Cái tên Na Uy với nhiều người có thể gợi nhắc một nơi nào hẻo lánh, băng giá. Không ít người Việt có lẽ chỉ nghe đến xứ sở này mơ hồ qua tên phim “Rừng Na Uy” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng,
dựa theo một tiểu thuyết diễm tình cùng tên của văn sĩ người Nhật Haruki Murakami. Trên thực tế, Na Uy là một quốc gia Bắc Âu phồn thịnh, văn minh, có mức sống cao, dù dân số chưa đầy 5 triệu người–ít hơn thành phố Sài Gòn ngày nay.
Thanh Dũng
Thế nhưng cuối tuần rồi, Na Uy thình lình bị đẩy ra trước thế giới qua vụ tấn công dấy loạn của một phần tử cực hữu nội địa tên là Anders Behring Breivik. Những tiếng bom nổ rung chuyển thủ đô Oslo và âm thanh đạn khẹt từ nòng súng của sát thủ không chỉ gây kinh động xứ sở thường im ắng này, khiến hằng chục gia đình vĩnh viễn mất người thân, mà còn có thể khơi gợi các tranh cãi trên nhiều phương diện xã hội. Liền sau cơn bạo loạn, có không ít dư luận đánh tiếng Na Uy “không còn ngây thơ nữa”, hoặc “sẽ thay đổi mãi mãi”, v.v… Cộng đồng người Việt bé nhỏ ở Na Uy cũng có thêm thêm chút ưu tư với sát thủ mang tư tưởng bài di dân khá lộ liễu.
Thủ Tướng Na Uy Jens Stoltenberg (trái) và vợ cùng hàng ngàn dân chúng tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công
cực hữu cuối tuần qua. ảnh Getty Imames
Về mặt an toàn công cộng, vụ tấn công hé lộ một lỗ hổng không nhỏ trong hệ thống an ninh của riêng Na Uy, và cách nào đó, có thể nói cũng là của thế giới, trong thời đại kỹ thuật cao.
Ngoài sự hiểu biết cần phải có của người chế ra chúng, những trái bom nổ rung động Oslo còn đòi hỏi rất nhiều chất nổ, cũng như các phụ liệu phức tạp khác. Hung thủ đã có thể dễ dàng lên internet mua một số hoá chất này (gồm cả vài loại phân bón thông thường) tận bên… Ba Lan “Poland”.
Lính cứu hoả và lực lượng cấp cứu có mặt ngay sau khi vụ đánh bom xảy ra ở trung tâm thủ đô Oslo hôm 22-7-2011. Những cao ốc chánh phủ lân cận bị thiệt hại nặng từ vụ nổ. ảnh Getty Imames
Việc mua bán các hoá chất đặc biệt trên thị trường dân sự là điều thường gặp, hoàn toàn hợp lệ. Điều đáng nói là hệ thống máy tính của an ninh Na Uy hồi tháng Ba có rà trúng tên Breivik. Hung thủ thậm chí đã bị triệu hồi ra đồn cảnh sát để giải trình rồi… thôi. Nay vụ tấn công xảy ra, chắc chắn an ninh Na Uy cũng chia sẻ áp lực vì đã… để sổng một nghi phạm lớn.
Cũng cần ghi nhận, các cơ quan an ninh (kể cả FBI tại Hoa Kỳ) luôn nhận được rất nhiều tin tình báo, về rất nhiều người. Họ khó có thể làm điều gì nếu chưa có bằng cớ chắc chắn, hoặc đối diện một trường hợp phạm pháp rõ mười mươi. Nhìn lại, hung thủ Breivik thoát màn sát hạch của an ninh lần đó vì chưa hề dính tiền án hình sự, và có lý do chánh đáng để mua hoá chất. Sự kiện này có thể buộc các chánh phủ sửa lại nhiều quy định, kiểm soát, thậm chí hạn chế sự thuận tiện của mua bán online.
