Tưởng tượng nỗi kinh hoàng mà những ngư dân Việt Nam vùng Galveston phải đương đầu khi từng đám người của nhóm cực đoan KKK trùm kín từ đầu đến chân như thần chết trong những chiếc áo choàng trắng toát hoặc đỏ
như máu với hai lỗ khoét ở vùng mắt, tay lăm lăm vũ khí lượn lờ chung quanh chỗ ở hoặc tàu đánh cá của những ngư dân Việt Nam với những cử chỉ điệu bộ hung hăng, khiêu khích như sẵn sàng lấy máu.
Hồ sơ tòa án có ghi nhận cô Phương Phạm đang trông cháu ở nhà người anh đã quá khiếp sợ bọn KKK khi chúng đậu tàu ngay sát sau nhà với những hình nộm treo trên tàu, trong bộ áo choàng trắng toát vung vẩy súng về hướng nhà cô. Cô hoảng hốt bồng cháu chạy sang trú nạn ở nhà người họ hàng và từ đó không dám trở về nhà người anh nữa.
Louis Beam, một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, người cầm đầu nhóm KKK có những hoạt động và tổ chức đe dọa ngư dân Việt Nam
Cô Đỗ Thị Đời vợ của một ngư dân khai trước tòa rằng cô từng bị nhóm KKK chĩa súng đe dọa. Nhóm này còn cả gan bắn đại bác vào không trung chung quanh vùng nước mà người ngư dân Việt Nam sinh sống. Đó là những ngày tháng kinh hoàng ngay trước khi mùa đánh bắt tôm giữa tháng 5, năm 1981.
Sau 30 tháng 4 một số người Việt Nam chọn Texas để định cư. Người gốc Á Đông khi ấy ở Texas còn rất thưa thớt. Ban đầu, khoảng năm 1976 người Việt Nam được đưa đến một thị xã nhỏ có tên là Seadrift ở vùng biển Galveston để làm cho một nhà máy chế biến cua mới thành lập cần nhiều nhân công. Nhưng sau đó người Việt Nam cùng nhau hùn vốn mua tàu để đánh bắt tôm cua như những người ngư dân bản xứ. Thị xã này vốn là một khu dân cư nhỏ bé với rất ít cơ hội làm ăn sinh sống, nên những ngư dân bản xứ cảm thấy miếng cơm manh áo của họ bị đe dọa bởi những nhóm tị nạn người Việt Nam, họ tỏ thái độ lo lắng. Báo chí có ghi nhận tình hình căng thẳng bắt đầu từ năm 1979 khi người Việt Nam bắt đầu bị đe dọa quấy nhiễu bởi người bản xứ. Nhưng đến đầu tháng 8 năm 1979 thì đúng là tức nước vỡ bờ khi những chiếc tàu đánh cá của người Việt Nam bị đốt và nhà bị đánh bom. Đó cũng là lúc xảy ra việc đánh nhau giữa một nhóm ngư dân Việt Nam và ngư dân bản xứ, dẫn đến một ngư dân bản xứ tên Billy Joe Aplin bị bắn chết. Nhưng tòa tuyên bố rằng hai anh em ngư dân Việt Nam liên quan đến vụ đó, Nguyễn Văn Sáu và Nguyễn Chính, vô tội vì lý do tự vệ. Lập tức làn sóng phẫn nộ từ phía người bản xứ càng lan rộng. Việc này gây sự chú ý đến nhóm cực đoan KKK và trong vòng 2 năm sau đó cuộc sống của người ngư dân Việt Nam như địa ngục.
Những ngư dân bản xứ phản ảnh lên chính quyền địa phương rằng số ngư dân ở vùng vịnh đã quá đông ngay cả trước khi người Việt Nam đến định cư. Sau khi người Việt Nam xâm nhập vào nghề đánh cá, một số ngư dân bản xứ đã phải bỏ nghề hoặc bị phá sản. Họ cho rằng những ngư dân Việt Nam không tuân theo luật đánh cá của Mỹ, mà đánh bắt một cách bừa bãi, bất kể kích thước hải sản gây ra khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra họ than phiền rằng mức sống của người Việt Nam quá thấp dẫn đến việc cạnh tranh kinh tế một cách bất công cho người bản xứ khi người Việt Nam sẵn sàng làm nhiều giờ với mức lương thấp hơn người bản xứ rất nhiều. Ngoài ra việc ngư dân Việt Nam sẵn sàng bán tôm cá đánh bắt được với giá thấp hơn giá thị trường lúc đó cũng dẫn đến việc cạnh tranh phá giá một cách thiếu lành mạnh. Nhưng khi nỗi lo âu của họ không được nhà nước giải quyết thỏa đáng, những người ngư dân bản xứ đành trông cậy vào nhóm quá khích KKK để bênh vực cho quyền lợi của họ.
Vị quan tòa Gabrielle K. McDonald
Vào giữa tháng 2 năm 1981 họ tụ họp khoảng 750 người gồm những người ngư dân bản xứ và thành viên của nhóm KKK trong áo choàng trắng và trang bị súng ống tại vùng Santa Fe. Họ hô hào khẩu hiệu “chiến đấu… chiến đấu… chiến đấu” và “máu… máu… máu”. Cũng trong dịp tụ họp này mà những người cầm đầu nhóm KKK hướng dẫn mọi người đốt tàu người Việt Nam như thế nào. Nhóm này cũng đề nghị huấn luyện chiến đấu cho những người ngư dân bản xứ trong những trại huấn luyện quân sự của họ.
