Menu Close

Nhân chứng cho việc làm Di Chúc vài điều cần cân nhắc

Luật di chúc Texas và phần lớn các tiểu bang khác đòi hỏi ít nhất là 2 nhân chứng trên 14 tuổi, đáng tin cậy (credible) ký tên trên tờ di chúc.*  Các nhân chứng không bắt buộc phải ký vào tờ di chúc cùng một lúc mà họ có thể ký tên riêng rẽ vào những thời điểm khác nhau miễn sao họ ký tên trước mặt người làm di chúc sau khi người làm di chúc ký tên. Nhưng người làm di chúc thì không bắt buộc phải ký tên trước mặt nhân chứng.  Ngoài ra nhân chứng không cần phải biết rằng tờ giấy họ ký là tờ di chúc. (Case: Davis v. Davis). Họ cũng không cần biết nội dung của tờ di chúc bao gồm những gì.

Khi ra tòa thì chỉ cần 1 trong những người nhân chứng đứng ra xác minh. Nhưng để tránh phiền phức về việc ra tòa minh chứng di chúc, đa số di chúc được hoàn thành có kèm theo phần tuyên thệ gọi là “Self-Proving Affidavit” nghĩa là ngoài việc ký tên trên tờ di chúc, các nhân chứng và người làm di chúc cũng phải ký tên trên phần tuyên thệ này để tờ di chúc có thể được đăng ký với chính quyền trong việc phân chia tài sản mà không cần nhân chứng phải ra tòa kiểm chứng.

Trong trường hợp nhân chứng cũng là người được nêu tên trên tờ di chúc để được thừa kế tài sản thì luật pháp thường tự động truất quyền thừa kế của người đó vì theo luật di chúc những nhân chứng có dính dáng đến lợi ích phân chia tài sản sẽ có động lực để nói dối. Tuy nhiên luật di chúc Texas đưa ra 3 trường hợp ngoại lệ mà người làm nhân chứng cũng có thể là người thừa kế nếu:

1. Nhân chứng đó đương nhiên cũng có quyền thừa kế khi không có di chúc và mức tài sản thừa kế đưa ra trong di chúc ít hơn hoặc bằng mức thừa kế tài sản khi không có di chúc vì trong trường hợp này luật pháp cho rằng họ không có lý do gì để nói dối;

2. Tờ di chúc có thể được chứng minh hợp lệ mà không cần đến người nhân chứng này, chẳng hạn người làm di chúc dùng 3 nhân chứng khi thực hiện di chúc;

3. Lời làm chứng của nhân chứng đó được xác nhận bởi một người không phải là nhân chứng, một người không vụ lợi trong việc phân chia tài sản và có khả năng kiểm chứng trước tòa, chẳng hạn như người luật sư làm thủ tục cho tờ di chúc đó.

Đa số di chúc được thi hành một cách êm đẹp. Tuy nhiên trong trường hợp bất đắc dĩ thì sau đây là những điều bạn cần lưu ý trong vấn đề nhân chứng khi làm di chúc vì khi có thưa kiện người nhân chứng trở nên rất quan trọng trong việc chứng minh sự hiệu lực của tờ di chúc.

– Nhân chứng nên là những người quen của người làm di chúc để khi cần thiết họ có thể ra tòa chứng minh sự minh mẫn sáng suốt của người làm di chúc khi di chúc được hoàn tất cũng như những chi tiết về nghi thức hợp pháp hóa tờ di chúc.

– Không nên chọn nhân chứng là người được thừa hưởng của cải hay thân nhân của người làm di chúc.

– Đôi khi trong trường hợp khẩn cấp bác sĩ, y tá hoặc nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân được chọn làm nhân chứng cho việc làm di chúc cho bệnh nhân đó. Tuy nhiên có khá nhiều tranh cãi trong việc này vì khi cần phải ra tòa minh chứng, những người nhân chứng này thường bị tra hỏi hoặc vì thói quen nghề nghiệp họ tự khai quá nhiều vào chi tiết bệnh án một cách không cần thiết khiến bồi thẩm đoàn (jury) hoặc quan tòa (judge) lại nghi ngờ về khả năng nhận định sáng suốt của người làm di chúc và gây trở ngại cho việc hợp lệ của tờ di chúc.

– Ngoài ra yếu tố sức khỏe và tuổi tác của nhân chứng cũng khá quan trọng. Nên chọn nhân chứng khỏe mạnh và trẻ tuổi hơn người viết di chúc để họ có thể ra tòa khi cần thiết.

– Thêm vào đó nhân chứng nên là người không di chuyển (move) hoặc dọn chỗ ở thường xuyên vì như vậy thì có thể gây bất tiện khi cần phải tìm kiếm người nhân chứng này.

– Yếu tố thần sắc và khả năng ăn nói của người nhân chứng cũng nên được cân nhắc. Khi ra tòa người nhân chứng có khả năng tạo ấn tượng tốt và nói chuyện một cách thuyết phục cũng rất lợi hại khi cần chứng minh với bồi thẩm đoàn hoặc quan tòa về những nghi ngờ, tranh chấp của tờ di chúc.

– Ngoài ra phần thực hiện cũng giúp chứng minh sự hợp lệ của tờ di chúc. Những người nhân chứng nên đọc to phần cuối của tờ di chúc chứng nhận việc làm nhân chứng (attestation clause) để giúp họ nhớ phần nghi thức thực hiện tờ di chúc trong tương lai khi họ cần phải ra tòa minh chứng. Mỗi nhân chứng nên viết tắt tên mình ở bên lề hoặc phần cuối của mỗi trang của tờ di chúc vì nó giúp tránh tranh cãi về việc trang nào đó của tờ di chúc bị thay đổi mà không thông qua sự đồng ý của người viết di chúc.

– Phần thủ tục cũng quan trọng không kém. Trong một vụ kiện, Broach v. Bradley, tòa đã không chấp nhận phần tuyên thệ của tờ di chúc chỉ vì người thị thực chữ ký (notary) đã không thi hành đúng cách

Dưới đây là những câu hỏi mà người thị thực chữ ký phải hỏi nhân chứng (một vài câu hỏi mang tính chất thủ tục vì câu trả lời của nhân chứng có thể không ảnh hưởng đến sự hợp lệ của tờ di chúc):

1. Người làm di chúc (testator) có nói cho bạn biết đây là di chúc của họ không?
2. Đây có phải là giấy tờ di chúc cuối cùng của người làm di chúc không?
3. Người làm di chúc có muốn bạn ký tên với tư cách là một nhân chứng không?
4. Bạn đã ký tên với tư cách là một nhân chứng phải không?
5. Bạn đã ký tên trước mặt người làm di chúc phải không?
6. Bạn đã ký tên trên tờ di chúc bởi sự yêu cầu của người làm di chúc phải không?
7. Khi tờ di chúc được thực hiện người làm di chúc 18 tuổi trở lên phải không?
8. Lúc đó tâm trí người làm di chúc có minh mẫn không (sound mind)?
9. Bạn ít nhất là 14 tuổi trở lên phải không?

Quan niệm của đa số người Việt Nam rằng “chết là hết”. Tuy nhiên mỗi người chúng ta nên làm di chúc càng sớm càng tốt vì ngoài việc di chúc giúp thực hiện đúng theo ý nguyện của người qua đời, nó cũng đơn giản hóa việc phân chia tài sản cho những người còn sống và giúp tránh những xung đột không cần thiết giữa những người thân. Do đó hoàn thành di chúc và cân nhắc cẩn thận về vấn đề nhân chứng cũng là một hành động chu đáo chăm lo đến người thân trước khi mình qua đời.

 AT