Lời toà soạn: Anh Thư tốt nghiệp Cử nhân ngành Tội Phạm Học (Criminal Justice) và bằng Cao học ngành Quản Trị Thương Mại (MBA), hiện đang theo học trường luật tại Đại học Texas Wesleyan School of Law.
Mục Đời Sống & Pháp Luật từ nay sẽ được thay thế bằng “Góc Hoàng Hoa”, nơi đây Anh Thư sẽ có một không gian rộng rãi hơn để có thể chia sẻ với quý độc giả nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.
Tèo nhìn vào cỗ quan tài một cách vô cảm. Trên gương mặt người chết như thoảng một nụ cười bình an. Cha nó đó, ruột thịt mà sao nó vẫn dửng dưng như chưa hề quen biết. Thực sự, đối với Tèo lúc đó thì có cha mà cũng như không, chỉ thêm phần hổ thẹn.
Tranh : BẢO HUÂN
Tèo sinh ra khi đất nước đang chìm trong bom đạn. Tháng 4 năm 1975 là khi nó vừa được lên 5. Chưa kịp hưởng trọn niềm vui của tuổi ấu thơ thì biến cố lớn đã ập vào gia đình nó. Cha bị bắt đi tù cải tạo. Cả gia đình phải đi kinh tế mới.
Sau một thời gian ở vùng kinh tế mới không kham nổi sự cực khổ đói rách bịnh tật, gia đình nó trốn về lại thành phố.
Ban đầu nó cũng chẳng có một khái niệm rõ ràng về cuộc sống của mẹ con nó sẽ thay đổi như thế nào. Mẹ thì ngày càng gầy rộc đi, mắt quầng thâm vì phải bôn ba thức khuya dậy sớm lo đồng tiền bát gạo. Mẹ còn phải chăm sóc bà nội bệnh. Rồi thỉnh thoảng mẹ lại vắng nhà cả tuần vì đi thăm nuôi cha ở đâu đâu xa tít tắp.
Nó thèm và nhớ cái thuở trước 1975. Vì cái khắc nghiệt của chiến tranh và trách nhiệm nặng nề của một người lính, nên nó ít khi gặp được cha nó. Nhưng nó vẫn rất toại nguyện với cuộc sống hằng ngày vì nó thường được ngả đầu lên mẹ, nghe mùi da thịt mẹ thơm tho mát lịm, được mẹ vuốt ve tóc và thủ thỉ trò chuyện như một người bạn thân. Đối với nó hình ảnh mẹ lúc đó sao mà hoàn mỹ quá, thánh thiện quá. Dù còn nhỏ, nó vẫn biết hãnh diện với bạn bè con nít trong xóm là “mẹ tao đẹp hơn mẹ mầy”. Nó thầm chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu sa của bà và so sánh bà với những người phụ nữ khác cùng xóm một cách tự hào.
Mẹ nó là một người phụ nữ có ăn học gốc Bắc với cái duyên dáng, sâu sắc rất đặc trưng. Ngoài khuôn mặt xinh xắn, bà lại có một tiếng nói rất êm dịu, ấm áp, nhẹ nhàng như hương đồng cỏ nội ngọt ngào thoang thoảng trong nắng trưa hè. Mẹ nó lại còn làm thơ viết văn rất hay nữa. Mà cái lối nói chuyện ví von của bà thì nó cảm thấy lôi cuốn một cách lạ kỳ.
Nhưng biến cố lịch sử đã làm thay đổi mọi thứ một cách sửng sốt. Ngay cả con người. Làn da trắng ngần của mẹ trở nên rám nắng bởi phải buôn gánh bán bưng cả ngày ngoài đường. Những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện trên vầng trán và đuôi mắt. Chất thơ của bà cũng cạn kiệt. Thay vào đó là sự trầm ngâm, khắc khoải với những lo toan tầm thường của cuộc sống hằng ngày. Nhưng ngày lại qua ngày, mẹ con bà cháu nó bảo bọc nhau để sống.
Đến đầu thập niên 80 thì một biến cố khác lại thay đổi cuộc sống tưởng như đã theo nếp của gia đình nó.
Một hôm trên đường đi học về, thằng hàng xóm chạy theo réo “Cha mày về rồi đó. Ổng bị điên.” Tèo hồi hộp lắm. Chân nó cứ ríu vào nhau. Nó cố chạy thật nhanh về nhà. Dù ký ức về cha tương đối nhạt nhòa nhưng nó vẫn thường mong đợi ngày cha về, mà mẹ và bà nội cũng thường khắc khoải chờ trông. Nhưng vừa đến cổng thì đã có một đám đông chen chúc nhau trước nhà. Họ chỉ trỏ, xầm xì. “Ông này gan thế, mới đi học tập về mà còn dám chửi chính quyền.” “Chắc bị đày đọa lúc học tập dữ lắm nên bị điên rồi, mà điên mới dám vậy, chứ không, ai mà cho về.” “Không khéo công an phường nó lại lôi lên đập cho một trận thì chết…”
Tèo cố len lỏi vào, nó thấy trước sân nhà là một người đàn ông với thân hình gầy gò, trên người độc mỗi cái quần đùi đang hung hăng chửi rủa, tay vung vẩy lên trời. “Đ. mẹ Cộng Sản. Chúng bay là cái lũ độc ác, tàn bạo…” Ông tuôn ra một tràng dài những câu như vậy.
