Ngày thứ Sáu 11-11-2011 tới đây là dịp lễ kỷ niệm “Cựu Chiến Binh” (Veterans Day). Tại Mỹ, các cơ quan công quyền và nhiều công ty hãng xưởng đều cho nhân viên nghỉ dịp lễ này. “Veterans Day” là một trong những ngày
lễ liên bang trọng yếu, có lịch sử lâu đời. Mời bạn cùng Trẻ tìm hiểu đôi điều về sự kiện này.
Thanh Dũng
Ngày Cựu Chiến Binh 11 tháng 11 hằng năm là hậu thân của Ngày Đình Chiến “Armistice Day” phát sinh từ Đệ Nhất Thế Chiến.
Trên phương diện chánh thức, cuộc chiến khốc liệt này kết liễu với Hiệp Ước “Treaty of Versailles” ngày 28-6-1919. Tuy nhiên, trên thực tế, ít ra là ở Mặt Trận Miền Tây “Western Front”, giao tranh đã ngưng từ hơn nửa năm trước. Ngừng bắn bắt đầu lúc 11 giờ sáng ngày 11-11-1918, theo thoả thuận giữa phe Đồng Minh và Đức Quốc được ký kết tại thị trấn Compiègne của Pháp. Để ghi nhớ cột mốc khá đặc biệt này, lịch sử thế giới từ đó xuất hiện thuật ngữ “giờ thứ 11 của ngày thứ 11 của tháng 11 của năm 1918” (eleventh hour of the eleventh day of the eleventh month of 1918).
Về sau, dịp này được nhiều nước đồng minh chọn làm ngày lễ quốc gia, để tưởng nhớ những binh sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến. Sau Thế Chiến II, nhiều nước như Pháp, Áo “Austria”, Úc “Australia”, Canada… nối nhau đặt ngày 11-11 làm lễ tưởng niệm chung cho các chiến binh 2 cuộc thế chiến đẫm máu. Mỗi năm, ở Âu Châu và nhiều nước trong khối Thịnh Vượng Chung thuộc Anh “Commonwealth”, dân chúng dành 2 phút im lặng, mặc niệm, vào đúng 11 giờ sáng ngày 11 tháng Mười Một.
Ở Mỹ, Ngày Đình Chiến “Armistice Day” chánh thức trở nên một lễ trọng của quốc gia với đạo luật ban hành hôm 13-5-1938. Sau chiến cuộc Triều Tiên–dính líu khoảng 5.7 triệu binh sĩ Mỹ–tổng thống Dwight D. Eisenhower ký sắc lịnh thay thế “Armistice Day” bằng “Veterans Day” (1-6-1954). Từ đó, ngày 11 tháng Mười Một hằng năm được gọi là “Veterans Day”, mục đích vinh danh tất cả mọi cựu chiến binh từng phục vụ dưới quốc kỳ nước Mỹ.
Tổng Thống Eisenhower ký sắc lịnh “HR7786” đổi tên ngày “Armistice Day” thành “Veterans Day” hôm 1-6-1954
Một trong những dịp tưởng niệm nổi tiếng là lễ đặt vòng hoa thương tiếc “wreath-laying ceremony” tại Tượng Đài Chiến Sĩ Vô Danh. Chính tổng thống trong vai trò nguyên thủ quốc gia lãnh xướng. Tiếp theo đó, có hằng ngàn cuộc diễn hành, diễn binh, và lễ hội khác nhau trên khắp xứ sở.
Ở Mỹ, Veterans Day, như nhiều dịp lễ trọng khác, còn được các nhà giáo dục dùng như một cơ hội để hướng dẫn, huấn luyện học trò về lòng biết ơn, biết quý mến cựu chiến binh, hay xiển dương tinh thần ái quốc… Có nhiều cách mừng khá độc đáo, mang tính sáng tạo cao. Chẳng hạn như cho các em tự tra khảo, thiết lập ngày tháng sự kiện lịch sử đưa đến cột mốc 11 tháng Mười Một 1918; thi viết về ngày cựu chiến binh vòng quanh thế giới; thăm viếng một cựu chiến binh trong khu xóm hoặc ở các quân y viện; thi vẽ hình ngày “Veterans Day” như cách trang “Tranh Của Bé” của Trẻ vẫn làm lâu nay; gởi “thank you card” đến những chiến binh đang chinh chiến trên các chiến trường xa xôi (Iraq, Afghanistan); mời binh sĩ vào lớp học để các em… phỏng vấn, v.v…
Tổng Thống tân cử Barack Obama ôm choàng Tammy Duckworth, một nữ quân nhân từng phục vụ và bị thương nặng trên chiến trường Iraq, trong ngày lễ Cựu Chiến Binh 2008 ở Hoa Thịnh Đốn.