Những ngư dân Việt Nam cũng bắt đầu liên kết với nhau thành hội ngư dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Cựu Đại Tá Nguyễn Văn Nam để đương đầu với tình huống bất đắc dĩ. Họ được đại diện bởi luật sư Morris Dees, một luật sư nổi tiếng ở Mỹ, là người tranh đấu kiên trì cho nhân quyền và bình đẳng cho dân da màu. Nhưng ngay trước khi ra tòa, những ngư dân Việt Nam đã tỏ ý bỏ kiện vì họ lo ngại đến sự an toàn của chính họ cũng như của gia đình họ. Luật sư Morris liền tụ họp nhóm ngư dân Việt Nam tại một nhà thờ Công Giáo và kể cho họ nghe về sự tranh đấu cho bình quyền, bình đẳng của Martin Luther King và sự kiên cường, dũng cảm của người dân da đen trong sự tranh đấu này từ những thập niên 60’s khi người da đen bị đàn áp một cách dã man và ngay cả nhà thờ của họ cũng bị đốt cháy hằng ngày. Những ngư dân Việt Nam trầm ngâm lắng nghe và rồi dù không nói một lời họ quyết định tiếp tục vụ kiện. Ngay trước khi mùa tôm vào tháng 5 năm 1981, một lần nữa Trời lại phù hộ cho họ, khi vị quan tòa xử án là một người da đen tên Gabrielle K. McDonald. Bà là một trong những người hoạt động tích cực để bảo vệ bình đẳng bình quyền cho tất cả những người dân da màu. Bà lập tức ra lệnh tạm thời cấm nhóm KKK và những người ngư dân bản xứ đe dọa hoặc ngăn chặn ngư dân Việt Nam hành nghề. Vào tháng 7 năm 1981 và tháng 6 năm 1982 bà đã xử cho ngư dân Việt Nam được thắng kiện dù trước đó nhóm KKK đã nỗ lực truất phế bà ra khỏi ghế quan tòa trong vụ kiện này vì họ cho rằng quá trình làm việc của bà chứng minh rằng bà sẽ thiên vị cho bên phía ngư dân người Việt Nam. Với lời lẽ sắc bén bà phát hành một bản tuyên báo chứng minh sự vô lý của nhóm cực đoan và bà khẳng định rằng luật pháp Hoa Kỳ cung cấp cho cả nguyên cáo và bị cáo một vị quan tòa công bằng và khách quan chứ họ không có quyền lựa chọn hoặc chối bỏ người quan tòa trong vụ án liên quan đến họ. Sau đó bà cũng đưa ra quyết định kết án nhóm KKK đã vi phạm luật chống độc quyền của thị trường tự do. Bà cũng kết án nhóm KKK đã can thiệp bất hợp pháp với những quan hệ hợp đồng làm ăn của ngư dân Việt Nam. Và quyết định cuối cùng của bà vào ngày 3 tháng 6 năm 1982 cấm tất cả những thành viên của nhóm KKK và hội ngư dân Hoa Kỳ ở Texas tham gia những hoạt động mang tính cách đe dọa đối với ngư dân Việt Nam. Nhóm KKK và ngư dân Hoa Kỳ cũng không được phép tham gia những hoạt động mang tính cách quân sự hoặc bán quân sự. Họ phải bồi thường thiệt hại cũng như án phí và luật sư phí cho ngư dân Việt Nam.
Ngày nay mối quan hệ giữa ngư dân Hoa Kỳ và Việt Nam tại vùng Galveston đã được cải thiện khá nhiều. Một người ngư dân Hoa Kỳ tên Moore nhận xét “Nhìn chung là tất cả những xung đột là từ miếng cơm manh áo mà ra cả. Người Việt Nam hay Hoa Kỳ đều phải làm việc cật lực để cố gắng mà tồn tại thôi.”
Morris Dees luật sư tranh đấu cho bình quyền bình đẳng đại diện cho ngư dân Việt Nam
Dù thắng kiện nhưng bên ngoài hai nhóm ngư dân cũng có những thỏa thuận riêng dẫn đến một số ngư dân Việt Nam dọn đi nơi khác sinh sống và làm ăn. Ngay cả Cựu Đại Tá Nam và gia đình cũng dọn về Houston. Khi người ta hỏi những ngư dân Việt Nam tại sao quyết định dọn đi nơi khác dù họ được thắng kiện. Họ trả lời rằng họ không màng tranh đua với ai. Sự an bình là điều họ tìm kiếm vì họ đã chứng kiến quá nhiều xung đột và sự đổ máu trên chính quê hương mình. Đúng là như người Mỹ thường nói “Pick your battle”. Tạm dịch “Chọn trận mà đánh” và ngư dân Việt Nam đã thắng cuộc chiến đó nhưng họ đã khôn ngoan chọn đường mà rút đúng lúc.