Trường đại học Cần Thơ đã tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (31/3/1966 – 31/3/2011). Đã ba mươi mấy năm qua rồi, vật đổi sao dời, có người còn sống đây, có người đã đi vào cõi vĩnh hằng…, nhà trường mới chợt nhớ ra ngày thành lập, tuy đã muộn màng, nhưng có vẫn còn hơn không.
Buổi lễ được tổ chức long trọng ở hội trường Rùa là hội trường trung tâm của đại học Cần Thơ được thiết kế và xây dựng trước 1975 nhưng sau 1975 mới hoàn thành.
Những người đi dự ăn mặc quần áo đẹp, vui vẻ, phấn khởi (nói theo ngôn từ ở trong nước). Khách mời thì nhiều, nhưng những người cần có mặt thì không thấy. Như giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã chết trong trại cải tạo tại miền Bắc thì không được ai nói đến, còn giáo sư Phạm Hoàng Hộ cũng không thấy dự lễ. Các vị này trước năm 75 là hai Viện trưởng của Viện đại học Cần Thơ.
Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Duy Xuân
Các hiệu trưởng trường đại học Cần Thơ sau 1975 lần lượt lên sân khấu để được tặng kỷ niệm chương và một cành hoa hồng, gồm có: phó giáo sư Lê Quang Minh, giáo sư Võ Tòng Xuân, giáo sư Trần Thượng Tuấn, còn ba người nữa thì tôi không biết rõ. Giáo sư Trần Phước Đường không đến dự. Thầy là một trong những Viện trưởng của trường sau 1975 và duy nhất không phải là đảng viên. Các hiệu trưởng của trường đều được Bộ cử và đều là đảng viên, riêng thầy Đường là do các quan chức trong trường chọn lựa qua bầu cử. Và từ đó đến nay không thấy có bầu cử chức vụ cao nhất của trường này, chắc sợ bị lặp lại lần nữa chuyện hiệu trưởng là người ngoài đảng.
Trong bài diễn văn chào mừng quan khách đến dự lễ kỷ niệm thành lập trường, không thấy nhắc đến những người tiền nhiệm, những người đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng nên ngôi trường này. Họ nói nhiều và rất nhiều về thành tựu của trường đạt được sau 1975, nhưng đã không dám nhắc đến hai vị Viện trưởng trước 1975. Làm sao dám nói vì một trong hai vị đó đã chết vì bệnh tật đói khổ trong lao tù cải tạo sau 1975.
Tôi thật sự mong mỏi Việt Nam phải có một ngày kỷ niệm để chúng ta và con cháu biết đến những người bị cải tạo thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chết trong tù, một vết nhơ trong lịch sử mà đảng cộng sản VN đã tạo ra.
Tôi cảm thấy hụt hẫng và buồn tê tái cho buổi lễ này. Bài diễn văn sẽ hay hơn, chân thật hơn nếu nói về lịch sử xây dựng viện đại học Cần Thơ của những người tâm huyết đối với Cần Thơ dù là người của chế độ VNCH. Họ rất xứng đáng được sự tôn trọng và biết ơn của mỗi chúng ta, những con người đã và đang học hay làm việc tại trường.
Đó là nền tảng đạo lý uống nước nhớ nguồn của ông cha ta. Trường đại học là nơi giáo dục con người mà lại quên đạo lý này thì ôi thôi sự học ngày nay đã hỏng thật rồi.
Chỉ trong hội trường nằm trên lầu của thư viện trong khoa Nông Nghiệp là có treo hình của hai vị Viện trưởng trước 75 chung với hình những hiệu trưởng sau này của trường. Nhưng hình thầy Nguyễn Duy Xuân, người bị chết trong tù cải tạo, thì không ghi tiểu sử.
Ngày 1 tháng 8 năm 2011 là ngày họp mặt đầu niên khoá của thầy cô và viên chức của trường. Tôi đã đến trước tấm hình của thầy Viện trưởng Nguyễn Duy Xuân và khẽ kính cẩn cúi chào ông sau đó mới vào tìm chỗ ngồi.
Buôi hội họp gồm nhiều đề tài trong đó có Hoàng sa Trường sa. Đây là đề tài mà mọi người chờ đợi, do một viên chức Hải quân được mời tới nói, nhưng ông đã làm mọi người thất vọng vì không dám đụng chạm gì tới Trung Quốc.
Ông nói với giọng nhẹ nhàng là chúng ta sẽ đàm phán trong hòa bình, và không hề nhắc đến những ngư dân đánh bắt cá đã bị bọn Tàu bắn giết, đánh đập tàn nhẫn, những người đàn ông đi biển không về, gia đình đói khổ.
Đạo lý uống nước nhớ nguồn không có, hun đúc một tình yêu nước cho thế hệ trẻ cũng không. Tôi thất vọng.
Cả hội trường giải tán, tôi lại bước đến chào thầy, chào tấm hình của thầy thì đúng hơn và ra về.
Tôi học ở trường, rồi làm ở trường. Nơi đây mấy chục năm trước thầy đã có mặt với chức vụ Viện Trưởng. Hôm nay thầy vẫn có mặt và tôi nghĩ rằng thầy không bao giờ rời bỏ trường cho dù ông đã không còn nữa trên cõi đời này.
Kim Diệu