Menu Close

Ba Mẹ ơi… Con thương ba mẹ biết bao…

Nếu có ai hỏi tôi: “Chị yêu quý ai nhất trong cuộc đời mình?” Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: “Tôi yêu nhất là ba mẹ.” Vâng, ba mẹ là tất cả đối với tôi. Tôi, bây giờ đã là mẹ của hai đứa bé, nhưng tôi vẫn mãi luôn cần ba mẹ như một đứa trẻ. Tôi vẫn thích được nằm ngủ cạnh mẹ, được ôm cổ ba để nũng nịu, mè nheo.  Ngày lễ Mẹ tôi muốn viết về ba mẹ như một lời tri ơn đến hai đấng sinh thành mà tôi vô cùng  yêu kính.


Tranh: BẢO HUÂN

T.Đ

Ôi tuổi nhâm tý, cái tuổi mà đối với phụ nữ thì theo ông bà ta có câu “trai nhâm gái quý thì sang, còn bằng ngược lại gian nan vì tình”. Quả thật, tôi đã “tận hưởng” hết những gian truân, ngọt bùi trong tình trường. Và để trốn chạy cái “thú đau thương” này, tôi phải di chuyển các con ra khỏi cái thành phố mà từ lâu cứ nghĩ sẽ là quê hương thứ hai của mình. Tội nghiệp cho ba mẹ, thương con và cháu, ông bà cũng bỏ tất cả đi cùng tôi để chăm lo cho các cháu và cả tôi, mặc cho các anh chị ngăn cản và bảo là ông bà không công bằng.

Ba mẹ tôi có đến tám người con, tôi là đứa con gái út, bướng bỉnh, biệt hiệu “9 chằn khó ưa” thường hay gây nhiều rắc rối cho gia đình ngay từ khi còn bé tí. Nhưng ba mẹ thương đứa con gái út nhiều nhất, nên thường cười và áp dụng câu “giàu út ăn, khó út chịu” để xoa dịu sự giận dỗi hay ganh tỵ của các ông anh bà chị tôi.

Mẹ tôi cũng là cô con gái út trong gia đình có năm chị em gái, được ông ngoại cưng chiều và nổi tiếng là một cô tiểu thư con nhà giàu, khá đỏng đảnh. Ấy vậy mà mẹ lại chấm ba tôi, nhà nghèo lại mang tiếng “con không cha”. Hồi đó ba cùng bà nội và cô em gái gồng gánh nhau từ quê nghèo lên thành phố lập nghiệp. Bà nội còn cấm ba không đưọc cưới mẹ vì mẹ tuổi cọp. Nội nói ba tuổi hợi, lấy vợ tuổi cọp, sát phu, thế nào vợ cũng lấn lướt và sẽ không hạnh phúc nếu cãi lời bà. Vậy mà đã mấy mươi năm trôi qua, ba mẹ vẫn như hình với bóng. Mẹ lại còn sợ ba nữa là đằng khác. Mẹ chìu tất cả những gì ba muốn và thường chỉ dám nói sau lưng mỗi khi giận hay trách hờn gì ba.

Khi nước mất, ba phải đi tù “cải tạo”. Vì thương ba và mong ba được sớm về đoàn tụ gia đình, mẹ chấp nhận đưa mấy anh em đi kinh tế mới, gian nan trăm bề. Cái đói, cái khổ làm mẹ già đi trông thấy. Nhưng mẹ không nản lòng, một thân một mình làm tất cả mọi công việc từ cày cấy, làm thuê làm mướn để nuôi mấy anh chị em tôi khôn lớn. Khoảng thời gian ấy tôi còn quá nhỏ, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, đâu biết thế nào là gian khổ. Tôi cùng mẹ và các anh chị đi lặt đậu phụng mướn, đi chăn trâu (mà cảm thấy vui sướng vô cùng vì được tự do chạy nhảy, vui chơi, không ai canh giữ, bắt đi ngủ hay học bài). Tôi nhớ hoài năm lên bảy tuổi. Buổi sáng lạnh căm, tôi một mình lăng xăng bắt ghế lên dàn bếp cao để lấy ấm nước sôi, pha nước rửa mặt. Ghế trượt, cả ấm nước hất vào người. Mẹ tất tả bỏ việc để lo chữa chạy cho tôi. Mẹ nhìn thân thể đứa con gái, mẹ không khóc nhưng ánh mắt mẹ hằn lên nỗi đau. Tội nghiệp cho mẹ và chị tôi phải ngồi hằng đêm để quạt, giúp cho tôi giảm cơn đau nhức. Tôi càng thương mẹ nhiều hơn khi bà chấp nhận về lại Sài Gòn năn nỉ bà nội, xin bà cho tiền để lo chữa trị cho tôi. Sau năm năm ở “kinh tế mới”, mẹ dẫn cả gia đình về lại thành phố, tá túc với chị của mẹ. Mẹ lại tất tả buôn bán ngược xuôi để mấy chị em được đến trường.

