Thông thường ai cũng thấy bức chân dung của mình là đẹp nhất; câu nói của mình là hay nhất; suy nghĩ của mình là đúng nhất… nếu không, người ta không khoe ai tấm ảnh mới nhất; nói câu vừa nghĩ ra; thực hiện ý nghĩ vừa quyết định… Nhưng tôi lọt hố quá sâu! Hôm đó, tôi đi ăn với mấy người bạn. Bàn bên cạnh là một gia đình ồn ào không tưởng tượng nổi… ba đứa bé dưới 10 tuổi liên tục cãi nhau oang oang và quậy phá tưng bừng trong lúc đợi nhà hàng dọn thức ăn ra. Điều nổi bật nhất mà tôi nhớ hoài là tiếng người mẹ rầy la chúng còn lớn hơn tiếng bọn trẻ, “ngồi yên coi!” ; “má đánh bây giờ!” ; “con quỷ này… trả lại cho em!” ; “thằng mắc dịch này… ở nhà không khóc cho đã nư mày đi. Hễ đi đâu là khóc… như ông nội mày chết!”
Tranh : BẢO HUÂN
… Xoảng. Một cái muỗng bằng sứ rớt xuống đất. Người mẹ phát vào mông thằng con trai lớn. Nó với em trai út khóc la tưng bừng. Con bé giữa hai anh em trai – đánh đổ ly nước đá lạnh lớn ra bàn. Nước chảy lênh láng dưới đất…
Ba nó. “(Chửi thề) cái đám chó đẻ này, dẫn đi đâu, mất mặt tới đó.”
Mẹ bọn trẻ: “(lườm, nguýt…) Không có chó đực thì chó cái sao đẻ được!”
Cả nhà hàng cùng bực mình vì sự ồn ào của gia đình này; sự bực tức nhanh chóng chuyển qua cười. Nhất là bàn của tôi; cuời hô hố, cười thoải mái mỗi khi bên kia có người hét lên. Bao ánh mắt dồn vào gánh xiếc lưu động hơn là một gia đình. Chỉ thấy một đôi vợ chồng người Mỹ trong góc nhà hàng lặng lẽ ra đi; những ánh mắt đồng hương nhìn theo đôi vợ chồng Mỹ, rồi buông ánh mắt trách cứ gia đình nọ… về phía vách tường; những người phục vụ ở nhà hàng thì thở dài… vô vách tường trong khi tay thì dọn dẹp…
Chúng tôi ngồi đợi thức ăn nên rảnh rang bàn tán, một người nói: Cái gia đình này không tốn tiền mua máy nhạc, tivi… (Cả bàn tôi cười ồ lên với ý nghĩ khôi hài của một người bạn). Người bạn khác lại hỏi: “Ai có số điện thoại của Trung tâm Vân Sơn, cho tôi xin…” Cả bàn chúng tôi lại cười ồ lên… Một người bạn khác nữa, tiếp hơi vô trận cười sảng khoái… “Bà này không đọc báo, bây giờ người ta thụ tinh nhân tạo dễ như ăn cơm, không có chó đực thì chó cái vẫn sanh đôi, sanh tư, sáu, tám, mười… được như thường.”
Tiếng cười bên bàn tôi chỉ lắng xuống khi tiếng muỗng nĩa khua vang, thức ăn đã được dọn ra đầy bàn… Bàn của gia đình nọ càng ồn khi thức ăn được mang tới, vì 3 đứa trẻ đòi đủ thứ cho mình. Người cha không can thiệp gì hơn là chăm chú giải quyết tô bún gì đó của ông, rất lớn. Người mẹ vô phương với 3 con quỷ nhỏ; tiếng khóc la và nạt nộ lên tới cao điểm; kết thúc bằng một tiếng đá ghế. – của người đàn ông ngồi bàn xa xa… Ông ấy nóng giận vứt mấy tờ hai chục xuống bàn – trong khi 2 tô gì đó của hai ông bà không quá hai chục. Hai ông bà người Việt đi ra khỏi nhà hàng – trong ngỡ ngàng của đồng hương còn lại. Tôi tính trong bụng là toàn thể nhân viên nhà hàng đang có mặt chỉ là những người làm công; chứ nếu có chủ nhà hàng ở đây thì vị chủ đã can thiệp.
Ồ, thằng bé lớn đã yên phận một góc bàn với dĩa cơm sườn thật bự; nhưng nó bỗng khóc thét lên vì tự phục vụ cho mình một muỗng ớt xay đỏ ối, bàn bên tôi lại cười ồ lên – thương xót, tội nghiệp thằng nhỏ mập ù.
Có hai ông bà già nọ đang ăn, nhưng họ ngưng đũa. Bà sang bàn gia đình nọ để giúp người mẹ vô phương kia – ổn định trật tự cho 2 đứa nhỏ khóc la vì mẹ nó đang cấp cứu thằng lớn ăn ớt xay. Ông già, lượn qua bàn tôi trước khi đến giúp vợ một tay. Ông đi qua rồi, nhưng lời ông còn rớt lại trên bàn chúng tôi: “Có gì vui mà các anh cười nghiêng ngả thế!”
Ông đến xin lỗi và xin phép người cha của bọn trẻ để được giúp chúng ăn cho xong. Chắc khác với cơm nhà nên trẻ con quậy dữ vì thấy món nào cũng hấp dẫn. Người cha bọn trẻ hét lên cho chúng trật tự lại được một giây; những đứa trẻ vô phương lại làm phiền mẹ chúng… Hình như ông bà già bỏ dở bữa ăn để giúp họ nhưng không trọn vẹn nên mất hứng ăn tiếp, ông vô trả tiền rồi bảo vợ, về.
Giá chúng tôi ra về trước ông một bước thì không nhức nhối với lời trách nhẹ nhàng của ông mà sao cứ ở mãi trong lòng, ông nói: “Hai vợ chồng người Mỹ nọ bất mãn các anh cười to quá trong nhà hàng mà họ bỏ về; chứ không phải đám trẻ này đâu! Trẻ con nào không ồn.”
Thì ra, ai cũng thấy bức chân dung của mình là đẹp nhất; câu nói của mình là hay nhất; suy nghĩ của mình là đúng nhất… nếu không, người ta không khoe ai tấm ảnh mới nhất; nói câu vừa nghĩ ra; thực hiện ý nghĩ vừa quyết định… Người ta thấy hết mọi tấm lưng. Trừ lưng mình.
Độc giả