Bạn ơi,
Giờ xin trở lại kiếp phiêu bồng trôi giạt của loài lục bình chúng tôi thêm chút nữa nơi vùng sông nước miền Tây Nam Việt Nam này hầu có thêm vài ba câu chuyện giải buồn. Có tài liệu cho rằng chúng tôi tới vùng đất này từ năm 1905 (7). Việc này thực hư khó biết cho chính xác vì các tài liệu ấy cũng chỉ nói vậy thôi chứ người ta không đưa ra những giấy tờ gì chứng minh về điều này; vả lại, người ta căn cứ vào thời Tây vô đất Việt nên mới có bèo Tây. Nghe thì nghe vậy nhưng chưa lấy gì làm chắc chắn lắm bởi ai đem chúng tôi vô đây và đem vô xứ sở đồng ruộng bao la bát ngát với sông rạch chằng chịt nơi này bằng cách nào? Dĩ nhiên rồi, nếu từ bên Ba Tây, bên Kenya mà trôi qua Việt Nam thì làm sao chúng tôi trôi cho nổi vì đường sá quá xa mà lại là đường biển đại dương với sóng cao gió lớn nữa thì lại càng cách trở biết là bao! Nhưng có phần chắc là chúng tôi đã có mặt nơi vùng đồng bằng Cửu Long này kể ra cũng là lâu lắm rồi, lâu đến độ hết biết năm tháng nào là năm tháng khởi đầu của những về lục bình trôi miên man trên những dòng sông nước ngọt bốn mùa…
Thế rồi những năm giặc giã loạn ly hồi đầu thập niên 1940, chúng tôi lan tràn khắp các kinh mương sông rạch. Dường như nơi nào có kinh mương là có lục bình. Lục bình lan ra cả trên đồng sâu ruộng thấp. Lục bình có trong những mương ruộng, mương vườn. Lục bình trong những ụ chà, trong những búng đập, trong những ao hồ. Lục bình trong những đăng bửng chờ cá bắt tôm. Lục bình trên những mé sông, mé cồn, mé bãi. Dường như đâu đâu lục bình cũng có mặt như một loài cỏ nổi khá thân quen với dân quê, dân ruộng và cũng khá thân quen với ghe xuồng xuôi ngược nơi những bến sông ghé lại của khách thương hồ…
Ở những nơi chốn ấy, chúng tôi cũng có biết bao niềm vui và nỗi lo. Nếu là cư dân nơi đìa mương nào đó chẳng hạn như mương ông Nhà Lầu vùng Mặc Cần Dưng hoặc xa xa dưới kia miệt Đìa Bèo hay miệt lung Ngọc Hoàng vùng Ngã Bảy (Phụng Hiệp) thuộc Cần Thơ, thì chúng tôi là những mái nhà che mát cho biết bao thế hệ cá lóc cá rô sống lưu lai nơi những vùng nước ngọt pha chất phèn chua nơi những lung vũng kinh mương ấy. Bạn có biết, khi mùa nắng bắt đầu tháng Giêng tháng Hai là lúc mùa tát đìa khởi sự, đó cũng là lúc dưới những chùm rễ dài hai ba tấc của chúng tôi giống như bộ râu người già chưa bạc nhiều ấy cá ôi thôi là cá . Có nhiều đoạn kinh mương nước sắc lại, chưa cần phải dùng gàu dai tát cạn, bạn chỉ cần lấy một cái nôm và cái giỏ bằng tre, rồi bạn theo những kinh mương cạn ấy bạn lôi những cụm lục bình bỏ qua một bên và cá nằm phơi mình đen mun trên những mặt bùn khô nước ấy. Lúc bấy giờ bạn chỉ cần lấy nôm úp mấy con cá nằm phơi mình và thò tay bắt cá trong nôm bỏ vô giỏ là cách bắt cá gọn nhất của những năm tháng cá tôm trù phú nơi này. Cá rất ưa nằm ẩn mình dưới những về lục bình như vậy vừa mát mình vừa khỏi phải chúi xuống bùn sâu làm gì cho bị ngộp, khó thở.
Đó là cá nơi những mương cạn vào mùa nắng tháng Hai với những vạt lục bình che khuất mặt mương. Còn mương vườn, mương ruộng, rồi đìa cạn, đìa sâu vào mùa nắng những lúc làm lóng tát mương tát đìa, lục bình cũng làm cho cá tôm có nơi trú ngụ thật vô cùng lý tưởng. Khỏi phải nói rồi, như bạn biết, là mỗi khi tới giai đoạn bắt cá sau khi đìa mương tát cạn, chúng tôi nghe dưới lớp rễ của mình cá chen nhau lách mình đầy nhóc hết biết đường trở về sông sâu nước chảy.
