Menu Close

Cùng nhìn về để yêu thương

Đi qua từng kỷ nguyên của các thời đại, ngôi nhà chung của nhân loại theo đồ hình Parabol đã thăng tiến và phát triển tốt đẹp. Thế giới tự hào vì những thành tựu tuyệt vời về an sinh xã hội, về khoa học-kỹ thuật-công nghệ-thông tin-văn học đã giúp con người vừa thoải mái tinh thần, vừa có đời sống vật chất sung túc. Những tiện nghi gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy vi tính.v.v..; những tiện nghi vận chuyển như  máy bay,

tàu thuyền, xe lửa tốc hành, xe điện, xe hơi .v.v..;  và bây giờ là thời đại thông tin trên thế giới ảo với những link truyền tin nhanh bằng (hay hơn) tia chớp, dường như đã đủ làm thỏa mãn ước mơ  hưởng thụ đời sống của mọi người. Nhưng hình như người ta vẫn hay buồn, vẫn thấy một thoáng gió vào làm mắt cay. Tại sao? Xin thưa: Chỉ vì công nghệ thông tin của phố ảo vô cùng nhạy bén, và rất nhanh, trong tích tắc có thể vẽ trước mắt người ta những cảnh đời cùng khốn, những quốc gia rất đói nghèo, những nơi mà các tiện nghi tối thiểu như điện-nước có nằm mơ cũng không thấy. Và người ta đã buồn khi nhìn thấu sự đói nghèo của những người thiếu may mắn này.

Edward Tick, giám đốc của tổ chức “Trái Tim Nhân Ái” (“Soldier’s Heart”) (X)
Đối với người Việt ở hải ngoại, những người thiếu may mắn ấy chính là thân quyến, chính là hàng xóm láng giềng, là người cùng quê quán với họ. Nên đã ba mươi sáu năm trôi qua, người Việt ở khắp nơi trên thế giới vẫn thấy không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà, nhất là khi căn nhà ấy đã giậu đổ bìm leo, tường xiêu mái dột. Hoặc do cá nhân, hoặc do vài người họp lại nên đã có nhiều tổ chức thiện nguyện của người Việt ở hải ngoại, cụ thể là ở Hoa Kỳ, với mục đích góp gió thành bão, lá lành đùm lá rách, để giúp đỡ người thân và người dân có chung cội nguồn lịch sử Hồng Bàng. Như châu về hợp phố, các cá nhân và các đoàn thể của người Việt ở Mỹ về-đi -đi-về Việt Nam như con thoi, để trao tặng hay chia sẻ phần quà thiết thực cho những người bất hạnh.

Nhằm mục đích khám bệnh, điều trị, giúp đỡ bệnh nhân khốn khổ, một nhóm bác sĩ, dược sĩ  ở Huế và những người Huế định cư tại Hoa Kỳ đã thành lập hội “Thiện Nguyện Nước Ngọt Huế.” Thật âm thầm, nhóm đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của xứ Huế, để giúp dân nghèo đói có cơm đau có thuốc. Ngân quỹ của nhóm do những người còn ở cố đô, và những người con viễn xứ của đất thần kinh tự nguyện đóng góp. Nhóm “Thiện Nguyện Nước Ngọt Huế” là một trong số những nhóm thiện nguyện, mà người Việt ở hải ngoại và người Việt trong nước đã, đang và vẫn còn đồng lòng chung sức thực hiện.

