Mẹ gởi nó vào nhà văn hoá thiếu nhi quận để sinh hoạt sau giờ học ở trường, vì ở nhà nó là một con bé nghịch ngợm phá phách, nhưng lại rất nhạy cảm, sâu sắc, giàu trí tưởng tượng. Hằng ngày nó véo von đọc thơ, ca hát.
Có lẽ chất thi sĩ của mẹ đã thấm vào hồn nó tự bao giờ bắt nguồn từ những lời ca dao đượm tình dân tộc đến những bài thơ đẹp mượt mà bà thường thủ thỉ đưa chị em nó vào giấc ngủ.
Thời gian sinh hoạt ở nhà văn hóa tuy thất thường nhưng nhà văn hóa lại gần nhà nên mẹ chẳng cần đưa rước. Nó được chọn vào đội ca của quận và chú phụ trách là một nhạc sĩ tận tụy, tốt bụng nên mẹ cũng yên tâm. Chú viết nhiều ca khúc cho thiếu nhi và tập dượt cho chúng hát. Với chú tiếng cười khúc khích giòn tan và tiếng hát trong trẻo cao vút của bọn trẻ là cả một khung trời hạnh phúc. Dù khung trời ấy có hạn hẹp nhưng lại đầy hoa thơm, nắng ấm hòa với tiếng chim hót, suối reo bởi giọng nói cười, ca hát rôm rả của trẻ thơ.
Hằng ngày chú gò mình ôm đàn trên chiếc xe lăn kiên nhẫn hướng dẫn bọn con nít luyện âm. Chúng nó hát say sưa theo tiếng đàn thùng vang lên từ những ngón tay dài thon thả điêu luyện lướt trên phím đàn của chú. Tiếng nói chú trầm ấm từ tốn. Khuôn mặt chú đầy nét phong trần với đôi mắt sâu thẳm không hồn. Cái mù lòa, tàn tật đã không thể làm thui chột tâm hồn đầy hoa vàng và nắng ấm của chàng nhạc sĩ nghèo.
Nó và một cô bé khác được chú luyện âm riêng để hai đứa hát song ca với nhau. Nó yêu lắm những giây phút đó. Có khi chú còn hát những bài chú vừa sáng tác cho 2 đứa nghe. Nó đặc biệt yêu thích lời nhạc của chú. Lời đẹp như thơ chuyển tải đầy những mộng mơ, huyền diệu. Mỗi khi tiếng hát trầm ấm của chú cất lên nó trở nên ngẩn ngơ. Cảm giác xôn xao tràn đầy một cách ngỡ ngàng. Nó như được cùng chú lạc vào một chốn thần tiên, lộng lẫy nhưng lại rất thanh khiết. Trước mặt chú nó trở thành một thiên thần và đối với nó chú là một vị tiên hiền lành. Cái thánh thiện của tuổi thơ cộng với lòng nhân hậu và chất thơ được hun đúc từ mẹ đã làm nó thương cảm cho cái tật nguyền của chú. Nó luôn ước ao có phép nhiệm mầu trong chuyện cổ tích hầu giúp chú có đôi mắt sáng và đôi chân lành lặn để chú và nó cùng nhau đi khắp nơi trên cõi đời này.
Suốt 5 năm trong đội ca, sau giờ sinh hoạt và luyện âm nó luôn nán lại để được đi dạo vòng quanh công viên bờ hồ với chú. Chú nói cho nó nghe rằng vì bị khiếm thị nên những giác quan khác của chú trở nên rất nhạy bén. Chẳng hạn chú rất yêu cái hương nắng vàng rực rỡ của những sớm ban mai cũng như cái lụa là của hoa lá xuân.
Chiều chiều một tay chú tự điều khiển xe lăn của mình, một tay chú nắm lấy tay nó để nó dẫn chú đi dạo quanh hồ. Thỉnh thoảng hai chú cháu dừng lại. Nó cởi giày đưa cho chú giữ rồi chạy đến ngồi trên bờ xi măng thõng chân xuống hồ vung vẩy đôi chân trong làn nước mát. Chú lại lấy đàn ra và cất tiếng hát. Nó vừa khỏa chân vui đùa vừa hát theo chú. Tiếng hát hai chú cháu bay hòa quyện vào nhau trong một không gian êm đềm tràn đầy tiếng gió vi vu và tiếng chim ríu rít trên hàng cây cao tạo thành một bài giao hưởng tuyệt vời.