Tèo xấu hổ quá chạy vụt vào trong nhà. Nó muốn bịt tai, bịt mắt lại để không bao giờ phải đối diện với cha. Một hồi sau tổ dân phòng đến. Họ đe dọa ông cũng không im, rồi có người nhảy vào đánh ông, mẹ nó và nội la khóc vái lạy van xin, nhưng họ cũng lôi ông xềnh xệch lên công an phường.
Sau nhiều lần như vậy, họ cũng đành bó tay với một người điên. Ông cán bộ phường đành ra lệnh mặc kệ cái thằng điên “khốn nạn” đó vì nó chỉ được cái mồm nhưng cũng chẳng làm gì được ai.
Riêng Tèo thì dù từng ước ao có cha bên cạnh nhưng bây giờ thì rõ ràng là cha nó bên phe địch và ngoài ra cha điên như thế thì nó cũng chẳng thèm. Hằng ngày nó vẫn hăm hở chào cờ đỏ sao vàng trước khi vào lớp. Được thầy cô dạy về đường lối và chính sách của đảng và bác, nó cảm thấy gần gũi và yêu kính bác Hồ hơn cả cha nó nhiều lắm. Nó thường xuyên được nghe những mẩu chuyện về tấm gương hy sinh của bác cho đất nước và dân tộc. Nó còn được nhìn thấy bác hằng ngày vì hình bác được treo ngay trên chính giữa hai tấm bảng đen trong lớp học. Còn hình của cha mặc đồ quân phục của chế độ cũ mẹ phải đem đi chôn, đốt hoặc giấu đi chứ đâu có được trưng bày hay treo lên trân trọng như thế. Thế mà cha nó lại dám chửi rủa đảng và bác. Nó mặc cảm, xấu hổ và ước gì nó đã không sinh ra trong một gia đình “ngụy quân, ngụy quyền”. Nó cũng ước gì mẹ nó không phải là dân buôn bán vì theo cô giáo nói dân buôn bán là dân tư sản. Nó chỉ thèm muốn được có một lý lịch tốt như những đứa bạn cùng lớp với nó.
Thế là ngày qua ngày, cha nó lại tiếp tục chửi chế độ cộng sản. Nhà đã vốn nghèo khổ khi trông chờ vào đồng tiền kiếm ăn của mẹ, nhưng giờ lại càng bi đát hơn vì lại có thêm một miệng ăn. Tèo tuyệt đối không muốn gần gũi cha một chút nào. Chửi mệt ông lại vào nhà ngồi rít thuốc lào, mắt dõi theo một nơi nào xa xăm lắm. Những đêm trời tối cúp điện, ánh lửa từ đầu thuốc ông hút chập chờn như thể đom đóm leo lét lượn lờ tìm kiếm một chân trời mới một cách vô vọng.
Mẹ bảo nó bưng nước, bưng cơm cho cha thì nó vênh mỏ trả treo “con không bưng cho ông điên ấy đâu”. Mắt mẹ lại ngấn lệ “điên hay không thì vẫn là cha của con, con không được nói hỗn.” Thế là nó tiu nghỉu làm vì không muốn mẹ phiền lòng. Mỗi khi nó tới gần cha, ông ngưng miệng chửi và nhìn nó mỉm cười một cách trìu mến. Ông dang rộng hai tay khẳng khiu ra như chỉ chực ôm nó vào lòng. “Không… không… không!” Nó quẳng khay cơm rồi vừa chạy đi vừa hét. Ánh mắt cha bỗng chùng xuống mênh mông. Sự hụt hẫng, thất vọng in dài trên từng nếp nhăn nơi khóe mắt. Ban đầu nó sợ lắm, như sợ bị ông bắt cóc và đưa nó vào thế giới man dại của ông. Nhưng riết rồi nó cũng quen. Đôi khi lại còn trêu ghẹo ông bằng cách giả bộ đến gần như sắp chạm vào vòng tay ông nhưng rồi lại chạy đi cho ông với tay hụt nó. Từ đó nó và cha lại có một trò chơi với nhau.
Dần dà có sự thân mật hơn chút. Mỗi khi xuân về ông lại dạy cho nó làm pháo nổ oanh nhất xóm, chưa bị lép bao giờ, làm mấy đứa con trai cùng xóm ganh tị. Cha còn chỉ cho nó làm giàn ná bắn chim và cách nhắm làm sao để bắn trúng. Những khi chỉ có anh em nó, hay mẹ và bà, nó thấy ông chẳng điên tí nào. Ngược lại ông rất tỉnh táo và tình cảm. Đôi khi tri giác nó thôi thúc nó lao vào vòng tay ông và nói “Cha ơi con cám ơn cha” vì nó cảm thấy một sự gần gũi, thân quen khó tả. Nhưng rồi sự mặc cảm với bạn bè, đã làm nó khựng lại. Nó quen với sự hiện diện của ông nhưng vẫn không thể nào hoàn toàn chấp nhận ông với vai trò làm cha của nó.
