Menu Close

Có một loài bông trôi trên sông – Kỳ 1

Bạn ơi, có bao giờ bạn nghe ai kể về loài bông trôi nổi bềnh bồng vô định trên những dòng sông chảy xiết như loài bông lục bình chúng tôi lần nào chưa? Tên gọi lục bình của tôi có lẽ rất quen nhưng cũng làm bạn rất đỗi ngạc nhiên, phải không? Thiệt tình ra, mọi tên gọi các loài vật trên mặt đất này, tự thân sự vật không cần biết tên mình là gì bạn à; mà tất thảy đều là do loài người đặt để ra ráo trọi!

Chẳng hạn riêng như loài lục bình, thì ở xứ sở vùng nhiệt đới gió mùa như miền sông nước miền Tây Nam nước Việt của bạn với tên gọi lục bình hay lộc bình (1) vì có người cho rằng cuống lá của chúng tôi giống hình dáng những chiếc lục bình chưng bông trong nhà; có người còn gọi chúng tôi là bèo tây vì người ta tìm thấy chúng tôi đến đất Việt từ bên trời Tây (2); còn từ nước nào thì chúng tôi không rành; nhưng cũng nghe kể chúng tôi ở tuốt từ bên xứ sở Ba Tây (Nam Mỹ) lận…

Thiệt tình ra, ngay như bên Nam Mỹ, chúng tôi có mặt ở nhiều vùng đất thuộc khí hậu nhiệt đới có, mà ôn đới cũng có; rồi chúng tôi cũng có mặt ở Châu Phi nữa, nhiều nhất là vùng hồ Victoria của xứ Kenya; chúng tôi còn hiện diện các vùng Châu Á như Nhựt Bổn, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Tân Guiné,  bên Cao Miên và rồi cũng có ở phía Nam nước Pakistan; còn ở Bắc Mỹ với những ao hồ đầm lầy vùng Texas, Louisiana, Florida của Hoa Kỳ thì loài lục bình này cũng đã sống qua nhiều mùa mưa nắng khá lâu rồi…

pic

Bông lục bình và u du

Sự hiện diện ở xứ sở Hoa Kỳ này chúng tôi bị cản trở hơi bộn vì sự phát triển khá nhanh bản tính của loài bèo sống trôi nổi của mình, phần nào làm cho các vùng thiên nhiên nơi đây bị trở ngại về các đường thoát nước. Do vậy, để tránh các tai nạn làm kẹt cứng các đường mương thoát nước nên một vài nơi tại các vùng này chúng tôi bị các luật lệ các địa phương nơi ấy cấm cư dân không được nuôi dưỡng loài lục bình này. Thành ra, sự có mặt của giống lục bình ở các vùng này giống như những người nhập cư không có đủ giấy tờ nên việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn trắc trở dữ lắm!

Về đặc tính của lục bình, chúng tôi có những thân hình ống mọc cao khoảng vài ba tấc mang lá hình hơi bầu tròn màu xanh lục, mặt trên của lá rất láng. Một bụi lục bình trung bình có từ sáu tới tám lá hình bầu tròn; cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp thân lục bình nổi trên mặt nước dễ dàng. Rễ lục bình trông như bộ râu ông già chưa bạc nhiều thả lửng lơ trong nước, dài ngắn tùy nơi chúng tôi dừng lại mà ở nơi chốn ấy có mực nước sâu hoặc nước cạn. Sâu thì rễ dài ra thành thủy sinh vật, còn cạn thì rễ bám luôn vào đất giống như các loài nê thực vật. Chỗ nước sâu rễ có khi dài năm sáu tấc là thường. Nhiều sách vở nói rễ lục bình dài một thước, nhưng thực tế bộ rễ dài như vậy cũng không phải lúc nào cũng dễ tìm. Đến mùa nắng, lục bình trổ bông màu tím lợt, cánh bông giữa có đốm màu vàng và bao quanh đốm vàng ấy là một vòng màu tím; có 3 tiểu nhụy với lông mịn; noãn sào chừng 6 ly. Nang có ba ngăn với lớp da mỏng, hột nhiều sắp nằm ngang. Cuống bông đứng thẳng đưa bông vươn cao lên khỏi những chiếc lá màu xanh (3).

pic

Chúng tôi sinh sản hơi nhanh. Một cây cái có thể nẩy ra nhiều chồi con rất mau và cứ thế sinh sản ào ào; các nhánh con này phát triển từ một cọng thân cứng cỡ bằng ngón tay thả dài trên mặt nước cách thân mẹ chừng vài tấc là mọc ra một bụi lục bình con và từ cây con này lại mọc ra cây con khác và cứ thế chúng tôi sanh sản mau lắm, tùy theo môi trường sống, nếu thích hợp với chùm rễ trôi trong nước chúng tôi có thể sanh sôi nẩy nở không biết đường nào mà tính cho xuể…