Một số người có thể lẫn lộn dịp lễ Cựu Chiến Binh “Veterans Day” với lễ Chiến Sĩ Trận Vong “Memorial Day”. Ngày “Memorial Day” cuối tháng Năm tưởng nhớ những binh sĩ trực tiếp hy sinh tại chiến trận. Còn ngày Cựu Chiến Binh “Veterans Day” vinh danh tất cả quân nhân–còn sống hay đã chết–từng phục vụ xứ sở.
Mẫu tưởng niệm ngày lễ Veterans Day năm nay của Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ
Cũng có một ngộ nhận nho nhỏ. Ngày lễ này thường được phổ biến như “Veteran’s Day” hoặc “Veterans’ Day” trên làng truyền thông, quảng cáo, tranh ảnh, lịch treo tường, v.v… Mặc dù không sai về ngữ pháp, các thuật ngữ này có chút khác biệt với phiên bản chánh thức trong sắc lịnh “HR7786” do Tổng Thống Dwight D. Eisenhower ban hành năm 1954–quy định “Veterans Day” là ngày lễ liên bang hằng năm.
Quang cảnh cuộc diễn hành ở Birmingham, Alabama, một trong những sinh hoạt tưởng niệm lễ Cựu Chiến Binh lâu đời và quy mô nhất tại Mỹ hằng năm.
Đối với nhiều người Việt tị nạn, có thể dịp lễ Cựu Chiến Binh cũng mang lại nhiều tình cảm vui buồn. Nước Việt Nam Cộng Hoà từng có hằng triệu công dân khoác chinh y giữ gìn bờ cõi, bảo vệ nền tự do non trẻ chống lại sự xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản từ phương bắc. Quân Lực VNCH từng đứng chung chiến tuyến với người Mỹ trong chiến cuộc Việt Nam, mà đã khiến 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ bỏ mình và hằng trăm ngàn quân nhân VNCH phải vị quốc vong thân. Lễ Cựu Chiến Binh vì vậy cũng có thể là dịp tri ân tình chiến hữu đồng minh cũ, cũng như nhắc nhớ mối liên kết một thời giữa 2 quốc gia Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ, đã từng chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ–những điều mà nhiều thế hệ binh sĩ đã đánh đổi bằng sinh mạng của họ qua 2 kỳ thế chiến khốc liệt năm xưa.
Đài chiến sĩ Việt-Mỹ ở Little Sài Gòn (nam California) để vinh danh những người bạn từng sát cánh bảo vệ tự do tại miền Nam VN 1954-1975.
Nghĩa Dũng Đài ở Nghĩa Trang Quân Đội (Biên Hoà)
Bức tượng Thương Tiếc của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu trong Nghĩa Trang Quân Đội bị phá bỏ sau 1975. Mấy chục năm sau, nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại quán café Tượng Đá ở Gia Định.
“Đài Chiến Sĩ Vô Danh” (Tomb of the Unknowns) ở Nghĩa Trang Quốc Gia “Arlington National Cemetery”.
Từ ngày 11-11-1921, đây là nơi yên nghỉ sau cùng của một binh sĩ người Mỹ vô danh đã bỏ mình trong chiến trận Đệ Nhất Thế Chiến. Đài Chiến Sĩ Vô Danh từ đó trở nên biểu tuợng của các chiến binh Hoa Kỳ đã bỏ mình trong các chiến cuộc khác nhau.
Đây cũng là địa điểm diễn ra nhiều cuộc lễ trang trọng hằng năm. Vào dịp Veterans Day, đích thân tổng thống đến đặt vòng hoa tưởng niệm “wreath-laying ceremonies” để vinh danh các anh hùng đã vị quốc vong thân.
Lời khắc trên mặt đá: “Nơi đây yên nghỉ, trong danh dự vinh hiển, một người lính Hoa Kỳ vô danh, duy chỉ Thượng Đế là biết được”
Vài con số về giới cựu chiến binh tại Hoa Kỳ ngày nay:
– Hơn 9 triệu cựu chiến binh cao niên (trên 65 tuổi).
– Khoảng 1.8 triệu nữ cựu chiến binh.
– Có 7.8 triệu cựu chiến binh từng tham chiến trong chiến cuộc Việt Nam (1964-1975), vào khoảng 1/3 tổng số cựu chiến binh còn sống.
– 2.6 triệu cựu chiến binh thời Đệ Nhị Thế Chiến (1941-1945) vẫn còn sống.
– Ước lượng có 6 triệu cựu chiến binh phục vụ trong thời bình, những quân nhân chưa từng tham gia chiến trận.
– 5 tiểu bang với hơn 1 triệu cựu chiến binh là: California 2.1 triệu; Texas và Florida cùng 1.7 triệu; New York và Pennsylvania khoảng 1 triệu.
– Hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ có hằng ngàn quân y viện và cơ sở y tế lớn nhỏ chuyên phục vụ giới cựu chiến binh.
Trong dịp lễ Cựu Chiến Binh 1982 ở Washington DC, một cựu chiến binh thời Đệ Nhất Thế Chiến ôm lá cờ từng phủ lên thi thể con trai bỏ mình tại chiến cuộc Triều Tiên.
TD