Một hôm cha đòi mẹ cho đi bán vé số phụ giúp gia đình. Mẹ ngần ngừ nhưng cuối cùng cũng chiều theo, một phần mẹ cũng cần sự đỡ đần trong việc kiếm ăn hằng ngày. Cha đi lang thang từ đầu hẻm đến cuối xóm, bán vé số thì ít mà chửi chế độ thì nhiều. Dân chúng đa số lảng tránh ông vì sợ bị vạ lây, kể cả bà con của nó. Nhà cán bộ trong vùng thì khinh bỉ nhổ nước miếng xuống đất đuổi ông đi khi gặp ông cầm xấp vé số đi ngang. Họ còn gọi ông là “cái thằng khốn nạn”. Ông cũng không vừa, nhổ toẹt nước miếng chửi lại.
Tiếng xe tải thắng két lại một cách khô khốc. Mùi cao su bánh xe khét lẹt. Tèo vừa lơ đãng qua đường thì bị ai đó bất ngờ đẩy mạnh vào người nó. Chưa kịp hoàn hồn, nó nhận ra thân thể của một người nằm sóng soài máu loang trên nền đường. Những tấm vé số vung vãi bị gió cuốn bay. “Chết rồi làm gì cứu được nữa”, “Cái thằng điên này mà lại can đảm cứu người cơ”… Đám đông vây quanh xầm xì rồi họ lấy cái chiếu trùm xác ông lại.
Quan tài quàn mấy ngày trong nhà. Những người bà con xa đều đến viếng.
Bà nội khóc bù lu bù loa. Mẹ cũng nấc lên nghẹn ngào từng cơn. Hai đứa em Tèo nheo nhóc khóc theo mẹ. Tèo cũng cảm thấy như mất mát một điều gì đó nhưng nó không khóc mà chỉ đăm chiêu suy nghĩ. Nó đọc thấy nỗi buồn trong mắt mẹ, nỗi đau thương trong mắt bà. Không khí ảm đạm lây qua nó. Đi học về, nó chui vào một xó ngồi thẫn thờ. Bên ngoài tiếng nấc của mẹ nó vang lên khi có người tới viếng quan tài.
Buổi tối đó nó mon men đến gần mẹ và hỏi: “Mẹ ơi Cha có điên không mẹ?” Mẹ nó trầm ngâm như cố tìm lời giải thích cho một đứa con nít 12 tuổi đầu óc còn quá non nớt. Rồi mắt bà lại ngấn lệ, nhưng giọng nói cương quyết và không kém phần ngưỡng mộ: “Cha con không điên, những lời cha con chửi đều đúng cả.” Tèo chau mày suy nghĩ.
Đường đi ra nghĩa trang mưa lất phất bay. Tiếng người khóc lóc dai dẳng. Họ chuẩn bị hạ huyệt cha nó xuống. Cảm giác tuyệt vọng, mất mát bất ngờ đâu đâu bỗng tràn về như sóng. Nó chợt nhớ ra mình chưa bao giờ gọi ông bằng cha hay tỏ một cử chỉ yêu thương gần gũi nhưng ông vẫn sẵn sàng hy sinh tính mạng của ông để cứu nó. Tèo chạy đến quan tài như chuẩn bị lao xuống huyệt cùng cha nó. Nó gào thét bi ai “Cha… cha…cha của con ơi. Con yêu cha lắm. Ai sẽ vấn pháo xuân với con đây… Cha ơi.” Người ta vội vàng níu nó lại. Nó càng thét đến khản cổ. Nó khóc như chưa hề được khóc. Người ta phải lôi nó ra xe để về nhà. Nó như bị linh hồn oan uổng nào nhập vào xác.
Sau khi cha nó chết nó trở nên bần thần đi vào đi ra cả ngày trong nhà, rồi lại nằm bẹp trên giường mắt sưng húp vì khóc thương cha. Nó cũng ngưng hết những hoạt động công tác đoàn đội trong trường. Cả đến mẹ an ủi cũng không hề hấn gì. Nó thường lẩm bẩm trong miệng điều gì không ai nghe rõ. Trong xóm có người xấu miệng bảo máu điên nó di truyền rồi. Chắc hết đời cha thì đời con lại điên thôi.
Một tuần sau Tèo bật dậy, mắt ráo hoảnh. Hôm nay là ngày sinh nhật của nó. Thay vì vòi vĩnh mẹ cho quà sinh nhật nó một mực đòi đi thăm mộ cha. Nó mua một cái thiệp đơn giản, rồi nắn nót viết và trân trọng để kế bên bát nhang nghi ngút.
“Cha ơi, xin cha tha lỗi cho con. Cha mới thật là người cha can đảm. Và cha chẳng bao giờ là người điên như người ta gọi cha.
Cha vĩnh viễn là người cha yêu kính của con. Con của cha: Tèo”.