã đóng vai trò hệ trọng, với tầm ảnh hưởng lớn hơn là người ta thấy. Phía sau hậu trường, người Mỹ lặng lẽ tác động với nhiều chiến thuật khác nhau. Ở tổng hành dinh NATO tại Brussels (Bỉ Quốc “Belgium”), Hoa Kỳ luôn theo sát mỗi chọn lựa, quyết định về việc yểm trợ phe cách mạng trong khi họ giải phóng hết thành phố này đến thành phố khác, chiếm hữu từng cơ sở sản xuất dầu hoả, v.v…
Đây cũng có thể nói là một kiểu chiến tranh mới của người Mỹ, kết hợp quân sự (tối thiểu, chỉ ở giai đoạn đầu) với các nỗ lực ngoại giao (dùng Bộ Ngoại Giao), tình báo (với CIA), cùng lúc vẫn giữ sợi giây liên lạc chắc chắn với NATO và các nước đồng minh.
Các biếm hoạ Moammar Gaddafi và cổ suý cho một Libya tự do tại thành phố Benghazi hồi đầu Tháng Năm 2011. ảnh Mohammed Salem/Reuters
Hẳn có độc giả quan tâm đến thế sự không khỏi thắc mắc vì sao người Mỹ nhúng tay vào Libya, lý do nào khiến Muammar Gaddafi cần phải bị triệt hạ. Một trong những lời đáp nằm ở chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ. Với sự biến mất của các thế lực như Osama bin Laden (al-Qaeda), Saddam Hussein (Iraq), hay như Slobodan Milosevic (Serbia), vẫn có nhiều nền độc tài khác còn hiềm khích với Hoa Kỳ, và ác cảm trào lưu dân chủ mà người Mỹ đang cổ võ trên thế giới. Đáng kể trong số này có Cuba, Venezuela, Bắc Hàn, Iran, Libya,Trung Cộng và…Việt Nam .
Có thể về sau này các sử gia sẽ nhìn lại và kết luận Gaddafi thật ra chỉ là một mắc xích yếu, một con cờ bung xung, dễ triệt tiêu trước hết. Người Mỹ rất có thể vừa nhổ 1 “cái gai” nữa, trong khi tìm cách tới gần và vô hiệu hoá những kẻ thù khó xơi hơn như Mahmoud Ahmadinejad (Iran), Hugo Chavez (Venezuela), Kim Jong Il (Bắc Hàn)…
TD