Thứ Năm ngày 20 tháng 10, báo chí truyền thông quốc tế đồng loạt loan tin nhà độc tài Muammar Gaddafi đã bị bắt và bị tử thương, đánh dấu mốc điểm lịch sử quan trọng của dân tộc Lybia, chấm dứt 42 năm bị độc tài thống trị.
Tuy vậy, khi báo chí, truyền thanh, truyền hình và cả hệ thống youtube loan tải hình ảnh ông Gaddafi, người bê bết máu nhưng vẫn còn sống khi bị bắt từ một ống cống, ông bị xô đẩy giữa đám đông, sau đó là xác của ông bị kéo lê trên đường phố, đã để lại những cảm xúc khác nhau cho người xem: hoặc vui mừng, thoả mãn vì chế độ độc tài bị sụp đổ, kẻ độc tài đã đền tội, hoặc xốn xang, quay đi không muốn nhìn, vì thấy bất nhẫn. Có thể đây là một trong những lý do khiến Liên Hiệp Quốc và tổ chức Ân xá Quốc tế đồng thanh yêu cầu mở điều tra để xác định xem cựu lãnh đạo Libya có bị hành quyết hay không. Riêng Ân xá Quốc tế cảnh báo rằng, nếu thật sự Gaddafi đã bị giết sau khi bị bắt, thì hành động đó sẽ bị coi là “tội ác chiến tranh”.
Thứ Sáu ngày 21 tháng 10, hệ thống youtube đã tung lên mạng internet một đoạn phim não lòng, xảy ra tại Trung quốc. Chiếc camera giám sát ở một khu chợ tại thành phố Phật Sơn (Nam Hải, Trung Quốc) đã ghi lại hình ảnh một em bé khoảng hai tuổi, có tên là Yue Yue, lững thững ra đường, một chiếc xe van đi tới, ủi vào em, bánh xe trước cán lên người em. Chiếc xe ngừng lại một giây, sau đó tiếp tục lăn bánh, lần này đến lượt bánh xe sau cán lên người em, phần đuôi chiếc xe nhồi lên một chút như cán phải viên gạch, rồi chạy mất hút.
Chiếc camera cũng cho thấy sau khi chiếc xe đi rồi, em bé nằm quằn quại giữa lòng đường, một người đi tới, một người nữa đi tới, thêm một người nữa, nhưng họ không dừng lại, họ đi luôn.
Vài giây sau, một chiếc xe khác lù lù trờ tới, không cần né tránh, thản nhiên lăn bánh trên thân xác em bé, cả bánh trước lẫn bánh sau, sau đó, người ta vẫn đi qua, đi lại, đi bộ, đi xe đạp, có người ngoái cổ nhìn lại cho rõ… rồi mới đi. Không một ai dừng lại.
Lát sau, một nữ nhân công dọn rác của khu chợ nhìn thấy, bà ta tiến tới và hình như la lên, sau đó xốc nách em bé, dựng em ngồi dậy, nhưng em rũ gục xuống, bà ta kéo lê em vào lề đường, và người mẹ chạy đến, cúi xuống ôm lấy con mình chạy vào bệnh viện, Yue Yue đã qua đời trong cùng ngày.
Một tuần sau cái chết của bé Yue Yue, tại Lô Châu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, phía tây Trung Quốc, một tài xế xe tải cán qua một cậu bé 5 tuổi rồi lùi xe… cán một lần nữa để bé chết hẳn vì không muốn rắc rối chuyện trả tiền bệnh viện. Theo nhân chứng, bà Zhang Shifen, đã chứng kiến sự việc kể lại, sau khi gây ra tai nạn, “chiếc xe tải lùi lại một chút rồi sau đó lại chạy tiến lên. Em bé Xiong bị cán cuốn vào bánh xe và chiếc xe tiếp tục tiến lên thêm vài mét nữa”. Theo tin từ Daily Mail, trích dẫn lời một số người qua đường kể lại rằng tài xế xe tải Ao-Youg xuống xe sau khi đâm vào cậu bé và thản nhiên hỏi một câu lạnh lùng rằng: “Tôi sẽ phải trả bao nhiêu?”.
Người xem đoạn phim về Yue Yue hai tuổi và bản tin về em bé năm tuổi Xiong khó có thể có thái độ nào khác ngoài sự kinh hãi, tức giận, uất ức, và xót thương cho hai em bé. Báo chí quốc tế, đài truyền hình CNN của Mỹ đồng loạt loan tin về Yue Yue và Xiong. Phẫn nộ bùng vỡ, người ta lên án sự mất nhân tính của những người chung quanh. Tại sao con người ở các nơi xảy ra tai nạn kể trên, lại giống nhau về sự vô cảm và tàn ác?