Cái dở của các giống cá đen là cứ mê lục bình, không chịu rời khỏi những mương đìa ấy để ra sông sơm sớm mà còn có dịp mùa mưa năm sau trở lại những cánh đồng ngập nước vào tháng tháng Bảy, tháng Tám để có thời giờ lo quậy ổ đẻ trứng nở ròng ròng cho những đời sau như chu kỳ mưa nắng cùng mùa màng của trời đất mà thong dong bơi lội giữa dòng đời… Cái dở đó là do cá cứ ỷ y lục bình che chở chúng mãn đời, trong lúc đó lục bình giữ cho mình còn chưa rồi nói gì che chở cho ai được. Phải thế không bạn ?
Rồi bạn ơi, có những năm tháng quá loạn lạc, nơi những hầm hố ao hồ, lục bình chúng tôi còn là những nơi kín đáo với biết bao lư đồng, ngựa gõ, chén bát tô tộ đủ loại sành sứ bên Tàu của những nhà giàu có phải bỏ nhà tản cư chạy giặc. Lúc túng cùng, người ta thường bỏ của chạy lấy người thì tất cả những gì quý giá ấy đều được chôn sâu dưới những hầm chứa trong vườn hoặc là đem nhấn lút dưới bùn trong các ao hồ dày đặc lục bình ấy để giấu bớt các vật quí ấy nhằm khi yên giặc trở về có mà dùng trong nhà. Loạn ly bạn ơi, ở đâu lục bình cũng vun chùn vì đâu có ai dám trở lại tát mương tát hầm gì được, nên lúc bấy giờ lục bình sống vững vàng lắm… Cũng vào cái buổi loạn ly những năm 1939-1945, có một điều chúng tôi luôn luôn kinh hoàng phải chứng kiến những cảnh thây người trôi trên sông bám vào các về lục bình mà mỗi lần hồi tưởng lại, lần nào cũng như lần nào, chúng tôi vô cùng ớn hồn, biết sợ cảnh đời chung quanh sao nhiều lúc quá điêu linh, điên đảo!
Không như lúc loạn lạc, khi thanh bình người ta sau mấy năm tản cư xa nhà nay đã trở về, người này lên liếp làm rẫy, người kia đào mương lập vườn, tới tháng nắng đám lục bình chúng tôi dày đặc lúc loạn ly nay bị chủ vườn vớt lên ủ vào các gốc cam gốc quít, bụi chuối, vườn trầu , đâu đâu lục bình vừa che nắng cho cây ấm gốc vừa làm phân cho cây khi rễ và thân chúng tôi mục rệu thành đất thành bùn. Dù khô chết đấy nhưng lục bình chúng tôi có những khô chết không phải là vô ích nơi những kinh mương sông nước miệt vườn ruộng ấy. Phải thế không bạn ?
Đó là đời sống của loài lục bình trên đìa mương nước không sâu cho lắm, nhưng nơi các sông sâu như sông Cửu Long từ Châu Đốc theo hai nhánh Tiền Giang, Hậu Giang dòng sông chạy dài xuống các địa danh xuôi dòng ra biển, loài lục bình vì rễ ngắn không bám vào đất bùn được nên chúng tôi lại tấp vô các mé sông nơi những đống chà, những vàm rạch mà lênh đênh trên mặt nước những tháng ngày. Thế rồi chúng tôi không có nơi nào là quê là nhà cố định hết. Chính vì thế vào những năm xa xưa có một hồn nghệ sĩ nhận ra kiếp sống bình bồng ấy và ông đã viết:
“Bèo giạt về đâu hàng nối hàng ?
Mênh mang không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng…”(8)
Bạn thử nhớ lại mà xem, lục bình chúng tôi có nơi nào là nhà là cửa gì đâu! Tháng Chín, tháng Mười người ta bắt đầu chặt cây chất chà cho cá vô ở cũng là lúc người ta vớt lục bình bỏ vô đống chà. Ở đó chúng tôi sanh sôi nẩy nở mau lắm và làm các đống chà ấm cúng thêm. Rồi cá trên sông thấy chỗ này ấm áp, yên tĩnh coi bộ an cư được nên chúng rủ nhau ghé lại rồi ở luôn hổng chịu bơi đi. Có đứa còn đào bùn quậy ổ trong đống chà để đẻ như cá ngát, tôm càng là mê mấy ụ chà dày đặc lục bình này dữ lắm. Những cái ổ tròn tròn miệng rộng bằng miệng thúng dê dùng để rê lúa, đáy ổ cá tôm láng cón. Đang ở yên ấm như thế, cá tôm đâu biết gì bên dòng nước miên man trôi qua lại mỗi ngày. Bỗng một hôm nước kém, xuồng ghe tấp lại, người buông lưới, kẻ cắm say, người thả đăng, kẻ bao chà và rồi lục bình chúng tôi sống thành một rừng xanh mướt ấy bị mấy người dỡ chà tốc chúng tôi lên và ném ra giữa dòng sông nước chảy để chuẩn bị cho một kỳ gạn lưới dỡ chà vào những ngày nắng tháng Giêng, tháng Hai nơi vùng sông nước Cửu Long. Thế là chúng tôi mất nơi trú ngụ và trôi theo dòng nước xiết chẳng biết về tới bến nào!
