Menu Close

Về sự thật

Xưa nay tôi vẫn ngưỡng mộ con người này. Ông ta là một Giáo sư toán học đại tài, năm ngoái ông dành được giải toán học Fields, một giải thưởng cao quý được phát 4 năm một lần cho các nhà toán học trên thế giới có những đóng góp nổi bật.

Tên ông là Ngô Bảo Châu. Ông đã hai lần đoạt huy chương vàng kỳ thi toán quốc tế hồi cuối thập niên 80, khi ông còn học trung học. Hiện tại ông đang là Giáo sư Đại học Chicago tại Hoa Kỳ. Tôi vẫn theo dõi và âm thầm ngưỡng mộ những thành tích đáng khâm phục của ông Giáo sư họ Ngô này.

Năm ngoái khi ông đạt được giải thưởng Fields, nhà cầm quyền Việt Nam đã ca tụng ông như điếu đổ. Theo thiển ý của BTL tôi thì ông rất xứng đáng được nhận những lời ca tụng đó vì ông đã mang vinh dự về cho mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, BTL tôi thấy nhà nước VN đã làm quá đáng khi trải thảm đỏ để đón rước ông như một vị anh hùng dân tộc. Những buổi lễ tiếp tân thường dành để chào đón các nguyên thủ quốc gia đã được nhà nước Việt Nam tung ra tưng bừng. Chiến dịch chào đón người hùng được bắt đầu từ phi trường Nội Bài hôm 28/8/2010, có mặt của ông thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông này: “GS Ngô Bảo Châu là một trường hợp được đặc cách với lễ đón ngang tầm nguyên thủ”. Sau buổi lễ đón tiếp kết thúc ở sân bay, giáo sư Châu và gia đình trở về nhà, với sự bảo vệ của một lực lượng cảnh sát đông đảo! Tối hôm sau, 29/8, một buổi lễ mừng công và trao phần thưởng của Đảng, nhà nước cho GS Châu lại tiếp tục tại trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Hôm đó ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu để khai mạc buổi lễ mừng công. Ông Thủ Tướng tuyên bố chánh phủ sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để Giáo Sư Ngô Bảo Châu đóng góp vào nền giáo dục Việt Nam.

Tưởng cũng nên nhắc lại là sau khi hay tin GS Châu đoạt giải Fields, ông phó giám đốc Đại Học Quốc Gia Hà Nội Vũ Minh Giang tỏ ý mời Ngô Bảo Châu nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại Học Quốc Gia. Một nhà triệu phú ngỏ ý tặng Ngô Bảo Châu một ngôi biệt thự huy hoàng ở Tuần Châu, Hạ Long, nhưng Ngô Bảo Châu đã khéo từ chối. Dư luận trong giới cầm quyền Hà Nội còn tiết lộ bộ trưởng giáo dục đào tạo đã đề nghị ban thi đua trung ương trao tặng giáo sư Ngô Bảo Châu huân chương Hồ Chí Minh là loại huy chương cao quý nhất nước chỉ ân thưởng cho những nhà cách mạng có lập đại công cho Đảng!


Tranh : Can

Các cơ quan truyền thông trong nước, đài phát thanh, đài truyền hình, nhật báo, tuần báo, tạp san Việt ngữ, ngoại ngữ, từ Bắc chí Nam, từ cao nguyên đến duyên hải, đã hết lời ca tụng, tuyên dương Ngô Bảo Châu. Nhiều thành phố còn thi đua tạc tượng Ngô Bảo Châu. Cơn sốt Ngô Bảo Châu đã kéo dài suốt mấy tháng trời, và theo bảng đánh giá của trang Yahoo Việt Nam thì sự kiện Ngô Bảo Châu đã đứng đầu trong danh sách những chủ đề tìm kiếm “hot” nhất năm 2010, theo xếp hạng thứ tự như sau:

1. Ngô Bảo Châu
2. Giá vàng
3. World cup 2010
4. Hồ Ngọc Hà
5. Nguyễn Đức Nghĩa
6. Đàm Vĩnh Hưng
7. Kim Hiền
8. Một ngàn năm Thăng Long
9. Lũ lụt miền trung
10. Kim Hyun Joong

Bạn hiền, những nỗ lực tuyên truyền của nhà nước Việt Nam rõ ràng có mục đích, là dành lấy công. Trong chiến dịch tuyên truyền của đảng và nhà nước hoàn toàn không đề cập đến công lao không thể phủ nhận được đến từ nước Pháp, nơi ông bảo vệ luận án tiến sĩ và nước Mỹ, nơi ông miệt mài nghiên cứu từ sau khi nhận giải thưởng nghiên cứu Clay năm 2004. Một điều rõ ràng không thể chối cãi được là GS Châu mang song tịch (Pháp và Việt Nam). Sau khi ông nhận được giải thưởng Field, Tổng Thống Nicolas Sarkozy và Thủ Tướng Francois Fillon ngỏ lời chúc mừng, cảm ơn ông đang mang quang vinh về cho nước Pháp. Thế thôi, chẳng có lễ chào mừng nổi đình, nổi đám gì hết. Lý do đơn giản là GS Châu chỉ là một trong những nhà toán học xuất chúng được đào tạo từ lò toán của nước Pháp.

