Tính đến hôm nay đã hơn một tháng trời từ ngày giếng dầu “Deepwater Horizon” của công ty BP bị phát nổ, và kể từ ngày hôm đó cho đến nay mỏ dầu nằm sâu dưới đại dương khoảng một dặm Anh từ mặt biển tiếp tục rò rỉ.
Vết dầu loang nhanh và với một số lượng thật kinh khủng. Lúc đầu công ty BP ước tính số lượng dầu thô bị đổ vào đại dương là 5 nghìn thùng mỗi ngày. Mỗi thùng dầu có dung tích là 42 gallons, như vậy là theo BP có khoảng hai trăm mười nghìn gallons dầu thô bị trút ra đại dương hàng ngày. Nhưng sau khi bị áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ, công ty BP phải cho tiết lộ đoạn băng ghi hình ảnh. Sau khi xem đoạn băng video này, các nhà khoa học và các giáo sư của Mỹ có thể dễ dàng phỏng định con số dầu thô bị thoát ra mỗi ngày, và con số họ đưa ra lớn gấp 5 lần ước tính của BP, có nghĩa là có khoảng một triệu gallon dầu thô lan tràn lên đại dương mỗi ngày. Từ hôm tai nạn xảy ra cho đến nay đã hơn một tháng, tức là có hơn 30 triệu gallon dầu thô tràn lên trên mặt biển của vùng vịnh Mexico.
Bảo Huân
Ba chục triệu gallons mới nghe tưởng là to tát lắm, nhưng nếu bạn hiền làm một bài toán đổi đơn vị, thì tính ra tương đương với một khối vuông với mỗi cạnh bằng 49 mét. Đó cũng là thể tích khổng lồ, nhưng so với cái đại dương bao la kia thì chả thấm vào đâu! Bởi vì thế cho nên ông chủ công ty BP Tony Hayward đã dám phát biểu với tờ nhật báo Anh rằng: “Cái vùng vịnh Mễ Tây Cơ là một đại dương bao la. Số lượng thể tích dầu rò rỉ và những hóa chất mà chúng tôi đổ xuống để làm tan đám dầu này không đáng kể so với tổng thể tích của nước biển.”
Ông chủ BP này nói đúng mà cũng không đúng. Đúng là cái thể tích dầu thô bị rò rỉ cộng với gần một triệu gallon hóa chất mang tên Corexit do công ty BP đổ xuống so với đại dương bao là thì không thấm vào đâu, nhưng vấn đề ở đây không phải cái thể tích dầu kia nó đọng lại thành một khối và bị cô lập, thay vì vậy nó lại nổi lềnh bềnh và lan tràn trên bề mặt đại dương. Thể tích khối kể trên nếu san bằng trên diện tích bề mặt sẽ trở thành một con số khổng lồ, tùy theo độ dầy nó có thể bao phủ trên bề mặt, nó có thể bao phủ hết bề mặt đại dương của vùng Vịnh Mexico một cách dễ dàng. Đó là điều mà BP không muốn công luận biết được, đó là lý do tại sao họ tìm mọi cách để đổ lên trên biển hóa chất Corexit, bất chấp sự phản đối của các cơ quan bảo vệ môi trường của Hoa kỳ.
Corexit có tác dụng làm tan lớp dầu và làm cho chúng chìm xuống khỏi mặt biển. Điều này có vẻ đánh lừa dư luận. Tuy nhiên, những nổ lực của BP vẫn không xoa dịu được công chúng. Cho đến hôm nay thì dầu đã tràn vào đất liền và ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái ven vùng duyên hải các tiểu bang Louisiana, Mississippi và Alabama. Bạn hiền chắc hẳn đã thấy qua TV hình ảnh các loại động vật biển chim, rùa, cá bị chết trôi vì ngập dầu, và lớp dầu đặc quánh tràn vào các vùng đầm lầy và từ từ giết sạch các sinh vật và thực vật ven biển. Đó là chưa kể ảnh hưởng của Corexit. Hôm qua đài truyền hình ABC ghi lại hình ảnh ở độ sâu khoảng 10 mét, từ dưới nhìn lên thay vì một màu xanh biêng biếc bây giờ là một lớp bụi mù khổng lồ được kết hợp bởi Corexit và dầu thô vỡ ra từng mảng. Theo phân tích của cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) của Mỹ thì Corexit là một chất độc và việc đổ chúng vào dầu thô không có nghĩa là lấy độc trị độc mà lại làm tăng gấp đôi độc hại.