Tranh : BẢO HUÂN
Chiều xuống nhanh, chú nhắc nó tới giờ về. Nó nũng nịu khi chú mang giày vào cho nó.
– Chú bóp chân cho Thùy đi. Chân Thùy mỏi quá.
Chú nhẹ nhàng vuốt bóp bàn chân thon nhỏ búp bê rồi chú ân cần hỏi xem nó hết mỏi chưa. Nó cười rúc rích nói dạ hết. Tiếng cười của nó âm vang vào thế giới mù sương của chú như suối reo, như gió ngàn.
Một hôm trong lúc đi dạo nó hỏi cảm nhận của chú về bàn tay nó ra sao. Nhưng câu trả lời lại làm cho nó xụ mặt xuống vì sau khi mân mê từ bàn tay đến từng ngón tay của nó chú bảo tay nó thô, xương xẩu, không phải là tay búp măng. Nó giẫy nẩy lên. Chú mỉm cười ân cần giải thích rằng đối với chú bàn tay lại là cửa sổ của tâm hồn và chú yêu cái đẹp góc cạnh không trau chuốt. Mỗi khi hai người nắm tay nhau chú cảm nhận được cái đẹp thánh thiện cũng như hơi ấm từ tâm hồn nó.
Một hôm nó được cha mẹ cho biết là cả gia đình nó phải sắp rời xa quê hương và căn dặn không được nói cho ai biết. Tâm hồn ngây thơ trong sáng của nó như bị bao phủ nặng nề bởi những áng mây mù vì nó sắp phải rời xa chú. Ngày cuối cùng trước khi ra đi nó cũng vẫn đi dạo quanh bờ hồ cùng chú như những lần trước đó. Nhưng trước khi rời nhà văn hóa thiếu nhi nó cầm tay chú nói lời giã biệt rồi đưa hai bàn tay chú lên mặt nó. Nó muốn chú cảm nhận hết những đường nét trên khuôn mặt nó và khắc ghi vào tâm khảm của chú. Nhưng khi tay chú vừa lên đến mắt thì hai rèm mi nó đã rươm rướm ướt. Chú vỗ về nói:
– Đừng buồn, hãy giữ những giọt pha lê trong ngần ấy trong tâm hồn, đừng để chúng rơi xuống mà vỡ tan Thùy nhé.
Nó phụng phịu hứa nhưng vừa quay mặt đi là nó lại khóc òa. Nó đã thất hứa với chú ấy.
Thùy giở từng trang quảng cáo để tìm người dạy đàn cho con. Nàng giật mình khi bất ngờ thấy tên chú. Lẽ nào…?
Thùy vội lấy phone bấm số gọi. Tiếng điện thoại reo sao như dài hằng thế kỷ. Tim nàng đập thình thịch như muốn nổ tung lồng ngực. “Có phải chú từng dạy đội ca ở nhà văn hóa thiếu nhi không?” Tiếng người đầu dây bên kia trầm ấm quen thuộc. Tiếng của bài giao hưởng năm xưa bay bổng trên ngàn giấc mơ thần thoại. Tiếng của lời nhạc như thơ quyện vào không gian trữ tình của thiên nhiên vào những buổi chiều thơ ấu của một thời mù xa. Người đàn bà ở lứa tuổi ba mươi bỗng trở nên thẫn thờ ngây dại.
Một hôm Thùy đến nhà rước chú đi ăn tối. Dấu thời gian đã in hằn trên khuôn mặt chú. Nhưng Thùy vẫn có thể nhận ra chú ngay bởi những nét cương nghị phong trần trên khuôn mặt cũng như cái vầng trán thênh thang ấy thì không lẫn vào đâu được.
Bữa ăn tối kéo dài với những mẩu chuyện huyên thuyên không ngừng. Bao nhiêu biển dâu, sông dời núi chuyển trong gần hai mươi năm qua như được lấp lại.
– Chú ạ, gần đây là một công viên có hồ rất đẹp. Mình đi dạo không?
Chú đồng ý. Thùy vừa đẩy xe lăn của chú vừa tíu tít trò chuyện như cô bé mơ mộng năm xưa. Đến bên bờ hồ họ dừng lại. Chú lên dây đàn và Thùy lại cất tiếng hát. Tiếng nàng thấm đượm như những giọt mưa sa ngoài biển vắng. Nàng không hát những bài thiếu nhi năm xưa mà thay vào đó là những bài tình ca lãng mạn. Sau đó như một thôi thúc mơ hồ, Thùy ngồi xuống bên bờ hồ, bất chợt cởi giầy ra rồi vung vẩy đôi chân trắng ngần của nàng dưới làn nước mát. Chú nghe tiếng nước thì phì cười bảo cái tính tinh nghịch của Thùy chắc sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Thùy lại lém lỉnh nũng nịu:
– Chú có muốn bóp chân cho Thùy không?