Trong bài phát biểu của mình, GS Châu nhắc đến những ân nhân của mình, như bố mẹ phải nhịn ăn nhịn mặc lo cho anh ăn học, như cộng đồng toán học Việt Nam trong đó có các thầy đã nuôi dưỡng anh, như đại học sư phạm Paris và ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp, như viện nghiên cứu khoa học cao cấp thuộc đại học Princeton, Hoa Kỳ. “Nếu không có thời gian làm việc tại Princeton rất có thể bổ đề cơ bản chưa được hoàn thành vào thời điểm này”, GS Châu thừa nhận.

Bài phát biểu của ông hoàn toàn không có những sáo ngữ thông thường mà nhà nước Việt Nam rất muốn được nghe từ miệng của ông giáo sư này, những câu như: “Cám ơn Đảng và nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nếu không có sự hướng dẫn của Bác và Đảng, thì chắc không có giải thưởng Fields dành cho Việt Nam….”  BTL tôi không biết tối hôm đó, các bậc lãnh đạo ở quảng trường Ba Đình có tức điên ruột lên hay không, vì thay vì cám ơn Đảng và nhà nước thì ông giáo sư này dám to gan đi cám ơn “bọn thực dân và đế quốc”!  Những câu phát biểu của GS Châu hôm đó cho BTL tôi thấy rõ một điều ông mới chính là nhà khoa học thật sự, những suy nghĩ của ông hoàn toàn độc lập, tự do, và không bị chi phối bởi các thế lực nào. Theo ý riêng của BTL tôi thì một phần Ngô Bảo Châu dành được giải thưởng Fields là vì ông đã có điều kiện học tập và nghiên cứu tự do với những suy nghĩ độc lập và sáng tạo. Nếu ông không có điều kiện xuất ngoại, dù cho ông có tài giỏi cách mấy đi nữa thì số phận của ông cũng sẽ kết thúc như Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn, Đinh Tiến Cường, Ngô Đắc Tuấn, Đỗ Quốc Anh, Lê Hùng Việt Bảo, và bao nhiêu nhà toán học của Việt Nam đoạt huy chương vàng ở giải thi toán quốc tế (IMO) với số điểm tuyệt đối hiện còn kẹt ở Việt Nam.

Mới đây, BTL tôi càng nể vị giáo sư này hơn khi ông viết lời tâm sự trên trang blog “Thích Học Toán” của ông về sự kiện Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bị cộng sản Việt Nam kết tội. GS Châu mở đầu trang nhật ký của mình bằng những lời lẽ thật thẳng thắn rằng, ông không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ, nhưng rồi ông tự phản biện với chính mình bằng cách gián tiếp hâm mộ tiến sĩ Vũ khi ông công nhận ông Vũ không tầm thường, rồi ông đem so sánh ông Vũ với những nhân vật nổi tiếng của thế giới, như Hector của thành Troy, Tumus của Rutuli, hay Kinh Kha của nước Vệ. Ba nhân vật này đã đi vào huyền thoại của lịch sử thế giới bởi vì họ đã chấp nhận số phận và không biết sợ hãi.  Sau đó, GS Châu mượn sự kiện xử án này để lên tiếng chê bai chế độ và những người đại diện cho chế độ này, qua những câu phát biểu thật thẳng thắn: “Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.

GS Châu phải tốn công suy nghĩ, ráng tìm lý do tại sao lại có một phiên tòa hết sức quái đản vậy? Và cuối cùng ông đoán non, đoán già: “Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hợp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn”. Cuối cùng, ông kết luận trang nhật ký bằng một nhận xét thực tế: “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”.