Cho đến hôm nay thì các nỗ lực của BP để ngăn chặn hiện tượng dầu loang này đều thất bại, nhưng họ nhất định khăng khăng tiếp tục tự tiện các biện pháp bất khả thi. Các nhà khoa học và kỹ sư của chính phủ Hoa kỳ ngỏ ý giúp đỡ đều bị BP từ chối. Chính quyền Obama bắt đầu mất kiên nhẫn và dọa rằng sẽ đá đít BP vì công ty này tiếp tục trì trệ các biện pháp làm ngưng rò rỉ. BTL tôi không phải là chuyên gia về dầu khí, nhưng thú thật với bạn hiền với ngành khoa học kỹ thuật của thế kỷ này mà tại sao việc bít lỗ hở của giếng dầu lại khó khăn đến như vậy? Thậm chí nhà nước Hồi giáo Iran còn cười vào mặt BP, họ nói là việc bít miệng dầu là chuyện nhỏ, có cần Iran làm dùm thì chỉ việc lên tiếng. Hôm BTL tôi nghe chính phủ Iran đòi giúp đại công ty Anh quốc làm BTL tôi cười ra nước mắt. BTL tôi cười không phải là vì chê bai trình độ kỹ thuật của Iran. Ngược lại, BTL tôi nghĩ là chính phủ này chắc nghĩ lộn nên nói bậy. Bạn hiền cũng biết đó, xứ sở Iran không có dân chủ, và chính phủ nước này nổi tiếng là bịt miệng dân chúng, chắc họ tưởng bịt miệng giếng dầu nó dễ dàng giống bịt miệng dư luận cho nên đòi làm. Nếu cần sự giúp đỡ kiểu đó, BTL tôi nghĩ công ty BP nên nhờ cái nhà nước mang tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN thì hay hơn.
Trở lại việc rò rỉ dầu thô. Mặc kệ các hệ sinh thái dưới đại dương và ven vùng duyên hải bị tiêu diệt, bất kể dân chúng và chính phủ Hoa kỳ phẫn nộ, các ông xếp của công ty BP vẫn bình chân như vại, vẫn bố láo bố lếu tuyên bố là họ đang nỗ lực làm việc. Mấy ông chủ này đưa ra một loạt các biện pháp giải quyết vấn đề, kèm theo một điều kiện là các biện pháp này có thể không thành công. Một số dư luận khắt khe đòi trừng phạt BP cho đến khi công ty này bị phá sản. Chuyện này còn lâu mới xảy ra, mấy ông tư bản dầu hỏa tiền rừng bạc biển, thế lực của họ ghê gớm lắm. Tiền của họ có thể đốt hết cả dòng họ Obama. Chắc chắn Obama không để BP bị phá sản. Mấy ông chủ của BP tin chắc điều đó, cùng lắm là họ sẽ được chính quyền Obama “bail out” như đà giải cứu các tập đoàn ngân hàng và xe hơi ở Mỹ.
Hôm nay, thứ Tư ngày 26 tháng 5, 2010, công ty BP tuyên bố sẽ thử nghiệm một phương pháp mới gọi là “Top Kill”. BTL tôi xin tạm dịch là giết tận gốc. Đây là một phương pháp bơm các chất bùn có tỉ trọng cao hơn dầu thô để làm bít miệng dầu. Cũng như các lần tuyên bố trước BP thận trọng cảnh giác là xác suất thành công chỉ là 50% bởi vì họ chưa thực hiện phương pháp này ở độ sâu 1 dặm Anh như trong trường hợp này. Một lần nữa chúng ta thấy rõ công ty BP rất kém tự tin. Độ sâu 1 dặm thì đã sao. Từ năm 1960 các nhà khoa học Ý đã thám hiểm bằng con tàu Bathyscape Trieste ở độ sâu 7 dặm Anh, chỗ sâu nhất của đại dương.
BTL tôi không có tài bịt miệng như nhà nước Iran, Việt Nam, và các chế độ độc tài trên thế giới nên không dám lên tiếng đòi giúp đỡ hay mong mỏi BP nhờ làm cố vấn, nhưng nếu công ty dầu hỏa Ăng Lê mà có hỏi ý kiến của BTL tôi thì BTL tôi cũng dám góp ý lắm. BTL tôi thấy hiện tại BP đang đi đúng đường với phương pháp giết từ ngọn, nhưng thay vì bơm bùn vào chỗ hở, BTL tôi nghĩ là hãy nhét cái đám giám đốc, xếp gộc, và các tên tuổi trên ngọn của công ty dầu hỏa BP vào cái miệng dầu đó. Bảo đảm sẽ không còn rò rỉ và dân chúng ai cũng vui vẻ hả hê.
BTL
Rockledge, FL
26 tháng 5, 2010