Ông Julian Eliz, một bác sĩ ở Garland, TX bị vợ đưa ra tòa xin ly dị vì ông đã nhiều lần không chung thủy và đối xử với vợ một cách độc ác. Người bác sĩ đó viện lý do không chung thủy là vì hôn nhân của hai người trên căn bản là đã không hạnh phúc từ lâu nhưng vẫn gắng gượng duy trì vì hai đứa con còn nhỏ. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng ông ngủ với người khác là vì cuộc sống tình dục của hai người đã nguội lạnh và đã không còn hiện hữu nữa, lỗi do vợ ông. Tòa không chấp nhận những lý do ông đưa ra vì tòa cho rằng khi một hành động sai trái và thiếu đạo đức thì dù cho có cố biện minh bằng lý do gì thì nó vẫn là một hành động sai trái. Do đó vợ ông đã được tòa chia tài sản nhiều hơn ông.
Bộ luật gia đình của Texas, Section 6.003, có ghi rõ rằng khi một người ngoại tình thì tòa có thể cho phép ly dị khi người không có lỗi yêu cầu. Section 7.001 còn cho phép tòa tùy ý quyết định trong vấn đề phân chia tài sản chung mà không nhất thiết là phải đồng đều 50/50, miễn sao quyết định của tòa là hợp lý và công bằng. Ngoài ra, sau khi đã cân nhắc quyền lợi của đôi bên cũng như con cái của hai người, nhìn chung tòa án có thể dùng lỗi của người đã ngoại tình là nguyên nhân tan vỡ gia đình cũng như những yếu tố sau đây trong vấn đề phân chia tài sản khi ly dị (case Murff v. Murff):
1- Sự khác biệt về thu nhập giữa hai người hay khả năng kiếm tiền
2- Cơ hội làm ăn
3- Trình độ học vấn
4- Tình trạng kinh tế và trách nhiệm (chẳng hạn như trách nhiệm cấp dưỡng cho con cái từ một mối quan hệ khác)
5- Tình trạng sức khỏe của hai người
6- Sự khác biệt tuổi tác giữa hai người
7- Tài sản riêng tư
8- Tính chất của tài sản
9- Nợ nần của đôi bên
10- Những lợi ích mà người không có lỗi sẽ tiếp tục được hưởng nếu không ly dị
11- Lệnh cấp dưỡng tạm thời
12- Quà cho nhau và quà cho con cái
13- Nhu cầu của con cái dù đã trường thành
14- Thuế nảy sinh hay ảnh hưởng bởi ly dị
15- Tính chất lường gạt ảnh hưởng đến cộng đồng
16- Sự chăm sóc con cái dưới tuổi vị thành niên
17- Thái độ và hành động trong quá trình ly dị
Và khi phân chia tòa có thể áp dụng những biện pháp sau đây:
1- Bán của cải/tài sản rồi lấy tiền bán được phân chia cho đôi bên
2- Sau khi phân chia phần tỉ lệ hay phần trăm cho đôi bên, người nào muốn giữ tài sản đó phải trả tiền cho người kia theo phần trăm và giá trị của tài sản mà tòa ra quyết định.
3- Quyền lợi hoặc tài sản phân chia có thể được hưởng trong tương lai chẳng hạn như quỹ về hưu
4- Phân chia nợ nần
5- Tòa chỉ định người khác đứng ra nhận tài sản phân chia
6- Phân chia đồ đạc, lợi nhuận.
Tuy nhiên chỉ có tài sản chung mới được phân chia, còn tài sản riêng thì mỗi người được giữ nguyên. Nhưng khi ly dị tòa sẽ tự động xem tất cả các tài sản là tài sản chung. Người nào muốn được giữ lại tài sản riêng của mình phải chứng minh với những bằng chứng rõ ràng và thuyết phục (clear and convincing evidence). Section 3.001 định nghĩa tài sản riêng bao gồm: tài sản được sở hữu riêng biệt trước khi kết hôn, tài sản được tặng/thừa kế riêng sau khi kết hôn, tiền bồi thường thương tích cá nhân do tai nạn (recovery for personal injury), quà tặng nhau ngay cả khi đó là tiền bạc từ thu nhập cá nhân.
Ly dị là một điều đáng buồn bất kể vì lý do gì. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người vợ, người chồng mà còn gây tổn thương rất lớn đến con cái mà cho dù tòa có xử thiên vị cho bên không có lỗi đi nữa thì tiền rừng bạc bể cũng không thể nào giúp lành những vết thương lòng hay sự tôn trọng của những người trong cuộc. Ngoài ra luật pháp dù có xử lý một cách công bằng đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là những biện pháp mang tính chất tạm thời. Tòa án lương tâm mới là điều đáng sợ vì đó là cái sẽ dằn vặt con người ta mãi. Một văn hào nổi tiếng của Mỹ, John Updike, nhận xét rằng, đặc biệt là trong vấn đề ngoại tình, hãy đối xử với người khác như chính mình muốn được đối xử.