Menu Close

Chuyện về một loài rong – Kỳ 2

Nhưng rồi sau mỗi chu kỳ chuyển vần, trời đất lại rục rịch xích gần tháng ấm. Chúng tôi bắt đầu cựa quậy lại khi rừng phong bên bờ hồ Avon bừng khai những chồi non cùng muôn cánh hoa tươi thắm ngát hương.

Và đời sống của những loài dưới nước nơi này, trong đó có rong đuôi chồn lại bắt đầu lại từ đầu với những cọng rễ nằm lặng thinh lâu ngày trong bùn như lúc trời đất mới tạo thiên lập địa. Rong đuôi chồn èo uột lắm nhưng lại vui, vì mỗi lần bắt đầu lại một đoạn đời là bắt đầu một niềm hy vọng mới với dòng đời sẽ mới mẻ hơn, lạ lùng hơn. Cuộc phiêu lưu nào mà không phiêu bồng, vô định. Chính nhờ vậy mà những ngày bắt đầu một dòng sống mới lại đầy tràn háo hức… Chúng tôi lại đi lại từ đầu một lần phiêu bạt.

Bạn ơi, nếu được nói ra điều mình muốn nói, rong đuôi chồn nơi hồ Avon này sẽ nói là chúng tôi thích nhứt những ngày Hè. Nắng ấm làm những vạt rong tăng trưởng nhanh hơn nhiều. Những chùm rễ non mọc dài ra và bám thật chắc vào bùn, vào lá mục, làm cho cọng rong tròn hơn, nhánh rong dài hơn và lá rong mềm mại phất phơ trong nước trong, tô vẽ thêm cho thiên nhiên một nét đẹp diệu kỳ. Những nhánh rong xếp thành từng bậc, từng bậc như những tòa lâu đài chìm sâu dưới đáy nước bốn mùa. Rồi từ trong nước mát như vậy, những nhánh rong tròn đầy bắt ngọn lên khỏi mặt nước hồ để nở những nụ hoa trắng đầu mùa pha chút nhụy vàng phơn phớt, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, phản chiếu lung linh lên mặt nước trong leo lẻo.

Nơi hồ Avon này có điều lạ là những con đường quanh bờ hồ là đường một chiều, bạn chỉ có thể đi tới và hướng về phía trước chứ không thể quay xe trở lại hướng ngược chiều. Thời gian cũng đẩy đời sống mọi loài chạy nhanh ra phía trước nhiều lúc làm cho mình tối tăm mặt mũi nhưng không có cách nào về lại điểm bắt đầu. Đi một đỗi thật xa, phía bên tay mặt bạn, chỗ rẽ ra phía bên kia con đường cái, bạn có thấy nơi ấy là cả một rừng bông của một vạt rong đuôi chồn màu trắng tráng đầy mặt nước không? Lác đác bên khóm rong này hoặc bụi rong kia, vài con cá vui quá cũng nhảy chồm lên mặt nước để cho vài tiếng ụp móng làm cảnh vật thêm vui mắt.

Bạn ơi, sống ở đâu cũng vậy, mọi loài đều cần có nước. Xa nước là chết. Cá mắc cạn như cá thần gặp Trang Tử  mà cá không thể vùng vẫy nổi nói gì khi cá lên khỏi mặt nước, cho dù cá nước ngọt hay cá vùng nước mặn. Người ta có thể nhịn đói khá lâu nhưng khô nước là không sống nổi. Bạn có còn nhớ hồi trước, vào thập niên 60, có bộ phim nói về chiến lợi phẩm cuối cùng trong một cuộc chiến trường chinh của một đạo binh các nước đồng minh, khi say men chiến thắng cứ băng băng vượt ngang qua sa mạc như giông như bão đi vào đất địch là gì không? Là những thùng nước lạnh giữa sa mạc hoang vu đó bạn! Người ta bỏ hết mọi thứ chiến lợi phẩm chiếm được trên đường hành quân mà chỉ để giành nhau từng giọt nước lạnh thôi! Bởi vì sự sống lúc bấy giờ  không phải là vũ khí bảo vệ mình, hoặc là những vùng đất vừa mới chiếm đóng, mà là những giọt nước lạnh cuối cùng còn sót lại trước những cơn khát khô cháy cổ họng của một đoàn binh viễn chinh. Mục đích cuối cùng của cuộc chiến tranh mà nó đã lôi kéo theo bao nhiêu đồng minh chết với mình chỉ để tranh giành những giọt nước lạnh, quả là một bài học trong số các bài học cần suy gẫm! Phải thế không bạn?