Nếu cho rằng thế hệ cha anh của người Việt ở hải ngoại vì nặng lòng với quê hương, với bà con nên mới nhớ nước thương nhà. Vậy ta sẽ nghĩ sao đây khi nhìn thấy sinh viên học sinh người Mỹ gốc Việt trong tổ chức phi lợi nhuận “Hope for Tomorrow- Hy Vọng cho Ngày Mai.” Những thanh niên thanh nữ  này đa số được sinh ra ở Mỹ, có người nói tiếng Việt lưu loát, có người nói tiếng Việt ngọng nghịu, nhưng tất cả đều một lòng yêu thương những người Việt kém may mắn ở bên kia nửa vòng quay trái đất. “Hope for Tomorrow” thường xuyên tổ chức những chuyến đi nhân đạo để chăm sóc y tế, để giúp đỡ kinh tế cho người nghèo không chỉ ở Việt Nam, mà ở cả những đất nước đói kém khác trên thế giới. Tình nguyện viên đều là giới trí thức trẻ người Mỹ gốc Việt.  Xem ra lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp dành cho cố quốc không chỉ  là “priority” của quý phụ huynh, những bậc trưởng thượng có nhiều ân tình với nhà với nước, mà còn là tâm tình hiến dâng của giới trẻ Việt sinh trưởng trên xứ Mỹ. Những người trẻ này tuy vừa sinh ra đã quen với mùi vị của hambuger, không những không thấy khó chịu khi nghe mùi mắm kho quẹt rất đậm đà của quê mẹ, mà còn trở về để xót xa nhìn thấy dân trong nước đã ăn chén cơm chan nước mắt như thế nào.

Cũng không chỉ người Mỹ gốc Việt mới thương yêu người dân trong nước, mà cả những công dân Mỹ như bác sĩ tâm lý Edward Tick, giám đốc của tổ chức “Trái Tim Nhân Ái” (“Soldier’s Heart”) cũng thường xuyên về Việt Nam làm từ thiện. Đến Việt Nam từ những năm 1970, khi còn là sinh viên đại học, ông Tick biết rõ cuộc đời một nắng hai sương của những người Việt nghèo khổ, sống chui rúc trong căn nhà ọp ẹp bên bờ những con kênh nước đen đặc đầy rác rưởi. Chứng kiến sự tổn thất không gì bù đắp được ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30-04-1975 , ông Edward Tick đã chọn mảnh đất này để trao gửi tấm lòng vàng của tổ chức “Trái Tim Nhân Ái. Soldier’s Heart”

Có một điều ai cũng biết: Chiến hạm Hoa Kỳ USS Peleliu đã ghé cảng Đà Nẵng để khám bệnh, săn sóc sức khỏe, giải phẫu miễn phí cho bệnh nhân Việt Nam. USS Peleliu với thủy thủ đoàn gồm 1,200 người và 300 chuyên viên y tế đã thực hiện 160 ca phẫu thuật trong hai phòng mổ ở trên tàu, đã chăm sóc và giúp đỡ những bệnh nhân cùng khốn của đất nước Việt Nam. Thành viên của phái đoàn y tế ngoại quốc này đa số là công dân Hoa Kỳ, đã vượt  muôn trùng hải lý, đem nghiệp vụ và lòng nhân ái chẩn đoán, chữa lành những thương tật cho người bất hạnh tại các quốc gia nghèo đói.  Họ đã ghé đến Việt Nam, vì cố hương của chúng ta, của những người Việt ở hải ngoại, thật sự là một nước đói nghèo.

Những người có trái tim nhân ái, có tâm hồn yêu thích điều thiện hảo, không chọn một nơi nào đó để gieo trồng niềm vui và hạnh phúc cho những người kém may mắn. Họ đi khắp trái đất, trao tặng tất cả những gì có thể trao tặng, vì lòng họ tha thiết muốn xây dựng một thế giới trong đó tất cả các trẻ em đều được đi học, tất cả những người lớn đều có việc làm, mọi người đều được cơm no áo ấm, khi đau ốm được chữa trị và săn sóc đúng tiêu chuẩn y tế.  Và nếu những tâm hồn cao thượng của thế giới nói chung của Hoa Kỳ nói riêng, còn tha thiết yêu thương người dân Việt, thì phải chăng chúng ta  nên tự hào khi thấy người Mỹ gốc Việt, trong đó đa số là giới trẻ, đã đang cùng nhìn về quê hương để yêu thương, để trái tim hát lên tình điệu thương người như thể thương thân.

AN HÒA