Chú đưa đôi tay ra đón nhận chân nàng. Sức mạnh đôi bàn tay của một người đàn ông siết chặt đôi chân mỏi mệt của một người đàn bà chín mùi lại đem đến cái cảm giác lâng lâng tê liệt. Thùy chợt cảm thấy tội lỗi như vừa vô tình làm hoen ố một cái gì tinh khiết trong sáng, nàng vội nói:
– Được rồi, Thùy cảm ơn chú.
– Thùy có muốn chú mang giầy vào cho không?
– Dạ.
Nàng muốn từ chối nhưng lại không cưỡng được lòng mình. Thùy chuyền giầy mình cho chú. Chú nâng niu đôi chân Thùy nhưng dường như cảm giác năm xưa đã được thay thế bằng một cái gì đó rạo rực mơ hồ. Và rồi họ đứng lên đi tiếp đến những hồ nước khác gần đó.
Ánh đèn đường hiu hắt rọi qua những tàn cây tạo thành những mảng tranh sáng tối bao trùm lấy hai tâm hồn mộng du lạc loài. Họ bỗng trở nên câm lặng. Họ mải mê lang thang bên nhau cho đến khi công viên đóng cửa. Ra đến thác nước đầu công viên thì hai người dừng lại. Thùy ngồi xuống kế bên chú. Có tiếng nước róc rách bên những tàn cây rậm. Khung cảnh sao mà trữ tình quá bất chấp cái nóng ran của một buổi tối mùa hè. Vầng trán cao của chú thoáng lấp lánh những giọt mồ hôi. Nàng lấy giấy napkin ra ân cần chậm trán cho chú. Như một bản năng, chú bất chợt nắm lấy tay Thùy vì cảm động trước sự chăm sóc của một người đàn bà. Bất giác, Thùy đan chặt tay mình vào tay chú. Nàng mân mê từng ngón thon dài. Bao nhiêu cảm giác dấu yêu lại tràn về. Nàng ướm tay chú lên môi hôn một cách nhẹ nhàng. Rồi nàng ghé sát vào vai chú như muốn nép vào lòng chú. Trong cái bóng đêm u tịch, lạnh lẽo, chú chợt nghe ấm áp từ một hơi thở mong manh. Và cũng bất giác, Thùy buông tay chú rồi nhích ra một chút. Yên lặng lại trùm phủ lên 2 người.
Chú bỗng cất tiếng:
– Thùy à, gần hai mươi năm mới gặp lại, chúng ta vừa làm sống dậy một tình cảm thân yêu, nhưng dường như cũng vừa toan giết chết nó.
Thùy ngập ngừng khẽ nói:
– Có lẽ… chú nói đúng…
Giọng chú bỗng chùng xuống hơn bao giờ hết.
– Suốt bao năm qua, hơi ấm của bàn tay Thùy cũng như giọng hát trong vắt của Thùy luôn sưởi lòng chú. Qua Mỹ, chú luôn có ý định tìm kiếm Thùy, nhưng đồng thời cũng không muốn gặp. Giờ đây dịp hội ngộ này là một tình cờ quí giá. Mình hãy giữ lại tất cả những gì xa xưa cho nguyên vẹn…
Giọng Thùy ướt sũng:
– Dạ.
Nàng đưa cây đàn cho chú.
– Chú đàn đi. Thùy hát.
Ngón tay chú rải trên phím đàn, tiếng hát đi ngay vào điệp khúc: “Kiếp nào có yêu nhau thì xin hẹn đến mai sau. Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ, bao giờ có yêu nhau thì xin gạt hết thương đau…”
Giọng nàng bỗng nghẹn lại. Bài hát cũng rã rời không trọn vẹn. Yên lặng hoàn toàn. Yên lặng thăm thẳm. Vai Thùy rung lên từng cơn, nàng ráng đè nén tiếng nấc. Chú vỗ về:
– Đừng để những giọt pha lê rơi xuống và tan vỡ Thùy nhé.
– Dạ.
Nhưng một lần nữa Thùy lại thất hứa với chú. Nước mắt nàng đã tuôn trào tự bao giờ…