Một bé trai đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân bên này bờ đối diện đảo Utoya Island. Vụ tấn công cực hữu hồi cuối tuần khiến hàng chục người thiệt mạng, đa phần giới trẻ. ảnh Getty Images
Vụ nổ súng đẫm máu ở Na Uy cũng có thể châm ngòi cho các cuộc tranh cãi toé lửa về tác hại của kỹ nghệ trò chơi điện tử “video game”. Trong tài liệu của mình, hung thủ Breivik khoe đã từng dùng 2 trò chơi mang tên “Modern Warfare 2” và “World of Warcraft” như các kim chỉ nam, giúp tự huấn luyện quân sự. Lâu nay, có không ít chỉ trích cho rằng “video game” là “vô bổ”, thậm chí có thể “nguy hiểm”. Không phải tình cờ mà trò chơi điện tử thường bị gán ghép với bạo lực. Có thực tế nhiều người chơi game điện tử lâu dài dễ bị suy kiệt thể chất và tinh thần, đưa đến ảo giác, ảo tưởng… Ở Việt Nam ngày nay, không thiếu các chuyện trẻ nhỏ ăn trộm, đánh cướp, chỉ để lấy tiền chơi “game”. Thậm chí có cả án mạng, sát hại người thân vì những bất hoà nhỏ xíu, vì thủ phạm nghĩ đời sống giống như… trò chơi điện tử, và người thân của mình có thể dễ dàng sống lại, nạp “mạng” khác như chuyện trên màn hình. Có thể nào đầu óc hung thủ Breivik cũng nặng ám ảnh từ các trò chơi này? Về phần những người hậu thuẫn “video game”, có thể vẫn lặp lại lời biện luận cũ. Có thể nhiều kẻ giết người không gớm tay thích chơi “game”, nhưng trò chơi tự chúng không thê giúp tạo nên… ác quỷ.
Hung thủ Anders Behring Breivik (trái), trên xe bọc thép của cảnh sát rời toà án Oslo, nơi quan toà ra lịnh bắt giữ và cô lập hoàn toàn trong 8 tuần lễ. ảnh Reuters
Nhưng những tiềm ẩn sâu xa hơn, đáng ngại hơn, cũng khó chạm tới hơn của vụ bạo loạn này, thì nằm nơi các tư tưởng cực hữu. Ở Âu Châu, mấy chục năm nay luôn sẵn mầm các tư tưởng phản kháng này, từ giới “đầu trọc” đến các phần tử tân phát xít “neo-Nazi”. Nhiều tư tưởng cực hữu thường gặp gỡ ở chỗ binh vực người da trắng thái quá, bất mãn với xu thế phát triển, và luôn bài bác di dân tới mức cực đoan.
Trong các trang tài liệu của mình, hung thủ Breivik “tế thần” Hồi Giáo, cho rằng Âu Châu đang trên đường trở nên Hồi… hoá. Hung thủ cũng công kích không thương tiếc khái niệm đa văn hoá “multicultural”, cho rằng đây là lý do khiến xã hội Na Uy không còn thuần nhất và sa sút.
Mặt khác, rất có thể vụ tấn công dấy loạn này thức tỉnh nhiều người về sự nguy hiểm chết người của tư tưởng cực hữu. Ngay lập tức, Thủ Tướng Anh Quốc David Cameron ra lịnh cho an ninh nước nhà rà soát lại phương pháp nhận diện và đánh giá các nhóm cực đoan quá khích. Những nước cờ tương tự có thể đến từ các chánh phủ Âu sang Á hay Phi, để hiểu thêm và kềm chế các hoạt động cực hữu một cách hiệu quả hơn.
TD
Na Uy là một nước Bắc Âu, dân số khoảng gần 5 triệu người. Trước 1975, chỉ có không đầy 100 người Việt cư ngụ. Nhưng đến nay con số này lên khoảng 20,000 người. Đa phần đến “quê hương” mới từ các đợt thuyền nhân đầu thập niên 1980.
Cộng đồng người Việt ở Na Uy khá khiêm tốn nhưng lâu nay có tiếng đoàn kết và tính tương trợ cao. Trong ảnh: Một dịp sinh hoạt nhân lễ Trung Thu.
Bergen là một trong các trung tâm tập trung người Việt đông nhất Na Uy. Đây là thành phố duyên hải miền tây, cách thủ đô Oslo khoảng 500 cây số. Thành phố có 240,000 dân, trong đó cộng đồng Việt Nam khoảng hơn 1,000 người.
Ở Na Uy, nhiều người Việt, đặc biệt là phụ nữ, đã tạo dựng được cơ ngơi riêng, là các cửa tiệm sung túc như: nhà hàng, tiệm tạp hoá, tiệm thực phẩm, v.v… Ngoài Bergen, những năm sau này, bắt đầu xuất hiện nhiều quán cơm Việt rải rác ở những thành phố chánh như Oslo, Kristiansand, Arendal, Trondheim…
Tổ chức “Hội Người Na Uy Gốc Việt” tổ chức làm lồng đèn cho trẻ em dịp Tết Trung Thu.
Nhiều vị khách phương xa có dịp ghé thăm Na Uy ghi nhận tinh thần quốc gia khá mạnh trong cộng đồng người Việt tại đây. Đáng kể là có không ít các gương mặt còn trẻ dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng. Riêng Trẻ Magazine hân hạnh đón nhận một lượng độc giả thường xuyên viếng thăm trang web www.baotreonline.com. Vài tác giả của Trẻ, quen thuộc bạn đọc lâu nay, là người đang sinh sống tại xứ xở băng giá này: Thi Hạnh, Nguyệt Minh…