Nơi miền quê miệt Long Xuyên- Châu Đốc có các kinh rạch như con sông chảy vô Núi Sập, Ba Thê, rồi lên nữa có rạch Mặc Cần Dưng vô Cần Đăng, Tri Tôn; phía trên nữa có kinh xáng Vịnh Tre, rạch Cái Dầu; đổ qua Tân Châu,
Cao Lãnh, xuống Sa Đéc bên sông trước với Tùng Sơn, Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Tân Quí Đông, Tân Quí Tây cũng như về sông Hậu Giang từ Vàm Cống chạy dài xuống Thốt Nốt dọc theo các vùng quê Cái Dầu, Định Yên, Hòa Lạc, Định An, Lai Vung thuộc phần đất Lấp Vò cũ, và giữa dòng sông cái với các cù lao vùng Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây thuộc Thốt Nốt hoặc kinh Cái Sắn vô vùng Tân Hiệp vào mùa tháng năm nước đục là cả một vùng sông rạch rộng bao la. Mùa thả lưới cá mè vinh, cá dảnh, cá hô, cá tra, cá vồ, cá bông lau từ miệt Biển Hồ trên Cao Miên tràn xuống vùng châu thổ miền Tây Nam Phần này như những ngày hội thả lưới thưa bắt cá trắng vào mùa.
Ảnh Huỳnh Phúc Châu (Nguồn vnphoto.net)
Lưới cá Linh
Vào tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch cũng là mùa giăng lưới cá linh. Lưới cá linh hồi đời trước vì đan bằng chỉ, bằng gai nên lưới không bén như mấy năm sau này đan bằng nilon sợi nhỏ và mềm. Lưới cá linh dày cỡ một phân vào đầu mùa; đến gần cuối mùa, nhứt là lúc cá bắt đầu ra sông vào con nước kém mùng 10 tháng 10 âm lịch thì lưới phải thưa hơn nhưng không lớn quá hai phân; trung bình lỗ lưới một phân rưỡi là bắt cá linh lớn lúc cá ra sông là vừa.
Nhớ mấy năm 1980, vào mùa này tôi bủa chừng năm trăm thước lưới cá linh từ lúc hừng đông khi chùa vừa công phu hiệp nhứt, tới lúc trời còn tờ mờ sáng là bủa xong lưới, thì tới chiều về, cá linh dính đầy vài ba khoang xuồng. Có năm tôi giăng lưới lắt nhắt mà ở nhà ủ cả chục khạp mắm cá linh để nấu nước mắm, mỗi khạp da bò ủ được một giạ rưỡi cá tươi, ăn không hết. Rồi lại tới mùa, giăng tiếp, nước mắm cá linh còn lại kêu cho bà con nghèo trong xóm lấy về ăn lấy thảo; vui lắm.
Có mấy nơi bủa lưới cá linh ăn tiền nhứt là trên cánh đồng nước bao la, nơi miếng đất nào gần ngọn mương là cá linh nhiều. Thêm nữa, giữa cánh đồng nhiều rong đuôi chồn, mã đề dày bịt mà có một cái láng trống nằm ngay giữa đất, và nếu bủa lưới ngay láng trống này chắc chắn lưới vừa bủa xong vài chục phút là cá linh sẽ dính guộn viền. Hoặc những miếng ruộng nào mà nhạn đất cứ bay vần vần trên bầu trời hoài không chịu bay đi nơi khác, thì đây là dấu hiệu cá linh đang bơi lội trong rong, trong cỏ nhiều lắm; nếu chịu để ý các bầy nhạn và bủa lưới cá linh vào những chỗ đó thì cá linh dính lưới nhiều lắm.
Giăng lưới cá linh tháng 9 trên cánh đồng Rạch Trầu.
Nói cá linh trên đồng nhiều vô số kể nhưng không phải lúc nào cá cũng dễ dính lưới. Một ngày, thường thường, cá chỉ dính nhiều nhất vào hai giác: buổi sáng khi mặt trời chưa mọc và buổi chiều khi mặt trời sắp lặn. Do vậy, muốn giăng lưới cá linh phải chuẩn bị đi cho thật sớm sao cho trời vừa hừng sáng là bủa xong hết các tay lưới mà mình mang theo. Buổi chiều nán ở lại chờ cho tới trời gần sụp tối mới cuốn lưới. Giác chiều này cá linh dính không cách gì gỡ cho xuể, phải cuốn lưới mang về nhà và cả nhà xúm nhau tiếp giũ lưới cho cá linh văng ra, có khi tới tối mịt mới xong. Nhiều lúc giăng lưới cá linh rất cực như vậy nhưng vui lắm.
Còn giác trưa, trời nắng gắt, cá linh dính lai rai vì chúng trốn trong rong, ít đi kiếm ăn. Khi trời đang nắng mà bỗng đổ cơn mưa bất chợt thì cá linh ở đâu là cứ ở đó, không di chuyển cho dù đang mùa cá ra sông tháng 10, tháng 11 âm lịch. Gặp mấy trường hợp này, chúng tôi cuốn lưới, chống xuồng về nghỉ ngơi cho khỏe, vì cá có dính đâu mà ngồi chờ.
LTT
Kỳ tới: Lưới Cá Trắng