Menu Close

Làm việc thiện

Thật khó có thể nói mình tôn trọng yêu thương người khác, nếu người ta không biết tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình. Thật khó nhận biết cội rễ của suối nguồn tình yêu, nếu người ta không được nuôi dưỡng trong tình cha lòng mẹ. Và tình yêu gia đình là gạch nối để người ta lưu luyến quê hương khi đã đi xa. Cũng giống như vậy, sự thương người như thể thương thân không thể có, nếu người ta không biết thế nào là lòng yêu nước. “Tâm Hồn Cao Thượng” của thầy giáo Hà Mai Anh, chương thứ hai mươi tám viết về “Lòng Ái Quốc” như sau:

Ủy ban cứu trợ DFW làm thủ tục giúp đỡ nạn nhân bão Katrina


“…Bây giờ con còn bé, con chưa hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi con du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng dựa bao lơn tàu, con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy giòng lệ cảm ở lòng con dâng lên, và miệng con vuột ra những tiếng kêu mừng rỡ.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài, chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục, tự nhiên con đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy.” 

Chính vì thế, ta đi ta nhớ quê nhà nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương là điều hiển nhiên. (Không nhớ hay chê trách những người thương nhớ cội nguồn mới là lạ!) Lòng yêu nước khởi từ công cha nghĩa mẹ khiến người ta thấy nhói đau khi hàng năm lũ lụt làm cho dân miền Trung đói rách càng thêm đói rách, khiến người ta đi xe Mercedes, ở villa vẫn không thể an tâm nếu như không gửi quà, cụ thể là đồng mỹ kim, về giúp đỡ những người thân còn ở lại. Bởi vì cho dẫu đã là American citizen, đã có tên tiếng Mỹ hách-xì-xằng là Lady Beatrice, là Sir  Danny, nói tiếng Anh… như Mỹ, người ta vẫn  ăn nước mắm, vẫn thấy băng nhạc “Paris by Night”  hay “Asia” tuyệt vời, dù ở xứ này Lady Gaga hay Britney, hay Michael Jackson (cho dẫu đã quá cố) mới thật là huyền thoại.

Tình cha lòng mẹ là gạch nối xây dựng nghĩa đồng bào. Người ta không ngại bị ngộ nhận hay khoác cho cái mác chính trị nào đó, khi gửi hàng ngàn thậm chí hàng vạn  mỹ kim về cố quốc, để – trước hết – thay đổi đời sống khó khăn của gia đình, và – sau đó – góp phần cải thiện cảnh ngộ cùng khốn của người dân trong nước. Thiết tưởng đây là việc làm đáng trân trọng, vì phù hợp với nguồn gốc đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” “tiên học lễ hậu học văn” của người Việt chính thống.

