Menu Close

Mùa câu cá & giăng câu – Kỳ 1

Nhắc đến mùa câu cá là nhắc cái tổng quát như vậy, nhưng từ xa xưa cho tới ngày nay việc câu cá là một công việc vừa giản dị mà cũng vừa phức tạp. Nó giản dị vì khi mình nói tới việc câu cá người ta thường chỉ nghĩ đến lưỡi câu và mồi;

nhưng nó phức tạp vì không phải loài cá nào cũng giống như loài cá nào. Do vậy, nói tới mùa câu cá là nói cái nét riêng của từng loại câu, từng thời điểm và từng loài cá mà dân quê ngày xưa đã từng áp dụng vào các cách câu cá qua mấy mươi năm dày dạn kiếm tìm và tạo thành những cách câu cá sao cho thích ứng với những mùa màng nơi các sông rạch ruộng nương của vùng đất đầy sông rạch thuộc miền Tây Nam Phần của mình.

Trước nhất, vào Tháng Tư, khi trời mưa già, nước bùn trên các con đường quê chảy xuống sông rạch làm nước sông các nơi ngầu đục là cá chốt giấy trong các dòng sông bắt đầu thè lè những cặp trứng chuẩn bị một mùa lên đồng để tìm chỗ đẻ. Vào mùa này, dân quê có người câu cá chốt giấy, cá chốt trâu, cá chốt chuột bằng cần câu với mồi dế cơm, dế nhủi là chính, nhưng cũng có người còn câu cá chốt bằng mồi trứng kiến vàng.

Vào những ngày mưa, kiến vàng thường làm ổ trên các loại cây như xoài, gáo, bằng lăng, bần để chun vô ổ đẻ trứng và trốn mưa. Dân quê mới dùng cây sào thật dài, rồi buộc cái vợt làm bằng vải mùng hay cái thúng dê ở đầu cây sào và rồi trèo lên các loại cây có ổ kiến vàng mà phá ổ chúng cho trứng rớt ra và lấy trứng này làm mồi câu cá chốt.

Thường thường, dân quê câu cá chốt bằng cần câu làm bằng ngọn trúc; nhưng cũng có người không câu bằng cần câu mà họ câu cá chốt bằng câu quăng. Người ta tóm những lưỡi câu cách nhau cỡ tám tấc một lưỡi vào giường câu dài cỡ ba, bốn chục thước.  Đầu giường câu kia có buộc một cây sắt hay một cục đá với mục đích khi mình quăng câu, cục đá sẽ kéo luồng câu thẳng ra và chìm xuống nước theo lòng rạch.

Sau khi móc mồi và khoanh tròn luồng câu vào cái sề sao cho các lưỡi câu không bị rối với nhau, rồi người ta mới đứng nơi đầu cầu các bến sông và cầm cục đá mà quăng giường câu ra giữa sông. Khi quăng câu như vậy rồi, người ta buộc đầu giường câu còn lại vào cái sào dài và cắm xuống nước cho luồng câu chìm sát lòng rạch và ngồi chờ cá ăn mồi. Khoảng chừng hút tàn điếu thuốc là bắt đầu nhổ cây sào lên và phăng giường câu vào bờ để gỡ cá.

Còn nếu ai có xuồng, người ta không quăng câu như vậy mà họ bơi xuồng thả câu sau khi móc mồi như câu quăng. Bơi xuồng thả câu có cái tiện là câu ít bị rối, mình có thể thả nhiều luồng câu và công việc mau lẹ, ít trở ngại.

Thường thường những năm 40, 50 các sông rạch miệt Long Xuyên, Châu Đốc cá chốt giấy, cá chốt trâu, cá chốt chuột nhiều lắm, và con nào con nấy vào mùa này chúng mập dữ lắm; mà nhứt là cá chốt giấy có con bằng ngón chưn cái. Mỗi ngày, người ta thả câu lúc nước đứng lớn hoặc đứng ròng. Nước chảy yếu thì cá dạn ăn, và giường câu cũng ít bị đứt.  Hồi đó, cứ quăng câu cá chốt cách này, mỗi ngày dân ruộng quăng vài ba giác là đủ cá ăn một ngày. Loại cá chốt giấy kho tiêu bỏ thêm tóp mỡ thì ngon hết biết.

Dường như trẻ nhỏ ở nhà quê, hồi thời xa xưa ấy, đứa nào cũng mê mùa quăng câu cá chốt.  Và ai đã từng sống ở nhà quê và được cha mẹ cho đi học trường làng cũng đều mê mùa câu quăng này, và thường bị người lớn rầy là tối ngày cứ mê giăng câu, hổng lo học hành gì ráo. Rầy thì rầy vậy, nhưng rồi cũng lén lén kiếm mồi và quăng câu cá chốt, không bỏ được cái tật mê câu, mê cá.

Vào mùa nước tháng năm, tháng sáu, nước dưới sông đục ngừ, bọn trẻ nhỏ nhà quê cũng thích cắm câu xúc tép. Nói là cắm câu, thật ra sắp nhỏ chỉ lấy nhánh trúc dài cỡ tám tấc rồi buộc sợi dây bố vào với miếng mồi trùn buộc lòng thòng đầu kia nhợ câu. Thế là khi nước lớn, cứ mon men theo mé sông, mé rạch mà cắm mấy chục cần câu không lưỡi này và cầm cái rổ đi lòng vòng theo mấy cần câu cắm này, hễ thấy nhợ câu nào lay động thì đưa cái rổ nhẹ xuống và xúc lên thật nhanh, thế nào cũng được vài con tép rong, tép đất, tép bạc đang ngậm mồi. Cách cắm câu bắt tép không có lưỡi câu này, thường trẻ nhỏ thích lắm, người lớn ít ai làm vì bận phải lo những mùa câu khác bắt cá nhiều hơn.

Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ và bò lần vô mé vườn, tràn qua đám nưa, ngập theo các vồng mía làm cho trùn trong những vồng mía cao này bắt đầu di chuyển lên gò cao.  Theo lệ thường, nước bò tới đâu cá tép lội theo tới đó mà dân quê thường nói với nhau “ở đâu có nước là có cá”. Do cá biết mấy chỗ cao ráo nước tràn này có trùn và chúng mon men theo các vồng mía, vồng khoai, vồng nưa ăn mồi trùn. Vì quan sát thấy cá quậy ăn mồi theo những vồng mía lấp ló nước, dân quê mới sắm câu cắm mà cắm dọc theo mấy chỗ cá ưa quậy ăn mồi này. Thường thường cá ăn câu qua mấy luồng câu cắm này là cá trê trắng, cá trê vàng, cá chạch, cá lóc, cá chốt, nhưng cá bắt được thường là cá còn nhỏ, còn cá lớn thì không vô cạn kiếm mồi như vậy.

pic

Giăng câu mùa nước nổi

Có người không cắm câu theo các vồng mía hoặc các bụi nưa ngập nước mà giăng câu từng luồng, mỗi luồng khoảng năm mười lưỡi câu tóm vào giường câu cách nhau cỡ một thước một lưỡi hoặc gần hơn một chút, nhưng đừng tóm hai lưỡi câu gần quá vì tóm câu gần, khi luỡi này dính cá thì hai lưỡi câu gần hai bên cá không dám lại ăn câu.

Mồi cắm câu hoặc mồi câu giăng theo các vạt đất gò vào mùa nước mới bò vô vườn này thường là mồi trùn vì lúc này cá lóc, cá trê vô đất gò kiếm mồi là chúng kiếm mồi trùn. Vả lại, mùa này trùn dồn lên gò nên cũng dễ đào. Hai loại trùn mà cá ưa nhứt đó là trùn hổ và trùn huyết. Trùn cơm chúng cũng thích nhưng hổng bằng hai loại trùn kia; thêm nữa, trùn cơm không dai bằng nên bị cá rỉa mau hao mồi.

Vào tháng 8, nước trên đồng nhiều rồi, dân quê mới thực sự bắt tay vào mùa giăng câu bắt cá lóc, cá trê trên những cánh đồng lúa mùa. Vào mùa này, vì đồng lớn, nước sâu, nên ít ai cắm câu bằng những cần câu cắm.  Ngày xa xưa ấy người ta giăng câu những luồng rất dài băng qua nhiều vạt đất với lung vũng đìa bàu đầy cá là cá. Những loại lưỡi câu dùng cho mùa giăng câu này tùy theo mình muốn bắt loại cá gì. Với cá lóc, người ta ưa dùng lưỡi câu đúc; với cá trê, người ta dùng lưỡi câu dấu ó; với cá thác lác, cá trèn người ta dùng lưỡi câu dấu ó có vọng câu nhỏ hơn cá trê.

Những người giăng câu chuyên nghiệp vào mùa này người nào cũng sắm năm bảy trăm câu, có khi nhiều đến cả vài thiên câu là thường. Người giăng câu gần thì chiều chống xuồng ra đồng bủa câu, móc mồi rồi cắm xuồng ngủ chờ thăm câu giác nhứt, móc mồi lại và chờ chùa công phu hiệp nhứt là cuốn câu gỡ cá và chống xuồng về nhà.

Người giăng câu xa thì cụ bị cà rèm, gạo thóc, nồi niêu, củi đuốc, mắm muối, cà ràng, đèn dầu, mồi câu cho chuyến giăng câu một tuần hoặc mười ngày mới về một lần. Riêng mồi câu họ cũng dự trù cho đủ số ngày ở trên đồng giăng câu.  Khi ở trên đồng như miệt Bình Di, Bắc Nam, miệt Luỳnh Quỳnh, miệt Tám Ngàn, miệt Đồng Tháp Mười…, họ ngày cắm xuồng ngủ, chiều bủa câu, tối thăm một giác và thay mồi, sáng cuốn câu và gỡ cá giăng được, nếu sống thì rộng trong xuồng, nếu cá ngột thì xẻ cá muối làm khô, làm mắm.  Nếu cá dính câu nhiều quá thì có xuồng ghe tới mua, thuận đâu bán đó cho nhẹ xuồng.  Nhưng ngày trước, thường thường người ta rộng cá và bơi xuồng về nhà sau mỗi chuyến giăng câu lâu như vậy, ít ai bán cá sống, trừ khi cá dính nhiều không còn chỗ để chứa cá mới bán. Cá giăng câu mùa này thường là cá lóc, cá trê trắng, cá trê vàng.

Giăng câu những đồng lớn vào mùa nước ngập lụt lút đầu lút cổ này, thường hai ba xuồng giăng chung một cánh đồng và tìm chỗ đâu xuồng chung với nhau để khi cần giúp đỡ nhau những khi có dông mưa hoặc khi cần tiếp giúp. Có điều cần lưu ý, kẻo nguy hiểm là trong những bó củi, bó lá dừa để sau lái hoặc chót mũi xuồng, rắn hổ đất gặp nước lội lêu bêu không chỗ dựa, chúng thường tấp vô xuồng và trốn trong mấy chỗ để củi và lá dừa này. Người nào giăng câu xa vào mùa này đều phải cẩn thận khi lấy củi và luôn luôn có mang theo cục mật hội để phòng khi bị rắn chạm thì có cái để rút nọc độc cứu nguy lúc hiểm nghèo giữa đồng nước bao la mông quạnh này.

(Còn tiếp)