Nếu chịu khó nhìn về Việt Nam, những đoạn phim quay cảnh con trẻ ở những vùng quê, vùng núi, từ nhiều năm nay, hằng ngày, phải bơi giữa giòng nước chảy xiết, phải đu dây qua những con sông nguy hiểm, hay đứng chênh vênh trên những chiếc bè thô sơ để đến trường, trong khi nhà nước bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam, sẵn sàng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho dự án xây cất Sân Golf và Khu biệt thự sinh thái Cam Ranh. Đây có phải là sự vô cảm?
Phải chăng chủ nghĩa cộng sản đã làm thui chột tính nhân bản của con người và chính chủ nghĩa này đã giết hai bé thơ Yue Yue, Xiong, và đe doạ mạng sống của những đứa bé Việt Nam nghèo khổ kể trên? Liệu Ủy Ban Quyền Trẻ Em của Liên Hiệp Quốc có lên tiếng đòi điều tra về cái chết của hai em bé Trung quốc, vì quyền được sống còn của hai em đã bị tước đoạt một cách dã man?
Liệu Ủy Ban Quyền Trẻ Em của Liên Hiệp Quốc có lên tiếng về quyền được bảo vệ của những trẻ em Việt Nam trước khi quá muộn?
Từ hơn một tuần lễ nay, mùa mưa lớn bất thường đã gây ra lũ lụt chưa từng có trong hàng chục năm qua ở các nước thuộc khu vực hạ lưu sông Mêkông như Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực này.
Bản tin RFI ngày 27 tháng 10 cho biết dân chúng thủ đô Thái Lan đã lũ lượt tản cư về phía Nam để tránh lụt lội đang đe dọa thủ đô Bangkok. Cho đến nay, lũ lụt đã khiến 9 triệu người bị ảnh hưởng và ít nhất 356 người bị thiệt mạng.
Riêng tại Việt Nam các trận lũ lụt vừa qua đã khiến 700,000 người bị ảnh hưởng và trẻ em luôn chiếm tỉ lệ thiệt mạng cao trong số nạn nhân. Cơ quan UNICEFtại Việt Nam hôm 26 tháng 10 đã lên tiếng cảnh báo về số trẻ em Việt Nam bị thiệt mạng do lũ lụt lên đến 43 em trên tổng số 49 người chết do các trận lũ lụt vừa qua tại đồng bằng sông Cửu Long. Dòng chảy của nước lũ rất mạnh, chỉ trong vài phút có thể cuốn trôi các em ra xa hàng cây số.
Tại Cambốt tổng số người đang chịu đựng sự hoành hành của lũ lụt lên đến hơn 1 triệu người. Theo bản tin của RFI ngày 26 tháng 10, Ủy Ban Phòng Chống Tai Họa của chính phủ Cam Bốt cho biết hàng trăm ngàn gia đình đang chịu tác hại của cơn lũ và 247 người đã bị nước cuốn trôi.
Theo phúc trình của LHQ, trên khắp vùng Đông Nam Á, đã có 200 trẻ em bị thiệt mạng, phần lớn do chết chìm. Lũ lụt hoành hành tại khu vực Đông Nam Á , đã ảnh hưởng đến mùa màng, gây quan ngại thiếu thốn lương thực trong thời gian tới.
Bản tin của đài Á Châu Tự Do RFA ngày 25 tháng 10 loan tin tác giả Luzi Ann Javier viết trên mạng Businessweek.com hôm 24 tháng 10 cho biết: Liên Hiệp Quốc đang theo dõi việc có thể xảy ra thiếu thốn lương thực tại những nơi bị lụt lội ở khu vực Đông Nam Á. Tác giả trích dẫn báo cáo của tổ chức Lương Nông của Liên hiệp quốc FAO nêu rõ tỉ lệ ruộng đất tại những quốc gia trong vùng bị đợt lũ lụt hiện nay tàn phá. Thái Lan mất chừng 12,5%, Campuchia 12%, Lào 7,5% và Việt Nam 0,4%.
Thiên tai lũ lụt dù chưa làm mất trắng mùa màng, nhưng chắc chắn một khi nguồn cung bị giảm, mà số cầu không giảm, thì giá cả sẽ phải tăng lên. Đời sống của người dân vốn đã khó khăn, nay phải đối phó với thiệt hại vì lũ lụt, mặt khác, còn phải đối phó với tình trạng lương thực khan hiếm và giá cả gia tăng.
Tháng 10, tháng của mùa Thu ở Bắc Bán Cầu và mùa Xuân ở Nam Bán Cầu, chia sẻ niềm vui với dân tộc Lybia thoát khỏi ách độc tài. Chia sớt mất mát, thương đau với gia đình hai em bé Yue Yue và Xiong, gia đình các em bị thiệt mạng vì bão lụt. Và cái chết thương tâm của trẻ em dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng là những tiếng chuông cảnh báo cấp thiết đến các giới chức trách nhiệm về Quyền được sống còn, và Quyền được bảo vệ của trẻ em.
Phạm Diễm Hương
10/11