Phải từ bỏ quê hương, nhận đất nước tạm dung làm quê hương thứ hai, được chính phủ và cư dân Hoa Kỳ trợ giúp, tạo điều kiện sinh sống tốt đẹp, người Mỹ gốc Việt cũng chứng tỏ mình không phải là kẻ ăn cháo đá bát.  Có biết bao nhiêu người Mỹ gốc Việt đã, đang làm việc trong những văn phòng của chính phủ liên bang và tiểu bang, đã là nhân sĩ, là dân biểu, là quân nhân, là cảnh sát, thậm chí là tử sĩ của đất nước Hoa Kỳ.  Những phong trào Youth Movement của tổng hội sinh viên học sinh trên khắp các trường Trung Học-Đại Học Hoa Kỳ, chứng tỏ cho người bản xứ thấy nhiệt tình xây dựng xã hội của thanh thiếu niên Mỹ gốc Việt. Những người tỵ nạn thuở xưa giờ đã đi làm, có người là chủ nhân của những nhà hàng, những bệnh viện, những hãng xưởng to lớn, hàng năm đóng vào công quỹ số tiền thuế đáng kể. Người Mỹ gốc Việt không ngần ngại tham gia những chương trình cứu trợ khi ở đâu đó trên xứ Mỹ có thiên tai, hỏa hoạn, hay có những biến cố chính trị đau buồn như ngày 11-09-2001, như cơn bão Ike tràn vào Texas ngày 13-09-2008 khiến cho bao nhiêu người chịu cảnh màn trời chiếu đất, khiến thành phố  duyên hải Galveston bị hoang tàn, đổ nát. Không nói ra nhưng ai cũng biết: Người Mỹ gốc Việt đã lạc quyên không ít, trong việc cứu trợ cho những thảm họa này.
Nếu sự thành tựu của một cá nhân được xem là đóng góp đáng kể cho việc xây dựng xã hội, thì thành tựu của Những Người Việt Ưu Tú tại Hoa Kỳ, phải chăng là bằng chứng cho thấy họ không phải là người khách trọ vô tình. Những gương mặt quen thuộc như: Bà Dương Nguyệt Ánh, người chế tạo ra loại bom BLU-118/ B, người đã tự hứa với bản thân sẽ chiến đấu bảo vệ quốc gia Hoa Kỳ, nơi đón  nhận gia đình bà đến tỵ nạn. Nguyễn Tống Mỹ Linh, nữ sinh viên môn Sinh Hóa của đại học Virginia, năm 2006 mới 20 tuổi đã vinh dự nhận học bổng Barry Goldwater. Vũ Nguyễn Hà Anh đoạt giải nhất trong cuộc thi  thời trang, do hai công ty thời trang nổi tiếng của thế giới là Glamour Fair và A La Carte tổ chức năm 2006. Chloe Đào, tên tiếng Việt là Đào Thị Mộng Tuyết, không chỉ là người tạo mẫu nổi tiếng của Hoa Kỳ, mà còn là người tạo mẫu lừng danh trên thế giới, khi tuổi đời còn rất trẻ, và cũng là người tỵ nạn đã-đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Feedback về thành tựu cá nhân của những người Mỹ gốc Việt kể trên, phải chăng chính là điều thiện hảo tốt đẹp nhất trong các điều thiện hảo, mà người ta phải nể trọng mỗi khi nhắc đến.

Và còn rất nhiều những thành tựu xuất chúng khác, mà trong khuôn khổ một bài chia sẻ về việc làm từ thiện, không thể kể ra hết.Thế nào là việc thiện là nghĩa cử? Có phải cứ đăng hình trên báo bên cạnh những con số hàng ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí hàng triệu mỹ kim …nhìn đến chóng mặt, mới có thể gọi là nhà từ thiện? Có lẽ chẳng ai ngây ngô đến độ nghĩ như vậy. Hàng ngày hàng tuần trên đường phố Los Angeles, cụ thể là ngay trên đường phố Compton, nơi nổi tiếng vì có nhiều băng đảng tội phạm giết người, những thanh niên thiếu nữ của nhóm Chí Nguyện người Mỹ gốc Việt thinh lặng đi phân phát phần ăn trưa, mền gối, quần áo cho rất nhiều người bụi đời. Những người bụi đời này là công dân Mỹ gốc Mỹ thuộc đủ mọi thành phần, đủ mọi sắc dân, đã bỏ nhà hay bỏ những nơi cư trú do các cơ quan thiện nguyện chu cấp, để sống bờ sống bụi. Họ trú ẩn trong những đường cống trên thành phố Los, lang thang và đói rách. Cảnh sát và người bản xứ  rất e ngại, khi đối diện với những kẻ túng cùng liều thân này. Nhưng nhóm thanh niên Chí Nguyện người Mỹ gốc Việt thì không. Họ đến, chia sẻ và giúp đỡ chân thành. Việc làm này phải chăng cũng là góp bàn tay xây dựng cho Mỹ Quốc, đất nước đã cưu mang gia đình và bản thân của nhóm Chí Nguyện?

Đánh giá bất cứ một vấn đề gì, thiết tưởng không nên nhìn phiến diện. Đừng thấy người Mỹ gốc Việt gửi tiền về cứu giúp gia đình cứu giúp quê hương, mà nghĩ rằng họ quên mất mảnh đất đang dưỡng nuôi họ. Bởi vì đạo đức là hành vi tái hồi; người ta không thể nói yêu thương bất cứ ai khác, nếu như họ để cho cha mẹ của họ chết đói, để cho anh em của họ rách rưới, để cho đồng bào của họ không có chỗ dung thân. Đạo đức cũng không phân biệt chính kiến, tôn giáo, sắc tộc, hay quan điểm. Đạo đức là chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa thiện hảo, để từ đó những việc làm được xem là điều thiện như hạt lúa vàng nặng trĩu, tỏa hương thơm ngát trên những cánh đồng quê hương.

 


LÃNG TỬ