Như mọi loài, rong đuôi chồn xa nước cũng đành chết khô trong nháy mắt. Thế nên, bạn sẽ hiểu tại sao đồng loại chúng tôi sống được vào những ngày nước nổi ở đồng ruộng sông Cửu Long. Nơi chốn ấy chỉ có sáu tháng nắng và sáu tháng mưa dầm, nhưng rong đuôi chồn bên kia đại dương thật sự có mặt khoảng giữa tháng Bảy đến cuối tháng Mười Một là thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất. Những cánh đồng ngập nước trùng trùng vào mùa nước lụt toàn là rong với rong. Rong ngập dày bịt không chừa lấy những khoảng trống. Rong mọc nơi gò, rong mọc dưới lung sâu, và nhiều loại lắm. Nào là rong xanh, rong mền, gạc nai, mã đề, và rong đuôi chồn lá kép, rong đuôi chồn lá đơn chiếm đa số.

Ở vùng đồng ruộng lầy lội ấy là vùng đất lành, chẳng những chim đậu mà mọi sinh vật đều quần tụ về. Nơi chốn ấy chưa nhiễm nhiều ánh sáng văn minh nên người ta chưa tìm cách dùng các loài thuốc độc để diệt rong, nên các bạn tôi vẫn mọc được vào mùa nước và chết vào các tháng nắng hạn. Thành ra, dù ở đâu đi chăng nữa, bên kia vùng châu thổ hay nơi hồ Avon này, cuộc sống là hữu hạn, định kỳ. Vì thế một đời rong là một đời ngắn ngủi biết chừng nào! Thế nên, chúng tôi không ngại gian khó mà sống cho đời có nghĩa. Sở dĩ, giữa vũ trụ đang đi lên tới tận cùng của mọi văn minh, phát triển mà người ta ở đây còn giữ cho nhau một chỗ để rong đuôi chồn có dịp trổ bông, đâu phải là điều vô nghĩa. Phải vậy không bạn?

Bên cạnh những sưu tầm các loài cây quí hiếm mà người chơi cây kiểng kiếm tìm để nuôi dưỡng thành những gốc “bonsai” vương giả, thì nơi hồ vắng giữa thiên nhiên này, với những vạt rong đuôi chồn được thiên nhiên và con người dành cho một chút tình để nẩy nở, quả là một niềm vui thú lớn của một loài rong rêu rồi. Chúng tôi đâu dám mơ gì hơn thế nữa.

Vào tháng Mười, bên kia đại dương thuộc vùng nhiệt đới gió mùa là mùa vụ sạ cấy bắt đầu. Thế nên, đời của rong rêu nơi ấy cũng theo mùa vụ mà thích nghi cuộc sống. Các loài rong nơi chốn ấy, vào những ngày sắp vào mùa sạ tỉa, là bắt đầu chấm dứt một đời sống. Người làm ruộng họ dọn rong bằng nhiều dụng cụ bén ngót. Dao dâu có, lưỡi hái có, mà nhất là cái bàn đẩy được rèn bằng những thanh sắt hình chữ “V” dùng rào ấp chiến lược một thời bỗng trở nên hữu dụng. Người làm ruộng đứng ngâm mình trong nước sâu và cứ thế mà dùng cái bàn đẩy tra cán dài bằng ngọn tầm vông để đẩy những mảng rong rời xa mặt ruộng. Những lớp rong nổi phình lên mặt nước rồi theo gió trôi giạt xuống phía dưới gió tấp vào vách bờ ranh hàng hàng lớp lớp. Công việc không lấy gì làm khó cho lắm, nhưng chuyện không phải chỉ một đôi lần là làm cho miếng ruộng thành khoảnh ngay tức khắc, để những hạt lúa giống bắt đầu một đời cây lúa mai sau. Phải năm lần bảy lượt, dọn tới, dọn lui đất đai mới bằng phẳng cho cây lúa xanh tươi và mọi loài rong nơi ấy đành chia tay cùng đồng ruộng.

Thành ra, trong vũ trụ này, tạo hóa đặt định ra khi kết liễu một loại cỏ cây này là để bắt đầu gầy dựng cho một loại cỏ cây khác được sống. Chỉ có vậy thôi, giản dị lắm! Chính nhờ vậy mà trong trời đất này sự sống cứ liên tục, hết đời này tới đời khác, hết kiếp này tới kiếp khác, hết loài này tới loài khác và dường như không có cái chết nào là chết luôn, mất tiêu tăm tích. Sự sống hôm nay là cái chết hôm qua nuôi lấy. Đời sống của cây này là lá mục của cây kia làm đất, làm phân nuôi dưỡng nó xanh tươi. Chỉ có vậy thôi, giản dị lắm bạn ạ!

