Tuần rồi BTL tôi có dịp trở lại thành phố Monterey, tiểu bang California 2 ngày trong một chuyến công tác ngắn hạn ở học viện sĩ quan Hải Quân. Ở đây BTL tôi đã từng giảng dạy các lớp kỹ thuật trong niên khóa 2008-2009.
Hiện có một sinh viên đang theo chương trình tiến sĩ ngành cơ khí và đang trải qua các kỳ thi sát hạch. Sinh viên này với tên gọi là Nathan đã thi đậu các bài thi viết và tuần rồi phải thi vấn đáp, vì BTL tôi là một trong những giáo sư trong ban cố vấn của Nathan nên bắt buộc tôi phải qua tận nơi để ngồi đó đặt các câu hỏi hóc búa.

Hơn một thập niên trước, BTL tôi là người đứng trên bảng và phải vắt óc suy nghĩ để trả lời các câu hỏi liên tục bắn lên tới tấp từ các giáo sư trong hội đồng cố vấn. BTL tôi không bao giờ quên được cái ngày đó. Cho đến bây giờ BTL vẫn nghĩ là mấy ông giáo sư hôm đó đã cố ý làm khó BTL tôi không phải là vì họ muốn kiểm tra trình độ của BTL tôi, mà thật ra là mấy ông này muốn tự khoe cái tầm hiểu biết của mấy chả! Ông nào cũng không muốn thua ông nào, nhất định phải đặt câu hỏi khó hơn người hỏi trước. Mà muốn biết được câu hỏi khó hay dễ thì chỉ cần xem và nghe câu trả lời. Rốt cuộc BTL tôi là người lãnh đạn suốt 4 tiếng đồng hồ hôm đó! Cuối cùng thì BTL tôi cũng được chấm đậu với điều kiện được một ông giáo sư gốc Ấn độ đặt ra là phải học lại lớp “Turbulence”.
Kỳ này cậu sinh viên Nathan trẻ tuổi của học viện Hải quân không phải trải qua một kỳ thi vấn đáp như BTL tôi đã qua. Nathan chỉ bị quay có 2 tiếng đồng hồ thôi. Thậm chí có khi Nathan bị bí không trả lời được thì chính người đặt câu hỏi đã dẫn dắt cậu từng bước mò ra kết quả. Đến phiên BTL tôi thì tôi cũng đặt một số câu hỏi không quá khó, đa số các câu hỏi của tôi nhắm vào các lỗi lầm trong bài thi viết mà Nathan đã vấp phải, BTL tôi cho cậu có cơ hội sửa sai. Sau đó BTL tôi đặt một câu hỏi mang tính chất thực tế, liên quan đến phần động cơ hỏa tiễn và cũng là đề tài luận án tiến sĩ của Nathan. Câu hỏi đặt ra là khi động cơ tên lửa phát nổ để tạo ra lực đẩy, quá trình đốt cháy các nhiên liệu rất quan trọng, nếu không cẩn thận thì có thể dẫn đến hiện tượng mà trong khoa học không gian gọi là “hard start”; đây là một tai nạn cần phải tránh. BTL tôi muốn Nathan dùng các công thức vật lý và hóa học để dẫn chứng làm sao tránh tai nạn này bằng cách kiểm soát số nhiên liệu bơm vào ống dẫn và thời gian đốt nhiên liệu. Lúc đầu Nathan lúng túng, nhưng sau khi BTL tôi hướng dẫn cho cậu, bắt đầu từ phương trình khí lý tưởng (ideal gas), cuối cùng Nathan cũng tìm ra câu trả lời. Thật ra thì trong kỳ thi vấn đáp lần này của Nathan, số phận của cậu do hội đồng giáo sư quyết định; chúng tôi muốn cậu rớt thì cứ việc hỏi những câu hóc búa và không giúp đỡ gì hết. Tuy nhiên chúng tôi đã không làm như thế và Nathan đã “pass” qua kỳ thi vấn đáp này. Phần còn lại là nỗ lực viết luận án và bảo vệ thành công trong vòng một năm nữa.
Cũng trong đợt viếng học viện lần này, phân khoa kỹ thuật cơ khí có mời BTL tôi phụ trách một buổi seminar cho các sinh viên trong khoa. BTL tôi nhận lời và sẽ thuyết trình đề tài thiệt hại giàn phóng Kennedy sau khi phóng tên lửa Ares I-X hồi cuối tháng 10 năm 2009. Buổi thuyết trình của BTL tôi được quảng cáo suốt một tháng qua và dự định có khoảng vài trăm sinh viên đến nghe. Nhưng đến khi BTL tôi có mặt ở trường, thì nghe đâu cùng lúc đó có một ông tướng lục quân Hoa kỳ cũng có mặt và ông cũng sẽ có bài thuyết trình cùng ngày, cùng giờ với buổi nói chuyện của BTL tôi. Hôm ngồi trong buổi thi vấn đáp của Nathan, một giáo sư đã cho BTL tôi biết tin này. Ông giáo sư này nói là vị tướng này đến trường không báo trước và các sinh viên hải quân bị bắt buộc phải nghe ông tướng nói chuyện. BTL tôi tự hỏi cha tướng nào mà ngon vậy ta. Vị giáo sư cũng cho BTL tôi biết là ông trưởng khoa có email lên hiệu trưởng và xin phép cho sinh viên trong khoa có sự lựa chọn. BTL tôi nói chắc nịch: “Không sao! Nếu có một người trong khán giả thì tôi cũng sẽ thuyết trình”. Nói cho có vậy thôi, chứ trong thâm tâm BTL tôi nghĩ sẽ có khá đông khán giả vì đề tài nói chuyện của mình chắc hay hơn là của ông tướng lục quân kia. Tuy nhiên, BTL tôi cũng sẽ không thất vọng nếu con số người nghe không được đông đảo vì suy cho cùng thì cái ưu tiên của một vị tướng nó cao vời vợi.
Để BTL tôi làm cho câu chuyện dài thành ngắn: Hai buổi diễn thuyết không thể so sánh nhau được, không có thể gọi là một sự cạnh tranh. Số người đến nghe ông tướng nói chuyện hôm đó lên đến một nghìn, còn BTL tôi thì có 50 khán giả. Hôm sau, BTL tôi mới biết đích danh ông tướng này là ai. Ông không những là tướng lục quân, mà ông còn từng là tổng tư lệnh chỉ huy ngoài chiến trường và hiện tại là “US. Army Chief of Staff”. Ông chính là tướng George W. Casey.
Đối với BTL tôi, tướng Casey còn nổi tiếng hơn tổng thống Obama, BTL tôi tiếc hùi hụi! Biết vậy hôm đó mình giải tán buổi nói chuyện khô khan về dàn phóng và tên lửa Ares I-X, và chạy đến hội trường King để nghe tướng Casey thuyết trình thì bây giờ đã có một lá thư dài hơn để gửi đến bạn hiền. Tiếc thật!
Bùi Thanh Liêm
19 tháng 5, 2010
Kennedy Space Center, FL