Ngoài ra, cảnh đời bèo giạt của loài lục bình như câu thơ vừa kể còn là do những lúc dân ruộng nơi vùng lúa mùa này họ cần xả mương dọn cỏ vào những mùa vụ phát cỏ dọn mương, nên lục bình cũng ào ào được đùa đi, xô đẩy ra khỏi những kinh mương sông rạch nhỏ để trôi về sông lớn vào những tháng sắp sửa tát mương, tát đìa hoặc những tháng nước bắt đầu giựt sau mùa nước ngập. Do vậy mà mới có cảnh “bèo giạt về đâu hàng nối hàng” trên những dòng sông nước chảy xiết. Hai tiếng “lục bình”, chúng tôi thiển nghĩ, chữ “bình” ngoài nghĩa đen chỉ định về một loài cỏ nổi có hình dáng như những chiếc lục bình để chưng bông mà người đời thường dùng nơi miền sông nước này, nó còn mang nghĩa bóng khác nhằm chỉ dòng đời loài cỏ chúng tôi luôn trôi giạt bình bồng vô định và chúng tôi thiển nghĩ, đây mới đích thực là một tên gọi rất phù hợp với kiếp sống phiêu bồng vô định của lục bình…
Bạn ơi, ngoài ra, được biết ở những nơi như các vùng đất Hoa Kỳ mà chúng tôi vừa kể bên trên, thỉnh thoảng có ai đó thích màu sắc thiên nhiên thì họ thường tìm đến các nơi bán cây cỏ sống trong nước nuôi trong ao hồ rồi mua chúng tôi về nuôi làm cảnh thì lúc bấy giờ lục bình lại có giá. Thường thường, mỗi nhánh lục bình vừa vừa với ba bốn lá và một chùm rễ không dài lắm, khách mua có khi phải trả với giá 10 đôla cho một nhánh nhe bạn chứ không có “giá bèo” như các nơi tràn ngập lục bình thuộc vùng sông rạch Cửu Long.
Thế mới biết dù chúng tôi vốn là bèo, nhưng vài dịp người ta lại bán mắc thấu trời. Nhắc về điều này, chúng tôi chợt nhớ nhiều món hàng rất cũ, rách te tua như sách cũ, tem thư cũ vậy mà có lúc có người mê nó cũng phải trả giá rất cao mới mang các bạn ấy về nhà được. Khi mua được món hàng mình mê rồi, ai mà không vui, trừ khi gặp món hàng dỏm thì mới buồn cho một giá mắc; nhưng lục bình chắc ít ai mua lục bình giả vì lục bình giả thì tự thân nó đã vô hồn vô cảm rồi làm sao mà dụ dỗ cảm hoá ai được…
Dĩ nhiên rồi, người có ý đập đổ thì mấy lúc gặp được những người có chút đam mê như vậy họ sẽ vui vì kiếm được thêm cho cái túi của họ một số tiền khá nặng. Thành ra, thường thường việc mua bán mắc rẻ là do luật cung cầu, nhiều thì rẻ, ít thì mắc nhưng cũng còn tùy nơi sở thích của người mua nữa. Khi người ta không thích cho dù là vàng, kim cương, ngọc ngà châu báu quyền cao tước trọng gì mà đem bán rẻ đi nữa, người ta vẫn không muốn mua…
Nhắc điều ấy thật tình chúng tôi cũng không có ý muốn tự tâng bốc mình làm gì vì ai ai cũng biết trên mặt đất này không có vật nào trời đất sanh ra nhằm mục đích bán chác, trao đổi mà mọi bán chác trao đổi ấy đều là do con người bày ra ráo trọi…
Bạn ơi,
Giữa dòng đời với biết bao phong ba bão táp này, lục bình chúng tôi cũng còn có chút an ủi là các nhà nghệ sĩ còn nghĩ tới mình chút chút. Những vần ca dao của giới bình dân nơi các làng quê miền Tây còn nhớ tới chúng tôi khá bộn. Chẳng hạn như :
“Hạc giao đầu, phụng lại giao đuôi,
Anh về ở dưới bỏ tui một mình.