Mấy hôm nay, nơi này nắng nóng quá. Vì vậy mà du khách đi dạo quanh hồ lại đông hơn mọi ngày. Nằm êm trong hồ nước mát, chúng tôi nhận ra đôi bàn chân không mang dép mang giày, đặt nhẹ lên một vồ đá thấp nằm trong nước. Rồi từ từ bàn chân ấy rà lên mặt bùn. Vì quen với mùi bùn non nơi đáy hồ, rong đuôi chồn chúng tôi nhận ra đôi bàn chân ấy dính nhiều phèn của một người lăn lóc phong trần qua bao mùa cấy hái. Chúng tôi nằm im để nghe tiếng di chuyển thật chậm của bàn chân người lạ trong bùn non. Và in lên mặt nước là cái bóng xiên xiên của một người đàn ông chưa già lắm. Dĩ nhiên, với vóc dáng hơi nhỏ, ông bước những bước rất nhẹ đến một cụm rong khá dày đang nở bông rợp mặt nước. Chúng tôi vẫn nằm nguyên vị thế như đang ngủ, mà thực sự nào có ngủ được đâu. Sau một hồi nhìn ngắm mặt nước lao xao bông trắng nhụy vàng chi chít trước mặt mình, người đàn ông cúi người xuống một đám rong xanh biếc trước mặt. Ông đưa bàn tay mặt rà theo từng gốc rong và dịu dàng nhổ những cọng rong xanh biếc mềm mại. Ông rửa sạch bùn non và lá cây mục nơi những chùm rễ non bám chặt. Và ông khoanh tròn những bụi rong như vậy để khỏi bị dập, rồi đặt nhẹ chúng tôi vào một cái thùng bằng nhựa đựng nước mát lạnh. Ông nâng niu chúng tôi như trứng mỏng. Nhận ra điều này, chúng tôi an tâm phần nào. Thế là thực tế cho chúng tôi nhận ra rằng có người lạ đang tìm kiếm mình. Và qua cách nhổ rong, cách cuốn tròn, cách đặt chúng tôi vào cái thùng bằng nhựa, chúng tôi hy vọng đời rong chưa đến nỗi nào. Nhận qua dáng vóc người vừa tìm rong, chúng tôi thầm nghĩ ông là một người có một thời sống gần với những loài rong rêu cây cỏ. Hay ít ra, trong cái thú tìm kiếm những loài cỏ nội hương đồng, người ấy phải có một thời sống với ruộng đồng thân thiết lắm. Vì không có một quãng đời chân lấm tay bùn nơi vùng đồng lúa ngập nước vào tháng Chín dày bịt những lớp rong, người ta sẽ khó mà có được một chút tình thân ái ấy.

Cùng đi với ông là một người con trai còn rất trẻ. Người bạn trẻ này vừa mới gặp rong xanh lờ mờ dưới nước trong, lại xăn quần bước nhẹ xuống mé nước thật nhẹ nhàng, sành điệu như một em bé nhà quê có thời lùa bầy vịt tàu lội ngang qua những vạt rong chạy mồi. Những con vịt rượt đuổi nhau như chạy trối chết để giành lấy những con tép, những con cua nhỏ bám dưới nhánh rong, cậu bé nhà quê bước thật chậm nhìn từng con vịt sợ chúng tẻ bầy lạc mất. Và rong thì lại chìm lỉm dưới bước chân của đàn vịt vừa trườn mình cùng bước chân của em bé nhà quê nhè nhẹ.

Nơi hồ Avon này cũng có một đàn vịt trời đông lắm, có đến hàng ngàn con thong dong trên mặt hồ. Chúng lội lòng vòng trong hồ kiếm mồi một mình, không có những chú bé nhà quê lùa giữ khít rim như vùng đồng lúa nước ngập. Như những chàng du mục, nay chúng ở bờ hồ này, mai lại lên lùm cây khác kéo theo nhau từng đàn, từng đàn mà không sợ ai quấy rầy, săn bắn. Kiếm được con cua, con tép thì vui, nhưng nếu chẳng may suốt ngày không có lấy một miếng mồi thì cũng không lấy gì làm buồn. Rồi cứ thế mà đẻ trứng, thay lông theo tứ thời tám tiết.

(Còn tiếp)