Ngày nay, máy tính computer và mạng internet là những tiện ích tự nhiên, không thể thiếu, giống như TV, tủ lạnh, xe cộ, nhà cửa… Và cũng tương tự mọi công cụ khác, việc sử dụng chúng đều có hai mặt: dễ dàng-ích lợi lẫn tác hại-rủi ro.
Nếu bạn có bảo hiểm tốt để lái xe, phòng những trường hợp bất lường, thì người ta cũng cần các yểm trợ an ninh tối thiểu, để việc dùng computer / internet được an toàn.
Trộm cắp nhân dạng trên máy tính (identity theft)
Ở tầm mức cá nhân, các loại tội phạm trộm cắp nhân dạng “identity theft” và “cyber crime” ngày càng phổ biến. Riêng tại Hoa Kỳ, identity theft mỗi năm gây thiệt hại nhiều tỉ Mỹ kim. Trên phương diện quốc gia, “cyber weapon” và “cyber war” không còn là những khái niệm thuần lý thuyết. Không ít cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ, xem mạng lưới máy tính “internet” và không gian ảo “cyber space” là các “chiến trường” thực thụ, có thể ảnh hưởng trực tiếp an ninh quốc gia — và đã có nhiều đầu tư lớn về nhân lực lẫn tiền của nhằm dành thế thượng phong trong cuộc chơi này.
Cyber weapon
Xét về nhân sự, đến nay người Mỹ vẫn thiếu hụt các chuyên gia về an ninh máy tính “computer security specialist” thượng thặng. Có ước lượng cho thấy Hoa Kỳ cần khoảng 20,000 đến 30,000 tay chuyên viên tuyệt hảo trong lãnh vực này để yểm trợ an ninh quốc gia, song thực tế chỉ có 1,000 người đủ khả năng.
Xét về chánh sách, nhiều chánh khách điều hành quốc gia hiểu rõ sự hiểm nghèo của an ninh mạng, nhưng không phải luôn luôn có đối sách kịp thời và hiệu quả. Nhiều người so sánh Hoa Kỳ ngày nay trong thế trận “cyber war” tương tự nước Mỹ ngay trước thời điểm 9/11. Thời đó, người ta đã biết mối hiểm hoạ của các phần tử Hồi giáo cực đoan khủng bố, song đã không ra tay ngăn chận kịp thời, để xảy ra thảm hoạ.
Xét về các cấu trúc xã hội và quốc phòng, người Mỹ cũng có không ít thách thức. Theo phong trào “outsourcing” ngành kỹ nghệ sản xuất, ngày nay nhiều máy phát điện và phụ tùng điện cỡ lớn đa phần phải đặt hàng ở ngoại quốc. Chẳng những chúng to lớn, di chuyển khó khăn, tốn kém vô kể, mà còn mất nhiều tháng trời để nhập về kho. Nếu một mạng lưới điện bị phá huỷ nặng nề trong cyberwar, sẽ mất nhiều thời gian để thay thế máy móc, gây nhiều hệ luỵ kinh tế, chánh trị khó lường.
Trong khi đó, khác nhiều quân lực thô sơ trên thế giới, toàn bộ chiến thuật quốc phòng của người Mỹ đặt trên hệ thống máy tính. Bom mìn được các vệ tinh GPS dẫn đường; các phi cơ không người lái được điều khiển từ xa, bên kia bờ thế giới; các chiến đấu cơ và chiến hạm vừa là võ khí tác chiến, song quan trọng hơn là các trung tâm xử lý dữ liệu khổng lồ “data-processing center”; đến từng binh sĩ cũng đã mang máy móc, dây nhợ đầy người, không khác nào các máy computer di động. Nếu mạng lưới máy tính gặp trục trặc, sức mạnh huỷ diệt của người Mỹ cũng… bốc hơi.
Cobra Dane, Trung tâm xử lý dữ liệu thời chiến tranh lạnh, chuyên theo dõi hệ thống hỏa tiễn Liên Xô.
Trên thực tế, những chạm trán lẻ tẻ, ở cấp độ thấp đã xảy ra đó đây. Tuần đầu tháng Ba 2011, có nhiều cáo giác Bắc Hàn quấy nhiễu hệ thống máy tính liên lạc truyền tin, gây khó dễ cho cuộc tập trận hỗn hợp Hoa Kỳ – Nam Hàn trên bán đảo Triều Tiên.
Trước kia, năm 2007, có một vụ được mệnh danh là trận “Pearl Harbor điện tử”. Kẻ bất lương “hacker” đã xâm nhập hệ thống máy tính của các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Thương mại, Năng lượng, kể cả cơ quan không gian quốc gia NASA. Họ thu góp “download” một lượng thông tin mật lên đến nhiều “terabyte”. (Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, với trữ lượng lớn nhất thế giới, cũng chỉ chiếm 12 “terabyte”). Vì vụ hớ hênh này, theo một số nhà quan sát, mới nảy sinh chuyện rò rỉ thông tin Wikileaks cuối năm ngoái. Nhiều người tin rằng tình báo Hoa Kỳ đã cố tình hé “lộ” bí mật bằng… cửa sau, sử dụng nhóm Wikileaks nhằm… vô hiệu hoá vụ “Trân Châu Cảng điện tử” kia.