Còn bảo rằng lục bình có hai loại: “loại thân thẳng như một đoạn gậy và cao chừng 5-6 tấc, lá lớn thường được hái để gói đồ thay cho lá chuối, lá sen; loại nhỏ hơn thân phình rộng chính giữa và túm nhỏ hai đầu, cao nhất khoảng một gang tay người lớn, lá cũng nhỏ hơn, loại này thân mềm nên được chuộng làm thức ăn gia súc hơn.” (4) thì cũng hổng trật nhưng chưa đủ…

Thưa bạn, nếu căn cứ vào việc cao thấp của thân mà phân biệt chúng tôi hai loại như vừa kể thì chưa chắc lắm. Nói thế chẳng qua là vì ở sông nước miền Tây Nam Việt Nam chúng tôi phần lớn là loại lục bình có tên quen thuộc là Eichhornia Crassipes (Common Water Hyacinth); nhưng vì ở trong các mương vườn tàn cây che bóng mát, lục bình chúng tôi phải vươn mình lên cao hầu hứng chút ánh nắng mặt trời nên thân hình chúng tôi có hơi cao, còn các nơi ngoài chỗ nắng nhiều, những cọng lục bình không cần phải chen vai hít thở ánh nắng như trong các chỗ rậm rạp nên lá cũng nhỏ mà mấy cuống lá cũng thấp hơn các anh chị nằm trong bóng mát quanh năm là nhờ vậy.

pic

Anchored Water Hyacinth (Eichhornia azurea) (theo Wikipedia)

pic

Common Water Hyacinth (Eichhornia Crassipes)(theo Wikipedia)

Thiệt tình ra, các nhà nghiên cứu về lục bình cho biết chúng tôi có tới bảy loại dù cùng mang chung tên là lục bình. Điều này cũng dễ hiểu vì cùng loài nhưng khác giống là bình thường. Chẳng hạn có giống lục bình mang tên Eichhornia Crassipes (Common Water Hyacinth) mà chúng tôi vừa kể. Loại này chiếm đa phần trong các giống lục bình nơi miền sông nước Cửu Long. Rồi có giống lục bình với cái tên rất lạ là Anchored Water Hyacinth (Eichhornia Azurea); rồi lại có loại Variable Leaf Water Hyacinth (Eichhornia Diversifolia); và cũng có giống lục bình với cái tên rất Ba Tây như Brazilian Water Hyacinth (Eichhornia paniculata) (5) …

pic

Rau mác thon (Monochoria hastata)(theo Wikipedia)

pic

Brazilian Water Hyacinth Eichhornia Paniculata)(theo Wikipedia)

Thưa bạn, đó là lược kể về vài giống khác nhau cùng mang tên chung là lục bình, nhưng còn họ lục bình mà các nhà khoa học tìm ra và đặt tên chung là họ Pontederiaceae (6) thì ngoài lục bình (Eichhornia), chúng tôi còn có bà con với rau mác (Monochoria) nữa. Cũng như lục bình, các anh chị rau mác có rất nhiều loại khác nhau như rau mác thon (Monochoria Hastata), rau mác lá bầu (Monochoria Ovata), rau mác bao (Monochoria Vaginalia), rau mác cao (Monochoria Elata), rau mác lam (Monochoria Cyanea)…

Dù cho lục bình hoặc rau mác, khi cần bạn có thể tước những mầm non dùng làm rau trong các bữa ăn đạm bạc nơi miền quê đồng ruộng được. Người ta có thể ăn bông lục bình nhưng bông thì lạt, không ngon bằng những đọt non mềm mới nhú ấy. Mấy anh chị em chúng tôi trong dòng họ lục bình rau mác này là những loài cỏ nội hoa đồng chỉ mang đến cho bạn chút ít chất tươi non hầu lót lòng khi trưa nắng chiều mưa vùng gió mùa của bạn; có được  một chút hữu dụng như vậy nhiều lúc chúng tôi cũng tự an ủi mình và mừng trong bụng lắm rồi, không mơ ước gì hơn.

Ngoài ra, trong những vạt đất có nhiều bùn và rơm rạ cặp theo các mé mương, cạnh bên những đám lục bình và rau mác, chúng tôi thỉnh thoảng cũng bắt gặp các anh chị cù kèo mọc lá non xanh mơn mởn với những bông vàng rất xinh xắn. Những bụi cù nèo mập mạp này cũng góp phần làm những món rau đạm bạc trong các bữa cơm của dân ruộng thêm chất tươi với nhiều vị mát trong lành.  Những bụi cù nèo mập mạp này cũng góp phần làm những món rau đạ

(còn tiếp)

LTT

Cước chú:
1&2/ Theo “Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, năm 2005, trang 129.
3/ Theo Cây Cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ do Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục xuất bản, quyển II, năm  1972, trang 639.
4/ Bài “Lục Bình Tim Tím” của tác giả Tạ Phong Tần, trang mạng tạp chí Trẻ News, mục Hương Vị Quê Hương, ngày 21-07-2011.
5/Theo Tự Điển Bách Khoa Mở Wikipedia