Menu Close

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

Đọc bài “Người khách trọ vô tình” đăng trên Trẻ Magazine tuần vừa qua, tôi cũng đồng ý là người Việt ở Mỹ dành nhiều tấm lòng cho đồng bào thân nhân ở quê hương mình hơn là cho quê hương thứ hai này.


Tranh : BẢO HUÂN


Mỗi năm số tiền gửi về gia đình, bà con anh em… lên tới bảy, tám tỷ đô la. Nhưng con số người Việt đóng góp để cứu trợ trên đất Mỹ không thấy có thống kê nào. Dù vậy, sống trong cộng đồng, chúng ta cũng biết là con số này rất khiêm nhường. Khi gửi tiền cho thân nhân ở VN, chúng ta chủ động tìm đến những nơi chuyển tiền đầy rẫy ở các chỗ có người  Việt sinh sống, gửi và trả lệ phí rất dễ dàng. Nhưng khi muốn đóng góp cho nạn nhân thiên tai ở Mỹ, chúng ta phải đợi các tổ chức cộng đồng, tôn giáo tổ chức. Mà hình như việc này lại hiếm xảy ra do tâm lý thờ ơ và ỷ lại rằng đã có chính phủ Mỹ lo. Một phần nữa các tổ chức cộng đồng ngại dính dáng tới tiền bạc, sợ mang tiếng.

Sự ít hiểu biết về cách  thức  đóng góp từ thiện ở Mỹ cũng hạn chế phần nào kết quả, vì những thương tâm thoáng bùng lên ngắn ngủi trước thảm cảnh, thiên tai xảy ra chung quanh, nhưng trong những khoảnh khắc bùng lên đó, nếu không mở hầu bao kịp, sẽ nhanh chóng nguội tàn.

Những người lớn tuổi mang nặng tấm lòng với quê hương, nên có trách nhiệm với người thân, gia đình còn nghèo đói bên Việt Nam, nên chia sớt rất nhiều tiền bạc kiếm được cho họ, nên cảm thông  tha thiết với đồng đội thương phế binh tàn tật không nơi nương tựa…  Họ có những liên hệ với các sơ sở tôn giáo của mình xa xưa, nên không đành lòng với những kêu cứu từ những nơi ấy. Nói chung, ở đâu đánh động được sự chạnh lòng, thì lòng từ thiện phát sinh nhanh chóng. Người Việt không có thói quen tự động làm từ thiện như người Mỹ. Người Mỹ đi làm, hãng sở tổ chức, khuyến khích đóng góp từ thiện bằng cách mỗi tháng, hay mỗi năm tự động trừ thẳng trên pay check của họ, và số tiền này được gửi về những cơ quan từ thiện có uy tín. Người Việt đi làm hãng cũng có tham gia vào cách này, nhưng không được nhiều lắm. Không riêng gì người Việt, mà cả những sắc tộc đến định cư tại Mỹ cùng có tâm lý giống nhau, là nặng lòng với quê hương mình hơn, và thơ ơ với nước Mỹ, dù rằng nước Mỹ đã cưu mang và thay đổi cuộc đời của họ.
Nhưng với lớp trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ thì lại khác. Họ ít tình cảm với nguyên quán như thế hệ thứ nhất. Và không thấy có bổn phận trách nhiệm nào với người thân tại  quê nhà. Bổn phận trách nhiệm ấy là của bố mẹ họ.  Có lẽ 10 năm, 20 năm nữa thôi, vấn đề “người khách trọ vô tình” không còn ai đặt ra nữa. Bởi lớp người nặng tình nhất với quê hương tàn lụi, không còn khả năng kinh tế. Thế hệ thứ hai chỉ có một nơi để họ đóng góp đó là quê hương Mỹ của họ. Có thể hôm nay thế hệ thứ nhất thiếu sót món nợ ân tình với quê hương thứ hai vì mãi lo món nợ ân tình với quê hương thứ nhất. Nhưng rồi con cháu họ sẽ là người thay họ đáp trả những ân tình nầy. Đó là giòng chảy tự nhiên. Và đó là những gì mà bài viết thứ hai, bài “Làm Từ Thiện” của Lãng Tử đăng trên mục “Trang bạn đọc” đã trình bày.

Nhưng tôi cũng thật sự cám ơn tác giả bài viết “Người Khách Trọ Vô Tình” đã nhắc nhở để chúng ta điều chỉnh lại tình cảm cho đồng đều để đúng với câu ca dao tục ngữ đậm đà trong văn hoá Việt “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Những cây những trái ngọt ngào mà khi thân sơ thất sở đặt chân đến đất này chúng ta  đã được hưởng ngay từ những giây phút ban đầu, thì hãy rào lấy hãy vun bón và nhớ ơn người trồng.

MDGOGL