Cũng cùng là nạn nhân của “cyber crime”, hãng Verizon đã bị thiệt hại khoảng $285 triệu Mỹ kim chỉ trong năm 2008. Thiệt hại gồm có thông tin khách hàng bị mất cắp: chi tiết về thẻ tín dụng và nhiều chi tiết quan trọng khác…
Trong một lần diễn thuyết về tai hoạ của các tội phạm trên không gian “cyber”, TT Obama đưa ra con số thiệt hại cho nước Mỹ vào khoảng hơn 8 tỉ Mỹ Kim trong hai năm 2007 và 2008.
Đặc điểm của “cyber war” là nhiều đợt “tổng tấn công” chỉ mất một phần nhấp nháy của giây đồng hồ, bằng vài động tác nhấn phím, nhưng có thể gây hiệu ứng dây chuyền khắp hoàn vũ. Để chống lại đối phương dấu mặt, loại bỏ sơ hở, tránh việc bị lãnh đòn trước (có thể quá trễ để… đáp lễ), người Mỹ phải lấy công làm thủ, đi trước nhiều bước.
Ronald Reagan là vị tổng thống đầu tiên xác định sự quan yếu của an ninh mạng, đã ký đạo luật bảo vệ an toàn máy tính năm 1987 “Computer Security Act”, mở ra một chiến lược phòng thủ mới cho hệ thống dữ liệu của chánh phủ liên bang.
Đạo luật bảo vệ an ninh máy tính
Năm 1996, cựu TT Bill Clinton cho thiết lập một uỷ ban tổng thống về bảo vệ các hệ thống hạ tầng trọng yếu như đường gas, dầu, giao thông, nước dùng, hệ thống thông tin liên lạc, v.v…
Tháng Hai 2002, 50 nhà bác học hàng đầu ký tên vào bản thỉnh nguyện thư nổi tiếng gửi đến TT Bush. Họ kêu gọi thiết lập một dự án gọi là “Cyber-Warfare Defense Project”. Bắt chước mô hình “Manhattan Project” — chương trình đã tạo các trái bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, dự án này cũng có tham vọng tạo ra các võ khí tấn công và phòng thủ mới mẻ, chưa đối phương nào có được, trong trận chiến “cyber war”.
Năm 2009, TT Barack Obama tuyên bố hệ thống thông tin liên lạc bằng điện tử kỹ thuật số “digital infrastructure” là tài sản chiến lược quốc gia, cần phải được bảo vệ cẩn mật.
Phần Quốc hội Hoa Kỳ đã chu cấp riêng khoản ngân sách $17 tỉ Mỹ kim dành riêng cho các dự án bảo mật thông tin trọng yếu nhất. Với ngân sách Quốc hội phê chuẩn, chánh phủ liên bang cho xây dựng một trung tâm mới tinh về an ninh trên thế giới ảo gọi là “Cyber-Innovation Center” đặt tại Bossier City, La..
Trung Tâm “Cyber-Innovation Center” tương lai, đặt tại Bossier City, LA
Theo giới quan sát “cyber space”, trong số các đối thủ chánh của Hoa Kỳ, gần đây có Trung cộng tỏ ra… ngựa non háu đá nhất. Bắc Kinh rất xăng xái trong các nỗ lực xâm nhập mạng lưới máy tính ở Mỹ, đặc biệt là của các nhà băng. Lâu nay, cũng có nhiều gián điệp Trung cộng được gài vô hoạt động bên trong các hệ thống điện của Hoa Kỳ. Họ vẽ bản đồ lưới điện quốc gia, thậm chí có thể gài lại các con sâu điện tử “nằm vùng”, với hy vọng một ngày nào đó phá hoại từ bên trong.
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vẻ bên ngoài “hung hăng con bọ xít” đó, nghiều người vẫn hiểu rằng, trong bất cứ trò chơi hay thách thức nào, nhất là trên lãnh vực kỹ thuật máy tính, người Mỹ đã đi trước Trung cộng ít nhất vài thập kỷ.
Trong các thập niên 1950 và 1960, chính Hoa Kỳ đã khởi sự nghiên cứu và đầu tư ào ạt vào lãnh vực máy tính. Lúc đó Trung cộng còn đang triền miên trong đêm trường “cách mạng văn hoá”. Đến 1979, Trung cộng vẫn là một nước lạc hậu, nghèo khổ. Một hai thế hệ kỹ sư / chuyên viên máy tính gần đây không thể giúp Trung cộng san bằng cách biệt hằng chục năm.
Có thể giở lại một trang sử cũ, để thấy sự dầy dạn của tình báo Hoa Kỳ, và ngành an ninh máy tính của nước Mỹ ngày nay đã đi xa hơn bất cứ điều gì công luận có thể đoán biết được. Tháng Sáu 1982, có một vụ nổ rất lớn, tiêu huỷ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga Sô khi đó ở vùng Siberia. Mật vụ Nga sô điều tra ra một lỗi nặng trong hệ thống computer mà gián điệp của họ đã ăn trộm từ Canada. Điều họ không hay biết là dàn máy này trước đó nữa được CIA chuyển giao cho Canada, với một số công cụ software đặc biệt và tối mật, nhằm chống nạn trộm cắp hoặc khủng bố quốc tế. Hệ thống của CIA có thể điều chỉnh tốc độ bơm dầu, đóng mở các nắp valve, thay đổi áp lực đường ống, v.v… Sau khi toàn bộ máy móc lọt vào tay Nga sô, tình báo Mỹ khởi động hệ thống ngăn ngừa khẩn cấp này. Kết quả là vụ nổ lớn nhất trên thế giới (mà không phải là bom nguyên tử).
TD