Ngày ba được thả, mấy chị em ra nhà nội thăm ba.  Lúc ấy, ba từ Phường trình diện xong trở về, bước vào nhà, tôi nào biết mặt ba, vội chạy vào nhà báo bà nội rằng có chú nào đó đến thăm gia đình mình. Ba nhìn các con mà nước mắt ba rơi.

Từ lúc ấy, ba làm tất cả mọi công việc kiếm tiền đỡ đần cho mẹ. Gia đình tôi trở lại những ngày ấm cúng, hạnh phúc, mẹ bớt gian nan, khổ cực.

Khi gia đình định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã 23 tuổi. Ba khuyến khích các con đi học. Ngoài giờ làm, ba cùng tôi đến trường. Thế là hai cha con trở thành bạn học. Ba dạy tôi Toán, Lý, Hóa và tôi bất đắc dĩ trở thành cô giáo hướng dẫn Anh văn cho ba. Tội nghiệp cho ba, lớn tuổi, ngôn ngữ bất đồng, ba phải mất gấp đôi thời gian để được ra trường giống tôi. Ngày ra trường, ba đã 67 tuổi. Ba rất vui, hớn hở và hạnh phúc khi các con, các cháu cùng đến chúc mừng. Ba bảo ba biết là khi mình ra trường rất khó tìm việc, nhưng học là hoài bão của ba. Ba học để làm gương cho các con, các cháu. Có kiến thức, các con sẽ có tương lai hơn. Tuy ba không tìm được việc làm đúng như ngành học sau khi tốt nghiệp, nhưng ba không nản lòng. Ba hay tìm tòi và nghiên cứu. Ba đã tự làm việc và giúp cho rất nhiều người Việt Nam được định cư tại Hoa Kỳ. Ở cái tuổi 76 hiện giờ, đáng lẽ ba phải nghỉ ngơi, nhưng không, ba luôn tìm sách vở để học, để mở mang kiến thức. Ba là một cuốn sách tự điển mà mỗi khi cần, tôi có thể hỏi bất cứ điều gì. Ngoài ra, ba tôi còn là một “baby sitter” tuyệt vời. Ba chăm sóc các cháu còn hơn cả mẹ và tôi. Thật tôi vô cùng hãnh diện khi nói về ba với bạn bè, mọi người, ông là nhất nhất đối với tôi.

Đã nhiều lần tôi tự hứa mình phải mạnh mẽ để đối diện với những thử thách trên đường đời, đừng đem ba mẹ vào cuộc, đừng để ba mẹ phải lo lắng điều gì về tôi nữa. Nhưng ba mẹ ơi! Sao con làm không được. Con vẫn muốn mình mãi là đứa con bé bỏng của ba mẹ, bất cứ khi nào con muốn khóc, con sẽ sà vào lòng mẹ, ôm cổ ba để được ba mẹ vỗ về. Ba mẹ ơi, con yêu ba mẹ nhiều lắm. Con rất sợ rồi đây con phải mất ba mẹ. 

“Mỗi đêm con thắp đèn trời
Cầu mong ba mẹ sống đời với con!!!”

Con luôn cầu nguyện ba mẹ  mạnh khoẻ để đứa con gái này có cơ hội đền đáp công ơn của ba mẹ.  Con luôn mong ước nếu có kiếp sau, con vẫn  được làm con của ba mẹ, ba mẹ cho phép con ba mẹ nhé!

T.Đ