Thứ sáu ngày 22 tháng 7/ 2011, vào khoảng 3 giờ rưỡi chiều, tại thủ đô Oslo của vương quốc Na Uy, một quốc gia vốn dĩ xưa nay đã được tiếng là rất hiền lành, hôm nay bất chợt xôn xao, hỗn loạn. Những khuôn mặt hốt hoảng, sợ hãi bom đã nổ tung trong lòng phố. Có người chết, có người bị thương. Người ta hoang mang với cảnh tượng mà họ nghĩ rằng không bao giờ có thể xảy ra tại Na Uy; một quốc gia hiền lành, ôn hòa, nhân đạo. Một quốc gia được chọn làm nơi trao giải Nobel hòa bình mỗi năm. Có phải là khủng bố hay không? Và nếu phải thì những vụ khủng bố như thế này không lạ nếu xảy ra ở Mỹ, ở Nhật, ở Đức, ở Pháp, ở Anh hoặc những quốc gia lớn mạnh hàng đầu thế giới, nhưng khủng bố xảy ra ở Na Uy là một điều rất lạ. Phải chăng đây là một sự nhầm lẫn? Hoặc nếu có khủng bố thật, thì chúng ta cần phải hỏi nhau; tại sao Na Uy lại gặp khủng bố?
Nhìn những làn khói đen ngun ngút bay khắp trời thủ đô, những chiếc xe cứu thương, những đám người hoảng sợ, hớt hải, tôi chợt liên tưởng đến một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Edvard Munch. Bức tranh được mang tên “Skrik” = “Tiếng Thét”. “Skrik” được Munch vẽ trong sự hoảng sợ, lo lắng, khi ông đang đi ở Ekeberg (Oslo), và ông đã ghi lại trong nhật ký của ông vào ngày 22 tháng 2 năm 1892 như sau:
Skrik – Tranh Edvard Munch
– Tôi và hai người bạn của tôi đang đi trên đường – mặt trời lặn dần. Tôi cảm thấy như một hơi thở của nỗi buồn – Bầu trời bỗng dưng trở nên đỏ như máu.Tôi dừng lại, tựa vào hàng rào như đang tựa vào cõi chết – nhìn những làn mây bốc cháy như máu đang lan dần, thật lớn trên thành phố và vịnh biển xanh đen. Bạn tôi tiếp tục đi – tôi đứng đó, run sợ và lo lắng, và cảm thấy một tiếng thét thật lớn như vô tận lan vào không gian.
Hơn một trăm năm sau, cảm giác này của Munch chợt sống lại trong lòng thủ đô Oslo. Thật đúng, thật gần gũi với người dân Na Uy, không chỉ riêng với những người có mặt tại hiện trường, nhưng hình như chung cho tất cả mọi người đang theo dõi tin tức và hình ảnh được ghi lại trên báo chí, truyền hình.
Na Uy là một quốc gia nhỏ bé thuộc khối Bắc Âu nên hình như thế giới ít ai quan tâm và biết đến. Không quan tâm và không biết đến cũng đúng, vì đối với thế giới thì hình như Na Uy chưa có thành tích gì đáng kể. Không đáng kể là tính theo con số, chứ nếu tính theo phần trăm dân số thì có lẽ Na Uy cũng chiếm tỷ lệ khá cao, vì một đất nước chỉ hơn 4 triệu dân, mà đã cống hiến cho thế giới những tên tuổi như Edvard Grieg trong âm nhạc, Edvard Munch trong hội họa, Henrik Ibsen và Sigrid Undset trong văn học v.v… Tôi nhớ có lần tôi qua Mỹ chơi, có người hỏi tôi từ đâu đến. Tôi không ngần ngại trả lời rằng tôi từ Na Uy. Họ bèn hỏi: “Nauy là tiểu bang nào, ở đâu vậy”? Có lẽ họ hỏi thế vì ở Mỹ cũng có một nơi nào đó tên là Na Uy?
Tên trùng tên đôi khi có lợi nhưng đôi khi cũng rất nguy hiểm. Gần đây nhất thì có lẽ “cái tên” Na Uy được mọi người nghe đến nhiều và nhớ nhiều chỉ vì tác phẩm “Rừng Na Uy” (Norwegian Wood) được đóng thành phim và trình chiếu ở khắp mọi nơi. “Rừng Na Uy” là truyện của Nhật, chẳng dính dáng gì đến Na Uy cả, dù Na Uy cũng có rất nhiều rừng, tuy vậy, “cái tên” Na Uy vẫn được thêm nhiều người chú ý và nước Na Uy cũng vì thế mà được chú ý lây.
Tưởng niệm những người đã khuất
Trở lại chuyện khủng bố, tuy chưa biết chủ mưu là ai, nhưng sau khi bom nổ, trên diễn đàn Al Qaida, người ta đã nhận được một mẫu tin như sau: “Đây chỉ là khởi đầu, sau này sẽ còn nhiều hơn nữa”. Có lẽ đây là mối đe dọa lớn nhất của Na Uy từ trước đến nay. Sau đó, có người quả quyết rằng; mục tiêu hôm nay là Na Uy, và là một bài học cho toàn khối Châu Âu. Người ta mang mang nghĩ rằng, Na Uy bị tấn công hôm nay, chẳng qua là vì Na Uy cũng đã tham gia vào việc chiếm đóng tại Afghanistan, và cũng đã có mặt trong vụ vẽ tranh châm biếm tiên tri vài năm trước. Nhưng chưa biết sự thật như thế nào, đúng hay sai?
Cũng vào khoảng thời gian này, tại Utoya, một hòn đảo cách xa Oslo chừng 45 phút, nơi có những cảnh thiên nhiên tươi mát nên thường được các nhóm sinh hoạt tổ chức trại hè cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Utoya hôm nay quy tụ hơn 500 thanh thiếu niên. Họ đến đây để tham dự trại hè, nhưng cũng có người chỉ đến để nghe Gro H. Brundtland, cựu thủ tướng của Na Uy thuyết trình. Trong lúc hội họp đông đủ, một người đàn ông trong trang phục cảnh sát (người này không phải là cảnh sát, chỉ nguỵ trang) đã xả súng bắn vào đám đông. Chỉ trong chốc lát, nơi sông nước an lành của vịnh biển Na Uy, trong lằn đạn vô tri đó, con người đã phải đạp lên nhau mà chạy. Đám đông vỡ ra, tán loạn, nhiều người đã phải nhảy ùm xuống biển để tìm đường thoát thân. Tuy hai nơi nhưng cùng một thời khắc, nhiều người đã lãnh cùng một số phận giống nhau. Có lẽ nào hai sự kiện này đều chung một tác giả?
Du khách đến Na Uy, đa số đều ngỡ ngàng vì cảnh sát Na Uy không bao giờ mang theo súng. Có lẽ đó là hình ảnh trung thực nhất để nói lên sự hiền hoà của xã hội Na Uy. Sau bao năm trong nghề, một viên cảnh sát của Oslo phải thốt lên rằng: “Hôm nay là ngày đen tối nhất”.
Tính đến sáng hôm sau, gần 100 người đã bỏ mạng tại Oslo và Utoya, và con số có lẽ còn gia tăng. Cảnh sát đã bắt được thủ phạm, một thanh niên ở tuổi 32, người Na Uy. Không biết động cơ nào đã xô đẩy hắn hành động dã man như thế? Tôi, và có lẽ cả thế giới cũng đang theo dõi tình hình.
Thi Hạnh