Nước trôi cuốn cụm lục bình,
Anh đi sông biển biểu mình đừng nhớ thương.”
Có một bạn trẻ vùng Cà Mau cũng nhắc về lục bình, cô ấy viết: “Có lần đi Kiên Giang, qua phà Tắc Cậu, tôi lại thấy ở lục bình một hình ảnh khác, rất “đời”. Nơi này gần cửa biển, lục bình từ các sông trôi đến dìu dập. Nhưng lạ, bầy đàn đông đúc, mà có vẻ tan tác cô đơn. Hăm hở trước biển khơi mà như dùng dằng nuối tiếc dòng nước cũ. Lựa chọn nhưng vẫn hoài nghi, hoang mang. Hay lục bình chỉ là lục bình thôi, chỉ tôi gởi tâm trạng của mình vào rồi thấy mình là lục bình trôi trôi ngơ ngác.
……
Và chiều nay, trong cái quán lạ bên dòng sông xa lạ, tôi hơi đắng đót bởi ý nghĩ, con người ta còn tự cầm tù mình bằng những ảo vọng ngông cuồng được thì sá gì đám lục bình hèn mọn này, sá chi con chim trong lồng kia… Thôi, trở vô bàn ăn sướng hơn. Mình cũng bị nhốt như đám lục bình đó, mắc gì tiếc thương cho chúng.”(9)
Và cũng từ miền Rạch Giá, Kiên Giang ấy, có một nhà nghệ sĩ với cái tên là Lý Dũng Liêm, đã nhân cách hoá tôi với một người con gái qua lời bài hát “Hoa Tím Lục Bình” trữ tình, tha thiết biết bao:
“Có một loài hoa buồn trôi lững lờ
Theo nước hững hờ trôi mãi về đâu
Mãi trôi, trôi chẳng hết sầu
Nên loài hoa ấy đượm màu tím (tìm) thương
Có một loài hoa vừa đi vừa nở
Em lấy chồng rồi anh ở vậy thôi
Nữa mai trông đứng nhớ ngồi
Biết loài hoa ấy vừa trôi vừa buồn
Loài hoa ấy, Lục bình
Loài hoa ấy là đời em
Dòng sông ấy vô tình
Chở hoa về bên anh
Loài hoa ấy, Lục Bình
Loài hoa ấy là tình em
Tình yêu ấy âm thầm
Niềm vui cũng lặng câm
Em ơi em, sao em không nói lời nào
Cho anh ru thành lời ca dao
Nở chi hoa tím Lục Bình
Trôi chi trôi giữa dòng tình đôi ta” (10)
Thưa bạn,
Qua câu chuyện về một loài bèo như lục bình mà chúng tôi vừa tự thuật để làm quà cùng bạn thật ra lục bình cũng chỉ là một loài cỏ nổi như bao loài cỏ khác trên mặt đất này, chẳng lấy gì làm đặc biệt… Qua bao vật đổi sao dời, qua bao bận sông sâu sông cạn, qua bao mùa nắng cháy mưa dầm bùn lầy nước đục, thân phận của loài bông trôi trên sông chúng tôi cũng theo dòng đời mà trôi nổi phong trần. Đó có lẽ là kiếp bèo giạt rất hợp với câu thơ của thi sĩ Quách Tấn trong một lần tâm sự cùng nhà văn Nguyễn Hiến Lê thuở nào:
“Đục trong phú chẳng thua bần,
Gặp phong trần cũng phong trần như nhau.”(11)
LTT
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 10 tháng 12 năm 2011
Cước chú:
7/ Theo “Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam” (sđd ở cước chú 1).
8/ Thơ Huy Cận, theo cuốn Du ký và Biên khảo “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” của Nguyễn Hiến Lê, loại sách Học Làm Người xuất bản, năm 1954, trang 93.
9/Trích bài Lục Bình của Nguyễn Ngọc Tư trong tập “Sống Chậm Thơi @” của Nguyễn Ngọc Tư & Lê Thiếu Nhơn, nhà xuất bản Thanh Niên, năm 2006, trang 5.
10/ Nhạc phẩm “Hoa Tím Lục Bình” do nhạc sĩ Lý Dũng Liêm quê Rạch Giá sáng tác, nhờ sự chép lại theo trí nhớ của thi sĩ Ngu Yên.
11/ Thơ của Quách Tấn, trích trong “Những Bức Thư Đầm Ấm”, do nhà xuất bản Tổng Hợp Tp. HCM xuất bản, năm 2010, trang 162, lá thư gởi Nguyễn Hiến Lê đề ngày 10-6-1978.