BTL tôi công nhận Ngô Bảo Châu không những làm toán giỏi mà còn có can đảm phát biểu những tâm tư của mình. Tuy nhiên, trong vấn đề nhận định sự kiện thì ông còn non nớt lắm. Ông lý giải toán học thì không ai chê được, nhưng những lý giải của ông về bản án bất công kia chứng tỏ ông là một nhà toán học rất ngây thơ! Mấy ông, bà quan tòa kia không phải là muốn làm nhanh cho xong việc, và họ cũng phải sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ đâu, giáo sư Châu ơi!  Phiên xử ngày 4 tháng 4 vừa qua có sự lưu ý của cả thế giới, chứ không phải là một phiên xử tầm thường, do đó các ông các bà quan tòa kia không thể làm nhanh cho xong việc. Còn cái lý giải thứ hai của giáo sư, cho rằng họ sợ phải đối mặt với lý lẽ của tiến sĩ họ Cù thì có thể đúng đấy, nhưng chỉ đúng với ở những thế giới tự do, dân chủ, còn ở cái chế độ xài luật rừng thì cái chữ “sợ” hình như không có trong tự điển của họ.

Theo lý giải của BTL tôi thì mấy ông mấy bà quan tòa kia chỉ là bù nhìn mà thôi, họ chỉ làm việc theo một chỉ thị có sẵn. Cái bản án dành cho ông Vũ đã như đinh đóng cột, họ chỉ việc làm cho xong, sau đó tuyên bố bản án, “đúng pháp luật, đúng người, đúng tội”. Thế là xong!

Nếu GS Châu để ý những việc làm của ông Vũ, người được giáo sư đem so sánh với các vĩ nhân của thế giới, thì trong quá khứ ông Vũ đã từng dám tố tụng ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã hết lời ca ngợi giáo sư, sau đó chạy xuống ôm chầm lấy giáo sư hôm 29 tháng 8, năm 2010. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, sự thật là ông Dũng muốn trả thù một nhân vật, mà theo BTL tôi mới xứng đáng là anh hùng. Chỉ thị của thủ tướng đưa xuống thì bố bảo mấy ông mấy bà quan tòa kia cũng không dám làm khác đi. Đó mới là sự thật, và sự thật là công lý đã bị bạo quyền chà đạp.

Đọc kỹ lại những dòng tâm sự của Giáo Sư Ngô Bảo Châu, xoay quanh chủ đề “về sự sợ hãi”. Ông bắt đầu bằng lời nhận định ông Vũ không hề sợ hãi, ở đoạn giữa ông quy cho mấy ông bà quan tòa sợ phải đối mặt với lý lẽ, và cuối cùng là ông kết luận không thể lấy sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.

Thú thật với bạn hiền, cả 3 cái nhận định của ông giáo sư này đều về sự sợ hãi đều là nhận định của BTL tôi. BTL tôi rất ngạc nhiên là giữa hai chúng tôi, tuy đều là các nhà khoa học, chuyên về nghiên cứu, nhưng giáo sư Châu và BTL tôi có thể gọi là đến từ hai chiến tuyến khác nhau, nhưng cuối cùng thì nhận định về sự sợ hãi của ông và BTL tôi đều hội tụ ở một điểm.

Giáo sư Ngô Bảo Châu có thể gọi là con cưng của chế độ Việt Nam, mặc dù hiện nay ông sống và làm việc ở Mỹ, mang quốc tịch Pháp. Như đã nói ở trên, nhà nước Việt Nam đối xử với ông còn hơn là anh hùng dân tộc, cung cấp cho ông một căn hộ cao cấp, hàng không Việt Nam tặng thẻ bạch kim cho ông để ông tiện sử dụng các chuyến bay quốc tế. Bạch kim là hạng thẻ cao nhất của Vietnam Airlines và cũng là hạng cao nhất của Liên minh hàng không Quốc tế Skyteam, với những ưu đãi đặc biệt cho chủ thẻ. Giờ đây, Ngô Bảo Châu đã thẳng thắn ca ngợi ông Cù Huy Hà Vũ, người cũng có tấm bằng tiến sĩ từ quốc gia nơi GS Châu bảo vệ luận án tiến sĩ của ông, không biết nhà nước Việt Nam sẽ nghĩ gì? Không biết hàng không Việt Nam có đòi lại cái thẻ bạch kim không? Không biết chính phủ có đòi lại căn hộ cao cấp, do chính ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý sử dụng ngân sách quốc gia để mua làm nhà, giao cho GS Châu và gia đình sử dụng lâu dài.

Đặt trường hợp như BTL tôi thì tôi chả có tiếc gì mấy cái thứ phù phiếm đó, ngược lại BTL tôi rất sung sướng là đã nói lên được một sự thật, để chứng minh là mình không thể để sự sợ hãi chế ngự.
pic

Bùi Thanh Liêm
Rocklege, FL ngày 10 tháng 4, 2011